Monday, December 8, 2008

SỰ ĐỜI - BÀI 22


Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.


* KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU: HỒI 3
TIỀN! TIỀN! TIỀN!
THƠM QUÁ! THƠM QUÁ!

Trong Sự Đời, Bài 21: “Khủng Hoảng Toàn Cầu: Hồi 1”, bần tăng đã trình bày diễn tiến của cuộc khủng hoảng, và vạch ra chính cái Lòng Tham của các ngân hàng thương mại, ngân hàng nghiệp vụ, công ty bảo hiểm và thị trường chứng khoán đã kéo cả thế giới vào một cơn khủng hoảng với cường độ chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì đó cũng chỉ là những cơ sở kinh doanh, không thể tự nó lao mình vào chỗ chết. Chính những tên chóp bu, những chủ nhân ông, những chủ tịch tổng giám đốc, những kẻ điều hành, những tay mua bán chứng khoán và bọn đồng lõa, nói chung là chính Con Người, qua cách hành xử của mình, đã dìm cả thế giới vào cơn “Khủng hoảng Toàn cầu”.
Nhưng vì lẽ gì mà bọn đó đã hành động đầy phiêu lưu và mạo hiểm như vậy? Và hơn nữa, đã đẩy hết mọi người vào sòng bạc rủi ro cực cùng (vào chỗ chết!) một cách hợp pháp đằng đẵng 30 năm qua! Với sự đồng lõa của chính quyền, dĩ nhiên .

* KHI CÔNG BẰNG TRỞ THÀNH... CONG VÒNG
Công cuộc toàn cầu hóa đã biến tư bản sản xuất thành tư bản tài chánh, làm giàu bằng đầu cơ, lấy TIỀN làm cứu cánh. Tư bản tài chánh đã tạo ra hai tệ nạn trầm trọng, bất ổn và bất công. Bất ổn: Khủng hoảng không dứt. Bất công: một thiểu số làm giàu khủng khiếp, còn đa số thì càng lúc càng nghèo chí tử.
Nếu phân tích cho tận tường thì rất dài dòng. Vả lại, công việc đó đã có những chuyên gia kinh tế làm rồi và rất đáng tin cậy. Bần tăng bất quá cũng như bà con ta, nhưng đụng chuyện trái tai gai mắt thì muốn tìm hiểu, rồi chia xẻ những điều ghi nhận được của mình với bà con. Phần lớn cũng là xuyên qua truyền thông, báo chí, TV. Chớ bần tăng kinh cầu siêu còn chưa thuộc, ở đó mà kinh tế mí lị kinh tiết!
Bàn về cái nguyên do trực tiếp đã tạo ra Khủng hoảng Toàn cầu. Nói rõ hơn: vì sao mà bọn đầu sỏ và tay chân của các thương nghiệp đã kéo hết mọi người vào canh bạc rủi ro chết người? Cũng chẳng có gì lạ. Chỉ một chữ: THAM. Nhưng tại sao lại tham lam dữ như vậy? Tại vì họ được khuyến khích hết cỡ và được tưởng thưởng hàng chục, hàng trăm triệu, hàng chục hàng trăm tỉ đô để tham. Phải! Để tham! Không tin nổi. Nhưng than ôi! Sự thật là như thế đó!
Nền tảng cho sự tham lam và tổ chức cướp bóc đó chính là chế độ lương bổng và tưởng thưởng. Lương bổng vài triệu đô hàng năm trả cho các xếp lớn chủ chốt. Tưởng thưởng (bonus! ôi cái bonus thơm phức!) hàng chục hàng trăm triệu, hàng chục tỉ đô, trích trên tiền lời. Và hơn nữa, nếu chẳng may mất chức, đầu sỏ sẽ được bồi thường hết mức (ngay cả khi xí nghiệp bị lỗ hàng trăm tỉ đô!).Và rời khỏi phi cơ bằng “chiếc dù mạ vàng” (golden parachutes), ôm theo vài chục triệu đô mỗi đầu sỏ. Bỏ lại chiếc phi cơ đang bốc cháy không có người lái, chở đầy thường dân có tội lẫn vô tội. Không người lái? Nói vậy cũng không đúng. Vì gần 30 năm nay, từ thời Reagan qua thời Clinton, rồi thời Bush Cha, Bush Con (8 năm trời!), chiếc phi cơ tài chánh thế giới... không có phòng lái! Thì nói chi tới người lái, nói chi tới phi công phi kiếc hoặc phi hành đoàn làm chi cho mất công. Mọi người đều đánh võ tài chánh tự do, và không có trọng tài. Mọi quyền cước, mọi cú chơi xấu đều được phép trổ ra thả giàn. Chết bỏ! Nhưng võ sĩ không chết. Chỉ có khán giả vì bị trúng chưởng “cách sơn đả ngưu” mà lăn ra chết như rạ. Bravo! Bravo! Xin bà con một tràng pháo tay!
Các trường hợp, các xí nghiệp, các đầu sỏ “mạ vàng”, các traders, các golden boys le lói bị cháy túi sẽ được hài tên ở phần sau, với những con số bonus chính xác. Với một chế độ lương bổng và tưởng thưởng vi vút và quái gỡ như vậy, các tay chơi vô tình bị xúi giục liều mạng, chấp nhận hết mọi rủi ro để mong kiếm lời tối đa trong khoảng thời gian tối thiểu hầu ẵm cái bonus thơm phức (bisous! bisous! kisses! kisses! chụt! chụt!). Nếu thua thì là thua tiền của thiên hạ. Và không bị trừng phạt gì hết. Còn thắng thì hốt bạc (tiền của ta) còn nhiều hơn là trúng số độc đắc! Thử hỏi ai ngu gì mà không thử đu dây tử thần, trên lưng đeo sẵn một cái dù vàng? Phải sớm biết như vậy, bần tăng đã hỏa thiêu hồng liên tự từ khuya. Và để tóc dài, bận đồ lớn, thắt hai cái cà vạt, đổi nghề trader, rồi nhào vô Wall Street ở New York hoặc City ở London mà kiếm chác. Và cưới thêm vợ lớn, vợ bé, vợ nhỏ đào nhí, ướm thử mấy kiều, bia ôm... mút mùa lệ thủy! Tưởng gì chớ tu cho thành “chánh quỉ” thì nó dễ ợt, khỏi phải mất công dọng chuông khỏ mõ gì hết ráo.
Để cho vấn đề được cụ thể, thử tìm hiểu cái tâm sự của Kinh Kha nhập City, nghĩa là cái tâm sự của một trader nhập kinh đô London, của “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” và đánh hơi tiền. Nói tóm, một cái case study, theo tiếng Mẽo chuyên nghiệp, cho nó le lói.

*TÂM SỰ “HIỆP SĨ MÙ NGHE GIÓ KIẾM”
- “Trader”! Người là ai?
Trader là một tay chuyên mua bán chứng khoán tại thị trường chứng khoán, như tại Wall Street (NY) Mỹ, City (London) Anh, tại Paris, Franfurt, Thượng Hải, Tokyo, vân vân... Mua bán với tiền của công ty mình, của ngân hàng mình, dĩ nhiên. Nếu lời thì được thưởng bonus, 1% chẳng hạn: lời 100 triệu đô thì được thưởng 1 triệu, 1 tỉ đô thì thưởng 10 triệu.
Chơi chứng khoán “rủi ro” càng nhiều thì càng lời nhiều, càng bonus nhiều. Nhưng nếu thua thì sao? Thì ngân hàng chịu (còn phải hỏi!). Nghĩa là người hùn vốn, cổ đông, người gởi tiền cho ngân hàng chịu. Vì vậy mà hồi đầu năm 2008, ngân hàng Société Générale (SG) tại Pháp đã bất ngờ khám phá ra mình vừa lỗ mất 5 tỉ euros, một khối tiền khổng lồ! Vì sao? Vì theo lời Chủ tịch TGĐ SG, trader Jérôme Kerviel của ngân hàng đã “lén”(!) tung vào sòng bạc chứng khoán “rủi ro” một khối tiền của SG lên tới 50 tỉ euros (nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!). Kết quả: lỗ 10% tính ra là 5 tỉ euros. “Lén chơi”? Tin nổi không?
Các traders chơi chứng khoán một cách vô cùng phiêu lưu. Như đánh bạc ở Las Vegas, không có gì bảo đảm là sẽ thắng. Được nhiều thì chia bonus nhiều. Nếu thua thì ngân hàng chịu. Khoẻ re! Các traders chỉ “đánh hơi” thị trường mà đặt tiền. Cũng giống như “Hiệp sĩ mù (chỉ) nghe gió kiếm” mà múa gươm đỡ... cho ngân hàng mình. Y chang như các phim chém lộn của mấy ông “Xoa mu (lai) rai “. Từ chết tới bị thương. Nếu còn ngáp ngáp thì cũng ráng rút dao ngắn ra mà ... rọc bụng. Như mổ heo! Nhưng đó là cách hành xử của mấy ông xoa mu lai rai . Về phần các traders “nghẹt mũi” thì sao? Còn khuya! Chết thì bỏ bonus lại cho ai hưởng?
- Nỗi lòng Kinh Kha Stéphane
Hiệp sĩ mù Stéphane là trader thuộc chi nhánh tại Pháp của một trong 5 ngân hàng nghiệp vụ lớn nhứt của Mỹ. Sau khi vụ khủng hoảng bùng nổ, Stéphane đã tâm sự với nhà báo để trút bớt cái nỗi lòng canh cánh của mình. Một điều ngạc nhiên: Stéphane vẫn tin tưởng vào nền tư bản tài chánh! Tuy nhiên, hiệp sĩ cũng đòi hỏi thủ cấp của những tên thủ phạm thực sự. “Cộp”! Cộp! Cộp!”. Vén màn, “Music, please!”.
“Tôi làm việc trong ngành tài chánh từ 10 năm nay. Tôi bắt đầu tại London, và rút về Paris từ 4 năm qua. Nhưng nhờ hệ thống thông tin mạng lưới, tôi cũng hoạt động như là còn có mặt tại London.
Cũng như mọi froggies, mọi traders Tây khác (ăn đùi ếch chiên bơ) đã từng phục vụ tại Wall Street Mỹ và City Anh, tôi trở về Pháp để được hưởng một đời sống tốt đẹp hơn, với một căn nhà rộng rãi tại quận 16 sang trọng của Paris.
Tôi yêu cái job của tôi, và tôi làm công việc đó rất tốt. Tôi biết vì sao mà mình được trả mức lương cao như vậy. Tôi quản trị một “túi tiền” (book) lên tới 100 triệu euros . Tôi được trả khoảng 250.000 euros (370.000 đô) một năm tính luôn bonus.
Dĩ nhiên, khi hành nghề này là tại vì người ta thích tài chánh. Thích tài chánh tức là yêu tiền. Cái bonus là thước đo để xếp hạng các traders vào cuối năm. Trong một thế giới cạnh tranh cực cùng, thì cái đạo thờ “kết quả” ngự trị. Chính nó minh chứng cho tiền thưởng bonus: Thưởng cái kết quả.
Nhưng chính điều này đã một phần nào khiến cho tôi “nhợn”. Nghề ngân hàng nói chung, và nghề trader nói riêng, là phải luôn luôn quân bình hai phần đối nghịch: một bên là các “rủi ro”, một bên là hiệu năng được thể hiện qua lương hướng. Cái luân lý chỉ đạo trong ngành này: ai giỏi thì được trả lương cao, ai dở thì bị tống cổ. Nhưng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, những tên thủ phạm đích thực đã vượt lên trên tất cả và thoát thân an toàn không bị trầy trụa một chút nào hết ráo! Tệ hơn nữa, cái bọn chóp bu của kim tự tháp tài chánh đã bỏ túi riêng của mình hàng tỉ đô bằng cách tung tiền vào những sòng bạc “cực kỳ rủi ro”, không thể nào tưởng nổi: 3 tỉ đô bonus trong vòng 3 năm vừa qua lọt vào túi các cấp chỉ huy ngân hàng nghiệp vụ Mỹ, trong đó có ngân hàng của tôi.”
- Rủi ro ngút trời cao!
“Mấy lúc gần đây, những lời chỉ trích nhắm vào nghề trader, đối với tôi tuồng như là vô nghĩa lý. Tôi ngó thấy trong những lời chỉ trích đó một sự trộn lẫn giữa ganh tị và dốt nát về ngành tài chánh, và về cách thức chuyển vận của nó. Nhưng giờ đây, tôi hiểu được sự phẫn nộ đang bùng lên. Vì sự điên cuồng của một ít người mà vô số người khác phải sạt nghiệp! Tại Pháp nhưng nhứt là tại Mỹ.
Người ta đã xúi giục ông bà Smith ở Ohio (xem Sự Đời 20) vay tiền và vay quá sức mình. Kế đó người ta lại giải thích với họ là tuyệt đối phải cứu nguy cho những kẻ đã xô họ vào tình trạng khốn đốn này. Và hơn thế nữa, họ lại còn phải bỏ tiền túi của mình ra để thanh toán cái hóa đơn cứu nguy đó. Thiệt là điên khùng hết cỡ nói! Riêng tôi, tôi vô cùng bức rức. Tôi không hiểu nổi tại sao người ta chưa chịu lôi đầu ra pháp luật những tên đã bày đặt ra cái bizinết subprimes, và nhứt là những đứa đã tung nó ra bán khắp nơi.
Sự oán hận của mọi người đã rơi lên đầu tôi, cũng như lên tất cả ngành này. Vì những tên vừa nói không những đã đưa thị trường tín dụng tới chỗ chết, mà còn lôi kéo luôn tất cả nền tài chánh theo nó. Tuy rằng các traders rất rành nghề, nhưng tôi nghĩ rằng các traders hoạt động cho subprimes không có tội tình gì hết, mặc dù họ (hay đúng hơn là ngân hàng của họ) đã thua đậm. Sự phức tạp của các sản phẩm tài chánh (chứng khoán) vượt khỏi tầm hiểu biết của họ. Họ cũng không có một ý niệm nào về những khối tiền to lớn mà họ vọc giỡn hằng ngày. Thiệt vậy. Chúng tôi hành động dựa theo tin tức. Chúng tôi phán đoán dựa trên thời giá, dựa trên các biến cố kinh tế và chính trị đang xảy ra. Và tất cả đều báo hiệu rằng các sản phẩm đó “sạch sẽ”. Thí dụ như các đồng nghiệp của tôi đã được các cơ quan chấm điểm (notation) bảo đảm hết mọi mặt. Trước đây, các cơ quan chấm điểm tuyệt hảo (the must of must) này như Moody’s, như Standard and Poor’s đã xếp các sản phẩm đó vào mức thượng thặng. Rồi bây giờ, các sản phẩm đó lại bị liệt vào hàng “độc địa chết người” (ultratoxiques). Chính các cơ quan này cũng phải trả lời về hành động của mình.
Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể xảy ra là do ở sự rượt đuổi điên khùng theo cái đạo “kiếm lời” (profitabilité) của các tay điều hành những ngân hàng lớn nhứt thế giới. Nhân danh cái mục tiêu “sinh lời” (rentabilité) của xí nghiệp, nhưng nhứt là bị xui giục bởi cái hy vọng gia tăng món tiền thưởng bonus của riêng mình vào cuối năm, họ đã thúc đẩy các traders phải chọn lựa những vị thế càng lúc càng quan trọng hơn, càng lúc càng phiêu lưu (rủi ro) hơn đối với các sản phẩm này. Tất cả mọi người đều tin tưởng và đều ham muốn subprimes. Nếu không tin tưởng, nếu chê các chứng khoán “phiêu lưu tột bực” (ultrarisqués) mà cũng sinh lời tột bực này thì nhứt định là trader sẽ chỉ đạt được những kết quả thấp hơn thị trường. Thế nhưng, kém hiệu năng là sẽ bị tống cổ liền tù tì! Vì vậy, “túi tiền” (book) do các traders quản trị chứa ngập tràn những rủi ro không tưởng nổi. Và cuối cùng, chính ngân hàng sẽ lâm vào tình thế vô cùng “phiêu lưu”, vô cùng “rủi ro” y như là “trader”.”
-Mọi người đều đánh bạc.
“Nhưng các cấp chỉ huy ngân hàng nghiệp vụ, các cơ quan chấm điểm, cho đến các traders không phải chỉ có riêng bọn chúng tôi chịu trách nhiệm. Các chính phủ đã “để mặc kệ” (laisser faire), ai muốn làm gì đó thì cứ làm. Sự lạc lối của các ngân hàng nghiệp vụ, và đứa em của nó là các quỹ đầu cơ (hedge funds) đã diễn ra và phát triển dưới mắt nhìn của giới trách chính phủ. Còn trách nhiệm của Fed thì sao? Từ hơn chục năm qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tuôn tiền ra cho vay ít lời tới mức tràn ngập Thị trường chứng khoán lai láng.
Một cách giản dị, thể lệ của “ sòng bạc” tài chánh trong đó mọi người đều đánh là như sau: một ngân hàng nghiệp vụ có thể vay nợ với lãi suất 5%. Trên 1 đô vốn, nó có khả năng vay mượn 19 đô cộng lại là 20 đô. Tiền đầu tư có thể sinh lời 15%, như vậy 20 đô sinh lời là 3 đô. Sau khi hoàn trả 19 đô cộng thêm tiền lời 5% (tính trọn là 1 đô), vẫn còn lời được 2 đô. Tóm lại, 1 đô vốn sinh ra 2 đô lời. Tính thử đi, 100 triệu vốn sinh lời 200 triệu đô, 100 tỉ vốn sinh lời 200 tỉ đô! Sau khi trừ hết mọi chi phí điều hành, tiền hoa hồng trung gian (rất nhiều môi giới), vẫn còn lại rất nhiều “địa” để chia cho cổ đông, cho các cấp chỉ huy, và luôn cho các traders dĩ nhiên. Chia nhau 200 triệu đô, chia nhau 200 tỉ đô! Đếm tiền mệt nghỉ! Ai mà không mơ ước chơi trong một “sòng bạc” như vậy?
Nói thiệt ra thì ai ai cũng chơi. Tất cả các traders. Giờ đây khủng hoảng xảy tới, mọi người đều sợ mất job. Sợ luôn cho tài sản của mình. Bởi lẽ một phần bonus của tôi được trả bằng cổ phần của ngân hàng. Tưởng không cần nói rõ thêm là giờ đây nó chẳng còn đáng giá bao nhiêu. Tôi còn độc thân và không con, vì vậy còn giữ được mực sống quân bình. Ngược lại, một số rất đông sẽ vô cùng vất vả! Ngay giờ phút này, đã có khoảng 50.000 jobs biến mất trong ngành tài chánh tại New York. Mọi việc sẽ không còn như trước nữa. Năm 2008 sẽ chấm dứt “trắng tay”, không có bonus , ngay trong ngân hàng tôi cũng như hầu hết các ngân hàng khác.
Theo tôi nghĩ thì điều này rất là hợp luân lý. Những năm tới sẽ đem lại nhiều kết quả tài chánh xấu. Và theo tôi, điều vô luân là mặc dầu vậy, các tác nhân thị trường từ cấp chỉ huy cho tới traders, sẽ không một ai hoàn trả lại các bonus đã được bỏ vào túi riêng của mình trong suốt 15 năm qua: hàng trăm tỉ đô! ”
Trên đây là tâm sự “nửa đêm về sáng” của “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” Stéphane. Bây giờ thử khám nghiệm (tử thi) con số bonus khổng lồ hàng trăm tỉ đô này để xem nó được xẻ thịt ra sao, trong vài trường hợp điển hình.
* NHỮNG CON SỐ HẾT SỨC LƯƠNG THIỆN VÀ VÔ CÙNG HỢP PHÁP
Xin nhắc lại luật chơi trong sòng bạc tài chánh trước khi xảy ra cuộc “Khủng hoảng Toàn cầu” vào tháng 9 năm 2008:
- Chơi càng rủi ro nhiều, khi ăn thì ăn nhiều, khi thua thì thua đậm. Có thể sập tiệm.
- Nếu ăn thì các đầu sỏ và hiệp sĩ mù được thưởng bonus. Chẳng hạn ăn 100 triệu đô, thì bonus có thể từ 1 đến 10 triệu đô. (Đó là cách thúc quân hiệu quả nhứt cho đầu sỏ và hiệp sĩ mù đi tiền liều mạng).
- Nếu thua thì xí nghiệp lãnh đủ. Đầu sỏ và hiệp sĩ mù không hề hấn gì. Cũng không đi tù. Được phép chơi tiếp. Và liều mạng tiếp.
- Nếu mất chức thì đầu sỏ sẽ được đền bù trọng hậu, từ 1 triệu đến 40 triệu đô, hoặc nhiều hơn nữa. Có khi còn được trợ cấp hưu trí từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đô mỗi tháng (Quá ít!).
Bà con ta đã rõ luật chơi rất công bằng (tới mức... “cong vòng”) nầy chưa? Bây giờ bắt đầu điểm binh: “Vào hàng! Phắc!” (Xin nhấn mạnh: “Phắc” ở đây là tiếng An Nam chớ không phải tiếng Mẽo) Tò te... Tò te...Tò te!... “God saved the Queen! And God shaved everybody!” Gút lắc!
- 100 tỉ euros : đó là khối tiền bonus được phân phối cho các tay chơi trong năm 2007. Chưa tính tổng cộng con số bonus từ hơn 10 năm về trước (vì sợ bà con ta bị đứng tim mà hui nhị tì bất tử).
-3,1 tỉ đô: đó là món tiền bỏ túi hợp pháp (kể cả cổ phần) trong vòng 5 năm qua của một nhóm nhỏ gồm 25 công dân Mỹ vô cùng lương thiện đứng đầu 5 ngân hàng lớn nhứt của Mỹ: 2 ngân hàng còn tồn tại là Goldman Sachs, Morgan Stanley, và 3 kia là Merrill Lynch, Lehman Brothers, Bear Stearus đã bị sập tiệm được mua lại hoặc quốc hữu hóa bằng tiền đóng thuế của 305 triệu dân Mỹ (bất lương! Trong số có hơn 300 ngàn Mỹ gốc Á Nàm Dành).
- Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ): sập tiệm. Chánh phủ Mỹ từ chối bỏ tiền ra để quốc hữu hóa.
- Chủ tịch TGĐ: Richard Fuld.
- GĐ đầu tư: G.W.Walker, anh họ của Bush Con.
Vào tháng Sáu (2008), các cổ động quan trọng đã viết thư khuyến cáo ngân hàng chớ nên ban thưởng bonus. Nhưng 2 tên đầu sỏ nói trên đã phớt lờ, tự ý tiếp tục chia và bỏ túi mình hơn chục triệu đô bonus. Ngày 10 tháng Chín, 5 ngày trước khi cuộc khủng hoảng được công bố, Fuld đã xác nhận láo khoét với những nhà đầu tư là ngân hàng Lehman không cần được “bơm” thêm vốn mới, và mọi bất động sản của ngân hàng đã được ước lượng đúng giá. Như vậy, Fuld không bị bắt buộc phải từ chức để mà tiếp tục hưởng lương cao, mặc dù ngân hàng đang lỗ nặng và nguy ngập. Đúng 5 ngày sau, Lehman Brothers sập tiệm!
Fuld: từ năm 2000 đến 2008, Fuld đã bỏ túi 480 triệu đô (đương sự đính chánh là 260 triệu đô từ 2004 đến 2008). Có một ngôi nhà đồ sộ ngó ra biển tại Florida trị giá 14 triệu đô. Một biệt thự nghỉ mát đắt giá tại Sun Valley, Idaho. Vợ Fuld sở hữu một bộ tranh sưu tập trị giá nhiều triệu đô.
- Hãng bảo hiểm AIG (Mỹ): Hiện diện tại 130 nước, thu dụng 116.000 nhân viên. Đứng hàng thứ nhì thế giới. Sập tiệm! Chánh phủ Mỹ phải bỏ ra 85 tỉ đô để quốc hữu hóa AIG. (Chi tiết nhỏ: Xếp Ngân Khố Mỹ, Paulson, là người lãnh đạo chương trình cứu nguy 700 tỉ đô của chính phủ Mỹ. Khi trước, Paulson vốn là xếp cũ của ngân hàng Goldman Sachs , đối tác hàng đầu của AIG. Có tin cho rằng Paulson đã ân hưởng 500 triệu đô trong thời gian này.Có thể là Paulson vẫn còn quyền lợi trong Goldman, trực tiếp hay gián tiếp. Vào 3 tháng chót 2008, AIG lỗ 25 tỉ đô, trong đó Goldman Sachs có mòi lãnh đủ 20 tỉ. Vì vậy mà Paulson đã tung ra 85 tỉ để cứu bồ AIG một cách hết sức là... vô tư).
Thực ra thì sở dĩ AIG bị sập tiệm là vì bởi cái bizinết của một nhóm nhỏ gồm 377 người, trụ sở đặt tại London. Nhóm này đã bán bảo hiểm loại mới, liên quan tới subprimes đầy rủi ro, lên tới mức 500 tỉ đô năm 2007. Lợi tức của nhóm này từ 744 triệu đô năm 1999 đã vọt tít lên tới 3,26 tỉ đô năm 2005! Chia đều ra, mỗi đầu người được hưởng 1 triệu đô một năm (sao mà AIG “rít chúa” quá vậy?). Khi AIG sập tiệm, xếp của nhóm này là Joeph Cassano “được” cho de và “bị” thưởng cho một cái bonus là 34 triệu đô (chưa hết!) và tiếp tục được hưởng lương 1 triệu đô mỗi tháng... sau khi rời nhiệm sở (“Điều ấy quả nhiên hiệp ý Trẩm!”). Chính xếp sòng của AIG là Martin Sullivan đã bày ra cái biện pháp độc đáo này để... tiết kiệm cho AIG (quá hợp lý!)
Vẫn chưa hết! Mặc dù năm 2007 AIG thu hoạch kết quả xấu do hoạt động đầu cơ của nhóm Cassano vào tháng 3 năm 2008 xếp sòng Sullivan đã thuyết phục “nhóm xét thưởng” của công ty là không nên dẹp bỏ cái bonus nhỏ nhoi năm 2007 là 5,4 triệu đô dành cho cấp lãnh đạo AIG, trong đó có... “Ta!” (cũng tự nhiên thôi!).
“Khoan khoan ngồi đó chớ ra!” Vì chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ hãy còn tiếp tục. (Vẫn chưa “vãn tuồng Ấn Độ”. Bà con ta hãy nán lại chờ xem cái happy end (vô cùng ly kỳ và (Bà) hạnh phước!): Bị bức xúc nặng vì AIG sập tiệm, nhóm đầu sỏ bèn kéo rốc nhau vô khách sạn hạng gộc ở Cali để mà thư giãn: tiền phòng 1000 đô một đêm, tiền chơi golf 7000 đô, 10.000 đô tiền rượu (có xâm banh dĩ nhiên), 23.000 đô tiền tẩm quất (bao gồm tắm hơi, đấm bóp, làm neo, sửa sắc đẹp, nâng bi, cạo lông chưn, nhổ lông nách, vân vân... Tuy nhiên không thấy kê khai mục “bao gái”). Tổng cộng cái biu hết sức khiêm nhường của cái khách sạn vô cùng thanh lịch: 440.000 đô (nhẹ hều! Chưa tới 1 triệu đô. Còn ức hiếp gì nữa mà rên?). Ai trả? Hỏi gì lãng nhách! Hổng lẽ bắt xếp (lương thiện) Sullivan móc túi khỉ (khỉ ơi là khỉ!) của mình ra thanh toán? Thì cứ tự nhiên mà trích chút đỉnh từ cái khối tiền khổng lồ 85 tỉ đô do dân Mỹ (bất lương) nai lưng ra đóng góp để cứu bồ AIG ra mà trả cash (nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!). Điệu này chắc 304.999.995 công dân Mỹ (bất lương) còn lại phải kéo hết nhau vô cái khách sạn thanh lịch ở Cali như xếp Sullivan (mỗi cặp 1000 đô một đêm) để mà... thư giãn vài tuần lễ cho nó đỡ bức xúc (bức nút?). Bằng không, e là sẽ phải hộc máu có chậu như Châu Du rồi nắm tay nhau nhào hết xuống thác Niagara mà thác! Và rước linh mục Bush Con tới giảng Kinh Thánh để siêu độ cho toàn chúng dân Mẽo: “God saved the King (Kong)! And God shaved all the good Americans!...” “Music, please!” “Một dòng sông... xanh xanh!... tập tập xình!... tập tập xình!...”
Mới biết, mấy chữ “In God we trust” in rành rành trên mỗi tờ đô là quá đúng, nhưng vẫn chưa đủ hết nghĩa. Lần sau có tái bản, yêu cầu bổ túc thêm cho đủ nghĩa và dễ hiểu để dân Mẽo biết trước mà đề phòng:”Only in God we trust. The others pay cash!” Please! Phen này bảo đảm bọn thợ cạo của Sở Thuế Mẽo sẽ không bao giờ thất nghiệp. Và cha truyền con nối dài dài... dài dài... để mà cạo tiếp ... cạo tiếp... (có mệt cũng không chịu nghỉ). Chớ có nhúc nhích, coi chừng bị lãnh thẹo! “Very sorry! Of course”.
- Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ): Hai năm trướùc khi vụ khủng hoảng subprimes xảy ra, ban quản trị của ngân hàng đã tiên đoán trước và đã “xoay sở” rất khôn ngoan trên thị trường chứng khoán. Kết quả: lời 16 tỉ đô! Mỗi nhân viên được chia đều 660.000 đô. Riêng vài traders xuất sắc được thưởng 100 triệu đô bonus, trong đó có xếp Ngân Khố Paulson.
Trước những bonus kếch sù như vậy, thử hỏi các traders còn ngần ngại gì nữa mà không mặc kệ hết mọi rủi ro và tung vào “sòng bạc chứng khoán” những khối tiền khổng lồ lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô? Với tiền của ngân hàng, tiền của thiên hạ, nghĩa là “tiền chùa”, dĩ nhiên. Được thì chia bonus trọng hậu. Thua thì... huề vốn (cho mình), và cũng không phải đi tù. Và tiếp tục chơi tiếp. Có sao đâu? “No stars where”? Bộ ngu sao không chơi xả láng? Trên cõi trần gian ô trọc này, chưa từng thấy một hệ thống tài chánh nào có luật chơi quái gỡ, vô trách nhiệm và chết người tới mức đó!
- Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ): Trong vụ khủng hoảng subprimes, sau khi nướng hết 10 tỉ đô của ngân hàng, Chủ tịch TGĐ là Stanley O’Neal bị bắt buộc phải từ chức. Trước khi ra đi, xếp lớn không quên vói tay bợ tạm món tiền bonus vô cùng khiêm nhượng là... 160 triệu đô! “Trời cao có thấu! Cúi xin người ban phúc cho đời con!”
- Định chế Fannie Mae (Mỹ): Fannie Mae và Freddie Mac thường can thiệp vào thị trường để bảo đảm các tín dụng địa ốc. Đó là hai định chế nền tảng của hệ thống tín dụng thế chấp của Mỹ.
Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, chính phủ Mỹ phải bỏ ra hàng trăm tỉ đô bảo trợ để tránh cho 2 định chế này sụp đổ. Năm 2007 Fannie Mae lỗ 2,1 tỉ đô trong cuộc khủng hoảng subprimes. “No stars where?” Chủ tịch TGD Daniel Muld vẫn được tăng lương và bonus lên tới mức xỉu xỉu là 13,4 triệu đô một năm (cho lên tinh thần để mà phục vụ tiếp!).
Cũng chưa nhằm nhò gì hết! Năm 2004, xếp sòng trước đó của Fannie Mae là Franklin Raines đã thổi phồng giả tạo thành quả từ năm 2001 đến 2003 lên thêm 12 tỉ đô để các xếp được chia thêm bonus (Giả thử chia 1% thì là 120 triệu đô, nếu 10% thì là 1,2 tỉ đô!) “Thì bo chút đỉnh cho em nó zui zậy mà!”) Bị quăng ra khỏi phi cơ đang bốc cháy phừng phừng Raines đã đáp xuống an toàn với “chiếc dù bọc vàng” nặng 25 triệu đô an ủi lúc hưu trí (và để mà cưới vợ bé, vợ nhỏ, đào nhí đi karaôkê và đi bia ôm đều đều trong lúc tuổi già cho đỡ buồn… héo hắt con tim!)
- Ngân hàng Bear Stearns (Mỹ): Sập tiệm. Ngân hàng JP Morgan Chase đứng ra mua lại.
Trước đó, năm 2006, mặc dù Bear Stearns đạt kết quả tồi tệ, Chủ tịch TGD James Cayne cũng đã cạy gỡ để bỏ túi mình 40 triệu đô (một cách hợp pháp, dĩ nhiên!). Năm 2008, khi bị tống cổ, xếp ta cũng đã thụ đắc liền tù tì một ngôi nhà đồ sộ nằm ngay tại khu Central Park le lói nhứt N.York, trị giá 25 triệu đô. Vay nợ ngập đầu để trả? Sức mấy! Móc túi khỉ trả tiền một cái cụp: “cash!” Bằng loại tiền “In God we trust”, vô cùng thành khẩn!
- Cơ quan tín dụng địa ốc Countrywide Financial (Mỹ): Khi khủng hoảng subprimes xảy ra, Countrywide sập tiệm, tính ra đã lỗ lã trong nhiều năm qua tất cả là 20 tỉ đô! Bank of America đứng ra mua lại.
Trong cơn khủng hoảng, xếp sòng của Countrywide là Anelo Mozilo đã cho lượng giá các stock-options của mình từ 2004 đến 2007. Và xui xẻo thay! Mozilo chỉ hốt được có một chút xíu bạc cắc lẻ tính chẵn ra là… 414 triệu đô! Năm 2006, Mozilo thương lượng lại cho mình một “chiếc dù vàng” cứu nguy là 37,5 triệu đô. Khi Countrywide bị mua lại, dưới áp lực mạnh mẽ, Mozilo đành phải bấm bụng (ui da!) từ bỏ. Tuy nhiên (phải, tuy nhiên!) Raines, cũng ẵm theo được một món tiền hưu trí “ốm nhom” là 22,4 triệu đô (để phòng khi thiếu tiền đấm bóp, làm neo và nhổ lông cẳng!)
“Xin bà con làm ơn hỷ xả cho bần tăng chút nước cao cấp và 2 viên thuốc nhức đầu hoành tráng để mà uống cho nó hạ hỏa. Sau đó, sẽ thừa thắng xông lên mà tiếp tục tính sổ bụi đời”.
- Hedge funds: là các quỹ chủ yếu dành để đầu cơ trên các thị trường chứng khoán, được cất giấu kỹ ở các “thiên đàng thuế vụ” (thường là những cù lao) để trốn thuế.
Dưới thời Clinton, do sự yêu cầu và do lobby của Wall Street, chính phủ Mỹ đã ban hành hàng loạt biện pháp nhằm khai phóng (bỏ gần hết mọi luật lệ kiểm soát) các thị trường. Kết quả: Một mặt thời giá Wall Street tăng vọt. Mặt khác, sự bùng nổ của các Hedge funds (HF) như Carlyle, Blackstone, Cerberus, Citadet, hoặc KKR. Rất là “biết điều” các HF quay lại châm dầu tràn trề cho quỹ đen Đảng Dân Chủ của Clinton (hợp lý hết cỡ nói!) “Ăn cây nào thì rào cây nấy” Chớ hổng lẽ vác búa nào tới đốn? Hiện nay (2008) kỹ nghệ HF điều hành một khối lượng tiền khiêm nhượng là 2100 tỉ đô (quá ít!).
Các hoa hồng đồ sộ và lương thiện lấy trên các HF chỉ chịu thuế 15%, thấp hơn nhiều so với mức thuế 36% đánh trên một người Mỹ trung bình (bất lương). Mức thuế thấp này đã cho phép hai tay thành lập quỹ HF Blackstone là Stephen Schwarzman và Peter Peterson tự cấp phát cho mình một mức lương khiêm nhường (đủ sống) vào khoảng 388 triệu đô (trả tiền cắm dùi ở Cù Lao rồi, đâu còn lại bao nhiêu!) Khi đưa Blackstone lên Wall Street, hai tên đại ma đầu (rủi quá!) chỉ hốt được có 1 tỉ đô mỗi tên. Không đầy ít tuần sau, xảy ra cuộc khủng hoảng. Quỹ Blackstone mất giá hơn một nửa. Hai tên đại ma đầu bèn lật đật đem 2 tỉ đô trả lại tiền cho các khổ chủ? “Còn khuya!” “Đứa nào trả lại, chết liền!”
- Sào huyệt Wall Street NY (Mẽo, dĩ nhiên): Cách đây 5 năm, vô cùng bối rối, ban quản trị đành phải muối mặt mà công bố lợi tức của vị Chủ tịch Wall Street, Richard Grasso: 140 triệu đô một năm, cộng thêm 48 triệu đô tiền công để canh chừng hoạt động của các thị trường: “Xì căng đan”!
Grasso bị bắt buộc phải từ chức và pháp luật đứng ra đòi đương sự hoàn tiền lại cho nhà nước. Grassso vô số de một cái rụp? “Còn lâu!” Đương sự thuê một tập đoàn luật sư thượng hạng đứng ra giành tiền lại, được hơn một nửa. Chưa hết! Ngày 1 tháng Bảy 2008, Tòa Phá Án New York đã tuyên phán: “Vấn đề lương bổng của Grasso không mắc mớ gì tới chánh quyền Mẽo hết ráo. Hãy xê ra cho người ta cứu Wall Street! Quý vị Nhà Nước đi chỗ khác chơi! Và chớ có quên ẵm cái thằng lỏi nhõng nhẽo Bush con theo! Nghe chưa?”.
Một chút lịch sử: Năm 2006, nhân chuyến viếng thăm Đế Quốc Mẽo (thối nát), Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà Nước Việt Nam Xã Hội ta đã được trao cho cái vinh dự bấm chuông khai mạc Wall Street. “Cộng sản” mà khai mạc “Tư bản”! Hèn chi mà bi giờ Wall Street mới lên hương “quằn quại” trong cơn Khủng hoảng Toàn cầu ngày hôm nay. Điều ấy gẫm ra cũng là hiệp lẽ Trời đó thôi!
- Độc nhứt vô nhị “Washington Mutual (WM)” (Mẽo, dĩ nhiên): WM vốn là một nhà băng tiết kiệm. Khi cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, WM rung rinh, đe dọa sụp đổ. Bèn thay xếp mới: Alan Fishman (cái tên có nghĩa là Ngư Phủ chơn chất)
Lèo lái con tàu đánh cá WM tính ra được chẵn chòi là 18 ngày (phải, mười tám ngày!) thì nhà băng WM sập tiệm thiệt sự. Ngư Phủ lật đật nhảy ra khỏi tàu đánh cá, không quên mang theo cái “lưới quăng” bằng vàng, trị giá mạt rệp là 13,6 triệu đô! (Tha hồ mày chài cá mập, cá voi và các em nhân ngư thơm phức!)
Tính ra lương công nhựt của Ngư Phủ là 755555 đô, lương giờ (chia cho 8 là): 94.444 đô, lương phút là 1,574 đô, lương giây (một cái tích tắc) là 26 đô/giây. Lần sau, nếu được mời cộng tác lần nữa, xin thầm kín gợi ý với Ngư Phủ là nên thương lượng để được tăng lương công nhựt lên chẵn chòi là 1 triệu đô/ ngày cho nó… dễ làm kế toán.
Và cuối cùng!
“Music, please!”: PÁM PÁM PÁM PAM!
- Lão Bần Tăng “Thích Đàn Bà” (Vô gia cư): Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra, Lão Ác Tăng bị vợ quăng ra khỏi chiếc Boeing 747 không người lái đang bốc cháy rần rần. Vốn đã có phòng xa từ khuya, Lão ta bèn lật đật bấm nút “chiếc dù vàng” cho nó bung ra, và từ từ đáp xuống an toàn. Trong chiếc dù vàng vĩ đại, có bọc theo 23.596.482 gói mì chay thứ thiệt có kèm thêm 269 cà ram xá xíu loại hảo hạng mỗi gói.
Ăn mệt nghỉ!

Trong loạt bài Sự Đời, đã nhiều lần bần tăng nói về cái hiện tượng gần như trở thành định luật: “Trong một sòng bạc, khi có đứa nào bắt đầu đánh lận thì những đứa khác cũng bắt buộc phải đánh lận theo, nếu không muốn ở truồng đứng dậy ra về”. Như đã trình bày và phân tích trong các bài SĐ vừa qua, đặc biệt viết về cuộc Khủng hoảng Toàn cầu, hệ thống tài chánh hiện nay, với những luật lệ thả lỏng, là một sòng bạc mà trong đó các cấp điều hành, các cấp chỉ huy và các tác nhân chính yếu đều đánh lận. Và chính quyền thì đồng lõa, khoanh tay đứng ngó, đôi lúc còn đưa tiền thêm cho các tay chơi. Và những kẻ bị lột sạch là những công dân thường, những người đóng thuế lương thiện, những người tiết kiệm nho nhỏ đã tin tưởng ở nhàbăng và gởi tiền cho nhà băng giữ dùm. Chẳng những vậy, khi nhà băng sập tiệm, họ còn phải nai lưng ra đóng góp thêm để cứu vãn! Một thế giới kỳ quặc tới mức siêu thực! Không tưởng nổi: “Tiền lời thì tư hữu hóa, là của riêng. Tiền lỗ thì quốc hữu hóa, là của chung”.
Sự Đời bài 23 sẽ trở về cội gốc để tìm hiểu cái chủ nghĩa kinh tế néolibéralisme (kinh tế tự do mới) gọi thông thường là “Kinh tế Thị trường” vốn chủ trương giảm thiểu luật lệ kiểm soát, để mặc cho “Bàn tay vô hình” của thị trường vận hành và thu xếp các hoạt động kinh tế tài chánh, và tin chắc rằng mọi người sẽ được hưởng lợi như nhau. Sau khi tác oai tác quái suốt 30 chục năm vừa qua, kết quả như thế nào thiên hạ đều đã rõ. Có cần phải chứng minh gì thêm chăng?
Toàn thể thế giới đều mong đợi một cuộc đổi thay luật chơi toàn cầu. Vẫn biết rằng đây là cuộc “đẻ khó”, vì có nhiều lực chống đối, nhứt là từ phía Mỹ mặc dù chính Mỹ đã châm ngòi cho cuộc Khủng hoảng Toàn cầu. Liệu liên khối Âu châu, Á châu và Nam Mỹ có làm áp lực được Mỹ chăng? Về phía Mỹ, ngay ngày hôm nay (28.10.2008), nước Mỹ sắp bầu lên một Tổng thống mới. Khi bà con ta đọc bài Sự Đời này, có lẽ đã biết được vị đó là ai.
Một điều không biết nên lấy làm hỗ thẹn hay là hiu hiu tự đắc: Trong hai lần bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đa số tuyệt đối dân Mỹ gốc Á Nàm Dành ta đã dồn phiếu cho… Bush Con! Thêm một chi tiết nhỏ: trong lần điện thoại viễn liên ngày hôm qua, đứa em bà con của bà xã bần tăng ở Chicago vẫn tiếp tục hết lời khen ngợi và tin tưởng ở… Bush Con!
“Trời hỡi! Crazy! Fou la tête!”