Monday, September 29, 2008

Lệ Dung Sang Tề

Hôm nay là Xuân mai còn Xuân
Pháo đỏ đầy thêm nhớ cố nhân
Cung nữ môi tô rầng rật điệu
Ai về Chiêm quốc hộ Huyền Trân

Nguyễn Bính
Lệ Dung em ơi! sao em nỡ đan tâm lòng quyết (yết) sang (ờ ờ) Tề...”
Tiếng ca rướn cao lên ở chữ quyết rồi dợn uốn ngân nga sang chữ Tề để xuống câu vọng cổ lâm ly mùi mẫn..
“...Em ra đi cho lỗi hẹn câu thề. Như ta đây đã từng là một dũng tướng dọc ngang ngang dọc mà giờ phút này con tim sắt đá thiên vạn đường dài cũng nhất phiến u hoài chỉ vị khanh (ơ ơ...).” Tiếng ca bứt rứt não nề buông lên lời trách móc, tự trách mình và trách người đẹp đã nhẫn tâm rứt tà áo lụa mà lên đường trắc trở xa xăm về xứ khác. “...Em ra đi đoạn đành giẫm nát tình anh, không một lời hỏi han giã từ dục bước lên kiệu hoa đem tấm thân ngọc ngà sang Tề quốc (ờ ơ ơ...).”
Giọng ca của anh Hai Te , người thợ mộc trẻ tuổi tài hoa của ba tôi, bữa nay nghe sao mà thống thiết não nuột hơn bao giờ hết. Trời vừa sụp tối. Tối nay, cũng như mọi tối, sau khi cơm nước xong, anh Hai Te ôm cây đờn lục huyền cầm ra ngồi ở đống cây trước trại mộc vừa khảy nhấn ngọt ngào vừa mùi mẫn hát theo vài khúc ca giải muộn. Bên lối xóm chắc cũng đã có cô gái lãng mạn nào đó si tình anh rồi không chừng. Mọi tối khi nghe anh hát bài Lệ Dung sang Tề tôi thưởng thức điệu nghệ tài hoa của anh và cảm thấy dễ chịu. Nhưng tối nay, cũng vẫn những câu hát đó mà lời ca bất chợt chuyên chở được mối tơ lòng ngổn ngang của mình, tôi cảm thấy ôi sao nó thoát trở nên vô cùng ngậm ngùi thấm thái! Trời hâm hấp nóng mà người tôi thấm lạnh nổi gai ốc ran ran. Tôi ngồi ở bực cửa sổ trên gác thả hồn mình dật dờ chóng mặt theo điệu ca nhấp nhô trầm bổng....
“Lệ Dung em ơi! sao em nỡ đan tâm lòng quyết sang Tề?” Nhưng Lệ Dung nào đâu đã sang Tề. Vậy mà đối với dũng tướng.... học trò lớp đệ ngũ như tôi, dù nàng hãy còn sờ sờ đó mà tưởng chừng như đã muôn trùng cách biệt, đôi tay vụng về của tôi sẽ không bao giờ vói tới. Tôi si tình. Tôi lại si tình. Tháng rồi. Năm ngoái. Lần nọ. Lần khác. Rồi lần nữa. Thêm một lần nữa tôi lại si tình! Bắt đầu từ lúc nào tôi biết si tình? Từ hồi mới vô đệ thất? Kim Sơn, Bê. Hay hồi bước lên đệ lục? Cúc, Thủy. Hoặc còn sớm hơn như vậy nữa, hồi còn là nhóc con ngồi ở lớp ba lớp tư hay lớp bét trường làng? Nữ, Nguyệt. Hay ngay từ lúc tôi chưa cắp sách tới trường? Lạc, Quý. Chính tôi cũng chưa chắc đã rõ được. Nhưng chắc một điều là những lúc gần đây tôi càng ngày càng tiến bộ. , càng ngày càng hăng hái si tình hơn trước. Lan, Hươnng, Lài, Ánh, Nho, Hiền, những đó hoa xinh xắn vừa hé nụ của trường Cao Tiểu Vĩnnh Long (sau này đổi tên Nguyễn Thông rồi Tống Phước Hiệp), những nàng kiều nữ con ông Bảy Hoàng, những cô gái mỹ miều của bà Vĩnh Phúc. Và còn biết bao nhiêu bông hồng khác nữa tôi đã từng theo đuổi... xa xa phía sau mà không hề biết tên biết tuổi. Tuy nhiên, cũng không phải nhờ vậy mà tôi khổ sở ít hơn. Khổ sở điêu đứng ngất ngư vì con tim quá sức nhạy cảm của mình. Nghĩ cho cùng, có lẽ tôi si tình kinh niên và người đẹp chỉ là một cái cớ. Vừa chợt ngó thấy kiều nữ nào xinh xinh mũm mĩm là con tim tôi đã cỡn lên đập loạn xạ, dù nàng có nhỏ tuổi, bằng tuổi hay lớn tuổi hơn tôi cũng không thành vấn đề. Đập loạn xạ để rồi đêm tối nằm một mình ôm con tim nhảy cỡn của mình mà hồi hộp nhớ thương mất ngủ. Những lúc đó nếu có bóng hồng nào chợt đoái tưởng tới tấm chân tình thiệt thà của tôi bèn nảy ra sáng kiến lấy mực tím đề cho tôi một bức thơ tình ngạt ngào trên giấy lụa chắc là tôi sẽ đứng tim mà ngã lăn ra chết tốt. Chết vì quá đỗi bồi hồi sung sướng. Đôi khi tôi oán trách trời già cay nghiệt mắc mớ gì khi không lại sinh ra một thằng con trai với trái tim rướm máu lạng quạng mút mùa như tôi làm chi vậy. Si tình lên. Si tình xuống. Lắc lư qua. Lắc lư lại. Ngất ngư.
Để rồi giờ đây, thêm một lần nữa, tôi lại si tình Lệ Dung. Anh với em má tựa vai kề, nay dù em có lạc Sở sang Tề, thì em cũng gởi thơ về cho anh hay. Mà nào tôi đâu đã được má tựa vai kề. Chỉ dám đứng xa xa mà ngó Lệ Dung và hồi hộp. Rồi tới lúc xáp lại gần mà chiêm ngưỡng, mái tóc xõa dài nhu mì thắt kẹp đồi mồi ngang lưng của nàng thầm kín tỏa ra hương thơm quấn quít của loại nước hoa kỳ bí, tôi càng thêm bấn loạn bủn rủn. Tôi lo sợ trong một phút hoang mang nào đó, cầm lòng không đặng, tôi sẽ buông ra một câu nói... lãng-nhách—để rồi tối đến nằm lẻ loi lăn trở, nhớ lại câu nói bốc đồng của mình mà ân hận thức trắng giờ con mắt. Còn Lệ Dung thì giận lẫy bỏ sang Tề.
Nhưng may mắn thay Lệ Dung chưa nỡ đan tâm bỏ sang Tề. Lệ Dung vẫn hãy còn đó. Không phải vì Lệ Dung quyến luyến dũng tướng học trò Lê Kiệt. Nàng đang dạo chơi và hứng mát ngoài cầu tàu Long Hồ ngó mặt qua cù lao AN Thành xanh dờn cây lá nhô lên giữa dòng Cổ Chiên cuồn cuộn nước xuống ngừ đục phù sa khi chiều tới. Chút nữa nàng sẽ trở về đây. Nàng sẽ trở về căn nhà trống trải nương tựa vách lá và vách ván của nhà hàng xóm hai bên mà vươn lên. Nàng sẽ bỏ guốc mộc và nhón gót chân son nhẹ nhàng bước trên những bực thang gỗ rón rén leo lên căn gác nhỏ này đây rồi bất chợt xuất hiện trong vòm hương tỏa thơm quấn quít. Và bắt gặp quả tang tôi đang ngồi ở bực cửa sổ mà mong ngóng nàng. Cũng như hôm qua, cũng như hôm kia. Không! Không được. Không lẽ tôi cứ ngồi im ở bực cửa sổ này đây chịu trận cho anh Hai Te hát những câu vọng cổ bứt rứt và yên lặng mong chờ nàng trở về mà trong bụng mình cứ sốt ruột cầm canh?
Tôi vội vàng bỏ chạy xuống gác nắm lấy cổ chiếc xe đạp cà tàng dắt ra ngoài đường lộ đá xanh loang lở. Tôi thót lên yên đạp đánh một vòng lớn ra phía cầu tàu với hy vọng... đừng gặp Lệ Dung. Vái trời cho tôi đừng bắt gặp nàng đang âu yếm cặp kè người yêu và ngoẻo mái tóc nhu mì lên vai của chàng mà du dương dạo mát. Chỉ tưởng tượng trong trí mình hình ảnh đó thôi, tôi đã bắt đầu lên cơn sốt. Đem bao hy vọng lúc ra đi, chuốc lấy buồn thương lúc trở về. Lòng mỗi lần đi lần bão táp, mỗi lần là một cuộc phân ly!
Vái trời....
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em em ở lại nhà...
Lần này, từ trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho trở về Vĩnh Long tị nạn, Lộc anh tôi mang về một món quà quý báu bất ngờ: “Lỡ Bước Sang Ngang”, tập thơ ngậm ngùi của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ chép tay trên tập vở học trò dầy hai trăm trang có gạch hàng vuông và kẻ lể đỏ. Trang đầu có vẽ bằng mực tàu đen mun một gương mặt đàn ông rầu rầu đau khổ và xa xa phía sau là hình bóng một cô lái đang cheooò đò dưới một tàng cây lãng mạn sà xuống mặt sông la đà. Tôi thức đêm đọc một lèo hết trọn tập thơ đó, vừa bùi ngùi vừa đê mê những vần thơ của Nguyễn Bính, có lẽ vì tôi khám phá ra ở chàng thi sĩ thất tình chuyên nghiệp này một tâm hồn đồng điệu. Đồng điệu ở chỗ anh chàng này cũng lẩm cẩm hết cỡ nói. Đã quyết không được một ngày, rôiì yêu mất cả buổi chiều nay. Chiều naay bướm trắng ra nhiều quá, không biết là mưa hay nắng đây? Chỉ có mưa với nắng thôi mà cha nội đã bắt đầu lẫm cẩm. Còn nói gì tới thương với nhớ. Lạ quá! Làm sao tôi cứ buồn, làm sao tôi cứ khổ luôn luôn, làm sao tôi cứ tương tư mãi người đã cùng tôi phụ rất tròn? Còn phải hỏi “lạ quá” với “làm sao”! Tại cha nội chẳng những lẩm cẩm số một mà lại còn si tình số một nữa. Y hịch như tôi vậy. Đã trót mang lấy nghiệp vào thân thì hãy cắn răng gồng mình mà chịu chớ hơi sức đâu ở đó mà vò đầu bức tóc tự hỏi vớ va vớ vẩn “nàm thao mí nị nạ quá!”
Nếu tôi lẩm cẩm và si tình số một thì trái lại Lộc anh tôi phiêu lưu văn nghệ và phiêu lưu chính trị số một. Hồi còn đang học ở trường Cao Tiểu Vĩnh Long, một đêm mưa gió bão bùng nọ tự nhiên anh chàng nổi dậy cơn bão lòng yêu nước bèn biệt kinh kỳ ôm gói vô bưng theo kháng chiến chống Tây cứu nước. “Tôi chẳng cần gì vợ đẹp xinh, tôi không lưu luyến mảnh hương tình, tôi không cần của không cần sắc, tôi quyết vì dân quyết đoạn tình”. Chàng đề thơ để lại lâm ly như vậy đó trước khi lên đường giết giặc. Lên voi túc một tiếng còi, thương con nhớ vợ lịnh đòi phải đi. ngon lành chưa?
Nhưng rồi ở bưng bị sốt rét rừng chịu đời không thấu chàng bèn xách trái lựu đạn liệng xuống sông giả biệt bưng biền phản hồi cố quận.... và bị đuổi học. Chàng chiến sĩ trái mùa bèn dời đô sang Định Tường theo học lớp đệ tam trường Nguyễn Đình Chiểu. Rồi xa quê hương nhớ mẹ hiền, nơi xứ lạ quê người, chàng phải lòng yêu Xuân Huê, để rồi sau đó gặp gỡ Lệ Dung từ Bến Tre sang Mỹ Tho học trọ, và đắm đuối hăng say đeo đuổi sứ mạng phiêu lưu tình ái mới mẻ của mình. Lụy vì tình tưởng đã yên lòng dũng sĩ , đâu dè chàng lại nghe lời sách động biểu tình ủng hộ trò Ơn tử vì nước. Chàng hiên ngang trương biểu ngữ giữa hàng hùng binh có ta đi hàng đầu kêu gọi học sinh bãi khóa. Bị lính kín truy lùng chàng chạy lộn trở về Vĩnh Long để xin tỵ nạn chính trị, một tay xách theo tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang chép tay của Nguyễn Bính. Còn tay kia thì không quên ẵm theo Lệ Dung rời bỏ nước Tề trên bước đường lưu vong mong giờ phục quốc—chàng đâu có dè làm như vậy là kẹt cứng thằng em thơ dại của mình. Lúc đó nhằm những ngày cuối năm, sắp bãi trường ăn Tết. Hôm nay là Xuân mai còn Xuân, phơi phới mưa sa nhớ cố nhân. Đã có yêu nhau là đến thế, đừng về Chiêm quốc nhé Huyền Trân!
Khi thấy chàng dũng sĩ hồi hương lại còn dắt theo một em bé vị thành niên, ba má tôi đều hoảng vía. Tôi mười ba tuổi, Lộc lớn hơn tôi năm tuổi, công nương Lệ Dung tuổi giữa lưng chừng. Hồi ở Bạc Liêu, anh Hai tôi sang Bến Tre học nghề thợ dệt cũng đã dắt về một em bé xứ dừa để trình diện cùng ba má. Nàng tên Lệ Hằng. Lúc đó tôi còn quá lỏi, chưa kịp si tình, chỉ nhớ man màn Lệ Hằng cũng là một trang mỹ nữ. Sợ ba má cô gái đâm đơn kiện con gái mình bị thảo khấu bắt cóc, má tôi thất kinh vội vàng dắt nàng ra xe đò chạy bằng củi than để tiễn nàng về cố quốc. Hết Lệ Hằng bây giờ tới phiên Lệ Dung, cũng là mỹ nữ miệt Bến Tre. Mới biết ngoài dừa tươi, Bến Tre còn sản xuất những ông già Ba Tri và những cô gái đẹp mỹ miều thaa thướt. Khi Lộc nắm tay Lệ Dung dắt lên gác giới thiệu nàng với thằng em yêu dấu của mình một cách bất thần không có viết thơ báo trước, tôi chới với, trái tim nhảy cỡn lên đập loạn xị xà nngầu. Giết nhau chẳng dụng lưu cầu, giết nhau bằng cái ưu sầu độc hơn. Anh em một nhà mà sao anh nỡ hại em?
“Chào Kiệt”. Lệ Dung buông tiếng chào tôi nhỏ xíu rồi e lệ cúi đầu, tóc mây lòa xòa trên trán ngọc. Gương mặt nàng bầu bĩnh tươi tắn, mắt nhìn thùy mị nhung êm. Đôi vai nàng nhỏ nhắn buông xuôi trên thân mình mũm ma mũm mĩm ở cái tuổi vừa mới lớn. Suối tóc nàng suông dài thả kẹp thấp ngang lưng tỏa ra hương thơm kỳ bí làm tôi chóng mặt. Mỗi lần nàng niễng đầu , suối tóc đen tuyền uốn éo dựa theo quấn siết lấy con tim của dũng tướng học trò mà bóp thắt. Tôi lí nhí chào nàng rồi cũng không biết nói gì hơn. May thay Lộc đã nắm tay dắt nàng tháo lui xuống nhà dưới. Tôi ngó theo suối tóc huyền mút mắt, trong lòng đã thấy bận bịu bồi hồi không yên. Ngồi lại một mình tôi gọi nhỏ: “Lệ Dung!” Giọt lệ sương mong manh trên cánh hoa phù dung vừa hé nụ lúc trời hừng sáng, hay ngấn lệ nõn nà đậu trên một dung nhan kiều diễm? Lệ Dung...!
Tôi ngó vào tập vở học trò chữ nghĩa chi chít của mình mà không còn bụng dạ nào học bài nữa. Có học cũng không vô. Tôi vói tay nắm lấy cây đàn măng-đô-lin trên bàn ôm vào lòng mình run lẳng tẳng một khúc Ai Về Sông Tương giải muộn: Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương? Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương, mơ hoài hình bóng em luôn...
Ngày hôm sau Lộc mượn được ở đâu về cây lục huyền cầm và hai anh em nhà họ Lê hòa tấu mấy khúc đặt diìu cho mỹ nhơn Bến Tre thưởng thức. Cao hứng Lộc hát tặng nàng bản Thu Quyến Rũ. Lộc hát rất hay—còn tôi thì hát dở ẹt. Lộc đã từng lên sân khấu những dịp bãi trường cất giọng thiết tha hái rụng trái tim của mấy em bé nữ sinh xinh xắn và ham mê văn nghệ. Chẳng những đàn hay hát hay hơn tôi mà Lộc còn trắng trẻo đẹp trai hơn tôi. Ganh đua với Lộc trên mặt trận tình ái là kể như chắc chắn nuốt hận đêm dài và lãnh chiến thương tình ái khó thể phai mờ. bao nhiêu hoa khôi ở Vĩnh Long như Liệt, Nhan, Đẹp, Xuân, Đào, đều rúng động con tim vì kép độc hết ráo. Chưa đủ bây giờ tới hoa hậu Bến Tre. Đi tới đâu chàng cũng mão sòng mỹ nữ hết trọi.
Tôi lén đọc nhựt ký của Lộc thấy chỗ nào chàng cũng “xin quỳ xuống và đặt trái tim dưới chân Hoàng Hậu” thì thử hỏi người đẹp nào mà cự tuyệt chàng cho nổi. Tuy nhiên tôi chỉ âm thầm đau khổ thôi chớ ganh ghét Lộc thì không hề có. Lộc được cái tánh rất thảo ăn. Khi nào có người yêu mới là chàng xách về khoe với em mình liền. Đưa ảnh người yêu cho chị xem, cả thư người ấy gửi cho em, y như anh chàng Nguyễn Bính lẫm cẩm.
Sau màn Thu Quyến Rũ, kép độc yêu cầu cô Ba Bến Tre hát tặng hai anh em nhà họ Lê một bản. Tôi trê-ma-lô ròn rã, Lộc đệm tây ban cầm sầm sập, Lệ Dung cất giọng trong trẻo: Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối, rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu... Trăng Mờ Bên Suối, ôi tình tứ xiết bao! Thỉnh thoảng khi dứt câu hát Lệ Dung còn đưa mắt long lanh liếc trộm người yêu khiến tôi bủn rủn trê-ma-lô cứ vấp tới vấp lui từng chập. Nhưng cũng phải ráng lết tới cùng cho đẹp lòng Lệ Dung. Dứt bản, tới phiên chàng và nàng yêu cầu tôi ca mới chết một cửa tứ. Là giết đời nhau đấy biết không? Dũng tướng học trò bèn cự tuyệt. Ai ép ta hát thì trước hết phải bước qua xác chết của ta đã! Tuy nhiên trước lời ỉ ôi ngọt ngào của người đẹp mà tôi thầm mơ ước, tôi đành nhượng bộ và đề nghị hợp ca bản Con Đường Vui, tôi xung phong xin hát bè hai. Dạo nhạc rùm rụp xong khúc mở đầu, ban hợp ca Thăng Long tỉnh lẻ hòa giọng nam nữ cất lên: Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió, hồn như đám mây trắng lững lờ, giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp bô-ê-miền...Khúc đâu Hán Sở chiến trường, nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu, nghe ra như oán như sầu phải chăng? Tôi xáp vô bè hai: Đoàn ta! Vui bước lên đường mưa gió về, còn nghe vang dư âm bao lời ca sông núi!...
Dứt bản ai nấy đều hả hê. Riêng tôi nhìn Lệ Dung đẹp dạ tôi cũng vui lây và thơ thới trong lòng. Lộc ban phát lời ngợi khen hết cả ban hợp ca, rồi lật tiếp tập nhạc lựa bài Dư Âm, Lộc tự đệm đàn và hát một mình. Lệ Dung nhoẻn miệng cười xinh xắn ngước mắt ngó lên nhìn anh tôi tình tứ. Tôi thở dài ôm lấy cây đờn măng-đô-lin siết chặt trong lòng mình đau điếng.... Đàn tôi đứt hết dây rồi, không ai nối hộ không người thay cho. Rì rào những buổi gieo mưa, lòng đơn ngỡ tiếng quay tơ đằm đằm. Ôi Lệ Dung ơi có thấu?
Tối đến má tôi đày anh tôi xuống ngủ ở nhà dưới, còn Lệ Dung thì được bà bắt cóc tấn ở ghế bố sát vách gỗ trên gác, bà bắc ghế bố khít rịt sát bên nàng để cản trở lưu thông. Chuột kêu chút chít trong rương, anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay. Tôi thầm cám ơn má tôi đã có sáng kiến tân kỳ. Tôi cũng ngủ trên gác, nằm ở đi-văng phía trước, cạnh bàn học. Kế đó là vách ván ngăn hai bày biện bàn thờ Phật, bàn thờ Quan Công và bàn thờ ông bà. Rồi phía đàng sau vách mới tới hậu liêu của má tôi và Lệ Dung. Nằm chèo queo một mình, tôi lăn trở thao thức. Tiếng người ho trong đêm, tiếng thằn lằn chắc lưỡi, tiếng chân ai rón rén lên xuống ở cầu thang tôi đều nghe hết thảy. Rồi nghĩ quẩn, rồi tưởng tượng, rồi đau khổ. Âm thầm đau khổ trong đêm tối. Ước gì mặt trời mọc lên ngay trong lúc đó. Ngọn đèn hột vịt chong trên bàn thờ hắt hiu leo lét. Cũng như ngọn lửa lòng của tôi. Canh khuya thắp chút dầu dư, tim can chóng lụn anh sầu tư một mình...
Những ngày kế tiếp, Lộc lại lên đường cứu nước, tiếp tục sứ mạng phiêu lưu chính trị cao cả của mình như Lộc đã từng thốt lên. “Đời tôi là cả một bài thơ, cả một bài thơ rũ bụi mờ, cả một bài thơ không đầy ý, là đời nghệ sĩ sống vì mơ.” Lộc đi gặp gỡ các dũng sĩ đồng chí hướng khác để in truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khóa. Bản truyền đơn được viết bằng loại mực tím đặc biệt trên nền giấy dầy có thể chuyền sang mặt bột ướt. Sau đó cứ lấy giấy trắng áp lên mặt bột mà vuốt là có được bản sao. Dễ ợt—mà nguy hiểm vì công an không ngớt rình rập.
Riêng tôi không bị thấm đòn sách động nên thừa lúc Lộc vắng nhà để chuyện vãn với Lệ Dung. Tôi phải căn dặn trước con tim mình đừng có nhảy cỡn loạn xị để tôi còn có đủ hơi sức mà ăn nói tỉnh táo với người dđẹp. Dặn là dặn chơi vậy thôi chớ tôi dư biết con tim mình vẫn cứ đập theo nhịp điệu tự nhiên trời đất sanh ra của nó, chẳng ăn nhậu gì với ý chí của tôi hết. Ở nhà một mình để giải khuây Lệ Dung mua một cái áo gối bằng vải trắng và nhờ tôi vẽ hai chữ gô-tích mỹ thuật L và D quấn tít vào nhau để nàng thêu tấm lòng của nàng lên mặt gối bằng chỉ hồng. Tôi cắn răngg cầm bút chì vẽ vời trên mặt gối vì Lộc đã trót khoe tôi vẽ vời rất có năng khiếu. Lệ Dung kiên nhẫn luồn kim thêu thùa để ngóng đợi chàng dũng sĩ trở về. Còn tôi, tôi kiên nhẫn ngồi cạnh bên ngó nàng âu yếm thêu áo gối tặng cho người yêu dấu. Con tim vốn đã rướm máu sẵn từ khuya giờ đây lại càng thêm bầm vập.
Chuyện vãn được biết nàng có một người chị và một đứa em cỡ tuổi tôi—thôi rồi dũng tướng đệ ngũ kể như tiêu tùng! Bắt qua văn nghệ, Lệ Dung nói nàng thích truyện Hồn Bướm Mơ Tiên, nàng ưa đọc Khái Hưng, Nhất Linh và yêu tùy bút của Thạch Lam. Trong lúc đó tôi vẫn hãy còn quanh quẩn với truyện Đồng Quê của Phi Vân và ba cái văn chương miệt vườn, Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh. Tuy nhiên tôi đột nhiên nhớ ra câu văn xuôi không biết của văn sĩ nào đó mà tôi rất ưa thích. Tôi đọc cho nàng nghe” Lệ Quyên một sớm sang Hồ Hán, một chiều trở lại Hồ Tây, ngược xuôi xuôi ngược, tuy chung nước đổ một dòng mà bèo bọt vẫn đi về muôn ngã.” Văn chương như vậy thiệt là mùi tận mạng. Tôi hỏi nàng có thích không? Nàng yêu cầu tôi đọc lại và nàng gật đầu tán thưởng. Rồi nàng cúi đầu xuống đưa răng ngọc cắn lên sợi chỉ hồng, suối tóc huyền uốn éo tỏa ra hương thơm ẩn mật. Tim tôi lại cỡn lên chấn động. Tất cả mùa Đông đaan áo len, cho người tất cả người quen. Còn tôi người lạ, có cũng nên mà không cũng nên! Tôi dợm đứng lên, nàng ngước mắt nhung hỏi tôi tính đii đâu vậy. Tôi nói tôi không tính đi đâu hết. Rồi thẫn thờ ngồi xuống trở lại bên cạnh nàng như trước. Chết bỏ!
Tối đêm đó tôi lại nằm chèo queo một mình và tưởng tượng. Tâm sự rối nùi. Tay chân lạnh ngắt, ruột tôi chơn quặn lên đau thắt dữ dội., mình vã mồ hôi, tưởng chừng bụng mình sắp nứt làm hai phơi hết tim gan mình ra cho mọi người ngó thấy. Tôi thường có những cơn đau đứt ruột khi lòng mình quá xúc động. Đau chết giấc. Hết thuốc chữa. Tôi chỉ còn nước ôm cứng giấy bụng mình mà cắn răng chịu trận, không dám rên rỉ. Tôi chỉ còn nước ôm cứng lấy bụng mình mà cắn răng chịu trận, không dám rên rỉ sợ gây huyên náo làm mất giấc ngủ mọi người và đánh thức Lệ Dung.
Chị cho em chị chiếc khăn thêu, ý chị thương em khóc đã nhiều. Khóc chị ngày xưa, giờ lại khóc cho mình khi tắt một tình yêu... Ờ nhỉ! Sao tôi không nhân dịp Lệ Dung thêu thùa mà nhờ nàng thêu cho mình một chiếc khăn tay bỏ túi làm kỷ niệm? Trong đêm tối đen mấy câu thơ của sư phụ chợt lóe lên trong trí tôi và gợi ý. Sáng hôm sau, chờ lúc anh tôi lên đường cứu nước, tôi ngỏ ý khăn thêu với Lệ Dung và được nàng ưng thuận. Nàng lấy một chiếc khăn tay trắng còn mới nguyên có thêu viền chỉ xanh lục xung quanh và biểu tôi vẽ một chữ K lớn ở góc trên. Tôi làm gan đề nghị nàng thêu chữ ký tên Lệ Dung ở góc đối diện cho người ta được biết tác giả. Và nàng cũng ưng thuận.
Nàng lại bắt đầu chăm chỉ thêu thùa chữ cái của tên tôi với chỉ thêu màu xanh lục—một cây xanh dờn cho mát lòng dũng tướng. Tôi lại ngồi bên cạnh nàng và mở tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang của sư phụ mình ra đọc trang từng trang một cho nàng nghe. Thỉnh thoảng nàng dừng thêu thở dài. Mắt quầng tóc rối tơ vương, em còn cho chị lược gương làm gì? Một lần này bước ra đi, là không hẹn một lần về nữa đâu! Có phải khi th dài sườn sượt như vậy Lệ Dung đã linh cảm mơ hồ điềm ly biệt? Sau này khi Lệ Dung khăn gói từ giã nhà họ Lê trở về Tề quốc rồi thì tôi không còn bao giờ được gặp lại mặt nàng một lần nào nữa hết. Cũng là thôi, cũng đã đành! Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao? Nàng để lại cho anh tôi một tấm ảnh trắng đen chụp nàng đứng cạnh bên nhà thủy tạ cất bằng gỗ xoải mình ra giữa hồ sen trong thành phố Bến Tre. Sau lưng nàng, hàng hàng lê liễu xõa tóc sương mai buông rũ xuống mặt hồ lăn tăn dợn sóng. Lưng ảnh Lệ Dung có đề mấy dòng chữ tạ từ viết tay bằng mực tím: Nàng liễu rũ vì cơn gió dập, hay vì hoa đã lỡ làng duyên?” Tuy không hiểu rõ nàng muốn nói gì, tôi cũng lén ăn cắp tấm ảnh đó của anh tôi và giấu kín kỷ niệm Lệ Dung còn phưởng phất dư hương quấn quít trong mái tóc nàng làm của riêng.
Bỗng Lệ Dung la “Ái!” lên một tiếng tiếp theo tiếng pháo lớn chợt nổ trước nhà. Nàng buông rơi chiếc khăn thêu luống cuống nắm lấy đầu ngón tay bị kim đâm vào rỉ tuôn máu đỏ lúc nàng giựt mình vì pháo nổ. Một cách máy móc tôi chụp đầu ngón tay nàng đút vào miệng mình như những lần tôi bị đứt tay chảy máu. Nàng cũng để yên không rút lại. Hương thơm bí mật của bàn tay nàng cận kề sát bên mũi tôi hơn bao giờ hết. Mắt nhung nàng ngó thẳng vào mắt tôi. Tôi chóng mặt, tim tôi đập mạnh bấn loạn không còn giữ được trật tự nhịp nhàng gì nữa. Hương thơm Lệ Dung mằn mặn ở đầu lưỡi... Trời ơi! Ngay lúc này giá mà tôi có thể ăn thịt được nàng! Cho dù sau đó có bị kết tù chung thân khổ sai và lưu đày biệt xứ tôi cũng cam chịu.
Tôi đứng dậy tìm băng keo rịt đầu ngón tay lại cho nàng. Cuộc thêu thùa đành ngưng lại lưng chừng, lỡ dở. Để dằn cơn xúc động, tôi bỏ xuống đường và đi lang thang trong thành phố buổi chiều chúa nhựt với dư vị da thịt nàng còn ám ảnh đuổi riết trên môi. Ôi! Lệ Dung....
Sau bữa cơm chiều, anh tôi lại đưa nàng đi dạo mát như thường lệ. Tôi thua buồn leo lên gác ra ngồi ở bực cửa sổ ôm cây đờn măng-đô-lin run khua lẳng tẳng. Dư hương Lệ Dung vẫn còn bồi hồi chưa dứt. Tôi bần thần chưa tỉnh, Trong bụng rưng rưng. Tôi đờn đi đờn lại những ca khúc lãng mạn. Rồi yên lặng ngó lên một vì sao đơn chiếc đang mọc cao trên nền trời thăm thẳm. Anh Hai Te đã về thăm nhà hồi sáng hôm nay. Tôi nhớ và thèm tiếng ca tài tử của anh. Anh cũng có dạy cho tôi hát và đờn thuộc lòng được câu đầu của bài vọng cổ . Tôi ướm thử giọng rồi cất tiếng ca lên một mình:
“Lệ Dung em ơi! Sao em nỡ đan tâm lòng quyết (yết) sang (ơ ơ) Tề...”
Chợt trong vùng ánh sáng bất định một hương thơm quen thuộc thoảng dậy lùa tới bên mũi tôi. Tôi giựt mình ngó lại. Trong vòm hương tỏa ngất ngây Lệ Dung đã xuất hiện đứng đó tự bao giờ. Nương theo một phép nhiệm màu, từ Suối Đào Nguyên nàng thình lình giáng thế. Tôi chới với thiếu chút nữa đã té ngửa qua mái ngói của nhà hàng xóm cạnh bên mà lăn lông lốc rơi tuốt luôn xuống đất. Tôi lặng thinh ngó nàng lung linh trong vùng ánh sáng mờ yếu của ngọn đèn dầu. Nàng bước tới gần cầm chiếc khăn tay đưa ra cho tôi nói hồi chiều nàng đã thêu xong. Tôi đưa tay cầm lấy rụng rời. Yên lặng nàng ngó tôi vài giây rồi chợt cất tiếng nhỏ nhẹ hỏi tôi sao ca bài đó làm chi cho thêm buồn bực? Tôi còn đang bối rối chưa biết trả lời cách nào thì nàng đã vội vàng quay gót son mềm chạy xuống cầu thang như vừa chợt hiểu. Một cơn gió Xuân mát lạnh từ bên ngoài cửa sổ thổi ùa tới làm tôi rùng mình.
Rồi một ngày qua hai ngày qua....
Và giờ phút biệt ly đã đến. Má tôi, Lộc và tôi đưa nàng ra tận bến xe đò để tiễn chân. Lệ Dung về Tề quốc. Tay nắm không buông. Mắt nhìn bịn rịn. Lời nói nghẹn ngào. Lệ tuôn lã chả. Ôi! cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy?
Tàu chạy hình như để chở buồn, chở người đi nhớ kẻ về thương, nâng bao nhiêu gót chân xinh đẹp. Tàu chạy đêm nay có lạc đường? Lệ Dung ngồi sát bên cửa xe thò mái tóc kẹp uốn éo buông lơi ra ngoài và nắm lấy tay má tôi mà khóc như mưa bấc. Lộc đứng khít bên má tôi. Còn tôi thì lùi ra xa trên bờ lề đứng dựa lưng vào một gốc cây me già mà ngó, sợ e đứng gần giai nhân cầm lòng không được tôi phát buông ra những lời nhảm nhí càng gây thêm bối rối cho tất cả mọi người. Hay lại phát thinh ré lên khóc càng thêm quê một cục. Nhìn Lệ Dung lã chã má tôi cũng rút khăn ăn trầu ra mà lau lệ không ngớt. Thế nào má tôi cũng chúc nàng thượng lộ bình an và hứa hẹn khi nào nàng học thành tài xong rồi thì má tôi sẽ cưới nàng về cho anh tôi để cho nàng trở thành một trang hiền phụ. “Em muốn vô làm con dâu thảo cho phụ mẫu mình. Trước coi gia cang bề thế sau nấu đôi bình nước khuya”. Má tôi vốn là người quê mùa nên vẫn hằng tin tưởng rằng yêu nhau là phải có thủy có chung.
Nhưng những giọt nước mắt cho dù có thổn thức ngậm ngùi cách mấy cũng không thể nào thay đổi được giờ giấc của những chuyến xe đò. Xe bắt đầu rồ máy xịt khói xanh um và dợm bánh lăn tới lăn lui. Rồi xe bắt đầu lăn bánh thiệt sự. Má tôi và Lộc đành phải buông tay nàng ra. Lệ Dung đưa tay lên cao vẫy chào biệt ly mọi người. Tôi cũng vội vàng đưa tay lên vẫy vẫy cho tới lúc nàng khuất bóng sau vòm khói xe tỏa xanh mù mịt. Lệ Dung! Lệ Dung! Thôi giã biệt! Cõi lòng của Lộc chưa chắc tan nát bằng cõi lòng của đứa em mình.
Lững thững tàu đi mất nữa rồi, sao không dừng lại ở ga tôi, lấy mươi lăm phút cho tôi gửi, chút ít xuân xanh trả lại trời? “Lệ Dung một sớm sang Hồ Hán, một chiều trở lại Hồ Tây, ngược xuôi xuôi ngược, tuy chung nước đổ một dòng mà bèo bọt vẫn đi về muôn ngã...”
Anh Hai Te đã trở lại trại mộc từ sáng hôm nay. Tối hôm nay, cũng như mọi tối, sau khi cơm nước xong, anh ôm cây đờn vọng cổ ra ngồi ở đống cây trước nhà ca vài khúc ca giải muộn.
Và tối hôm nay, cũng như mọi tối, tôi ra ngồi ở bực cửa sổ trên gác cao mong ngóng. Nhưng tối hôm nay, khác hơn mọi tối, tôi có thêm được chiếc khăn tay mà Lệ Dung đã nhỏ giọt máu đào thêu tặng cho tôi. Anh Hai Te bắt đầu dạo nhạc và nói lối. Áp chiếc khăn thêu nồng ấm lên mũi mình, dư hương kỳ bí của Lệ Dung vẫn còn ngạt ngào nguyên vẹn. Khi anh Hai Te dứt phần dạo nhạc và cất tiếng ca tài hoa xuống câu vọng cổ ngậm ngùi thì hai giọt nước mắt nóng hổi của tôi cũng bật trào theo lăn ròng ròng xuống má. Thôi rồi! Nương tử Lệ Dung đã đành bước lên kiệu hoa đem tấm thân ngọc ngà về xứ khác.
“Lệ Dung em ơi! Sao em nỡ đan tâm lòng quyết (yết) sang (ơ ơ) Tề...”

Monday, September 15, 2008

BUỒN NÔN, SARTRE THƠ THẨN TRƯỚC CỔNG CHÙA Bài 3

Je comprenais la Nausée, je la possédais
* JP. Sartre
Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng
* Bát Nhã Tâm Kinh

La Nausée” là quyển tiểu thuyết triết lý mà JP. Sartre viết về kinh nghiệm Buồn Nôn của mình khi thình lình phát hiện ra sự hiện hữu của sự vật trong một công viên. Từ kinh nghiệm “buồn nôn” này Sartre nghiền ngẫm về hiện hữu và viết ra quyển đại luận (essai) “L’Etre et le Néant”, đặt nền tảng cho Thuyết Hiện Sinh (Existentialisme).
Tiểu luận này bàn về các ý niệm chính trong tư tưởng của Sartre. Tiểu luận chia làm ba bài, mỗi bài đề cập một đề tài riêng biệt:
Bài 1:
Lý do hiện hữu – Ý nghĩa – Phi lý/ Vọng chấp – Hý luận
Bài 2:
Ngẫu nhiên – Tất định / Nhân duyên – Nhân quả
Bài 3:
“Être en soi” – “Être pour soi” – Ý thức / Sắc và Không – “Tướng không” – “Tánh không”

BA: “Être en soi” – “Être pour soi” – Ý thức
Sắc Không – Tướng không – Tánh không


L’Existentialisme, Thuyết Hiện Sinh của Sartre bắt nguồn từ kinh nghiệm Buồn Nôn. Kinh nghiệm đó được diễn đạt bằng ngôn ngữ triết học qua L’Être et le Néant, Hữu Thể và Hư Vô. Tác phẩm này đặt nền tảng trên hai ý niệm căn bản là “être en soi” (hữu thể tự ngã) và “être pour soi” (hữu thể quy ngã), có thể hiểu tổng quát là phần vật chất và phần ý thức trong hữu thể (xem bài viết của JV trong Bài 1). Vì dịch ra tiếng Việt có thể làm sai nghĩa của Sartre nên người viết để nguyên các từ ngữ “en soi” và “pour soi” trong bài viết này. Để cho việc góp ý kiến và lập luận được cụ thể và minh bạch, người viết xin phiên dịch bản văn sau đây của Jean Vioulac (JV). Bài viết của JV nhằm mục đích giải thích các ý niệm căn bản của Sartre trong tác phẩm L’Être et le Néant, vốn được viết bằng lối văn bí hiểm và kín mít đặc thù của triết gia lớn này. (C’est barbant! Nói theo kiểu Tây Phú lang sa). Kèm theo bài viết của JV là một trích đoạn của “L’Être et le Néant” để minh chứng cho điều mình diễn giải. Nhưng người viết tự lượng sức mình nên “không dám” dịch ra tiếng Việt sợ làm sai ý của triết gia. Chẳng hạn như câu Sartre viết như sau: “Cela signifie que, par un double mouvement de néantisation, il néantise le questionné par rapport à lui, en le plaçant dans un état neutre, entre l’être et le non-être –et qu’il se néantise lui-même par rapport au questionné en s’arrachant à l’être pour pouvoir sortir de soi la possibilité d’un non-être”. Sartre giải thích như thế này là quá rõ (Nghe rõ, trả lời!). Riêng mình, người viết xin quăng khăn lên đài chịu thua. Có cảm tưởng như mình đang coi phim Hitchcock đoạn mở đầu, và ra về trước khi phim kết thúc. Vị nào liệu mình có đủ nội lực thâm hậu và có đủ khả năng phiên dịch thì xin mời. Please! S’il vous plait. Merci “bố cu”.

Ý THỨC NHƯ LÀ “HƯ VÔ HÓA”

*Chân không (vide) trong hữu thể

«(…) Nếu hữu thể được định nghĩa như là “être en soi”, nghĩa là một tổng thể chặt cứng và kín mít, một hệ thống đan khít của những tiền định và nhân quả thì nó sẽ không thể nào là hữu thể tự do được. Hữu thể là cái nó đang là, và nó không thể là cái gì khác hơn: nó không có một khoảng du di điều động nào so với cái nó đang là. Một tảng đá tự nó là như vậy: nó được ban cho một căn cước, và tất cả những gì có thể xảy đến cho nó được định trước bởi cái bản chất “đá” của nó. Để cho tự do có thể hiện hữu, cần phải có một khoảng cách biệt (écart) so với hữu thể, một hành động vượt khoảng cho phép (nó) tự rút ra và tự giải thoát khỏi cái mạng lưới của tiền định. Và ý thức chính là khoảng cách biệt đó, chính một mình nó tạo ra một vùng của hữu thể độc đáo, khác biệt hẳn với “en soi”: Sartre gọi nó là “pour soi” cái cách thức hiện hữu riêng biệt này của ý thức.
*Cái tên gọi khác của tự do.
Bằng cách đó ý thức hành xử (
se comporter) ngay trong lòng hữu thể: nó thoát ra khỏi vũng lầy ù lì (opacité) và nặng khối (massivité) của hữu thể bằng cách tạo ra một khoảng trống (espace vide) xung quanh mình, khoảng trống này cho phép nó giữ khoảng cách đối với các sự vật và nhờ đó mà ý thức được chúng. Thế nhưng, đưa chân không (vide) vào hữu thể là đưa vào đó hư vô (néant). Với tư cách là quyền năng đưa chân không vào hữu thể, ý thức là một quyền năng dọn trống (évidement), với tư cách là quyền năng đưa hư vô (vào hữu thể), ý thức là một quyền năng hư vô hóa (néantisation). Do đó, hư vô hóa chính là yếu tính của ý thức.
Và như thế, Sartre bắt đầu tác phẩm
L’Être et le Néant (Hữu thể và Hư Vô) của mình, bằng cách chỉ cho thấy rằng, để cho con người có thể đặt vấn đề hữu thể, cần phải giả định trước một sự cách biệt so với hữu thể, và vì vậy, cần phải có một “liều” hư vô (dose de néant) nào đó. Bằng cách rời xa hữu thể, ý thức tự giải phóng mình ra khỏi hữu thể, và theo Sartre, hư vô chính là cái tên gọi khác của tự do (…)
L’Être et le Néant hoàn toàn đặt nền tảng trên sự phân biệt giữa hai vùng của hữu thể triệt để đối nghịch nhau, vùng của “être pour soi” nghĩa là vùng của ý thức, và vùng “être en soi” vốn là cái chất bột ù lì và phi lý mà ta chỉ có thể chứng kiến sự hiện diện của nó». -JV-

Một ngòi bút khác nữa diễn giải các ý niệm của Sartre là Michel Contat (MC), một chuyên gia về Sartre, phụ trách việc ấn hành các tác phẩm của triết gia này trong bộ “Bibliothèque de la Pléiade” Trích đoạn sau đây của bài viết “Lire Sartre aujourd’hui” của MC sẽ làm sáng tỏ thêm (?) quan niệm của Sartre về tự do và hư vô hóa:
«(…) Tôi hiện hữu tại vì thế giới hiện hữu, và tại vì tôi ý thức về điều đó, nhưng tôi cũng ý thức rằng tôi không phải là nó, tôi có một quyền lực mà nó không có, quyền lực tưởng tượng những gì không hiện hữu. Quyền lực đó, Sartre gọi nó là sự hư vô hóa: con người là hữu thể xuyên qua nó hư vô đến với thế giới. “Tôi tìm Pierre, bạn tôi, tại quán Café de Flore, nhưng hắn ta không có đó, tôi hư vô hóa cả tiệm café để được thấy hắn xuất hiện, hắn ta, Pierre; tôi chỉ thấy sự vắng mặt của hắn: tôi tưởng tượng hắn đang ở một nơi khác, cái trò phù thủy này (sorcellerie) chính nó là tự do của tôi». -MC-

*Coi chừng bị hư-vô-hóa

Trước khi luận bàn, hãy thử động não cho tợn lên và tưởng tượng… tưởng tượng… để theo cho kịp Sartre: “Tôi đi tìm Pierre, bạn tôi, trên hè phố. Tôi chỉ thấy sự vắng mặt của hắn. Để được thấy hắn xuất hiện, tôi hư vô hóa tất cả đường phố. Cái trò phù thủy này, chính nó là tự do của tôi: cái tự do… cụng đầu vào cột đèn (vốn đã bị tôi hư vô hóa)! Và gã phù thủy gà mờ té ngửa trên vỉa hè! Khóc thét! Cái đỉnh cao trí tuệ u lên liền một cục lớn. Và cũng quê (rất) lớn một cục!”
Dĩ nhiên, cái câu chuyện “tìm Pierre trên hè phố” chỉ là chuyện (khoa học) giả tưởng. Nhưng cái chuyện này là có thiệt: nửa thế kỷ sau cái thời điểm lịch sử “Sartre hư vô hóa” tiệm Café de Flore, tuần qua người viết có dịp dạo chơi ở khu Saint-Germain-des-Prés. May quá! Thấy cái tiệm café khét tiếng này vẫn hãy còn nguyên vẹn đó (hú hồn!). Tuy nhiên, rất tiếc là nhà triết gia nhớn không còn ngồi đó nhâm nhi café và hút ống vố nữa (có lẽ đã bị ông chủ tiệm café hư vô hóa để trả thù rồi chăng?) Thêm một điều “théc méc” khác nữa: Trong cái hoạt động “hư vô hóa” có tính cách tiểu công nghệ của mình, Sartre lấy cái “hư vô” từ đâu, hay được ai cung cấp? Thượng đế chăng? Hay là cái hư vô ex nihilo? Thứ đến, Sartre cứ nói “hư vô hóa” mà không nói rõ là hư vô hóa cái gì? Và sau khi bị hư vô hóa thì cái gì đó nó có bị sứt mẻ gì không?
Cung cách “hiu hiu” của Sartre cũng là cái cung cách điển hình của triết học Tây phương: Tôn vinh cái đỉnh cao trí tuệ, tôn vinh cái “Cogito ergo sum!” coi trí tuệ như là một thứ Thượng Đế toàn năng không bao giờ có thể sai lầm, rất đáng tin cậy. Từ sự thờ phượng trí tuệ đó mà đẻ ra biết bao là lý thuyết, biết bao là chủ nghĩa đưa đến xung đột địa phương và chiến tranh toàn cầu làm điên đảo thế giới. Vẫn chưa tởn! Vẫn hiu hiu cái “ngã mạn” (bự xộn), cái “volonté de puissance” kiểu Nietzsche (đã chết trong nhà thương điên) Và cũng đã có biết bao triết gia Tây phương đã từng bị cái “đỉnh cao trí tuệ” nó hành tới mức phải tự tử chết trong điên loạn. Trước khi tự tử còn vọt tít lên tận trời cao để thích khách Thượng Đế, xong la toáng lên rầm trời “Thượng Đế đã chết!” Rồi đây, sẽ có một đấng triết gia bự xộn le lói khác nữa đột nhiên nổi xung kéo 3 sư đoàn thủy quân lục chiến đùng đùng lên đánh Trời (như Tôn Ngộ Không hồi nẵm). Rồi bắt cóc Thượng Đế trói ké đem về giải giao trại tù Guantanamo cho Bush Con khai thác để lấy khẩu cung nhẹ nhàng bằng phương pháp “phân tâm học” của tổ sư Freud. Bravo! Bravo! Thiệt tình!
Thiệt ra thì cái ý niệm “en soi” và “pour soi” của Sartre cũng chẳng mới mẻ gì cho lắm so với cặp bài trùng “vật chất” và “tinh thần” muôn thuở của cái gút thắt không thể nào tháo gỡ nổi của loài người (mặc dù rất là thông minh nổi tiếng cầm đồ). Có khác chăng là ở chỗ Sartre đặt cho nó một cái tên là lạ “en soi” và “pour soi” (cho nó có vẻ mô đẹc?) (Tiếng Tây đã có chữ anchois (mắm cá cơm), nhưng chưa có từ ngữ “en soi”). Và lạ lùng hơn hết là ở chỗ Sartre đã dùng ý thức của mình để giải phẫu hữu thể và nhét cái hư vô vào đó, và gọi nó là tự do(!) “Hư vô” tự nó có nghĩa là “không có gì hết”. “Tự do” là cái “không có gì hết”! Cũng tiện. Đỡ phải vất vả để mang nó theo người, và vất vả để bảo trì nó cho hoàn hảo. Nó cũng không ăn bánh mì, không ăn gạo, không ăn bắp, không uống nước, không uống rượu, không biết khóc không biết la. Do đó, cái “tự do” theo kiểu “hư vô” lúc nào cũng nín khe cho ta hoàn toàn yên ổn để được tự do mà tha hồ “quậy” cho tới bến. Kể ra cái “mẹo vặt” này của Sartre cũng khá đắc dụng.
Hơn nữa, cái ý thức của Sartre nó rất là toàn năng, đủ hết mọi thứ quyền lực. Nó ban ý nghĩa (cho cái rễ cây), nó ban phi lý (cho cuộc đời). Nó hư vô hóa tiệm café, nó hư vô hóa cột đèn (cái nầy thì có hơi bất tiện). Nó chiếu rọi, nó buồn nôn, nó phán xét (cuối cùng!). Nó tuyên bố “Hữu thể không có lý do hiện hữu”. Nó dẹp tiệm hiện hữu, nó dẹp tiệm café ngay từ đầu (chưa kịp mở cửa). Cái ý thức toàn năng (hay là Sartre?) nó cũng giống như đứa nhỏ gái chơi trò búp bê. Em nhỏ ban phát vai trò cho bốn năm con búp bê của mình rồi dựng kịch. Các nhân vật búp bê đều “có quyền” và có “tự do” phát biểu ý kiến y chang như em nhỏ tự ý viết ra trong vở kịch. Và em nhỏ là phát ngôn viên chính thức và có thẩm quyền của toàn ban. Em nhỏ biểu đẹp thì đẹp, biểu xấu thì xấu, biểu trung thành thì trung thành, biểu gian ác thì gian ác. Và trên hết: Em nhỏ ban cho búp bê ý nghĩa thì búp bê có ý nghĩa, ban cho phi lý thì búp bê phi lý, biểu sống thì sống, biểu chết thì chết. Em nhỏ rất là toàn năng. Và em nhỏ rất là hài lòng! Búp bê nào lạng quạng cãi lời thì sẽ bị cái “ý thức búp bê” nó hư vô hóa (ráng chịu). Sartre thừa biết đó là trò phù thủy (sorcellerie), chữ dùng của Sartre để ám chỉ trò chơi “hư vô hóa” của mình. Nhưng cũng đâu có sao. Sartre dựng lâu đài Existentialisme (Thuyết Hiện Sinh) trên các ý niệm cột trụ “être en soi” và “être pour soi”. Từ Buồn Nôn đi tới “L’Être et le Néant” tuy có hơi vất vả, nhưng Sartre làm được. Có vất vả chăng là vất vả cho người đọc: “La conscience est un être pour lequel il est dans son être question de son être en tant que cet être implique un être autre que lui” (Ouf!). Đã hiểu rõ cái “conscience”, đã hiểu rõ cái “ý thức” là cái gì chưa?
Con người có bộ não khiến cho nó hiu hiu với cái “ý thức” nuốt hết vũ trụ, với cái “đỉnh cao trí tuệ” chúa tể muôn loài giống như Tề Thiên có “thất thập nhị huyền công” biến hóa khôn lường, vác thiết bảng phom phom lên đánh Trời. Cái bộ não này cho phép con người vượt trội hơn muôn thú là do ở khả năng bày ra trong đầu óc mình những “trình diễn trí tuệ” (représentations mentales), nôm na là tưởng tượng, nhờ đó mà thiết lập kế hoạch và dự phóng rất xa trong tương lai. Hầu hết các loài thú khác đều chỉ sống trong hiện tại: đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ, rảnh thì giỡn, vui thì hót, buồn thì đi chỗ khác chơi. Nhưng “sống trong hiện tại” chính là cái mà các thiền sư khổ công tu luyện để đạt tới, và gọi đó là “ngộ” . Muôn thú thì đã “ngộ” ngay từ đầu, khỏi cần phải ngồi tọa thiền cho ê đít mỏi lưng gì hết ráo. Sống trong hiện tại, không thấp thỏm lo âu cho tương lai, con thú hoàn toàn tùy thuận vào thiên nhiên. Sống trong hiện tại nên con thú không tích trữ đầu cơ, làm giàu, sở hữu, để tài sản, để ngôi báu lại cho con, không gây chiến tranh qui mô để giành giựt. Nói tóm, vì chỉ sống trong hiện tại, nên con thú không tham lam, cái căn bịnh đứng đầu sổ của con người.
Cái ưu điểm “đỉnh cao” của con người cũng đồng thời là một tai họa: Con người không bao giờ sống trong hiện tại. Con người luôn luôn rượt đuổi theo một cái gì đó: một chuyến bus, một giờ hẹn đào nhí, bồ bịch, ông chủ, lương bổng, sự nghiệp, bảo hiểm, học hành, cái mả đá, lăng tẩm, kim tự tháp, vân vân… Nhưng không sống trong hiện tại thì là sống với cái đã có hoặc sẽ có (chắc không?), sống với những cái mà mình không thể hưởng được liền tức khắc, nghĩa là sống trong hoang tưởng. Chính cái bộ não, chính cái “đỉnh cao” nó khiến cho con người sống thường trực trong hoang tưởng: Văn hóa và văn minh của con người đặt nền tảng trên hoang tưởng. Nó chỉ để lại điêu tàn, hoang địa, ô nhiễm, những đống gạch vụn giữa sa mạc, những cái xác ướp.

* Bị đày phải tự do

Xuyên qua quyền lực phù thủy “hư vô hóa”, Sartre đã thực hiện được một phép mầu: “Con người là hữu thể xuyên qua nó hư vô đến với thế giới” (nhẹ nhàng, ướt át và lãng mạn như em đến thăm anh một chiều mưa). Sartre mang đến cho thế giới một gói quà sinh nhựt độc đáo. Mở ra (ô! Surprise!): “Hư vô!” Hổng có gì hết! (Làm cho em nhỏ thất dzọng wá chời!) Ấy! Coi vậy chớ hư vô là quý lắm đó nghe: Hư vô là cái tên gọi khác của tự do. Vì vậy, không có “hư vô” là con người kể như bó tay. Bất ly cục cựa! Nhờ có cái “tự do hư vô” đó mà con người mới có quyền chọn lựa, và chọn lựa để mà dấn thân (s’engager). Tuy nhiên, có một điều quả thiệt là lạ lùng và vô cùng khó hiểu đối với một người bình thường, có cái logique rất là bình thường (sát mặt đất): Sartre đã khổ công tận dụng phẫu thuật tinh vi và ly kỳ để nhét “hư vô” vào thế giới, và nhờ đó mà nhọc nhằn lôi ra được cái tự do vô cùng quý giá. “Mừng húm?” Nhưng không! Vì kế đó Sartre lại than thở và kêu trời như bộng: “Chúng ta bị đày phải tự do!” (“Nous sommes condamnés à être libres”) Nghĩ kỹ lại, sao khi không lại đi kiếm “chuyện khó” mà làm? Mệt cầm canh! Mệt dài dài. Như Sisyphe bị đày phải lăn cục đá (mắc dịch!) lên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn. Lên tới đỉnh núi, cục đá (mắc dịch) lại đùng đùng rơi xuống. Lại lăn lên… lại rớt xuống… lại lăn lên… Thiệt là bị Trời hành! “Mệt bỏ mẹ!” Rồi bây giờ bỗng nhiên khi không Sartre trổ phép thần thông “hư vô hóa” rồi đày cả thế giới phải lăn cục đá tự do (mắc dịch). Nhưng vốn là “cục đá-hư vô” nên chắc là nó nhẹ hều, chỉ cần lấy một ngón tay mà khều nó cũng lăn cù… mệt nghỉ!
Nhưng giờ đây thử cố gắng nghiêm chỉnh và đặt một câu hỏi rất là thường tình: “Trước khi Sartre mang cái tự do/ hư vô đến cho thế giới, con người có tự do hay không?” Trước đó, con người có cái tự do để chọn lựa, có cái tự do để dấn thân hay không? Con người có bị bó tay bó cẳng, bị bịt miệng, bịt mũi, bị áp đặt hoàn toàn từ đầu đến cuối hay không? Cũng có, phần nào. Bởi lẽ con người không thể sử dụng được hoàn toàn 100% cái tự do lý thuyết: như tự do mua xe Mercedes, tự do lái du thuyền, tự do mua sắm hột xoàn, tự do mời Marylin lên giường để nói chuyện triết lý một cách nghiêm chỉnh, hoặc tự do thương lượng để mua cái Tháp Eiffel, tự do ứng cử tổng thống, vân vân… Nhưng trong đời sống hàng ngày trước khi được Sartre ban cho cái “tự do hư vô”, con người vẫn sử dụng được ít nhiều cái tự do thực tiễn của mình: như tự do ăn uống (vừa túi tiền), tự do nhậu nhẹt (lade rượu đế ở Xè Gòn), tự do đấu láo (nhứt là ở Hà Lội), tự do dòm lén ngực đàn bà, tự do đi đứng (ngoại trừ người ngồi xe lăn), tự do tới lui (nhà thổ), tự do tụ họp (chợ trời), tự do bầu cử (gian lận)… tùy theo bản tánh, tùy theo phương tiện, tùy theo xứ sở, tùy theo chế độ.
Còn dấn thân thì ôi thôi! Nó là một tai họa của con người! Chẳng hạn dấn thân để đổ máu cho bộ lạc mình, dấn thân để tàn sát sạch bách kẻ thù của quê hương ta. Dấn thân cho đại ca, dấn thân cho Đảng Ta, liều mình cho Hitler, hy sinh cho Pol Pot, phơi thây cho Mao Trạch Đông. Dấn thân để tử vì đạo cho Thượng Đế, dấn thân để sạt nghiệp vì Nình Bà, dấn thân để đốt tiền cho Las Vegas. Dấn thân để trèo lên tuyệt đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, chờ có cơ hội sút tay té xuống chưn núi cho lòi bản họng, để được chết có mề đai và ngậm cười dài dài nơi Chín Suối. Ối thôi! Kể làm sao cho hết được những kiểu “zấn thân” ly kỳ của con người! Còn trong lãnh vực chính trị, Sartre đã dấn thân cả đời cho đảng cộng sản Nga, bất chấp chế độ toàn trị chuyên chế, độc tài đẫm máu của Staline. Như vậy là dấn thân một cách “triết lý”? Hay chỉ nôm na là chọn đảng, là theo phe, là xả thân mù quáng, là liều mạng điên khùng, là “phóng lao phải theo lao”? Là cuồng tín, nói cho gọn. Là cuồng tín, bởi lẽ không có từ ngữ nào khác đúng hơn. Là cuồng tín, bởi lẽ nó đích thực là cuồng tín! Có vặn vẹo chữ nghĩa, có bóp méo ý niệm, có tung ra cái “mẹo vặt”, có uốn ba tấc lưỡi cũng chỉ là ngụy biện mà thôi. Ý thức! Ôi cái “ý thức xa lông”! Cái ý thức trí thức… trí ngủ!

* Hư vô đẻ ra ý thức.

Nhưng thử bình tĩnh để tìm hiểu vì lẽ gì mà Sartre tôn vinh cái ý thức tới mức gần như là bái vật (fétiche). Vì lẽ gì mà Sartre coi nó như một ngọn đèn pha thiêng liêng, thông minh sáng suốt tột bực, tới mức gần như nó không bao giờ có thể lầm lẫn được – hay ít ra, đó là cái ý thức của Sartre. Đọc lại cái ý niệm của Sartre về ý thức (theo JV):
Để cho tự do có thể hiện hữu, cần phải có một khoảng cách biệt (écart) so với hữu thể, một hành động vượt khoảng cho phép nó tự rút ra và tự giải thoát khỏi cái mạng lưới của tiền định. Và ý thức chính là khoảng cách biệt đó, chính một mình nó tạo ra một vùng của hữu thể độc đáo, khác biệt hẳn với “en soi”: Sartre gọi nó là “pour soi”, cái cách thức hiện hữu riêng biệt này của ý thức”.
Ý chính: Hữu thể có 2 phần: phần “en soi” (hiểu là vật chất), và một khoảng “cách biệt” (écart) gọi là “pour soi” và chính nó là ý thức (có nên hiểu là tinh thần?)
Đọc tiếp: “Bằng cách đó, ý thức hành xử ngay trong lòng hữu thể: nó thoát ra khỏi vũng lầy ù lì và nặng khối của hữu thể bằng cách tạo ra một khoảng trống (espace vide) xung quanh mình… Thế nhưng, đưa chân không (vide) vào hữu thể là đưa vào đó hư vô (néant)… với tư cách là một quyền năng đưa hư vô (vào hữu thể), ý thức là một quyền năng (puissance) hư vô hóa (néantisation). Do đó hư vô hóa chính là yếu tính (essence) của ý thức… và theo Sartre, hư vô chính là cái tên gọi khác của tự do”.
Ý chính: Ý thức tạo ra một khoảng trống (hiểu là chân không). Đưa vào hữu thể, chân không trở thành hư vô (còn gọi là tự do). Và trên hết: ý thức là một quyền năng hư vô hóa (hư vô hóa cái gì thì không thấy nói rõ ở đây).
Phân tích kỹ, ta mới thấy rõ được cái “thủ thuật phù thủy” (Càn Khôn Nã Đại Di) của cao thủ võ lâm JP. Sartre: Khởi đầu ý thức tự mình chỉ là một khoảng cách biệt (kể như không có gì hết). Rồi không biết bằng cách nào, ý thức đã đưa chân không vào hữu thể. Rồi sau đó, cũng không biết bằng cách nào, chân không chợt (rùng mình) biến thành hư vô (nghĩa là tuyệt đối không có gì hết!) Tóm tắt: Khởi từ cái “không có gì hết”, ý thức đã trổ nghề “hư vô hóa” chuyên nghiệp của mình để đi tới cái… “tuyệt đối không có gì hết”! Hư vô Terminus! Như vậy, ý thức đã đi đúng đường lối cách mạng Mác Lê và thực hiện được một cuộc cách mạng vô sản đích thực: Trước cách mạng, ta “ở trần”. Sau cách mạng, ta vẫn “ở trần”, nhưng hơn thế nữa, ta được thêm phép “ở truồng”… cưỡng bách. Cho nó mát. Kể cũng tiện.
Mới biết: “Lao động chưa chắc gì lúc nào cũng vinh quang!” Chỉ có “phù thủy” JP. Sartre mới tự nguyện làm nổi cái chuyện “dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì!” Nhưng tự mình vốn đã là “không có gì hết” mà ý thức lại có quyền năng “hư vô hoá” sự vật thì phải tin là phép mầu có thiệt: “Le miracle existe! Si si. Il esiste, vraiment il existe!” Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì cái phép mầu này chỉ có trong đầu của Sartre. Cái khả năng “hư vô hóa” của ý thức chỉ có trong đầu của Sartre. Cái chuyện hư vô hóa tiệm Café de Flore chỉ có trong đầu của Sartre. Từ cái chuyện tưởng tượng trong đầu, Sartre đồn riết ra thành một cái ý niệm (ý thức/hư vô) tưởng như có thiệt! Bravo! Cái chuyện này, tâm lý học gọi là “bịnh hoang tưởng”.
Theo Sartre ý niệm, ý thức chính là cái “pour soi”. Như đã thấy, vẫn theo Sartre, ý thức tự nó “tuyệt đối là không có gì hết”, thì cái “pour soi” (có lẽ?) cũng tuyệt đối là không có gì hết cho đúng với cái logique cartésienne.
Dựa trên nền tảng “en soi” và “pour soi” (vốn tuyệt đối là không có gì hết), mà Sartre xây dựng lâu đài “L’Être et le Néant” và lập thuyết “Existentialisme” thì liệu cái lâu đài đó và cái thuyết đó có bị đe dọa sụp đổ ngay từ đầu? Hay là rốt cuộc, sẽ không còn “Être” nữa mà chỉ còn lại “Néant”. Sẽ không còn Hữu Thể nữa, mà chỉ còn lại Hư Vô. Hữu Thể đã bỏ Sartre mà ra đi.
Bonjour tristesse! “Buồn ơi! Ta xin chào mi…khi người yêu đã bỏ ta đi…” Ô voa! Ô voa Bế Bì! Bái bai! Bái bai darling! “You say you love me, and then you say good bye!” Buồn năm phút. Nhận định về Sartre và thuyết Hiện Sinh, nhà nhân chủng học kiêm triết gia Claude Lévi-Strauss đã phát biểu: “Hiện sinh là một công trình tự chiêm ngưỡng, trong đó, với ít nhiều ngốc nghếch, con người hiện đại tự giam mình đối diện với chính mình và rồi đâm ra tột khoái (orgasme) với chính mình” Cũng đâu có xa lạ gì cái tuồng ruột Sartre tự biểu diễn và mê mẩn với cái trò phù thủy “hư vô hóa” tiệm café quanh quẩn trong cái “đỉnh cao trí tuệ” của chính mình. Nhưng nhìn kỹ thì thiên hạ vẫn tiếp tục uống expresso xì xụp và ăn croissants ào ào tỉnh bơ trong tiệm Café de Flore (trên nguyên tắc đã bị triết gia phù thủy “hư vô hóa”). “Hư vô hóa” có nghĩa là làm cho “biến mất”, chớ không có cái kiểu ngụy biện mở ngoặc đóng ngoặc, “mettre le monde entre parenthèses” gì hết ráo. Nếu “hư vô hóa” chỉ là “khép thế giới trong ngoặc đơn” thì tới thằng con nít ke cũng làm được, đợi gì tới phải rước phù thủy triết gia! Nói chuyện gì mà thiệt là như giả ngộ! Hết làm phù thủy thì đổi sang nghề “Thượng đế” cho nó sướng: Tột khoái (đến xuất tinh?) trong vai kép độc tự biên tự diễn vai trò “Thượng Đế bỏ túi” hiu hiu trên ngôi cao, ban phát ý nghĩa cho muôn loài, cả người chói lòa hào quang ngũ sắc và Ánh sáng Phúc Âm! Và nhứt là rất tự hài lòng, dĩ nhiên “Không có TA thì cả thế giới này sẽ (có chửa) buồn nôn và phi lý (rong rêu sỏi đá) hết... là cái chắc!” Ấy vậy mà khi hay tin sư phụ mình buồn nôn ở bên Tây, phe trí thức (?) trẻ Xè Gòn ta cũng vụt cấn thai ngang xương và kéo nhau ra ngồi cú rũ ở Quán Cái Chùa mà ói mửa cho tới mật xanh!
Khi khảo sát cái ý niệm “ý thức” của Sartre, ta thấy “hư vô” gần như là một ám ảnh không rời của Sartre. Nó cũng giống như một người bị ám ảnh tình dục. Phải giải quyết cho bằng được, kể cả hiếp dâm. Có cảm tưởng Sartre rất kinh sợ cái khối “chất bột” ù lì của “en soi”, coi nó như là một vũng keo lầy có thể nhận chìm ý thức. Vì vậy, Sartre đã cố gắng trổ hết tài mọn của mình và dùng phẫu thuật để “nhét” hư vô vào khối bột đó như là một cái “air bag” chắn ngang giữa “en soi” ù lì và “pour soi” thanh khiết để làm trái độn, hầu ngăn chặn vũng keo “en soi” tràn qua vùng “pour soi” của ý thức: Sartre đã dùng “tiểu xảo-phù thủy” để giải quyết nỗi ám ảnh về “hư vô” của mình. Đây chỉ là một giả thuyết. Nó có thể đúng, cũng có thể sai. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là: “Ta có thể tách rời tinh thần ra khỏi vật chất, tách rời ý thức ra khỏi thân xác (như Sartre đã tưởng tượng ra trong đầu) được không?”

*Tên phù thủy và cái “air bag”

Trừ phi ta học được 72 phép thần thông biến hóa khôn lường như Tôn Ngộ Không, hoặc luyện được phép “xuất hồn” của ông Đạo Tám (bỏ đi Tám!), ta không thể nào bứt rời ý thức ra khỏi phần vật chất (en soi), vốn là chỗ trụ (support) của nó. Con chim có thể đậu trên cành cây mà hót. Và cũng có thể bay lên khỏi cành cây mà hót. Nhưng ý thức không phải là con chim. Chưa hề thấy một ý thức nào đó rời khỏi chỗ trụ của mình là não óc để được tha hồ mà ngao du sơn thủy. Cũng chưa hề thấy một ý thức nào, không cần thân xác, mà đi dạo khơi khơi dọc theo bờ sông Seine, rồi đến ngồi trên băng gỗ để chiêm ngưỡng Nhà Thờ Đức Bà. Xong thả bộ tà tà xuống khu Saint-Germain-des-Prés, rồi chui vào tiệm Café de Flore nhâm nhi cái expresso, hút cái ống vố, và bóp trán (?) động não để tìm cách nhét cho bằng được cái hư vô vào trong hữu thể, mặc tình cho em nhỏ rên đau tỉ tê và khóc thét lâm ly “Em chả! Em chả!” Chưa hề thấy một cái ý thức nào khơi khơi như vậy và cũng chưa hề có cái chuyện như vậy trên đời. Nếu có thì đó không phải là ý thức: mà đó là một cô hồn. Mà cô hồn thì không thuộc về cõi người, xin miễn bàn.
Một giai thoại về cô hồn và về linh hồn: Sau khi Christophe Colomb khám phá ra Châu Mỹ, các conquistadors Tây Ban Nha đã đổ bộ thuyền bè súng ống, chở theo các linh mục để ban phép lành cho các conquistadors được yên tâm mà chém giết thổ dân tưng bừng để thôn tính Nam Mỹ. Chém giết thả giàn vì Tòa Thánh Vatican đã tuyên bố công khai là thổ dân Nam Mỹ không có linh hồn. Cũng giống như là mèo chuột nên có giết thì cũng giống như là giết mèo chuột vậy thôi. Hoàn toàn vô tội. Dĩ nhiên là thổ dân Nam Mỹ kháng cự kịch liệt với giáo mác thô sơ của mình. Có lần bắt được một linh mục, thổ dân mang cái vị khả kính này xuống sông trấn nước. Và ngồi chờ. Chờ gì? Chờ xem cái linh hồn của linh mục thoát ra khỏi thân xác và bay bổng về trời đoàn tụ với Thượng Đế! Chờ hoài không thấy. Ngâm tiếp vài ngày. Thấy thân xác linh mục cũng rã bèng và thúi tha y chang như là xác của thổ dân. Mới biết, trong thực tế, không có một linh hồn nào có thể tách rời khỏi thân xác một cách hiên ngang không sợ chết. Nếu có, thì điều đó thuộc về tín ngưỡng và tôn giáo.
Thay vì linh hồn, thì ý thức cũng y chang vậy thôi. Có đem trấn nước hữu thể cũng sẽ không thấy cái ý thức nó bay bổng về trời. Có chêm cái “air bag-hư vô” vào cũng không đem tới được một kết quả thiết thực nào hết, trừ phi là trong hoang tưởng. Cái air bag-hư vô không thể nào tách rời “pour soi” ra khỏi “en soi”. Ý thức “hư vô hóa” chỉ là chuyện hoàn toàn hoang tưởng!
Sartre cũng ý thức mình là một tay phù thủy. Không phải là phù thủy theo cái nghĩa làm ra phép lạ, mà là phù thủy ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để trổ phép thần thông. Sartre rất nhiều lần “đại ngôn”, và tin rằng mình chỉ cần đọc lên “thần chú” ngôn ngữ là mọi việc sẽ xảy ra y chang như vậy. Như khấn thần chú “Hữu thể phi lý” thì hữu thể sẽ bắt buộc phải phi lý, khấn thần chú “hư vô hóa” thì tiệm café sẽ biến mất – ít ra là trong tâm trí của Sartre, vân vân… Cái bệnh “phù thủy ngôn ngữ” này rất thường thấy trong triết học và văn chương cường điệu, cái kiểu “đâm nổ mặt trời”, “thét vỡ không gian”, “thách thức thần linh”… Con người thường bị ngôn ngữ mê hoặc, bỏ bùa, và tin ở sự mầu nhiệm của ngôn ngữ. Thực ra thì ngôn ngữ (và kể cả ý niệm) chỉ là những qui ước để trao đổi ý kiến, suy tưởng và ngôn ngữ chỉ diễn tả sự vật như là nó xuất hiện trong tri thức của mình. Ngôn ngữ chỉ diễn giải, mô tả sự vật. Như ảnh chụp. Chẳng đúng cũng chẳng sai. Nhưng nó không trung thực là cái chắc. Sự vật “thực sự” là gì và như thế nào, điều đó vĩnh viễn nằm bên ngoài tri giác. Nói thực sự, nhưng định nghĩa thế nào là thực sự. Có lần một nhà báo yêu cầu Einstein, cha đẻ của Thuyết Tương Đối giải thích được mọi hiện tượng trong Trời Đất, mô tả ngắn gọn vũ trụ là gì. Einstein cầm cục phấn trắng viết trên bảng đen một phương trình dài ngoằn cả thước tây, có đủ thứ ký hiệu toán học phức tạp kỳ bí, và nói “Vũ trụ là như vầy đây!” Nhà báo lại kỳ kèo Einstein giải thích thêm đôi lời cho mọi người dễ hiểu. Einstein: “Tôi không thể nói thêm được gì hết!”
Mới biết, khi đi vào bản thể đích thực của sự vật thì ngôn ngữ không còn thích hợp nữa. Mà ngay cả bản thể, bản chất, bản tánh… cũng chỉ là những ý niệm do con người bày đặt ra, chớ chưa chắc gì sự vật tự nó đã có những thứ lỉnh kỉnh đó. Ngay cả đưa ra cái định nghĩa của bất cứ một sự vật nào đó cũng chưa xong, còn nói gì xa hơn nữa cho mất công. Kinh Phật dạy: “Mọi pháp có tánh không” nghĩa là “hổng có tánh gì hết”, đố ai biết nó là cái gì? Vào khoảng cuối đời mình, Sartre cũng đã nhận thức mình là nạn nhân của chữ nghĩa, của ngôn ngữ trong quyển “Les Mots”. Thay ngôn ngữ bằng biểu tượng hoặc ký hiệu, như mẫu tự braille của người mù, các nốt viết của âm nhạc, đèn chớp tắt của hải quân cũng không thể đi xa hơn được. Cũng chỉ là qui ước. Tương tợ như là lấy mắt mà nhìn thì thấy dáng dấp bên ngoài của người đẹp. Chiếu tia X thì thấy xương tim gan ruột của mỹ nhơn. Chiếu IRM, chiếu scanner thì thấy các vùng não óc, những đoạn cắt ngang của nhũ hoa nàng. Tất cả cũng chỉ là một cách nhìn ngó vậy thôi, chớ chẳng có cách nhìn nào đúng hơn cách nhìn nào. Muốn tìm hiểu người đẹp thiệt sự là “như thế nào” thì chỉ còn một cách duy nhất: Muốn biết viên kẹo nó ngọt như thế nào thì chỉ có nước bỏ nó vô miệng mà ngậm, rồi gật gù… và nín khe. “Ngọt hết cỡ nói!”
Một điều hiển nhiên khác nữa: Nếu không được nối liền với năm giác quan và không được năm giác quan cung cấp cho tin tức và dữ kiện của thế giới bên ngoài, ý thức sẽ bị thui chột, và sẽ không thể nào ý thức được về một cái gì hết ráo. May mắn thay, cái “hư vô” của Sartre nó đã không cắt lìa được “pour soi” ra khỏi “en soi” của triết gia. Bằng không thì ta đã không có được cái luận thuyết (essai) “L’Être et le Néant” để đọc. Và đọc để mà nhức đầu! Cần phải có người diễn giải và nắm tay dắt đi cắt nghĩa từng chút may ra mới hiểu được chút đỉnh (mà cũng chưa chắc!)

*Khoa thần kinh nói gì về “ý thức?”

Các mối liên hệ giữa ý thức và não óc đã được khoa thần kinh học (neurosciences) nghiên cứu, trắc nghiệm, phân tích, tìm hiểu và nhận định. Trong khoa này, có hai phe đối nghịch nhau. Phe “toàn diện” (holisme) chủ trương rằng sự vận hành của não óc phải được tìm hiểu như là một tổng thể, không thể nào chia cắt được. Phe “định vùng” (localisationnisme) thì tìm cách xác định những vùng não cần thiết cho việc thực hiện một chức năng. Theo quan điểm người viết thì cho dù có định được các “vùng não” thật là chính xác dành cho một chức năng đi nữa, nhưng nếu không có toàn bộ não óc thì các “vùng não” đó trụ ở đâu? Có cái “vùng não” bên trán trái nào đó bay phất phơ trong không gian và điều khiển cho ta phát ngôn (bừa bãi)? Hoặc cái “vùng não” nào đó nằm sâu trong óc của ta, tự nhiên bị ai đó “hư vô hóa”, bèn bay bổng lên trần nhà, rồi từ cao điểm chiến lược nầy mà ra lịnh cho “thằng bé của ta có ý kiến”? Cứ tha hồ mà “thét roi cầu Vỵ ào ào gió thu”: No is no! Abosutely no! Thứ đến, các vùng não đó cũng phải được nối liền với các vùng khác, với các giác quan khác mới nhận được tin tức và dữ kiện để mà điều hành chức năng do mình phụ trách một cách tốt đẹp. Ví dụ: nếu hữu thể bị bịt mắt bắt dê thì cho dù “vùng-não-thấy” có tinh vi và nhạy cảm tới mức nào đi nữa, thì hữu thể cũng sẽ cụng đầu vào cột đèn (bất chấp cái cột đèn đã bị ý thức của ai đó hư vô hóa). Sẽ u đầu một cục lớn… là cái chắc! Không tin cứ tự bịt mắt rồi bước ra vỉa hè mà thử đi, ắt biết liền.
Qua các thí dụ trên đây, ta có thể nói rằng nếu không có “en soi”, và nếu không có cái thế giới bên ngoài, thì cái “pour soi”, cái ý thức sẽ không có cách gì mà hiện hữu cho được. Nói như Husserl: “Ý thức là ý thức về một cái gì đó.” Nếu suy diễn ngược lại, câu này cũng có thể hiểu là nếu không có một cái gì đó để làm đối tượng thì ý thức không thể nào có (hoặc hoạt động) được. Chính cái rễ cây, chính cái “chất bột” ù lì đã ban cho ý thức lý do để hiện hữu. Không có đối tượng, sẽ không có ý thức. Chính cái rễ cây, chính cái “chất bột” ù lì có khả năng hư vô hóa ý thức, trên lý thuyết. Chớ không phải nhân câu nói này của Husserl mà tấn phong cho ý thức một quyền lực toàn năng, và truyền cho sự vật (cái rễ cây, cái cột đèn…) phải đứng xếp hàng làm “” đợi đấng Ý Thức chiếu rọi và ban cho một ý nghĩa mới có được lý do để hiện hữu. Cho dù không có đấng Ý Thức toàn năng (của Sartre?) ban cho lý do hiện hữu (!) thì sự vật cũng vẫn tỉnh bơ mà hiện hữu như thường. Nếu con người không xuất hiện vào phút chót trên địa cầu thì mọi vật, mọi loài vẫn có đó, và có đó từ khuya. “Làm sao biết được?” Điều này vốn nó hiển nhiên: Nếu trái đất, nếu núi sông, nếu thảo mộc, nếu muôn loài, nếu giống Homo đã không xuất hiện và không hiện hữu thì liệu có cái thằng Homo sapiens sapiens cà chớn với cái “đỉnh cao trí tuệ” hiu hiu chường mặt ra đó như bây giờ hay không? Và liệu có cái đấng triết gia nhớn ra ngồi ở Café de Flore mà “cogito” cho tóe khói để rồi cuối cùng tuyên bố: “Hữu thể là phi lý!” (kể cả Sartre) hay không? Thử hỏi ai mới thiệt sự là phi lý đây?
Tuyên bố: “Mọi vật chỉ hiện hữu xuyên qua (nhờ ở) ý thức” (Tout n’existe que par la conscience) chỉ là một cách nói “hoa mỹ” cho nó có vẻ “triết”. Giống như diễn tả “màu mè” một cách hiu hiu rằng: “Mọi vật chỉ hiện hữu nhờ ở ý thức của tôi” (phải hiểu là hiện hữu đối với tôi, dĩ nhiên). Cái gì không lọt được vào “ý thức” hiu hiu của tôi là kể như hổng có! (vẫn đối với tôi, dĩ nhiên). Thì chẳng thà nói phứt mẹ nó là: “Vì tôi dốt nên có rất nhiều thứ tôi không biết”. Chẳng hạn như anh nông dân ở Trèm Trẹm “không ý thức” có cái Tháp Eiffel ở bên Tây. Hoặc giả như anh dân ngu khu đen ở Roumanie “không ý thức” có vụ nổ lò nguyên tử Tchernobyl bên Nga. Dù không biết (ý thức) nhưng rốt cuộc cũng vẫn bị ung thư cuống họng mà chết thẳng cẳng. “Tôi không ý thức” hoặc “tôi không biết” là một lẽ. Còn “Nó vẫn có” là một lẽ khác hẳn. Không thể từ “tôi không biết” hoặc “tôi dốt” mà suy ra là “nó không có” được. Bởi lẽ đó, thay vì nói “tôi không ý thức” thì nói phứt mẹ là “tôi dốt” đi cho nó đỡ mất thời giờ! Mắc cở gì nữa hả triết gia nhớn?

*Cái ý thức có toàn năng?

Chẳng những ý thức nó không toàn năng, nó không phù phép hư vô hóa, mà nó cũng chẳng phải là “inoxydable”, nghĩa là đấng “Ý Thức” ngự trên ngôi cao ngất ngưởng, bất biến, không ai rớ tới Ngài được hết. Cái sự thể đấng Ý Thức bị xâm thực và rỉ sét nó nhan nhản trong đời thường: Khi ta quá “xỉn”, khi ta chích choác ma túy thì cái ý thức của ta bị biến đổi khủng khiếp, có khi đi đến giết người hoặc tự sát. Cái ý thức của ta cũng bị biến dạng hoàn toàn trong những hoàn cảnh cùng cực: Khi ta bị khủng bố, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tẩy não, bị rửa óc, bị tai nạn, bị tàn tật, bị thương tích sọ não, bị sốc tâm lý dữ dội.
Nói gần cho dễ hiểu: Ta bị “giựt dây” tâm lý đều đều hằng ngày bởi quảng cáo trên TV. Mà tâm lý và ý thức lại vốn liên hệ với nhau vô cùng mật thiết. Cũng bởi lẽ đó mà cái ý thức của ta về giá trị của sự vật, của hàng hóa được quảng cáo đề cao cũng bị “giựt dây” và nhồi sọ theo. Kết quả: ta ùn ùn chạy đi mua những món hàng được quảng cáo bốc thơm! Đó là nguy hiểm của việc áp dụng các khám phá của khoa thần kinh học vào quảng cáo, tiếp thị và thương mại. Ta có thể “nổi loạn” và phản đối. Thì ta cứ “nổi loạn” tự nhiên, và cứ phản đối tự nhiên. Nhưng sự thể là như thế đó. Hơn nữa, cũng không có luật lệ nào cấm đoán việc áp dụng khoa học thần kinh vào các hoạt động quảng cáo “láo” và kiếm tiền “thấp hèn” đó hết. Cho dù cái ý thức của ta có phép thần thông “hư vô hóa”, nó cũng không dẹp bỏ được cái hoạt động quảng cáo “nhồi sọ” trên TV, hoặc dẹp bỏ được các bảng quảng cáo “ngộp thở” nhan nhản trong thành phố. Hơn thế nữa, cái ý thức bị xâm nhập, bóp méo và tiêm nhiễm của ta nó cũng tự quảng cáo lấy một mình với ta ngay cả trong giấc ngủ. Và cũng có thể là ngay từ lúc ta còn nằm nôi không chừng. Có mà chạy đằng zời! Cho dù ta có chêm được cái “air bag hư vô” vào hữu thể cũng không chận được cú sốc của “bàn tay sắt bọc nhung” của các tay cao thủ võ lâm thuộc môn phái “quảng cáo”. Cái bộ mặt toàn năng của “ý thức hư vô hóa” phen này e cũng phải sặc máu mũi… là cái chắc! Nếu bây giờ Giáo Chủ ta có đây và trổ tuyệt chiêu “Hư Vô-Càn Khôn Đại Nã Di” danh bất hư truyền của chánh phái Hiện Sinh ra để mà hóa giải cái đòn hèn của bọn ma giáo “Quảng Cáo” thì sẽ đỡ khổ cho dân lành biết mấy!
Thôi, giờ đây hãy tạm giã từ các môn phái võ lâm và trở về với lãnh vực khoa học. Như đã nói, các khoa thần kinh gần đây đã thực hiện được nhiều tiến bộ đáng kể. Trí tuệ, ý thức, và tâm linh không còn là lãnh vực chuyên biệt của triết lý và các khoa xã hội học nữa. Nhưng một khi đã đi vào lãnh vực khoa học thì đối tượng khảo cứu nhất định phải cụ thể. Phải có trắc nghiệm cụ thể, đo lường cụ thể, và kết luận cụ thể. Không thể có đòn phép phù thủy nhiệm mầu và hư vô hóa phiêu lưu ở đây. Muốn nói gì thì cũng phải có bằng chứng. Bởi lẽ đó, trên nguyên tắc, khoa thần kinh không thể nào trắc nghiệm và đo lường cái ý thức vô hình cho được. Vì vậy, nó đành phải nghiên cứu “chỗ trụ” (support) của ý thức là não bộ. Đành rằng ý thức không phải chỉ là một tổng hợp của các tế bào thần kinh (neurones), nhưng không có tế bào thần kinh thì không thể có ý thức. Cũng giống như cái TV. Cái TV không phải chỉ là một tổng hợp của các mạch điện. Nhưng không có các mạch điện thì không có TV. Điểm khác biệt: các mạch điện tự nó không có tính chất “phát hình”. Nhưng cái TV thì có.
Khi các bộ phận khác nhau được kết hợp đúng theo một mô thức đặc biệt nào đó thì khi đó, sẽ có một tính chất mới xuất hiện từ kết hợp này: khoa học gọi đó là “tính đột hiện” (émergence). Não bộ là một mô thức sinh học đặc biệt của các tế bào não. Khi các tế bào não được kết hợp đúng mô thức thì từ não bộ sẽ nảy sinh một tính chất “đột hiện” hoàn toàn mới lạ: ý thức. Ý thức của con người thuộc hàng ý thức thượng đẳng (conscience supérieure). Nó khác biệt với ý thức của con thú ở chỗ con người ý thức rằng mình có ý thức. Còn con thú thì không biết mình có ý thức, và không phải loại thú nào cũng có ý thức về bản thân mình. Chỉ một số ít loài có ý thức về mình như khỉ, voi, cá nược, két… Sau nhiều cuộc khảo sát và trắc nghiệm công phu, khoa thần kinh đã đi tới những nhận định chính yếu như sau về ý thức:
Trước hết, ý thức được kinh nghiệm hình thành dần dà theo thời gian. Kế đến, ý thức không trụ ở một vùng não nhứt định nào hết, chính sự tác động liên vùng mới là trọng yếu. Thêm một quan niệm và cách nhìn đứng đắn khác nữa về ý thức: Phải suy gẫm và kết luận ý thức như là tiến trình của biện chứng tam giác “não bộ-thân thể-môi sinh” không thể tách rời. Vì thế, ý thức không phải là một vật thể độc lập mà là một tiến trình (processus) chặt chẽ và liên tục. Bởi lẽ đó, ý thức cũng tiến hóa trong dòng thời gian như là đời sống. Qua các nhận định của khoa học thần kinh, nhứt là ở điểm cuối, ta bắt gặp lại thuyết “Vạn vật tương tùy” của Phật giáo. Và ta cũng sẽ thấy ở phần sau cái tiến trình biện chứng tam giác của khoa học cũng phù hợp với quan niệm về “ý thức” của Phật giáo (xem mục “Pháp trần”).
Nhắc lại: Sartre ý niệm ý thức như là một vùng “pour soi” (tinh thần) tách biệt với vùng “en soi” (vật chất) trong hữu thể, và ý thức có quyền năng “hư vô hóa”. Đem ý niệm này đối chiếu với những nhận định như vừa nói của khoa học về ý thức thì khó lòng mà chỉ ra được những điểm tương đồng. Trái lại, còn đối nghịch nhau ở chỗ Sartre tách rời ý thức ra khỏi phần vật chất, còn khoa học thì gắn liền ý thức với bộ ba “não bộ-thân thể-môi sinh”.

*Có bao nhiêu “thức” trong Phật Giáo?

Luận về ý thức, quan điểm của triết lý (Sartre) và của khoa học thần kinh đã được phân tích và đối chiếu: rất là khác biệt nhau. Nhưng về phần mình, Phật giáo nghĩ gì và nói gì về ý thức? Tuy đặt câu hỏi là đặt vậy thôi, nhưng người viết không dám lạm bàn. Bởi lẽ Duy thức học là môn khó khăn nhứt và hóc búa nhứt của Phật học. Để tránh lầm lạc, trước khi trình bày quan điểm riêng của mình, người viết xin trích dẫn lại đây những đoạn giảng giải liên quan đến Bát Nhã Tâm Kinh của hai vị am tường về Phật học, đó là Sa môn Thích Thiện Hoa và Thích Như Điển. Trước hết, để cho việc trình bày các điều giảng giải được mạch lạc, xin nhắc lại đây các trích đoạn của Bát Nhã Tâm Kinh đã được dẫn ở đầu Bài 1, sau đó sẽ bổ túc thêm phần giảng giải. Sau khi bổ túc, sẽ đem đối chiếu quan niệm của Phật giáo với các quan niệm của triết lý và khoa học.
Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng hành thức (…) vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới(… ) vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc
(…)”
Bản dịch sang tiếng Việt trích đoạn trên của Tâm Kinh và định nghĩa của các từ ngữ sử dụng trong kinh này đã được trình bày trong Bài 1. Người viết xin bổ túc thêm các đoạn giảng giải về nghĩa kinh của Sa Môn Thích Thiện Hoa, và đặc biệt là các điểm liên quan tới ý thức:
Phần giải thích từ ngữ:
“Ngũ uẩn”, hay là “năm uẩn” gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Tất cả sự vật trong vũ trụ không ngoài thế giới và chúng sanh. Cõi sống của chúng sanh không ngoài Sắc (vật chất) và Tâm (tinh thần). Sắc tức là sắc uẩn. Tâm tức là bốn uẩn: thọ, tưởng, hành, thức (xem thêm giải thích “Bát Nhã Tâm Kinh”, Bài 1).
Bát Nhã Tâm Kinh nói: “năm uẩn” tức là bên Duy thức nói “94 pháp hữu vi”. Tâm Kinh nói “không” hay “không tướng”, tức là bên Duy thức nói “sáu pháp vô vi”.
Tâm Kinh nói “sắc bất dị không” và nói “sắc tức thị không” là nói: “pháp hữu vi (tướng) không khác với pháp vô vi (tánh)”, và nói: “pháp hữu vi tức là pháp vô vi”.
SẮC tức là sắc uẩn. Các vật chất chứa nhóm lại thành ra những hình tướng, như thân thể và cảnh vật, gọi chung là sắc uẩn.
Sắc uẩn gồm năm căn và sáu trần.
Năm căn là: nhãn căn (mắt), nhĩ căn (tai), tỷ căn (mũi), thiệt căn (lưỡi), và thân căn (thân thể).
Sáu trần là: sắc trần (thấy), thanh trần (tiếng), hương trần (mùi), vị trần (vị), xúc trần (thân xác), và pháp trần (ý).
Pháp trần là cảnh giới do ý thức nhận biết, tức là “vô biểu sắc”. Sắc này không biểu lộ ra ngoài, nhưng đối với nội tâm, tức là đối với ý thức, thì nó được nhận biết rõ ràng (Chú thích của người viết: Pháp trần tuy thuộc về cảnh giới trừu tượng (vô biểu sắc, nội tâm, ý thức), nhưng lại nằm trong nhóm “sắc uẩn”, tức là vật chất. Điểm này sẽ được khai triển ở phần sau của bài viết).
THỨC tức là Thức uẩn. Thức nghĩa là hiểu biết phân biệt, có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Thức chia làm 6 loại: Nhãn thức (cái biết của mắt), nhĩ thức (tai), tỷ thức (mũi), thiệt thức (lưỡi), thân thức (thân), và ý thức. Ngoài ra, còn có thêm 2 thức cuối cùng là “mạt-na thức” và “a-lại-da thức”.
Ý thức là cái biết của ý, phân biệt các pháp trần thuộc cảnh giới nội tâm.
Mạt-na thức là cái biết thứ bảy, chấp thức thứ tám làm “ngã” (cái “ta”).
A-lại-da thức là cái biết thứ tám, chứa chủng tử các pháp.
Kinh dạy: “… Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách… Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Phần giảng giải:
KHÔNG tức là “Không tướng (Bát Nhã)” Cái “không” đây không phải là hư không, ngoan không, hay cái “không” đối đãi với cái “có”. Cái “không” đây là bản tánh thanh tịnh không có hình tướng (không tướng hoặc tướng không). Vì nó không sanh diệt, không hư dối nên cũng gọi là “chơn không” hay thật tướng, chân tướng, chơn tánh, chơn tâm, chơn như…
Phật dạy: Chúng sanh vì mê muội bản thể chơn tâm thanh tịnh của mình nên vọng hiện ra thế giới chúng sanh, tức là cảnh giới của chúng ta đang sống đây (cảnh giới đại mộng). Cũng giống như người chiêm bao (tiểu mộng), chúng sanh vọng chấp cảnh trong chiêm bao là cảnh thật nên sanh ra buồn vui, mừng giận…, vì vậy nên gọi là “điên đảo mộng tưởng”.
Nói rõ hơn, tuy đồng bản thể với chơn tâm thanh tịnh, nhưng chúng sanh vì vô minh mà sinh ra mộng tưởng điên đảo, do đó thấy có năm uẩn tức là thế giới của chúng sanh, rồi theo cảnh đại mộng này mà thọ khổ.
Trái lại, Bồ tát là bậc đã giác ngộ (đã thức giấc đại mộng), nên Ngài dùng trí tuệ Bát nhã mà soi thấy cảnh đại mộng này (tức là năm uẩn hay các pháp) đều không có thật, vốn chỉ do tâm vọng chấp mà hiện ra. Do đó, Ngài không còn thọ các nỗi khổ của cảnh đại mộng nầy nữa (độ nhứt thiết khổ ách).
Tóm lại:
Vì chúng sanh còn mê muội, nên từ “tánh không” mà hiện ra “sắc tướng”, bởi vậy mà nói “sắc chẳng khác với không” hoặc “sắc tức là không”
Vì Bồ tát đã giác ngộ nên từ “sắc tướng” quay trở về với “tánh không”, bởi vậy mà nói “không chẳng khác với sắc”, hoặc “không tức là sắc”.
“Ngũ uẩn giai không” có nghĩa “năm uẩn đều không”: Hàng Nhị thừa phá cái “chấp ngã” nhưng còn “chấp pháp: nghĩa là thấy không có cái “ngã”, nhưng vẫn còn thấy có “năm uẩn”. Với hàng Đại thừa Bồ tát thì ngã và pháp đều bị phá hết, vì vậy mà “ngã” không còn mà “năm uẩn” cũng không.
Kết luận: Nói “ngũ uẩn giai không” tức là nói “thế giới và chúng sanh hay tất cả sự vật trong vũ trụ đều không”. -TTH-

*Sắc không / Không sắc

Kinh dạy: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” có nghĩa “có tức là không, không tức là có”. Điều này đối với một người có cái logique Tây Phương thì vô cùng nghịch lý, khó hiểu và cũng khó lòng mà chấp nhận. Để làm sáng tỏ điểm này, người viết xin mượn giải thích và ví dụ sau đây trích từ quyển “Có và Không” (Sein und Nichtsein) của đạo hữu Thích Như Điển:
Tại sao “có tức là không?” Như chúng ta thấy đó, mọi vật tồn tại nơi thế gian đều không có gì chắc thật, luôn luôn thay đổi và luôn luôn biến hóa. Con người chỉ an trụ trong những giây phút ngắn ngủi, rồi quên đi, tưởng rằng chúng “có” thật, nhưng trên thực tế lại là “không”. Tuy rằng không đó, nhưng những vi trần nhỏ li ti, những biến động của gió, của không khí sẽ làm cho từ chỗ không biến thành có, vân vân…
Cho đến sự cảm nhận nơi tâm thức, tư tưởng của mỗi người cũng giống như vậy thôi. Sự tạo tác, sự biến đổi của tâm thức cũng đều như vậy cả. Nghĩa là không có cái gì dừng lại và không có vật gì là không biến đổi. Tâm chúng ta luôn thay đổi và tư tưởng của chúng ta thì niệm niệm sinh diệt. Do vậy mà “có cũng như không, không cũng như có” là thế.
Ví dụ ta đứng trên một bờ hồ, chúng ta thấy thân hình của mình soi bóng xuống dưới mặt nước. Nếu ta tự hỏi: “Đó là ai?” Dĩ nhiên ta sẽ trả lời là “ta”, nhưng trên thực tế không phải là “ta”. Vì đó chỉ là ảnh hiện của cái “ta” mà thôi. Vì lẽ khi sóng dội đến, hay mặt nước bị một hòn sỏi làm gợn sóng thì hình hài kia không phải là của “ta” nữa. Do vậy mà nói “có tức là không”.
Đến câu hỏi thứ hai ta tự đặt ra cho mình: “Vậy thì ai ở dưới mặt nước đó, nếu không phải là “ta”? Như thế đó từ cái “không biến thành có” và từ cái “có lại biến thành không”. Và chính những sự thay đổi này làm cho chúng ta bị phân biệt. Thế rồi bị rơi vào vòng “ngã chấp” và “chấp pháp”. -TNĐ-
(Chú thích: Các chỗ viết đứng là do người viết thêm vào để nhấn mạnh)

*Sự vận hành của ý thức

Sau khi trích dẫn các phần giảng giải về Tâm Kinh, thử tìm hiểu quan niệm về “ý thức” của Phật giáo và đối chiếu nó với quan niệm của triết lý và khoa học. Đề tài ý thức không tập trung vào một tiết mục riêng biệt nào mà rải rác đó đây trong phần giảng giải. Trở lại cái “chú thích” của người viết về Pháp trần trong bài giảng của Thích Thiện Hoa.
Pháp trần tuy thuộc về cảnh giới trừu tượng (vô biểu sắc, nội tâm, ý thức), nhưng lại nằm trong nhóm “sắc uẩn”, tức là vật chất. Sắc uẩn bao gồm 5 giác quan và 6 loại cảnh giới được 5 giác quan vật chất và giác quan phi vật chất thứ sáu là ý thức nhận biết. Như vậy cảnh giới vừa có loại vật chất (sắc uẩn), vừa có loại trừu tượng (pháp trần). Pháp trần được định nghĩa như là cảnh giới do ý thức (nội tâm) nhận biết. Như thế đó, “ý thức” là gạch nối giữa ba phần: “cảnh giới (vật chất và phi vật chất) - giác quan (vật chất) - nội tâm (phi vật chất)”. Ý thức là tiến trình của “bộ ba” bất khả phân ly này, nếu thiếu một món thì tiến trình ý thức sẽ bị tê liệt.
Lấy thí dụ như cảnh giới là một cảnh vườn có hoa có bướm. Giác quan là mắt thấy. Não bộ (nội tâm) của người ngắm cảnh là chỗ trụ của ý thức. Nếu không có cảnh hoa bướm thì không có vấn đề thấy cảnh, do đó cũng chẳng có vấn đề ý thức. Nếu có cảnh hoa bướm mà không có mắt thấy thì sẽ không có ý thức (giống như người mù đứng trước vườn hoa). Nếu có cảnh hoa bướm, có mắt thấy mà không có não bộ (nội tâm) để diễn giải thì sẽ không có ý thức. Đó là trường hợp của cái “caméra vidéo” canh chừng. Nó chỉ làm công việc ghi nhận hình ảnh đơn thuần, không có động tác “thấy” đúng nghĩa ở đây. Vì vậy không có vấn đề cái caméra ý thức cảnh giới hoa bướm. Chỉ người canh gác mới thực sự “thấy” hình ảnh được caméra ghi nhận trên màn ảnh rồi diễn giải và ý thức tình trạng an ninh nơi chỗ canh gác. Nghĩa là người canh gác đóng vai não bộ (hoặc nội tâm) để ý thức cảnh giới qua cái caméra.
Như thế đó, trong tiến trình của bộ ba “cảnh giới-giác quan-nội tâm”, nếu thiếu một món thì không thể nào có cái tính chất “đột hiện” là ý thức được. Husserl nói: “Ý thức là ý thức về một cái gì đó”. Mệnh đề này chỉ nói về đối tượng của ý thức, nhưng không đề cập tới chủ thể và phương tiện của ý thức. Muốn cho quan niệm về “ý thức” được trọn vẹn, cần phải bổ túc: “Ý thức là ý thức về một cái gì đó, qua một cái gì đó, và bởi một cái gì đó”. Không có một chỗ trống nào cho “hư vô” ở đây. Và ý thức theo quan niệm Phật giáo cũng không có quyền năng “hư vô hóa”. Nó chỉ giúp cho con người hiểu biết thế giới trong đó mình sống và hướng dẫn hành động thích nghi. Như vậy, quan niệm “ý thức” của Phật giáo rất xa lạ so với quan niệm của Sartre. Cái ý thức của Sartre thì toàn năng, le lói và xếp sòng. Còn cái ý thức của chúng sanh trong Phật giáo thì rất thường tình, dễ bị mê lầm và vọng chấp, chấp ngã, chấp pháp, như đã thấy trong phần giảng giải của TTH và TNĐ. Chính vì tính chất dễ “mê lầm” này của ý thức mà chúng sanh thọ khổ không dứt.
Nhưng xã hội Âu Mỹ vốn tôn thờ cá nhân chủ nghĩa “Tôi! Tôi! Và Tôi!”, và tôn thờ tự do dưới mọi hình thức (tự do làm, tự do tiêu thụ, tự do ô nhiễm, tự do hưởng lạc, tự do “quậy”…) tới mức gần như vô trách nhiệm, không có bổn phận gì với một ai hết, ngay cả với thế hệ con cháu mình. Trong một xã hội kiểu đó, nói chuyện xóa bỏ cái “ngã chấp” là nói chuyện với người điếc (nói chuyện với đầu gối!). Mặc dù bây giờ nhân loại đang đối đầu với những vấn đề nan giải ngút trời như nạn ô nhiễm, nạn khan hiếm nhiên liệu, khan hiếm thực phẩm, trái đất sốt nóng, thời tiết hỗn loạn… nhưng hình như mọi người chỉ nói hờ một câu cho lương tâm được nhẹ đi chút đỉnh rồi lại tiếp tục lao đầu vào cái chủ nghĩa “Tôi! Tôi! Và Tôi!” Chết sống mặc bây, tiền thầy bỏ túi. “Après moi, le déluge!”
Trở lại cái quan niệm “ý thức” trong khoa học. Như đã nói ở phần trước, khoa thần kinh đã đi tới quan niệm ý thức như là tiến trình của biện chứng tam giác “não bộ-thân thể-môi sinh”, không thể tách rời. Về phần mình, Phật giáo cũng đã nhận thấy ý thức như là kết quả “liên tạo tác” của bộ ba “cảnh giới-giác quan-nội tâm”. Sự trùng hợp giữa hai quan niệm nầy rất là hiển nhiên: môi sinh và cảnh giới, thân thể và giác quan, não bộ và nội tâm. Phật giáo ra đời cách đây hơn 2500 năm. Thời đó chưa có khoa học chính xác, nói chi tới khoa thần kinh học. Phật giáo đã đi tới quan niệm ý thức của mình qua sự phân tích và lập luận bằng trí tuệ. Khoa học đã rút tỉa quan niệm ý thức của mình từ trắc nghiệm và khảo sát (sau Phật giáo 2500) và đã xác nhận quan niệm của Phật giáo.
Cần nói rõ là Phật giáo không đề cao cái “trí tuệ” (esprit) thông thường. Điều mà Phật giáo hướng tới là “Trí Huệ Bát Nhã” (Prajnà, sagesse), một Trí Huệ không bị nhiễm trược, mê lầm và vọng chấp. Còn cái trí tuệ đời thường của con người như hiện nay, theo người viết, nó còn ở trình độ khôn vặt. Một loại trí khôn chỉ nhằm phục vụ cho cá nhân mình và phe đảng mình. Cái trí khôn mà người đời gọi lầm là thông minh này, một mình nó, không giải quyết được gì hết. Nó tạo vấn đề nhiều hơn là giải quyết. Bằng chứng: đối đầu với những vấn đề nan giải do trí “thông minh” tạo ra hiện nay, con người đứng trước ngõ cụt. Vì sao? Vì muốn giải quyết hiệu quả các vấn đề, bên cạnh trí thông minh, con người cần phải có thêm lòng tốt, có thêm thiện tâm. Điều nầy không có gì mới lạ, nhưng nó vẫn đúng. Bởi lẽ đem trí thông minh mà phục vụ cho cái xấu, phục vụ cho lòng ích kỷ, “Tôi! Tôi! Và Tôi!” thì nó trở nên vô cùng nguy hiểm và vô cùng khủng khiếp: Đệ nhứt thế chiến, Đệ nhị thế chiến và đe dọa chiến tranh nguyên tử đã và đang chứng minh cho điều đó một cách hùng hồn. Kể từ lúc đời sống xuất hiện trên trái đất cho đến giờ (4 tỉ năm!) đã có nhiều loài bị tuyệt chủng. Nhưng tuyệt chủng vì trái đất biến đổi, môi sinh biến đổi, chớ không do loài bị tuyệt chủng trực tiếp gây ra. Nhưng với con người, loài tự cho rằng mình có “đỉnh cao trí tuệ” thì khác. Nếu chẳng may (?) nó bị tuyệt chủng thì bởi đâu? Có phải là bởi con người tự đưa loài người (và nhiều loài khác) tới tuyệt chủng?
Hiện nay, thay vì đem lòng tốt ra để mà giải quyết các vấn đề, con người lại sử dụng đạo đức giả và đểu ác, cynisme. Tới mức đạo đức giả và đểu ác trở thành lối cư xử bình thường trong mọi lãnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, tài chánh, xã giao, ngoại giao, vân vân. Không cư xử như vậy là người bất thường. Có lẽ người viết nói quá trớn. Hy vọng là như vậy. Tuy nhiên đợi đến bây giờ mới tìm cách giải quyết thực sự các vấn đề của con người, e rằng đã có hơi quá muộn. Cho tới bây giờ, thay vì giải quyết, con người chỉ dời chỗ vấn đề, hoặc thay thế vấn đề này bằng một vấn đề khác, có khi còn lớn hơn. Nhưng thực sự giải quyết thì không!

*Bản chất, “en soi” và “pour soi”

“Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa”, đó là tựa đề của bài viết này. Khi đặt ra cái tiêu đề đó, người viết đã nhận thấy thấp thoáng một vài điều “là lạ” trong kinh nghiệm Buồn Nôn (La Nausée) của Sartre, vốn là một triết gia Tây Phương đặc ruột. Thử trở lại cái kinh nghiệm buồn nôn của Sartre. Nhân vật Roquentin sống kinh nghiệm này không ai khác hơn là Sartre. Sartre đã diễn tả biến chuyển tâm lý và cảm nghĩ của mình khi ngồi trong công viên, đối diện với cái rễ cây như sau:
Nếu có ai đó hỏi tôi hiện hữu là gì, có lẽ tôi sẽ trả lời một cách thành thật rằng nó chẳng là gì cả, nó chỉ vỏn vẹn là một hình thể trống rỗng ghép lên sự vật từ phía bên ngoài mà không làm thay đổi một mảy may nào bản chất của sự vật”.
Một biến chuyển gì đó đang xảy ra trong cách cảm nhận thế giới của Sartre về hiện hữu. Nhưng điều gì? Sartre cảm thấy hiện hữu như là “một hình thể trống rỗng ghép lên sự vật từ phía bên ngoài”. Có điều gì đó không ổn. Hiện hữu phải là cái gì tự nó có đó, tự nó là như vậy, cái gì nằm bên trong chớ sao lại nằm bên ngoài? Sartre đã lẫn lộn hiện hữu với cái dáng dấp bên ngoài, cái giả tưởng chăng? Hay là đã lẫn lộn hiện hữu của cái rễ cây với cái tên gọi của nó, cái giả danh? Vì cái giả tướng, cái giả danh chỉ là cái bên ngoài, nó “không làm thay đổi một mảy may nào bản chất của sự vật”. Vì bản chất là cái nằm bên trong. Nhưng cái bản chất phải có thiệt thì mới có thể nói chuyện thay đổi bản chất. Khi nói tới “bản chất của sự vật”, có phải Sartre tin rằng mỗi sự vật đều có một bản chất riêng của mình: cái rễ cây có cái bản chất của cái rễ cây, cái băng ghế có cái bản chất của băng ghế, Sartre có cái bản chất của Sartre?
Nhưng cái rễ cây, nó bắt đầu từ chỗ nào và chấm dứt ở chỗ nào, đâu là giới hạn thực sự của nó? Trọn vẹn cái cây có bản chất riêng. Thân cây, nhánh cây, lá cây, rễ cây…, mỗi phần đều có bản chất riêng? Bản chất của rễ cây liên hệ với bản chất của trọn cây như thế nào? Như vậy, bản chất của sự vật có thiệt chăng? Giả thử trưa nay đem cái rễ cây chặt ra làm 3 khúc, vậy thì mỗi khúc sẽ lại có một bản chất riêng, nghĩa là sẽ có 3 bản chất mới? Bây giờ, nếu đem cái rễ cây đốt thành tro thì cái bản chất của nó có bị cháy theo không? Và ta sẽ có hàng triệu cái bản chất mới cho hàng triệu bụi tro mới? Nếu đem tro khuấy tan trong nước thì cái bản chất của tro nó trở thành cái gì? Như vậy, có cái gì thiệt sự là bản chất riêng của từng sự vật hay không? Chẳng hạn như cái “bản chất rễ cây” là có thiệt? Hoặc là cái “bản chất Sartre” là có thiệt?
Sau này, khi đã nghiền ngẫm, sâu rộng về hiện hữu, Sartre đã bày đặt ra một ý niệm rất là đặc biệt: Hữu thể gồm có 2 vùng hoàn toàn tách biệt nhau bởi “hư vô”. Vùng “en soi” là phần vật chất, và vùng “pour soi” là ý thức của hữu thể. Trở lại trường hợp cái rễ cây: rễ cây cũng là một hữu thể, vậy nó có cái “en soi” và cái “pour soi” (tức là ý thức) của riêng nó hay không? Và ai sẽ là người đem cái hư vô chắn ngang để chia vùng trong cái rễ cây?
En soi” là phần vật chất, tương đối còn dễ nhận biết. Nhưng còn cái “pour soi”, cái ý thức của cái rễ cây, nó là cái gì? Và cái ý thức rễ cây nó có quyền năng “hư vô hóa” hay không? Hơn nữa, lại còn có cái “bản chất” của rễ cây. Cái bản chất này thuộc về “en soi” hay thuộc về “pour soi”? Hay là (nằm vùng) thuộc về cả 2 vùng?

*Thơ thẩn trước cổng chùa

Lại tiếp tục đặt vấn đề “lẩm cẩm”: Nếu bây giờ đem rễ cây chặt ra làm 3 khúc, thì sẽ có 3 cái “en soi” và 3 cái “pour soi” mới? Rồi đem đốt đi, rồi hòa tan tro vào nước, vân vân… Thiệt là nhức cái đầu! Có lẽ vì vậy mà không thấy Sartre bàn về cái vấn đề vạn vật biến thiên này. Nghĩa là bàn về cái lẽ “vô thường” của vạn vật, của vạn pháp. Sartre lý luận như thể là sự vật bị ngưng đọng, bất biến trong dòng thời gian: cái rễ sẽ vẫn muôn đời là cái rễ cây, cái băng ghế muôn đời là cái băng ghế, cây marronnier muôn đời là cây marronnier, Sartre muôn đời là Sartre (dù thời 5 tuổi hay thời 30 tuổi gì cũng vậy), cái “en soi” và “pour soi” của Sartre vẫn không thay đổi. Nếu nó thay đổi thì lúc nào Sartre mới là Sartre thực sự? Và khi ta nói “Sartre” thì là Sartre nào mới được? Bởi không nhận được cái lẽ vô thường nên đối với Sartre sự vật nào cũng đều có thực tướng (hình tướng thiệt), có bản chất thiệt, có “en soi” thiệt, có “pour soi” thiệt riêng biệt của mình. Nhưng dưới nhãn quan của Phật Giáo thì sự vật, vạn pháp đều là vô thường và đều là giả tướng, nghĩa là cái hình tướng ta ngó thấy trước mắt là hình tướng giả. Do đó, cái “en soi” theo nghĩa của Sartre cũng là “en soi” giả, cái “pour soi” cũng là “pour soi” giả.
Nếu nghiền ngẫm cho thiệt kỹ và nếu có nhơn duyên đưa tới có lẽ Sartre đã khám phá ra cái lẽ vô thường và cái “tánh không” của vạn vật. Khi đó cái rễ cây (hay sự vật/hữu thể nói chung) sẽ không còn cái tướng giả, không còn cái tên giả, sẽ mất đi hết những thứ lỉnh kỉnh gọi là “bản chất” riêng, “en soi” riêng, “pour soi” riêng. Và cái “hư vô” riêng cũng mất theo luôn, dĩ nhiên (cái này thì quá dễ!) Bởi lẽ Sartre không bước thêm bước nữa nên mới nói “Sartre thơ thẩn trước cổng chùa”. Sao không đẩy cổng mà bước vô chùa hả triết gia? “A di đà Phật! Xin mời”. (Nhắc lại: “Không” là bản tánh thanh tịnh sáng suốt, không có các hình tướng, nên còn gọi là “không tướng” hay “Bát Nhã chơn không”. Các pháp không có tánh riêng của mình. Tánh chung của các pháp là “không”).
Tuy nhiên, trong cái kinh nghiệm “buồn nôn” của mình, Sartre cũng đã tiến đi khá xa trên con đường nhận diện ra chân tướng, nhận diện ra cái tướng thật của sự vật đằng sau cái tướng riêng hư giả:
Hiện hữu thình lình được vén màn. Chính nó là cái “chất bột” của sự vật, cái rễ cây nầy được nhồi nặn trong chất hiện hữu. Hoặc đúng hơn, cái rễ cây, hàng rào của khu vườn, băng ghế, loại cỏ mọc lơ thơ trên thảm cỏ, tất cả đều tan biến; cái đa dạng của sự vật, tính cá biệt của chúng chỉ là cái dáng dấp bên ngoài, một lớp sơn. Lớp sơn đã tan chảy, chỉ còn lại những khối chất quái dị và mềm nhão, hỗn độn – trần truồng, một sự trần truồng kinh khiếp và tục tĩu”.
“Thiện tai! Thiện tai!” Sartre đã lột được cái lớp vỏ bên ngoài, lột được cái tướng giả của sự vật. Cái tướng riêng có vẻ khác biệt bên ngoài của mỗi sự vật đã biến mất. Mọi vật trở nên cùng một dạng, đồng một tướng. Quá tốt! Nhưng sau khi lột xong, Sartre đã bắt gặp gì bên dưới? Than ôi! Bắt gặp… “những khối chất quái dị, mềm nhão hỗn độn”. Sartre vẫn chưa nhận ra cái tướng thật, cái “tướng không” không phân biệt của sự vật. Tiếc thay! Tiếc thay! Tuy đã nhận ra cái chất hiện hữu chung của sự vật, nhận ra cái “chất bột” của hiện hữu, nền tảng và đồng bản thể, Sartre vẫn còn thấy có khối chất nầy, có khối chất nọ, những khối chất riêng rẽ “quái dị, mềm mão và “hỗn độn”. Do đó, thay vì khám phá ra cái chất sống hiển nhiên và hồn nhiên tràn ngập khắp nơi, cái hiện hữu đồng thể giản dị lan rộng khắp cùng vũ trụ, cái hiện hữu sờ sờ, rạng rỡ, mầu nhiệm, Sartre chỉ thấy được trước mắt mình những khối chất “trần truồng, một sự trần truồng kinh khiếp và tục tĩu”. Khi phát hiện ra được cái “chất bột” của sự vật, cái chất cấu tạo chung của hiện hữu, Sartre đã gần như nắm bắt được cái “tính đồng thể” của sự vật, cái “tướng không” và “tánh không” của mọi pháp. Từ cái “chất bột” của hiện hữu, vũ trụ nặn ra các hình tướng. Xong, thu hồi trở lại. Rồi lại nặn ra các hình tướng khác. Và cứ như thế… Nó giống như ta tháo ráp các lego đơn thể, đồng tính và đồng dạng, tháo hình tướng này, ráp hình tướng khác. Để rồi lại tháo, lại ráp… Bất tận. Vũ trụ cũng giống như một thân thể mà mỗi ngân hà, mỗi lỗ đen, mỗi ngôi sao, mỗi hành tinh, mỗi vẩn thạch, mỗi bụi sao… là não óc, là tim gan, là phèo ruột, là mắt mũi, là răng tóc, là lỗ chưn lông của một thân thể. Tất cả các thiên thể đều đồng một chất, tất cả các bộ phận đều được cấu tạo bởi cùng một loại tế bào. Tuy khác mà lại giống nhau, tuy giống mà lại khác nhau. Như thế đó, mọi vật, mọi pháp không có hình tướng riêng bền chặt của mình. Mọi pháp chỉ là vô thường và đều là vô thường. Và chính cái đổi thay làm nên đời sống. Cái hằng thường, cái bất biến là cái chết tuyệt đối.
Thay vì việc khám phá ra “chất bột” hiện hữu khiến cho Sartre buông xả, đằng này nó lại càng thúc đẩy Sartre bám chặt hơn, cố thủ hơn, vọng chấp hơn vào các hình tướng. Sartre “chấp ngã” nên vẫn thấy có mình. Và “chấp pháp”, nên vẫn còn thấy có các khối chất riêng rẽ. Do đó mà thấy có mình đang đối đầu với những khối chất có tướng riêng “quái dị mềm nhão, hỗn độn, kinh khiếp và tục tĩu”. Vì vậy, Sartre cảm thấy mình bị đe dọa, khiếp sợ, và buồn nôn.
Than ôi! Hiện hữu mà là kinh khiếp và tục tĩu được ư? Kể từ khi thế giới là thế giới, tất cả những gì đã và đang hiện hữu đều là tục tĩu hết sao, kể cả Sartre? Cái tâm vọng chấp của Sartre tới đây là đã lên đến tuyệt đỉnh. Cái logique cartésienne, cái “đỉnh cao trí tuệ” nó bóp méo hiện hữu, nó bóp méo cuộc đời khủng khiếp như thế đó! Thay vì la toáng lên: “Hiện hữu là tục tĩu!” lẽ ra Sartre phải hét lên om sòm: “Đỉnh cao trí tuệ là tục tĩu!” Cái “đỉnh cao” nó tục tĩu là vì bởi nó “thấy tục tĩu” ngay cả ở những chỗ không có một chút gì là tục tĩu hết ráo: cái rễ cây, hàng rào, khu vườn, băng ghế, thảm cỏ. Các sự vật hết sức tầm thường và vô hại này nó tục tĩu ở chỗ nào? Và kinh khiếp ở chỗ nào? Sự tục tĩu tưởng tượng, nghĩ cho kỹ, nó thực sự chỉ nằm trong đầu của “đỉnh cao”. Cái “đỉnh cao” mang kè kè cái tục tĩu trong đầu của mình như một tật nguyền, như một chứng bịnh nan y. Như vậy mà gọi là “đỉnh cao” được ư? Chính cái “đỉnh cao” nầy đã hiếp dâm cái rễ cây, chính cái logique cartésienne nầy đã hiếp dâm hữu thể và bắt buộc nó phải có lý do để hiện hữu, bắt buộc nó phải có ý nghĩa. Ý nghĩa nhưng phải là ý nghĩa phù hợp với cảm quan và cái logique của mình. Cuộc hiếp dâm đã thất bại: Lý do hiện hữu không phát sinh, ý nghĩa không phát sinh. Thất vọng thảm hại! Thất vọng hoàn toàn! Vì vậy, Sartre đâm ra buồn nôn và tuyên bố: “Hữu thể là phi lý!” Hữu thể phi lý, hay người tuyên bố phi lý?
Cái phản ứng buồn nôn của Roquentin/Sartre trong công viên trĩu nặng chủ quan, cảm tính và bắt nguồn từ tâm lý. Nó không có tính cách triết lý hay siêu hình gì cho lắm. Nhưng khi Sartre phát huy và khai triển kinh nghiệm buồn nôn này thành triết thuyết “Hiện Sinh” lấy hư vô và phi lý làm nền tảng (“hiện hữu là phi lý và chỉ đi tới hư vô”), Sartre đã sa lầy ý niệm, sa lầy chữ nghĩa, sa lầy triết lý. “Thiện tai! Thiện tai!” Sartre đã đứng trước cổng chùa, Sartre đã thấp thoáng thấy được mái chùa, nhưng tiếc thay Sartre vẫn chưa đẩy cổng bước vào chùa để gặp gỡ cái tướng thật, cái chơn tướng của sự vật. Vì lẽ đó mà nói “Sartre thơ thẩn trước cổng chùa” là vậy.
Nếu trong công viên, sau khi gột rửa lớp sơn hư ngụy bên ngoài của sự vật, gỡ bỏ cái giả tướng, giả danh, Sartre cũng tự vứt bỏ lớp vỏ của mình, vứt bỏ cái giả tướng của mình, và vứt bỏ luôn cái tên “Sartre” của mình!… Khi đó, Sartre sẽ trở thành một khối chất vô danh giống như những khối chất vô danh khác trong công viên. Hơn thế nữa, Sartre hòa nhập hiện hữu của mình vào mọi khối để sau cùng trở thành một “chất hiện hữu” đồng bản thể của tất cả mọi pháp, cái “tướng không”, cái “tánh không” của tất cả mọi pháp. Nhưng than ôi! Từ bỏ cái “ngã” của mình là một điều khủng khiếp nhứt trong cái thế giới mà “Tôi! Tôi! Và Tôi” của Tây phương ngự trị. Sartre làm nổi chăng?

*Tự tử một cách nghiêm chỉnh

Khi khảo sát và định hướng cho hành động, con người ít khi đặt mình trong một môi sinh có kẻ khác, có muôn loài, có thiên nhiên vây quanh, và tìm cách sống hòa thuận với môi sinh của mình. Con người mê mẩn ngắm nghía cái “lỗ rún” của mình và lắng nghe thiệt kỹ xem nó đòi hỏi cái gì? Nghe xong, con người lấy làm hài lòng và vô cùng đắc ý, rồi nhân danh cái lỗ rún của tôi, đoạn chuyển sang “nhân danh TÔI”, nhân danh cái tự do tuyệt đối của tôi, nhân danh cái “đỉnh cao” trí tuệ của tôi, nhân danh cái tham vọng của tôi, nhân danh vợ con tôi, nhân danh đạo tôi, nhân danh đảng tôi, nhân danh… “của tôi” và “của tôi” mà đòi hỏi đủ hết mọi thứ, mà bắt tất cả phải phục vụ cho TÔI, mà nổi loạn với tất cả, mà bạo động với tất cả. Và rốt cuộc tự hại mình trong bạo động đó.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, Thượng Đế hãy liệu hồn: “Nếu nhà Ngươi mà dám trái ý TA thì TA sẽ tự tử để phản đối, Thượng Đế sẽ… bỏ mẹ! Nghe rõ chưa?” Thượng Đế đừng có tưởng bở mình tạo ra con người rồi mà làm Trời! Ta đã có, đang có, sẽ có và vẫn luôn luôn có tự do để cãi lại Trời: “Tự do tự tử!” Bắt tui sống trái với ý tui đâu có được. Ông là ai mà dám đòi rớ tới cái lỗ rún của tui? Bộ hổng nghe Đại “đặt kịch” (!) sĩ Shakespeare phán: “To be or not to be, that’s the question!” hay sao? Ông cho tui “to be”, nhưng đâu có nhằm nhò gì. Tui dẹp bỏ cái một. Và chính đó mới là cái “quét sân”! Thuốc chuột rẻ rề, tui cho ông biết để mà liệu hồn, đừng có chọc tui xì nẹt.
Bộ ông điếc hay sao mà hổng nghe đại văn hào Phú Lang Sa Camus phán: “Chỉ có một vấn đề triết học nghiêm chỉnh: Tự tử!” Sống đâu có nghiêm chỉnh (đồ bỏ!). Chỉ có “Chết vì tự tử” mới nghiêm chỉnh. Chết mà ngậm cười là chết lảng nhách. Lúc chết mặt mũi phải quạu đeo, cù mãi chả chịu cười, như vậy mới đúng cái kiểu “chết triết lý” nghiêm chỉnh, tốt nghiệp Sorbonne, hay đại học Nietzsche (cái tên khó viết bỏ mẹ!) Đời sống đâu có đáng sống. Chỉ có “Chết” mới là đáng sống: sống cái kinh nghiệm chết! Chết, nhưng đâu phải bạ đâu chết đó, chết đầu đường xó chợ, chết lảng nhách. Phải chết vì tự tử mới đúng là có ý nghĩa, mới là lên hương le lói, mới thiệt sự là chết nghiêm chỉnh, và mới thiệt sự là nghiêm chỉnh để mà chết. Di chúc: “Không nhận tiền và vòng hoa phúng điếu của bất cứ những ai cười mỉm chi”. Chết vì tự tử là kinh nghiệm sống nghiêm chỉnh đỉnh cao năm bờ oan! Tuy biết vậy nhưng mà Camus không được toại nguyện. Camus chết, đã đành. Nhưng chết (không nghiêm chỉnh) vì đụng xe chớ không phải chết (nghiêm chỉnh) vì tự tử. Thiệt là uổng cả cuộc đời! Bởi lẽ “chết vì tự tử” nó mới nghiêm chỉnh và le lói hơn nhiều. Còn chết vì đụng xe thì ối thôi! ai chết mà chẳng được.
Ngoài ra, khi bàn về kiếp người, Sartre đã xạc cà rây một câu ngắn xỉn mà đi tuốt luốt vào văn học sử thế giới: “Con người là một đam mê vô ích!” Vô ích? Nhưng “có ích” là như thế nào thì không nghe ông nói. Đam mê, nhưng mà đam mê cái gì? Đam mê phi lý? đam mê hư vô? hay đam mê tự tử? Chính cái “đỉnh cao” nó cho phép con người sống trong hoang tưởng. Cái hoang tưởng đó nó tác hại khủng khiếp trên đời sống địa cầu, trong đó có cả con người, dĩ nhiên. Tuy phán một câu xanh dờn về kiếp người như vậy, nhưng rốt cuộc cũng như Camus, Sartre không được toại nguyện: chết vì đam mê, cho dù là đam mê vô ích. Sartre chết rất hữu ích: chết vì quá già! Sích kên đoi wê ri ôn! Mới biết, khi rớ tới mấy ông triết Tây là chỉ có từ chết tới bị thương. Gẫm lại, khi C.Lévi-Strauss nhận định về Sartre và cho rằng “con người hiện đại tự chiêm ngưỡng và tự đạt tới tột khoái với chính mình” quả thiệt là quá đúng! Cái đó, tâm lý học gọi là “thủ dâm trí tuệ”. “Đỉnh cao trí tuệ” mà xuất tinh thì phải biết! Chắc không thua gì Châu Du hộc máu thời Tam Quốc. Cho dù không tự tử chắc cũng bắt buộc phải đáp liền chuyến tàu cao tốc về chầu Diêm Vương gấp gấp để tránh thượng mã phong mà bỏ mạng dọc đường.

*Trở về với chính mình

Ngoài cái thái độ rứt mình ra khỏi môi sinh, con người còn có một thái độ hiu hiu khác nữa: Tự cắt mình ra khỏi dòng tiến hóa. Không xem con người như một giai đoạn phù du trong dòng biến dịch của Trời Đất. Rồi nó sẽ qua, cũng như tất cả mọi giai đoạn khác, cũng như tất cả muôn loài, cũng như tất cả muôn vật. Con người cũng nằm trong cái lẽ Vô Thường của Trời Đất. Trời Đất không có một lý do riêng biệt nào để ưu đãi con người hết ráo. Thay vì vậy, nhờ cái “đỉnh cao”, con người vô cùng đắc chí và cảm thấy bỗng nhiên “đùng một cái” con người hiên ngang giáng trần với cái “đỉnh cao trí tuệ” (nặng mùi!) rồi hiu hiu tấn phong mình lên ngồi “chúa tể (ăn bám) muôn loài và tự nhận mình ngang xương là “sở hữu chủ” trái đất, mặc dù con người chỉ là một loài ăn nhờ ở đậu. Chưa hết. Lại còn ngất ngưởng cho rằng vũ trụ chỉ tiến hóa để đưa tới sự xuất hiện của Con Người, nghĩa là của con khỉ lai căn Homo sapiens. Cả 13,7 tỉ năm trường đằng đẵng sau cái Big Bang rầm trời chỉ để đẻ ra con khỉ không có lông, trên là răng, dưới là dái! Chấm hết. Terminus! Không thể nào tiến xa hơn được nữa. Xưa nay trong Trời Đất chưa từng thấy một thái độ nào xuẩn ngốc hơn thái độ đó. Cái “chấp ngã” đã cho phép cái thằng người nhỏ nhít thổi cái chất hư vô vào THẰNG TÔI cho nó phình ra lớn hơn cả vũ trụ! Rồi cái THẰNG TÔI hiu hiu đòi đâm nổ mặt trời, đòi thét vỡ không gian, đòi ám sát Thượng Đế, đòi hiếp dâm trái đất, đòi vọc cu voi, đòi lắp đít ruồi, đòi hư vô hóa tiệm café, đòi leo tít lên tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn mà hú một tiếng thiệt dài cho vũ trụ lạnh buốt đóng băng thành… cục nước đá cho con nít uống xi rô mau lớn để mà tiếp tục đâm nổ luôn mặt trăng cho nó đủ bộ bình tích. Than ôi! Cái huyền thoại Chúa Khỉ bay lên chín từng mây để đánh Trời cũng là nằm trong cái nghĩa đó vậy.
Chớ lầm lẫn hành động xóa bỏ “ngã chấp” với sự tha hóa. Tha hóa là đánh mất cái “tôi” của mình một cách vô ý thức. Trong khi đó, từ bỏ cái ngã của mình là một hành động tự nguyện và có ý thức cao nhứt: đó là sự trở về với cái gốc nguyên thủy của vũ trụ, trở về với cội nguồn hằng cửu nhiên nhiên tự tại của mọi pháp. Nó không thường còn, cũng chẳng vô thường. Nó là Như Vậy: nó là cái Gốc. Thế thôi. Đại khái như là cái “Big Bang”, nhưng không hẳn như vậy. Là ngay trước cái Big Bang. Không thể dùng trí tuệ đời thường mà hiểu được. Chỉ có thể dùng trực giác mà cảm nhận. Cái kinh nghiệm nầy nằm ngoài ngôn ngữ. Cũng như một đêm trong sáng, ngó lên trăng sao mà bỗng chợt thấy mình.
Thử dùng một ẩn dụ để tìm hiểu kinh nghiệm buồn nôn của Sartre trong công viên. Khi Sartre đã lột rửa lớp sơn bên ngoài của cái rễ cây, hàng rào, băng ghế, thảm cỏ… thì các sự vật này trở thành những khối chất vô danh, giống như những tảng băng đồng thể chất trôi nổi bập bềnh trên đại dương. Tiến về xích đạo, các tảng băng này tan dần, và trở thành những khối nước. Thay vì khối nước nào cũng chỉ là nước của đại dương (vũ trụ). Sartre vẫn còn thấy cái khối nước nầy là của tảng băng nầy, cái khối nước kia là của tảng băng kia, cái khối nước nọ là của tảng băng nọ. Rồi dưới mắt của Sartre, và ngay cả trong ý thức mình, những khối nước đồng thể chất này bỗng trở nên “quái dị, hỗn độn, kinh khiếp”, và trên hết, “trần truồng và tục tĩu”. Phải công nhận đây là một lối nhìn (một vũ trụ quan) cực cùng kỳ lạ! Một cái vũ trụ quan đúng là “quái dị và tục tĩu”!
Giả như khi đó Sartre chợt nhận thức và vứt bỏ cái giả tướng, vứt bỏ luôn cái tên “Sartre” của mình để trở thành một tảng băng vô danh đang tan chảy, cũng giống như mọi tảng băng khác. Để rồi cái khối nước mang tên “Sartre” giả danh và giả tướng ngày xưa hòa hợp cùng các khối nước vô danh khác mà nhập thể vào “đại dương hiện hữu” đời đời của vạn pháp: Như giọt nước cuối cùng trở về với đại dương mẹ của muôn loài. Nếu được như vậy, Sartre sẽ thình lình đạt một “tiểu ngộ” hoát nhiên bừng sáng. Khi đó, nói có giọt nước cũng sai mà nói không có giọt nước cũng không đúng. Nói mất giọt nước “ngã chấp” để được cả đại dương cũng sai luôn. Nếu nói được, thì còn ai ở đó để mà được? Không có “được” một cái gì hết ráo! Và cũng chẳng có “tiểu ngộ”, cũng chẳng có “đại ngộ”. Đó chỉ là một sự “Trở Về”. Một sự trở về của Nó với chính Nó. Chẳng có ai là chủ thể cho cái được, và cũng chẳng có được một cái gì hết. Chỉ có đại dương trở về với đại dương. Đại dương vẫn là đại dương từ đời đời kiếp kiếp. Thế nhưng, tuy đại dương tự “tánh không” là phẳng lặng, mà gió chướng nghiệp vẫn khiến cho chúng sanh cứ trùng trùng duyên khởi. Đợt này nối đợt kia, sóng lớn sóng nhỏ tiếp nối nhau mà dấy lên không dứt. Khi còn một dợn sóng lăn tăn, cho dù là tiểu ly, cũng không thể nói là đại dương đã hoàn toàn yên lặng. Thì nói “tiểu ngộ”, nói “đại ngộ” mới biết nói ra làm sao? Cái gì “ngộ”? Và “ngộ” cái gì? Tâm Kinh dạy: “Vô trí diệc vô đắc”, “không có Trí tu chứng, và cũng không có đạo quả để chứng đắc”, là nghĩa như vậy chăng?
Tiếc thay! Tiếc thay! Cơ hội ngàn năm Sartre đã bỏ lỡ! Và ngàn năm, còn buồn nôn, Sartre vẫn hãy còn thơ thẩn trước cổng chùa!

Ý CHÍNH
Tóm lược các ý chính trong phần BA:
* Cái cung cách điển hình của triết học Tây Phương là tôn vinh cái “đỉnh cao trí tuệ”, tôn vinh cái “cogito ergo sum”.
* Dựa trên nền tảng “en soi” và “pour soi” (vốn là tuyệt đối không có gì hết) mà Sartre dựng cái lâu đài “L’Être et le Néant” thì liệu cái lâu đài đó có bị đe dọa sụp đổ ngay từ đầu?
* Sartre ý niệm một ý thức có toàn năng và quyền năng “hư vô hóa”. Và theo Sartre, hư vô chính là cái tên gọi khác của tự do.
*Phật giáo và khoa thần kinh đã gặp gỡ nhau ở quan niệm ý thức như là tiến trình của bộ ba “cảnh giới-giác quan-nội tâm” hoặc “não bộ-thân thể-môi sinh”: Ý thức là ý thức về một cái gì đó, qua một cái gì đó, và bằng một cái gì đó.
*“Không” là bản tánh thanh tịnh sáng suốt, không có các hình tướng, nên còn gọi là “không tướng” hay “Bát Nhã chơn không”. Tánh chung của các pháp là “tánh không”.
* Chẳng có “tiểu ngộ” cũng không có “đại ngộ”. Chỉ có sự “Trở Về” của Nó với chính Nó. Chẳng có gì được, và cũng chẳng có được một cái gì hết. Tâm Kinh: “Vô trí diệc vô đắc”.
* Khi dừng lại ở kinh nghiệm buồn nôn, Sartre đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm để nhận thức cái “tánh không” của vạn vật: Sartre hãy còn thơ thẩn trước cổng chùa.

BẤT KHẢ TƯ NGHÌ

“Không” là bản tánh thanh tịnh sáng suốt, không có các hình tướng, nên còn gọi là “không tướng” hay “Bát Nhã chơn không”. Vì nó không sanh diệt, không hư dối nên cũng gọi là “chơn không, chơn tướng, thật tướng.
“Không tướng” là như vậy, và như vậy là “không tướng”? Thiệt vậy sao? Nhưng thế nào là thanh tịnh? So với gì mà thanh tịnh? Thế nào là sáng suốt? So với gì mà sáng suốt? Nếu so với động mà thấy tịnh thì là tịnh thiệt sao? Nếu so với dơ mà thấy sạch thì là sạch thiệt sao? Nhưng nếu không so sánh thì có thể nói gì được chăng? Nếu không thể nói thì làm sao có đối thoại, làm sao có truyền đạt tư tưởng? Phải có nói trước khi đi tới yên lặng để cảm thức.
Còn nói là còn trong vòng đối đãi, nhị nguyên. Ngôn ngữ con người vốn nó như vậy. “Bất nhị” là “không hai”, nhưng không phải là Một. Nói “Một” là còn đếm. Muốn đếm phải có hai, ba, bốn… nhiều, nhiều lắm, hằng hà, sa số. Bất nhị thì chẳng còn ai đếm, và cũng bởi nó “không hai” nên không thể đếm được. Đếm là vô nghĩa. Vì vậy không thể nói Bất nhị là “Một”.
Ngôn ngữ là qui ước, tự nó không có nghĩa lý gì. Muốn hiểu nghĩa của ngôn ngữ thì lại phải dùng ngôn ngữ. Dùng chữ để cắt nghĩa chữ. Dùng lời để giải thích lời. Lòng vòng. Chẳng đi tới đâu. Muốn biết điều gì thì phải thực sự trải nghiệm điều đó. Muốn biết nóng như thế nào thì phải lấy tay mà sờ. Muốn biết ngọt tới mức nào thì phải lấy lưỡi mà nếm. Lấy lời mà diễn tả, làm sao biết được nóng, biết được ngọt? Chưa hiểu thì còn nói. Một khi đã hiểu rồi thì không còn gì để nói nữa. Im lặng mà cảm thức.
Còn trong nhị nguyên mới có thể nói. Còn vọng chấp mới có thể nói. Dùng ngôn ngữ để diễn tả sự thật cũng giống như mang găng võ sĩ mà dạo dương cầm “Khúc Nhạc Trăng” của Beethoven. Thì thử hỏi diễn tả được gì? Ngôn ngữ vốn hữu hạn. Còn vũ trụ thì vô biên. Dùng hữu hạn để diễn tả vô biên, như dùng ly uống nước để mà chứa đại dương, phỏng đặng chăng? Sự thật của vũ trụ nằm ngoài ngôn ngữ. Nó vô ngôn, không thể nghĩ bàn. “Bất khả tư nghì”.
Phật dạy: “Như Lai nói thật tướng tức không phải thật tướng, chỉ tạm gọi là thật tướng”. Sau 49 năm thuyết pháp, trước khi nhập diệt, Phật dạy:
“Ta chưa nói một lời”.

Bagnolet, ngoại ô Paris, tháng Tư 2008
-KIỆT TẤN-

*Tài liệu tham khảo:

1-Jean Paul Sartre: La Nausée (Gallimard 1938) (Poche)
2-A. Cohen – Solal: Sartre, 1905 –1980 (Gallimard –1990) (Follio)
3-Thích Thiện Hoa: Kinh Kim Cang & Bát Nhã Tâm Kinh (dịch & giảng) (1965)
4-Thích Như Điển: Có & Không (Sein und Nichtsein) (PL – 2544 – TC 2000)
5-Magazine Littéraire (HS – no7): J.P. Sartre
6-Le Point (HS – no17): Penser L’Homme: Sartre, Camus, Foucault, Lévinas…
7-Yves Coppens: L’Odyssée de L’Espèce (Hachette 2003) (Poche)
8-3è millénaire (no 65): Quel est le sens de l’existence? (no71): Vide et Création – (no 87): Illusion et Réalité
9-La Recherche (Dossiers no30): La Conscience – (no343): Les Dimensions cachées de l’Univers
10-Sciences & Vie (no1029): Le Vide – (no1079): Le Hasard.