Friday, June 13, 2008

Những sợi thun đen


Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay…
Vũ Đình Liên

Người đàn ông già nua đưa cái nùi giẻ đen xám lau nước còn đọng lại trên tấm nylon đã ngả màu vàng ố. Trời vừa dứt cơn mưa rào giữa trưa. Trời Sài Gòn có thói quen hay mưa đột ngột. Rào rào vù vù lộp độp. Những cơn mưa ngắn vội vã, hấp tấp, ào một cái, rồi vụt dứt ngang. Trời liền mọc nắng chang chang trở lại. Ông già đưa tấm nylon lên cao giũ giũ bụi nước còn dính sót, cuốn lại cẩn thận. Bày lộ bên dưới những sợi dây thun đen đúa cắt ra từ ruột xe hơi phế thải, hai đầu thun quấn dây kẽm lớn, dùng để nịt buộc hàng hoá. Ông già xếp các sợi thun lại cho ngay ngắn, soải dài hàng hàng song song ngoan ngoãn. Mỉm cười âu yếm, râu dưới càm run run lơ thơ bạc. Bên lề đường đã trụi hết cỏ, các sợi thun đen tiếp tục phơi nắng trưa trở lại. Hừng hực. Dữ tợn. Rát da. Nắng Sài Gòn, nắng nhiệt đới, nóng đổ lửa. Không khí bị nung đốt, bốc sốt lung linh. Ông già thụt lui vô gốc cây bàng lớn, ngồi chồm hổm núp nắng, hai cánh tay đen ốm khoanh ôm hai đầu gối nhô xương, ngước mắt ngó ra đường xe cộ xẹt qua xẹt lại rậm rật. Chờ khách hàng.

Chiếc solex đen quanh vòng Nhà Thờ Đức Bà màu đỏ gạch cua sừng sững vọt cao trước Bưu Điện, đổ ra đường Hồng Thập Tự, quẹo mặt tiến về phiá Cầu Thị Nghè. Tới góc đường Đinh Tiên Hoàng, phiá bên trái, thấy ông già ngồi đó. Buổi sáng vác solex đi làm, đổ dốc Cầu Thị Nghè không bao xa, bên phiá tay mặt, đã thấy ông già ngồi đó. Trưa tan sở chạy về, vẫn thấy ngồi đó. Cơm trưa vội vàng, ngả lưng một chặp, xong lại vác solex lên đường tiếp tục thi hành bổn phận công dân đối với nhà nước, lại thấy ông già ngồi đó. Chiều tan sở chạy về, lại vẫn thấy ngồi đó. Ngày nào cũng như ngày nấy, bốn bận solex đi về, thấy ông già đó vẫn cứ ngồi đó, đằng sau đám dây thun ruột xe đó. Thấy ông già ngồi đó, vậy mà yên bụng – cho dù trong bụng vẫn cứ áy náy không yên. Thỉnh thoảng chúa nhựt từ Hàng Xanh vọt ra Sài Gòn chơi, đổ dốc cầu một đoạn lại thấy ông già ngồi đó, tử thủ. Dù là ngày thường, dù là ngày nghỉ của Chúa, cho dù trời mưa, cho dù trời nắng hay mây mù ảm đạm, vẫn cứ xin nhận gốc cây làm quê hương.

Không biết một ngày ông già-quê hương bán được mấy sợi dây thun. Loại dây thun ruột xe này chỉ dùng để nịt buộc hàng hoá, tiện xài cho xe ba gát hoặc xe lôi gắn máy. Nịt các bịt hàng cồng kềnh, giỏ trái cây, lồng gà, lồng vịt… Không lẽ dùng cho xe solex hai bánh để nịt đào nhuyển trên cái bọt-ba-ga phiá sau? Đào sẽ nhíu mặt cau mày cho de là cái chắc! Vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn ghé xe vô bên lề thăm ông già-quê hương và mua lai rai vài ba sợi dây thun để giúp vui văn nghệ. Thấy tôi rà rà tấp solex vô là ông già lật đật đứng dậy giở nón chào, hớn hở ra mặt. Cái nón ông đội thuộc loại nón cối xuất hiện từ thời thuộc địa, có lẽ nguyên thủy màu trắng. Nón đã sười rách bong vành, trải qua bao mùa mưa nắng, tà tà ngả màu phong trần bất định. Ông già vội vã lên tiếng rè rè hỏi thăm, sao lóng rày khoẻ không cậu? Rồi cầm lên hai ba sợi thun dài ngắn khác nhau, kéo ra giựt giựt, khoe dây thun nầy tốt lắm cậu, cậu có xài rồi cậu biết, nó bền dữ lắm. Vừa nói vừa nhoẻn miệng cười, răng dưới không thấy, hàm trên còn le que mấy cái, râu dưới càm run run. Tôi lựa một sợi thun cầm lên tay, cũng bắt chước kéo ra giựt giựt, tui biết mà, tui có xài rồi, tốt lắm, bền thiệt là bền. Cũng may mà ông già không hỏi sao nó bền mà cậu lại cứ vài ba bữa ghé vô mua hoài, bộ cậu bị đứt dây thun hả?

Thiệt tình mà nói, thỉnh thoảng tôi thỉnh mấy sợi dây thun ruột xe về là để… cất đó. Rồi bỏ quên. Rồi tiếp tục vác solex đi cày đều đều. Lại thấy ông già ngồi đó, chong ngóc một mình. Lại yên bụng, áy náy yên bụng. Rồi nghĩ sao đó, lại tấp vô, rồi lại mua. Mua về cất đó, rồi lại quên, rồi lại mua, vân vân… Đã mang lấy nghiệp vào thân! Cái nghiệp «nuốt dây thun», như con gà?

May thay! May thay! Ông Trời Già trên cao có mắt. Bận nọ, anh rể tôi ở Vĩnh Long lên Sài Gòn thăm vợ để mượn chút đỉnh tiền về làm ăn. Chị Tư tôi ở đậu nhà tôi tại Hàng Xanh. Tình cờ ngó thấy mấy sợi dây thun tôi mới thỉnh về, anh cầm lên kéo ra giựt giựt, nói dây thun nầy tốt quá, xài nó để niệt cây là hết xẩy! Anh rể tôi khi xưa vốn là thợ cưa ở Bạc Liêu. Sau này dời đô lên Vĩnh Long, theo chưn ba tôi học nghề thợ mộc. Vừa khấm khá lại bày đặt có vợ bé, cha nội này thiệt là quá cỡ thợ mộc! Chị tôi giận lẫy, bỏ Vĩnh Long lên ở đậu nhà tôi. Vậy mà khi thằng chồng «mắc dịch» của mình xách vài ba cặp cua từ tỉnh lên và uốn lưỡi ỉ ôi mượn tiền để làm ăn, chị vẫn cho. Cho rồi lại than thở là mình bị chồng gạt gỡ tay lấy hết tiền về nuôi vợ bé! Ai dám vỗ ngực tuyên bố là đàn bà dễ hiểu? Nhưng anh rể tôi vốn biết tẩy vợ mình quá xá! Bởi lẽ đó, chị tôi vẫn cứ bị gạt đều đều. Can không nổi. Bận nọ tức mình chịu hết nổi, chị mét anh Hai tôi sao đó khiến anh Hai nổi nóng dọng cho thằng em rể trời đánh của mình một thoi vô mặt té ngửa! Tưởng như vậy là hả dạ đứa em gái dại dột của mình. Dè đâu chị lại lật đật chạy ra cửa la làng cầu cứu: «Bớ làng xóm! Người ta giết chồng tui! Bớ làng xóm!... » Khoan khoan! Hãy dừng tay đình thủ bớ (ớ) La (ơ ơ) Thành!...

Trở lại vấn đề dây thun – làm sao mà nuốt cho nổi đây? Tuy chuyển sang nghề mộc, anh rể quá cỡ thợ mộc của tôi đôi khi vẫn bắt buộc xài lại nghề cũ để xẻ cây ra làm ván đóng bàn đóng ghế. Anh gát thân cây tròn lên giàn, đóng cọc sắt hai bên rồi lấy dây thun mà niệt cho thân cây bất ly cục cựa, để khi xẻ cây, đường cưa khỏi bị lội. Bởi vậy, khi ngó thấy dây thun thứ tốt là anh chíp liền. Dịp may hiếm có, đồ rẻ ít khi! Thình lình vớ được «con gà nuốt dây thun», tôi bèn chớp thời cơ, lôi luôn cả chục dây thun từ lâu cất đó ra bàn giao miễn phí cho người anh rể có gốc thợ cưa của mình đem về Vĩnh Long tha hồ mà ghịt mà niệt. Trước để mua vui, sau là làm nghiã. Anh cám ơn nghiã cử cao đẹp của thằng em vợ tốt bụng của mình. Còn tôi thì được rảnh tay để tiếp tục đi tiếp tế dây thun về… cất đó. Biết đâu chừng vài ba tháng sau ông anh rể «gà cồ» yêu quý của mình lại chẳng xách đôi ba cặp cua lặn lội từ tỉnh lên để mượn đỡ chị tôi chút đỉnh tiền đem về làm ăn lương thiện? Tôi sẽ lại có dịp xơi cua luộc chấm muối tiêu, còn anh thì sẽ lại có dịp xơi tiền vợ hiền và nuốt dây thun cao cấp, bảo đảm «chất lượng» (!), bền lâu (cuộc tình).

Ông già-quê hương coi bộ siêng năng lắm. Trời không mưa, thỉnh thoảng ông cũng lấy nùi giẻ bò bốn chưn ra để lau đám dây thun của mình bị xe cộ qua lại dấy bụi đường lên phủ lấp. Xong lui vô gốc cây. Ngồi chờ. Chong ngóc. Rồi lại bụi. Lại lau. Lại chờ. Trời mưa, ông già vội vã lấy tấm nylon vàng ố phủ lên đám con mình cho khỏi ướt. Mưa xong, bò bốn chưn ra lấy cái nùi giẻ đen xám te tua chùi nước đọng. Cầm tấm nylon lên giũ giũ. Cuốn lại cẩn thận. Rồi lui vô gốc cây. Ngồi chờ. Sài Gòn mưa nắng hai mùa, biết làm sao bây giờ? Cũng đành phải ngồi chờ cho tới hết ngày. Rồi đây khi chiều xuống, đêm về! Một chiếc là vàng lãng du đâu đó giữa Sài Gòn bụi sốt. Đôi khi ban đêm trời cũng đổ mưa. Mưa bất chợt. Mưa tấm tức. Mưa dai dẳng. Mưa không muốn tạnh. Không bao giờ tạnh. Nghe mưa rộn ràng trên mái tôn mà trong bụng mình cũng rộn ràng áy náy…

Một bận chán ba mớ đời, tôi bỏ sở vác cày về sớm. Ghé vô cái sạp bên đường làm bậy vài chai bia. Xong thót lên solex trực chỉ Hàng Xanh. Bánh xe trước đã mòn, đạp cho máy nó nổ muốn toé khói. Lên gần tới dốc cầu Thị Nghè chợt nghĩ sao đó bèn rà thắng quanh trở lại. Tấp vô góc đường Đinh Tiên Hoàng thăm ông già-quê hương, tiện thể thỉnh luôn vài sợi dây thun để giúp vui văn nghệ. Giở nón cối chào, à cậu… lóng rày khoẻ không cậu? Có lẽ bia vào thấy vui vui nên bắt chuyện chơi với ông già. Hết chuyện nắng mưa, bắt qua chuyện quê quán. À, tui đó hả cậu? Tui ở miệt Bến Tre, cậu biết Bến Tre hông? Dạ biết chớ sao không bác. Hồi đó tui đi học trọ ở Mỹ Tho, cách Bến Tre cái Rạch Miễu có chiếc bắc lớn đưa qua đưa lại. Tui và con nhỏ bồ có qua Bến Tre chơi một hai lần. Xứ đó là xứ dừa, có ông Đạo Dừa neo ghe ở Cồn Phụng, phải không bác? Sao bác không ở dưới đó trồng dừa mà sinh sống, lên Sài Gòn làm chi cho cực khổ quá vậy? Ối thôi! Cái thời buổi đó qua lâu rồi cậu ơi! Bây giờ giặc giã rần trời. Khi nào đụng trận ở vườn dừa là dừa bị dội bom và bắn gục loạn đả. Thêm nữa bên Quốc Gia họ cũng đốn bớt dừa cho mấy ổng không có chỗ trốn và cũng để tiện cho xe thiết giáp tiến vô đổ lính xuống mà ruồng, mà bố.

Một cơn trốt mạnh xoáy cuốn bụi đường làm cay mắt. Gió ngưng, ông già lấy cái nùi giẻ ngồi xuống chồm hổm lau lau bụi cho đám con mình. Xong đứng lên sửa lại cái vành nón, tiếp nối câu chuyện vặt bên lề đường trụi cỏ – cũng như dòng chiến sự ở cái cuộc đất nhiễu nhương này. Bộ bác sống có một mình, không có bà con cô bác gì hết sao? Có chớ cậu. Tui đông con lắm, tới mười đứa, chết hai còn tám, năm trai ba gái, hết thảy đều sanh đẻ ở Bến Tre. Ngừng một chặp. Tới khi sanh đứa con gái út thì vợ tui bị lên máu sản hậu nghẹt thở chết, đâu cũng đã hơn cả chục năm nay rồi. Lại ngừng. Ông già đưa một ngón tay bịt một bên mũi, sịt mạnh một cái. Xong lại nhoẻn miệng cười, râu dưới càm run run. Số trời ngắn ngủi, biết sao bây giờ hả cậu? Sao bác không sống với mấy người con trai, mấy anh đó bây giờ chắc cũng lớn đại hết rồi. Ối thôi cậu ơi! Con trai tui, năm đứa đều đi đánh giặc hết ráo. Đứa thì đi theo mấy ổng, đứa thì đi lính quốc gia. Thằng Hai với lại thằng Năm thì đã chết trong lúc đánh nhau… Tui buồn lắm! Ông già lại bịt một bên mũi, sịt mạnh một cái. Nhưng mà Trời kêu ai nấy dạ, biết sao bây giờ hả cậu? Ngừng một chút, lại nhoẻn miệng cười, râu dưới càm lơ thơ bạc. Ở dưới quê tui phần giặc giã lung tung, lộn xộn quá, phần rầu vợ rầu con thúi ruột nên chịu hết nổi, tui bỏ lên đây kiếm chuyện gì làm bậy bạ chơi cho khuây khoả, đắp đổi qua ngày. May mà kiếm được cái nghề bán dây thun nầy. Ông già cúi xuống cầm một sợi thun dài lên, kéo ra giựt giựt. Cậu coi nè, nó chắc lắm, bền thiệt là bền! Nhoẻn miệng cười, răng trên còn le que mấy cái…

Góc đường Hồng Thập Tự-Đinh Tiên Hoàng nằm gần đài phát thanh, thuộc khu yếu điểm. Khi có đảo chánh, chỉnh lý, binh biến hoặc âm mưu khuấy loạn là đài phát thanh bị chiếm trước tiên. Chiếm để hô hào, xách động, tuyên truyền, hứa nhặng hứa cuội, nói dóc. Năm 1963, lần đảo chánh Ngô Lãnh Tụ anh minh, cả nước tức khắc đều hay biết là do quân chiếm đài loan tin khắp nơi qua làn sóng điện. Sau đảo chánh là tiếp liền chỉnh lý, rồi biểu dương lực lượng, rồi xuống đường, rồi lựu đạn cay như ăn cơm bữa. Khu Đài phát thanh lại tiếp giáp với đường Thống Nhất dẫn tới Dinh Độc Lập, nơi đóng đô của chóp bu nhà nước. Khi có rục rịch gì là toàn khu bị cô lập, kể từ cầu Thị Nghè cho tới Dinh và luôn cả mấy con đường phiá sau. Mỗi lần binh biến, khu bị cô lập, liên tiếp mấy bữa tôi biệt tin ông già-quê hương. Sau binh biến, chạy ngang qua góc đường thấy ông già vẫn còn ngồi đó, tôi cũng mừng mừng trong bụng. Ông già vẫn bày đám dây thun ra ngay ngắn, vẫn chùi bụi, vẫn lau nước mưa. Và ngồi chờ dưới gốc cây. Bó gối. Chong ngóc. Như mọi bận.

Hôm nọ, buổi trưa tôi vọt solex về nhà như thường lệ. Cơm trưa xong lên giường ngả lưng như thường lệ. Bỗng chợt cảm thấy có cái gì khác hơn thường lệ. Bức rức không yên. Kiểm điểm lại coi sao khi không mà mình kỳ vậy? À… à… phải rồi! Hồi nãy trong bận về, tôi không ngó thấy ông già-quê hương. Không phải là ông không còn ngồi đó. Buổi trưa nay tôi có việc phải ghé qua đường Phan Thanh Giản gặp thằng bạn. Sẵn đường, vọt qua cầu Phan Thanh Giản, phóng ra xa lộ Biên Hòa, quẹo trái về Hàng Xanh. Hèn chi. Tôi lật đật ngồi dậy, tròng vội lên mình cái áo thun, xỏ vội cái quần jeans xanh đã ngả màu và đôi dép Nhựt Bổn. Dắt solex lẹ lẹ ra đường. Vượt đèn đỏ ở ngã tư xa lộ, phóng bon bon về phiá cầu Thị Nghè. Vừa đổ dốc cầu một đoạn đã thấy xa xa đám dây thun nằm phơi nắng bên lề đường như thường lệ. Bèn từ từ rà thắng rồi quanh trở lại, vọt về nhà. Vừa ngả lưng xuống năm mười phút là đã phải lật đật ngồi dậy rửa mặt, tròng vội cái áo sơ mi xanh, xỏ vội cái đôi giày da màu nâu, dắt vội chiếc solex ra đường tiếp tục thi hành nghĩa vụ công dân đối với nhà nước. Lại thấy ông già ngồi đó. Dưới gốc cây. Như mọi bận.

Rồi mọi việc vẫn tiếp tục diễn tiến như thường lệ trên cuộc đất nhiều binh đao này. Đạn bom tứ phiá, như thường lệ. Một bữa nọ, Phật tử và sinh viên lại xuống đường, như thường lệ. Biểu ngữ, reo hò, như thường lệ. Dùi cui, lựu đạn cay, như thường lệ. Khu yếu điểm quanh Đài phát thanh bị cô lập, như thường lệ. Liên tiếp ba ngày. Tôi phải phóng solex vòng qua ngã Đakao, tận tụy xả thân ngõ hầu xử lý nghĩa vụ công dân của mình một cách hoành tráng. Như một liệt sĩ. Bữa khu Đài phát thanh được giải tỏa, các vòng kẽm gai được dẹp hết, tôi phóng solex trở lại ngã cầu Thị Nghè. Ngựa quen đường cũ. Tới ngã ba Đinh Tiên Hoàng liếc ngó, không thấy ông già-quê hương và đám dây thun con của ông đâu hết. Tim tôi chới với một nhịp, rồi đập mạnh trở lại thình thịch, thình thịch…

Liên tiếp ba bốn bữa sau, chạy đi chạy về trên ngã cũ cũng không thấy ông già-quê hương đâu hết. Chỗ khuỷnh đất trụi cỏ ông già mỗi bữa ngồi bán dây thun trống trơn. Độ một tuần sau, chạy ngang qua góc đường Đinh Tiên Hoàng thấy có người đàn bà đội nón lá ngồi bán thuốc lá lẻ sau cái thùng kiếng. Ghé vô mua một gói Pall Mall. Châm điếu thuốc gợi chuyện. Hỏi thăm cái ông già đội nón cối ngày nào cũng ngồi dưới gốc cây bán dây thun bữa nay đâu rồi? Người đàn bà không biết ông già bán dây thun ruột xe là ai hết. Ông già và đám dây thun con ông đã trôi dạt về đâu mất. Cũng như quê hương.

Trời đương nắng chang chang vụt đổ trận mưa rào. Trời Sài Gòn có thói quen giữa trưa hay đổ trận mưa rào. Cho dịu cơn sốt. Cho đất trời mưa nắng Sài Gòn nguôi bùng vỡ. Trăm năm để lỡ hẹn hò, cây đa bến cũ con đò khác đưa…

Ngoài truyện

Đã hơn bốn chục năm qua rồi! Tết tha hương năm nay, chạnh nghĩ tới ông già-quê hương ngồi bán dây thun độ nào dưới gốc cây bàng những mùa nắng Sài Gòn năm cũ, viết vài hàng nầy để tưởng nhớ.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?

Bagnolet, đầu năm 2007

Để nhớ những ngày vui buồn
với Nguyễn Đình Toàn và Lộc
ở Sài Gòn, thập niên 60.

Kiệt Tấn