Monday, December 8, 2008

SỰ ĐỜI - BÀI 22


Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.


* KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU: HỒI 3
TIỀN! TIỀN! TIỀN!
THƠM QUÁ! THƠM QUÁ!

Trong Sự Đời, Bài 21: “Khủng Hoảng Toàn Cầu: Hồi 1”, bần tăng đã trình bày diễn tiến của cuộc khủng hoảng, và vạch ra chính cái Lòng Tham của các ngân hàng thương mại, ngân hàng nghiệp vụ, công ty bảo hiểm và thị trường chứng khoán đã kéo cả thế giới vào một cơn khủng hoảng với cường độ chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì đó cũng chỉ là những cơ sở kinh doanh, không thể tự nó lao mình vào chỗ chết. Chính những tên chóp bu, những chủ nhân ông, những chủ tịch tổng giám đốc, những kẻ điều hành, những tay mua bán chứng khoán và bọn đồng lõa, nói chung là chính Con Người, qua cách hành xử của mình, đã dìm cả thế giới vào cơn “Khủng hoảng Toàn cầu”.
Nhưng vì lẽ gì mà bọn đó đã hành động đầy phiêu lưu và mạo hiểm như vậy? Và hơn nữa, đã đẩy hết mọi người vào sòng bạc rủi ro cực cùng (vào chỗ chết!) một cách hợp pháp đằng đẵng 30 năm qua! Với sự đồng lõa của chính quyền, dĩ nhiên .

* KHI CÔNG BẰNG TRỞ THÀNH... CONG VÒNG
Công cuộc toàn cầu hóa đã biến tư bản sản xuất thành tư bản tài chánh, làm giàu bằng đầu cơ, lấy TIỀN làm cứu cánh. Tư bản tài chánh đã tạo ra hai tệ nạn trầm trọng, bất ổn và bất công. Bất ổn: Khủng hoảng không dứt. Bất công: một thiểu số làm giàu khủng khiếp, còn đa số thì càng lúc càng nghèo chí tử.
Nếu phân tích cho tận tường thì rất dài dòng. Vả lại, công việc đó đã có những chuyên gia kinh tế làm rồi và rất đáng tin cậy. Bần tăng bất quá cũng như bà con ta, nhưng đụng chuyện trái tai gai mắt thì muốn tìm hiểu, rồi chia xẻ những điều ghi nhận được của mình với bà con. Phần lớn cũng là xuyên qua truyền thông, báo chí, TV. Chớ bần tăng kinh cầu siêu còn chưa thuộc, ở đó mà kinh tế mí lị kinh tiết!
Bàn về cái nguyên do trực tiếp đã tạo ra Khủng hoảng Toàn cầu. Nói rõ hơn: vì sao mà bọn đầu sỏ và tay chân của các thương nghiệp đã kéo hết mọi người vào canh bạc rủi ro chết người? Cũng chẳng có gì lạ. Chỉ một chữ: THAM. Nhưng tại sao lại tham lam dữ như vậy? Tại vì họ được khuyến khích hết cỡ và được tưởng thưởng hàng chục, hàng trăm triệu, hàng chục hàng trăm tỉ đô để tham. Phải! Để tham! Không tin nổi. Nhưng than ôi! Sự thật là như thế đó!
Nền tảng cho sự tham lam và tổ chức cướp bóc đó chính là chế độ lương bổng và tưởng thưởng. Lương bổng vài triệu đô hàng năm trả cho các xếp lớn chủ chốt. Tưởng thưởng (bonus! ôi cái bonus thơm phức!) hàng chục hàng trăm triệu, hàng chục tỉ đô, trích trên tiền lời. Và hơn nữa, nếu chẳng may mất chức, đầu sỏ sẽ được bồi thường hết mức (ngay cả khi xí nghiệp bị lỗ hàng trăm tỉ đô!).Và rời khỏi phi cơ bằng “chiếc dù mạ vàng” (golden parachutes), ôm theo vài chục triệu đô mỗi đầu sỏ. Bỏ lại chiếc phi cơ đang bốc cháy không có người lái, chở đầy thường dân có tội lẫn vô tội. Không người lái? Nói vậy cũng không đúng. Vì gần 30 năm nay, từ thời Reagan qua thời Clinton, rồi thời Bush Cha, Bush Con (8 năm trời!), chiếc phi cơ tài chánh thế giới... không có phòng lái! Thì nói chi tới người lái, nói chi tới phi công phi kiếc hoặc phi hành đoàn làm chi cho mất công. Mọi người đều đánh võ tài chánh tự do, và không có trọng tài. Mọi quyền cước, mọi cú chơi xấu đều được phép trổ ra thả giàn. Chết bỏ! Nhưng võ sĩ không chết. Chỉ có khán giả vì bị trúng chưởng “cách sơn đả ngưu” mà lăn ra chết như rạ. Bravo! Bravo! Xin bà con một tràng pháo tay!
Các trường hợp, các xí nghiệp, các đầu sỏ “mạ vàng”, các traders, các golden boys le lói bị cháy túi sẽ được hài tên ở phần sau, với những con số bonus chính xác. Với một chế độ lương bổng và tưởng thưởng vi vút và quái gỡ như vậy, các tay chơi vô tình bị xúi giục liều mạng, chấp nhận hết mọi rủi ro để mong kiếm lời tối đa trong khoảng thời gian tối thiểu hầu ẵm cái bonus thơm phức (bisous! bisous! kisses! kisses! chụt! chụt!). Nếu thua thì là thua tiền của thiên hạ. Và không bị trừng phạt gì hết. Còn thắng thì hốt bạc (tiền của ta) còn nhiều hơn là trúng số độc đắc! Thử hỏi ai ngu gì mà không thử đu dây tử thần, trên lưng đeo sẵn một cái dù vàng? Phải sớm biết như vậy, bần tăng đã hỏa thiêu hồng liên tự từ khuya. Và để tóc dài, bận đồ lớn, thắt hai cái cà vạt, đổi nghề trader, rồi nhào vô Wall Street ở New York hoặc City ở London mà kiếm chác. Và cưới thêm vợ lớn, vợ bé, vợ nhỏ đào nhí, ướm thử mấy kiều, bia ôm... mút mùa lệ thủy! Tưởng gì chớ tu cho thành “chánh quỉ” thì nó dễ ợt, khỏi phải mất công dọng chuông khỏ mõ gì hết ráo.
Để cho vấn đề được cụ thể, thử tìm hiểu cái tâm sự của Kinh Kha nhập City, nghĩa là cái tâm sự của một trader nhập kinh đô London, của “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” và đánh hơi tiền. Nói tóm, một cái case study, theo tiếng Mẽo chuyên nghiệp, cho nó le lói.

*TÂM SỰ “HIỆP SĨ MÙ NGHE GIÓ KIẾM”
- “Trader”! Người là ai?
Trader là một tay chuyên mua bán chứng khoán tại thị trường chứng khoán, như tại Wall Street (NY) Mỹ, City (London) Anh, tại Paris, Franfurt, Thượng Hải, Tokyo, vân vân... Mua bán với tiền của công ty mình, của ngân hàng mình, dĩ nhiên. Nếu lời thì được thưởng bonus, 1% chẳng hạn: lời 100 triệu đô thì được thưởng 1 triệu, 1 tỉ đô thì thưởng 10 triệu.
Chơi chứng khoán “rủi ro” càng nhiều thì càng lời nhiều, càng bonus nhiều. Nhưng nếu thua thì sao? Thì ngân hàng chịu (còn phải hỏi!). Nghĩa là người hùn vốn, cổ đông, người gởi tiền cho ngân hàng chịu. Vì vậy mà hồi đầu năm 2008, ngân hàng Société Générale (SG) tại Pháp đã bất ngờ khám phá ra mình vừa lỗ mất 5 tỉ euros, một khối tiền khổng lồ! Vì sao? Vì theo lời Chủ tịch TGĐ SG, trader Jérôme Kerviel của ngân hàng đã “lén”(!) tung vào sòng bạc chứng khoán “rủi ro” một khối tiền của SG lên tới 50 tỉ euros (nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!). Kết quả: lỗ 10% tính ra là 5 tỉ euros. “Lén chơi”? Tin nổi không?
Các traders chơi chứng khoán một cách vô cùng phiêu lưu. Như đánh bạc ở Las Vegas, không có gì bảo đảm là sẽ thắng. Được nhiều thì chia bonus nhiều. Nếu thua thì ngân hàng chịu. Khoẻ re! Các traders chỉ “đánh hơi” thị trường mà đặt tiền. Cũng giống như “Hiệp sĩ mù (chỉ) nghe gió kiếm” mà múa gươm đỡ... cho ngân hàng mình. Y chang như các phim chém lộn của mấy ông “Xoa mu (lai) rai “. Từ chết tới bị thương. Nếu còn ngáp ngáp thì cũng ráng rút dao ngắn ra mà ... rọc bụng. Như mổ heo! Nhưng đó là cách hành xử của mấy ông xoa mu lai rai . Về phần các traders “nghẹt mũi” thì sao? Còn khuya! Chết thì bỏ bonus lại cho ai hưởng?
- Nỗi lòng Kinh Kha Stéphane
Hiệp sĩ mù Stéphane là trader thuộc chi nhánh tại Pháp của một trong 5 ngân hàng nghiệp vụ lớn nhứt của Mỹ. Sau khi vụ khủng hoảng bùng nổ, Stéphane đã tâm sự với nhà báo để trút bớt cái nỗi lòng canh cánh của mình. Một điều ngạc nhiên: Stéphane vẫn tin tưởng vào nền tư bản tài chánh! Tuy nhiên, hiệp sĩ cũng đòi hỏi thủ cấp của những tên thủ phạm thực sự. “Cộp”! Cộp! Cộp!”. Vén màn, “Music, please!”.
“Tôi làm việc trong ngành tài chánh từ 10 năm nay. Tôi bắt đầu tại London, và rút về Paris từ 4 năm qua. Nhưng nhờ hệ thống thông tin mạng lưới, tôi cũng hoạt động như là còn có mặt tại London.
Cũng như mọi froggies, mọi traders Tây khác (ăn đùi ếch chiên bơ) đã từng phục vụ tại Wall Street Mỹ và City Anh, tôi trở về Pháp để được hưởng một đời sống tốt đẹp hơn, với một căn nhà rộng rãi tại quận 16 sang trọng của Paris.
Tôi yêu cái job của tôi, và tôi làm công việc đó rất tốt. Tôi biết vì sao mà mình được trả mức lương cao như vậy. Tôi quản trị một “túi tiền” (book) lên tới 100 triệu euros . Tôi được trả khoảng 250.000 euros (370.000 đô) một năm tính luôn bonus.
Dĩ nhiên, khi hành nghề này là tại vì người ta thích tài chánh. Thích tài chánh tức là yêu tiền. Cái bonus là thước đo để xếp hạng các traders vào cuối năm. Trong một thế giới cạnh tranh cực cùng, thì cái đạo thờ “kết quả” ngự trị. Chính nó minh chứng cho tiền thưởng bonus: Thưởng cái kết quả.
Nhưng chính điều này đã một phần nào khiến cho tôi “nhợn”. Nghề ngân hàng nói chung, và nghề trader nói riêng, là phải luôn luôn quân bình hai phần đối nghịch: một bên là các “rủi ro”, một bên là hiệu năng được thể hiện qua lương hướng. Cái luân lý chỉ đạo trong ngành này: ai giỏi thì được trả lương cao, ai dở thì bị tống cổ. Nhưng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, những tên thủ phạm đích thực đã vượt lên trên tất cả và thoát thân an toàn không bị trầy trụa một chút nào hết ráo! Tệ hơn nữa, cái bọn chóp bu của kim tự tháp tài chánh đã bỏ túi riêng của mình hàng tỉ đô bằng cách tung tiền vào những sòng bạc “cực kỳ rủi ro”, không thể nào tưởng nổi: 3 tỉ đô bonus trong vòng 3 năm vừa qua lọt vào túi các cấp chỉ huy ngân hàng nghiệp vụ Mỹ, trong đó có ngân hàng của tôi.”
- Rủi ro ngút trời cao!
“Mấy lúc gần đây, những lời chỉ trích nhắm vào nghề trader, đối với tôi tuồng như là vô nghĩa lý. Tôi ngó thấy trong những lời chỉ trích đó một sự trộn lẫn giữa ganh tị và dốt nát về ngành tài chánh, và về cách thức chuyển vận của nó. Nhưng giờ đây, tôi hiểu được sự phẫn nộ đang bùng lên. Vì sự điên cuồng của một ít người mà vô số người khác phải sạt nghiệp! Tại Pháp nhưng nhứt là tại Mỹ.
Người ta đã xúi giục ông bà Smith ở Ohio (xem Sự Đời 20) vay tiền và vay quá sức mình. Kế đó người ta lại giải thích với họ là tuyệt đối phải cứu nguy cho những kẻ đã xô họ vào tình trạng khốn đốn này. Và hơn thế nữa, họ lại còn phải bỏ tiền túi của mình ra để thanh toán cái hóa đơn cứu nguy đó. Thiệt là điên khùng hết cỡ nói! Riêng tôi, tôi vô cùng bức rức. Tôi không hiểu nổi tại sao người ta chưa chịu lôi đầu ra pháp luật những tên đã bày đặt ra cái bizinết subprimes, và nhứt là những đứa đã tung nó ra bán khắp nơi.
Sự oán hận của mọi người đã rơi lên đầu tôi, cũng như lên tất cả ngành này. Vì những tên vừa nói không những đã đưa thị trường tín dụng tới chỗ chết, mà còn lôi kéo luôn tất cả nền tài chánh theo nó. Tuy rằng các traders rất rành nghề, nhưng tôi nghĩ rằng các traders hoạt động cho subprimes không có tội tình gì hết, mặc dù họ (hay đúng hơn là ngân hàng của họ) đã thua đậm. Sự phức tạp của các sản phẩm tài chánh (chứng khoán) vượt khỏi tầm hiểu biết của họ. Họ cũng không có một ý niệm nào về những khối tiền to lớn mà họ vọc giỡn hằng ngày. Thiệt vậy. Chúng tôi hành động dựa theo tin tức. Chúng tôi phán đoán dựa trên thời giá, dựa trên các biến cố kinh tế và chính trị đang xảy ra. Và tất cả đều báo hiệu rằng các sản phẩm đó “sạch sẽ”. Thí dụ như các đồng nghiệp của tôi đã được các cơ quan chấm điểm (notation) bảo đảm hết mọi mặt. Trước đây, các cơ quan chấm điểm tuyệt hảo (the must of must) này như Moody’s, như Standard and Poor’s đã xếp các sản phẩm đó vào mức thượng thặng. Rồi bây giờ, các sản phẩm đó lại bị liệt vào hàng “độc địa chết người” (ultratoxiques). Chính các cơ quan này cũng phải trả lời về hành động của mình.
Cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể xảy ra là do ở sự rượt đuổi điên khùng theo cái đạo “kiếm lời” (profitabilité) của các tay điều hành những ngân hàng lớn nhứt thế giới. Nhân danh cái mục tiêu “sinh lời” (rentabilité) của xí nghiệp, nhưng nhứt là bị xui giục bởi cái hy vọng gia tăng món tiền thưởng bonus của riêng mình vào cuối năm, họ đã thúc đẩy các traders phải chọn lựa những vị thế càng lúc càng quan trọng hơn, càng lúc càng phiêu lưu (rủi ro) hơn đối với các sản phẩm này. Tất cả mọi người đều tin tưởng và đều ham muốn subprimes. Nếu không tin tưởng, nếu chê các chứng khoán “phiêu lưu tột bực” (ultrarisqués) mà cũng sinh lời tột bực này thì nhứt định là trader sẽ chỉ đạt được những kết quả thấp hơn thị trường. Thế nhưng, kém hiệu năng là sẽ bị tống cổ liền tù tì! Vì vậy, “túi tiền” (book) do các traders quản trị chứa ngập tràn những rủi ro không tưởng nổi. Và cuối cùng, chính ngân hàng sẽ lâm vào tình thế vô cùng “phiêu lưu”, vô cùng “rủi ro” y như là “trader”.”
-Mọi người đều đánh bạc.
“Nhưng các cấp chỉ huy ngân hàng nghiệp vụ, các cơ quan chấm điểm, cho đến các traders không phải chỉ có riêng bọn chúng tôi chịu trách nhiệm. Các chính phủ đã “để mặc kệ” (laisser faire), ai muốn làm gì đó thì cứ làm. Sự lạc lối của các ngân hàng nghiệp vụ, và đứa em của nó là các quỹ đầu cơ (hedge funds) đã diễn ra và phát triển dưới mắt nhìn của giới trách chính phủ. Còn trách nhiệm của Fed thì sao? Từ hơn chục năm qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tuôn tiền ra cho vay ít lời tới mức tràn ngập Thị trường chứng khoán lai láng.
Một cách giản dị, thể lệ của “ sòng bạc” tài chánh trong đó mọi người đều đánh là như sau: một ngân hàng nghiệp vụ có thể vay nợ với lãi suất 5%. Trên 1 đô vốn, nó có khả năng vay mượn 19 đô cộng lại là 20 đô. Tiền đầu tư có thể sinh lời 15%, như vậy 20 đô sinh lời là 3 đô. Sau khi hoàn trả 19 đô cộng thêm tiền lời 5% (tính trọn là 1 đô), vẫn còn lời được 2 đô. Tóm lại, 1 đô vốn sinh ra 2 đô lời. Tính thử đi, 100 triệu vốn sinh lời 200 triệu đô, 100 tỉ vốn sinh lời 200 tỉ đô! Sau khi trừ hết mọi chi phí điều hành, tiền hoa hồng trung gian (rất nhiều môi giới), vẫn còn lại rất nhiều “địa” để chia cho cổ đông, cho các cấp chỉ huy, và luôn cho các traders dĩ nhiên. Chia nhau 200 triệu đô, chia nhau 200 tỉ đô! Đếm tiền mệt nghỉ! Ai mà không mơ ước chơi trong một “sòng bạc” như vậy?
Nói thiệt ra thì ai ai cũng chơi. Tất cả các traders. Giờ đây khủng hoảng xảy tới, mọi người đều sợ mất job. Sợ luôn cho tài sản của mình. Bởi lẽ một phần bonus của tôi được trả bằng cổ phần của ngân hàng. Tưởng không cần nói rõ thêm là giờ đây nó chẳng còn đáng giá bao nhiêu. Tôi còn độc thân và không con, vì vậy còn giữ được mực sống quân bình. Ngược lại, một số rất đông sẽ vô cùng vất vả! Ngay giờ phút này, đã có khoảng 50.000 jobs biến mất trong ngành tài chánh tại New York. Mọi việc sẽ không còn như trước nữa. Năm 2008 sẽ chấm dứt “trắng tay”, không có bonus , ngay trong ngân hàng tôi cũng như hầu hết các ngân hàng khác.
Theo tôi nghĩ thì điều này rất là hợp luân lý. Những năm tới sẽ đem lại nhiều kết quả tài chánh xấu. Và theo tôi, điều vô luân là mặc dầu vậy, các tác nhân thị trường từ cấp chỉ huy cho tới traders, sẽ không một ai hoàn trả lại các bonus đã được bỏ vào túi riêng của mình trong suốt 15 năm qua: hàng trăm tỉ đô! ”
Trên đây là tâm sự “nửa đêm về sáng” của “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” Stéphane. Bây giờ thử khám nghiệm (tử thi) con số bonus khổng lồ hàng trăm tỉ đô này để xem nó được xẻ thịt ra sao, trong vài trường hợp điển hình.
* NHỮNG CON SỐ HẾT SỨC LƯƠNG THIỆN VÀ VÔ CÙNG HỢP PHÁP
Xin nhắc lại luật chơi trong sòng bạc tài chánh trước khi xảy ra cuộc “Khủng hoảng Toàn cầu” vào tháng 9 năm 2008:
- Chơi càng rủi ro nhiều, khi ăn thì ăn nhiều, khi thua thì thua đậm. Có thể sập tiệm.
- Nếu ăn thì các đầu sỏ và hiệp sĩ mù được thưởng bonus. Chẳng hạn ăn 100 triệu đô, thì bonus có thể từ 1 đến 10 triệu đô. (Đó là cách thúc quân hiệu quả nhứt cho đầu sỏ và hiệp sĩ mù đi tiền liều mạng).
- Nếu thua thì xí nghiệp lãnh đủ. Đầu sỏ và hiệp sĩ mù không hề hấn gì. Cũng không đi tù. Được phép chơi tiếp. Và liều mạng tiếp.
- Nếu mất chức thì đầu sỏ sẽ được đền bù trọng hậu, từ 1 triệu đến 40 triệu đô, hoặc nhiều hơn nữa. Có khi còn được trợ cấp hưu trí từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đô mỗi tháng (Quá ít!).
Bà con ta đã rõ luật chơi rất công bằng (tới mức... “cong vòng”) nầy chưa? Bây giờ bắt đầu điểm binh: “Vào hàng! Phắc!” (Xin nhấn mạnh: “Phắc” ở đây là tiếng An Nam chớ không phải tiếng Mẽo) Tò te... Tò te...Tò te!... “God saved the Queen! And God shaved everybody!” Gút lắc!
- 100 tỉ euros : đó là khối tiền bonus được phân phối cho các tay chơi trong năm 2007. Chưa tính tổng cộng con số bonus từ hơn 10 năm về trước (vì sợ bà con ta bị đứng tim mà hui nhị tì bất tử).
-3,1 tỉ đô: đó là món tiền bỏ túi hợp pháp (kể cả cổ phần) trong vòng 5 năm qua của một nhóm nhỏ gồm 25 công dân Mỹ vô cùng lương thiện đứng đầu 5 ngân hàng lớn nhứt của Mỹ: 2 ngân hàng còn tồn tại là Goldman Sachs, Morgan Stanley, và 3 kia là Merrill Lynch, Lehman Brothers, Bear Stearus đã bị sập tiệm được mua lại hoặc quốc hữu hóa bằng tiền đóng thuế của 305 triệu dân Mỹ (bất lương! Trong số có hơn 300 ngàn Mỹ gốc Á Nàm Dành).
- Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ): sập tiệm. Chánh phủ Mỹ từ chối bỏ tiền ra để quốc hữu hóa.
- Chủ tịch TGĐ: Richard Fuld.
- GĐ đầu tư: G.W.Walker, anh họ của Bush Con.
Vào tháng Sáu (2008), các cổ động quan trọng đã viết thư khuyến cáo ngân hàng chớ nên ban thưởng bonus. Nhưng 2 tên đầu sỏ nói trên đã phớt lờ, tự ý tiếp tục chia và bỏ túi mình hơn chục triệu đô bonus. Ngày 10 tháng Chín, 5 ngày trước khi cuộc khủng hoảng được công bố, Fuld đã xác nhận láo khoét với những nhà đầu tư là ngân hàng Lehman không cần được “bơm” thêm vốn mới, và mọi bất động sản của ngân hàng đã được ước lượng đúng giá. Như vậy, Fuld không bị bắt buộc phải từ chức để mà tiếp tục hưởng lương cao, mặc dù ngân hàng đang lỗ nặng và nguy ngập. Đúng 5 ngày sau, Lehman Brothers sập tiệm!
Fuld: từ năm 2000 đến 2008, Fuld đã bỏ túi 480 triệu đô (đương sự đính chánh là 260 triệu đô từ 2004 đến 2008). Có một ngôi nhà đồ sộ ngó ra biển tại Florida trị giá 14 triệu đô. Một biệt thự nghỉ mát đắt giá tại Sun Valley, Idaho. Vợ Fuld sở hữu một bộ tranh sưu tập trị giá nhiều triệu đô.
- Hãng bảo hiểm AIG (Mỹ): Hiện diện tại 130 nước, thu dụng 116.000 nhân viên. Đứng hàng thứ nhì thế giới. Sập tiệm! Chánh phủ Mỹ phải bỏ ra 85 tỉ đô để quốc hữu hóa AIG. (Chi tiết nhỏ: Xếp Ngân Khố Mỹ, Paulson, là người lãnh đạo chương trình cứu nguy 700 tỉ đô của chính phủ Mỹ. Khi trước, Paulson vốn là xếp cũ của ngân hàng Goldman Sachs , đối tác hàng đầu của AIG. Có tin cho rằng Paulson đã ân hưởng 500 triệu đô trong thời gian này.Có thể là Paulson vẫn còn quyền lợi trong Goldman, trực tiếp hay gián tiếp. Vào 3 tháng chót 2008, AIG lỗ 25 tỉ đô, trong đó Goldman Sachs có mòi lãnh đủ 20 tỉ. Vì vậy mà Paulson đã tung ra 85 tỉ để cứu bồ AIG một cách hết sức là... vô tư).
Thực ra thì sở dĩ AIG bị sập tiệm là vì bởi cái bizinết của một nhóm nhỏ gồm 377 người, trụ sở đặt tại London. Nhóm này đã bán bảo hiểm loại mới, liên quan tới subprimes đầy rủi ro, lên tới mức 500 tỉ đô năm 2007. Lợi tức của nhóm này từ 744 triệu đô năm 1999 đã vọt tít lên tới 3,26 tỉ đô năm 2005! Chia đều ra, mỗi đầu người được hưởng 1 triệu đô một năm (sao mà AIG “rít chúa” quá vậy?). Khi AIG sập tiệm, xếp của nhóm này là Joeph Cassano “được” cho de và “bị” thưởng cho một cái bonus là 34 triệu đô (chưa hết!) và tiếp tục được hưởng lương 1 triệu đô mỗi tháng... sau khi rời nhiệm sở (“Điều ấy quả nhiên hiệp ý Trẩm!”). Chính xếp sòng của AIG là Martin Sullivan đã bày ra cái biện pháp độc đáo này để... tiết kiệm cho AIG (quá hợp lý!)
Vẫn chưa hết! Mặc dù năm 2007 AIG thu hoạch kết quả xấu do hoạt động đầu cơ của nhóm Cassano vào tháng 3 năm 2008 xếp sòng Sullivan đã thuyết phục “nhóm xét thưởng” của công ty là không nên dẹp bỏ cái bonus nhỏ nhoi năm 2007 là 5,4 triệu đô dành cho cấp lãnh đạo AIG, trong đó có... “Ta!” (cũng tự nhiên thôi!).
“Khoan khoan ngồi đó chớ ra!” Vì chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ hãy còn tiếp tục. (Vẫn chưa “vãn tuồng Ấn Độ”. Bà con ta hãy nán lại chờ xem cái happy end (vô cùng ly kỳ và (Bà) hạnh phước!): Bị bức xúc nặng vì AIG sập tiệm, nhóm đầu sỏ bèn kéo rốc nhau vô khách sạn hạng gộc ở Cali để mà thư giãn: tiền phòng 1000 đô một đêm, tiền chơi golf 7000 đô, 10.000 đô tiền rượu (có xâm banh dĩ nhiên), 23.000 đô tiền tẩm quất (bao gồm tắm hơi, đấm bóp, làm neo, sửa sắc đẹp, nâng bi, cạo lông chưn, nhổ lông nách, vân vân... Tuy nhiên không thấy kê khai mục “bao gái”). Tổng cộng cái biu hết sức khiêm nhường của cái khách sạn vô cùng thanh lịch: 440.000 đô (nhẹ hều! Chưa tới 1 triệu đô. Còn ức hiếp gì nữa mà rên?). Ai trả? Hỏi gì lãng nhách! Hổng lẽ bắt xếp (lương thiện) Sullivan móc túi khỉ (khỉ ơi là khỉ!) của mình ra thanh toán? Thì cứ tự nhiên mà trích chút đỉnh từ cái khối tiền khổng lồ 85 tỉ đô do dân Mỹ (bất lương) nai lưng ra đóng góp để cứu bồ AIG ra mà trả cash (nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!). Điệu này chắc 304.999.995 công dân Mỹ (bất lương) còn lại phải kéo hết nhau vô cái khách sạn thanh lịch ở Cali như xếp Sullivan (mỗi cặp 1000 đô một đêm) để mà... thư giãn vài tuần lễ cho nó đỡ bức xúc (bức nút?). Bằng không, e là sẽ phải hộc máu có chậu như Châu Du rồi nắm tay nhau nhào hết xuống thác Niagara mà thác! Và rước linh mục Bush Con tới giảng Kinh Thánh để siêu độ cho toàn chúng dân Mẽo: “God saved the King (Kong)! And God shaved all the good Americans!...” “Music, please!” “Một dòng sông... xanh xanh!... tập tập xình!... tập tập xình!...”
Mới biết, mấy chữ “In God we trust” in rành rành trên mỗi tờ đô là quá đúng, nhưng vẫn chưa đủ hết nghĩa. Lần sau có tái bản, yêu cầu bổ túc thêm cho đủ nghĩa và dễ hiểu để dân Mẽo biết trước mà đề phòng:”Only in God we trust. The others pay cash!” Please! Phen này bảo đảm bọn thợ cạo của Sở Thuế Mẽo sẽ không bao giờ thất nghiệp. Và cha truyền con nối dài dài... dài dài... để mà cạo tiếp ... cạo tiếp... (có mệt cũng không chịu nghỉ). Chớ có nhúc nhích, coi chừng bị lãnh thẹo! “Very sorry! Of course”.
- Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ): Hai năm trướùc khi vụ khủng hoảng subprimes xảy ra, ban quản trị của ngân hàng đã tiên đoán trước và đã “xoay sở” rất khôn ngoan trên thị trường chứng khoán. Kết quả: lời 16 tỉ đô! Mỗi nhân viên được chia đều 660.000 đô. Riêng vài traders xuất sắc được thưởng 100 triệu đô bonus, trong đó có xếp Ngân Khố Paulson.
Trước những bonus kếch sù như vậy, thử hỏi các traders còn ngần ngại gì nữa mà không mặc kệ hết mọi rủi ro và tung vào “sòng bạc chứng khoán” những khối tiền khổng lồ lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô? Với tiền của ngân hàng, tiền của thiên hạ, nghĩa là “tiền chùa”, dĩ nhiên. Được thì chia bonus trọng hậu. Thua thì... huề vốn (cho mình), và cũng không phải đi tù. Và tiếp tục chơi tiếp. Có sao đâu? “No stars where”? Bộ ngu sao không chơi xả láng? Trên cõi trần gian ô trọc này, chưa từng thấy một hệ thống tài chánh nào có luật chơi quái gỡ, vô trách nhiệm và chết người tới mức đó!
- Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ): Trong vụ khủng hoảng subprimes, sau khi nướng hết 10 tỉ đô của ngân hàng, Chủ tịch TGĐ là Stanley O’Neal bị bắt buộc phải từ chức. Trước khi ra đi, xếp lớn không quên vói tay bợ tạm món tiền bonus vô cùng khiêm nhượng là... 160 triệu đô! “Trời cao có thấu! Cúi xin người ban phúc cho đời con!”
- Định chế Fannie Mae (Mỹ): Fannie Mae và Freddie Mac thường can thiệp vào thị trường để bảo đảm các tín dụng địa ốc. Đó là hai định chế nền tảng của hệ thống tín dụng thế chấp của Mỹ.
Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, chính phủ Mỹ phải bỏ ra hàng trăm tỉ đô bảo trợ để tránh cho 2 định chế này sụp đổ. Năm 2007 Fannie Mae lỗ 2,1 tỉ đô trong cuộc khủng hoảng subprimes. “No stars where?” Chủ tịch TGD Daniel Muld vẫn được tăng lương và bonus lên tới mức xỉu xỉu là 13,4 triệu đô một năm (cho lên tinh thần để mà phục vụ tiếp!).
Cũng chưa nhằm nhò gì hết! Năm 2004, xếp sòng trước đó của Fannie Mae là Franklin Raines đã thổi phồng giả tạo thành quả từ năm 2001 đến 2003 lên thêm 12 tỉ đô để các xếp được chia thêm bonus (Giả thử chia 1% thì là 120 triệu đô, nếu 10% thì là 1,2 tỉ đô!) “Thì bo chút đỉnh cho em nó zui zậy mà!”) Bị quăng ra khỏi phi cơ đang bốc cháy phừng phừng Raines đã đáp xuống an toàn với “chiếc dù bọc vàng” nặng 25 triệu đô an ủi lúc hưu trí (và để mà cưới vợ bé, vợ nhỏ, đào nhí đi karaôkê và đi bia ôm đều đều trong lúc tuổi già cho đỡ buồn… héo hắt con tim!)
- Ngân hàng Bear Stearns (Mỹ): Sập tiệm. Ngân hàng JP Morgan Chase đứng ra mua lại.
Trước đó, năm 2006, mặc dù Bear Stearns đạt kết quả tồi tệ, Chủ tịch TGD James Cayne cũng đã cạy gỡ để bỏ túi mình 40 triệu đô (một cách hợp pháp, dĩ nhiên!). Năm 2008, khi bị tống cổ, xếp ta cũng đã thụ đắc liền tù tì một ngôi nhà đồ sộ nằm ngay tại khu Central Park le lói nhứt N.York, trị giá 25 triệu đô. Vay nợ ngập đầu để trả? Sức mấy! Móc túi khỉ trả tiền một cái cụp: “cash!” Bằng loại tiền “In God we trust”, vô cùng thành khẩn!
- Cơ quan tín dụng địa ốc Countrywide Financial (Mỹ): Khi khủng hoảng subprimes xảy ra, Countrywide sập tiệm, tính ra đã lỗ lã trong nhiều năm qua tất cả là 20 tỉ đô! Bank of America đứng ra mua lại.
Trong cơn khủng hoảng, xếp sòng của Countrywide là Anelo Mozilo đã cho lượng giá các stock-options của mình từ 2004 đến 2007. Và xui xẻo thay! Mozilo chỉ hốt được có một chút xíu bạc cắc lẻ tính chẵn ra là… 414 triệu đô! Năm 2006, Mozilo thương lượng lại cho mình một “chiếc dù vàng” cứu nguy là 37,5 triệu đô. Khi Countrywide bị mua lại, dưới áp lực mạnh mẽ, Mozilo đành phải bấm bụng (ui da!) từ bỏ. Tuy nhiên (phải, tuy nhiên!) Raines, cũng ẵm theo được một món tiền hưu trí “ốm nhom” là 22,4 triệu đô (để phòng khi thiếu tiền đấm bóp, làm neo và nhổ lông cẳng!)
“Xin bà con làm ơn hỷ xả cho bần tăng chút nước cao cấp và 2 viên thuốc nhức đầu hoành tráng để mà uống cho nó hạ hỏa. Sau đó, sẽ thừa thắng xông lên mà tiếp tục tính sổ bụi đời”.
- Hedge funds: là các quỹ chủ yếu dành để đầu cơ trên các thị trường chứng khoán, được cất giấu kỹ ở các “thiên đàng thuế vụ” (thường là những cù lao) để trốn thuế.
Dưới thời Clinton, do sự yêu cầu và do lobby của Wall Street, chính phủ Mỹ đã ban hành hàng loạt biện pháp nhằm khai phóng (bỏ gần hết mọi luật lệ kiểm soát) các thị trường. Kết quả: Một mặt thời giá Wall Street tăng vọt. Mặt khác, sự bùng nổ của các Hedge funds (HF) như Carlyle, Blackstone, Cerberus, Citadet, hoặc KKR. Rất là “biết điều” các HF quay lại châm dầu tràn trề cho quỹ đen Đảng Dân Chủ của Clinton (hợp lý hết cỡ nói!) “Ăn cây nào thì rào cây nấy” Chớ hổng lẽ vác búa nào tới đốn? Hiện nay (2008) kỹ nghệ HF điều hành một khối lượng tiền khiêm nhượng là 2100 tỉ đô (quá ít!).
Các hoa hồng đồ sộ và lương thiện lấy trên các HF chỉ chịu thuế 15%, thấp hơn nhiều so với mức thuế 36% đánh trên một người Mỹ trung bình (bất lương). Mức thuế thấp này đã cho phép hai tay thành lập quỹ HF Blackstone là Stephen Schwarzman và Peter Peterson tự cấp phát cho mình một mức lương khiêm nhường (đủ sống) vào khoảng 388 triệu đô (trả tiền cắm dùi ở Cù Lao rồi, đâu còn lại bao nhiêu!) Khi đưa Blackstone lên Wall Street, hai tên đại ma đầu (rủi quá!) chỉ hốt được có 1 tỉ đô mỗi tên. Không đầy ít tuần sau, xảy ra cuộc khủng hoảng. Quỹ Blackstone mất giá hơn một nửa. Hai tên đại ma đầu bèn lật đật đem 2 tỉ đô trả lại tiền cho các khổ chủ? “Còn khuya!” “Đứa nào trả lại, chết liền!”
- Sào huyệt Wall Street NY (Mẽo, dĩ nhiên): Cách đây 5 năm, vô cùng bối rối, ban quản trị đành phải muối mặt mà công bố lợi tức của vị Chủ tịch Wall Street, Richard Grasso: 140 triệu đô một năm, cộng thêm 48 triệu đô tiền công để canh chừng hoạt động của các thị trường: “Xì căng đan”!
Grasso bị bắt buộc phải từ chức và pháp luật đứng ra đòi đương sự hoàn tiền lại cho nhà nước. Grassso vô số de một cái rụp? “Còn lâu!” Đương sự thuê một tập đoàn luật sư thượng hạng đứng ra giành tiền lại, được hơn một nửa. Chưa hết! Ngày 1 tháng Bảy 2008, Tòa Phá Án New York đã tuyên phán: “Vấn đề lương bổng của Grasso không mắc mớ gì tới chánh quyền Mẽo hết ráo. Hãy xê ra cho người ta cứu Wall Street! Quý vị Nhà Nước đi chỗ khác chơi! Và chớ có quên ẵm cái thằng lỏi nhõng nhẽo Bush con theo! Nghe chưa?”.
Một chút lịch sử: Năm 2006, nhân chuyến viếng thăm Đế Quốc Mẽo (thối nát), Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà Nước Việt Nam Xã Hội ta đã được trao cho cái vinh dự bấm chuông khai mạc Wall Street. “Cộng sản” mà khai mạc “Tư bản”! Hèn chi mà bi giờ Wall Street mới lên hương “quằn quại” trong cơn Khủng hoảng Toàn cầu ngày hôm nay. Điều ấy gẫm ra cũng là hiệp lẽ Trời đó thôi!
- Độc nhứt vô nhị “Washington Mutual (WM)” (Mẽo, dĩ nhiên): WM vốn là một nhà băng tiết kiệm. Khi cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, WM rung rinh, đe dọa sụp đổ. Bèn thay xếp mới: Alan Fishman (cái tên có nghĩa là Ngư Phủ chơn chất)
Lèo lái con tàu đánh cá WM tính ra được chẵn chòi là 18 ngày (phải, mười tám ngày!) thì nhà băng WM sập tiệm thiệt sự. Ngư Phủ lật đật nhảy ra khỏi tàu đánh cá, không quên mang theo cái “lưới quăng” bằng vàng, trị giá mạt rệp là 13,6 triệu đô! (Tha hồ mày chài cá mập, cá voi và các em nhân ngư thơm phức!)
Tính ra lương công nhựt của Ngư Phủ là 755555 đô, lương giờ (chia cho 8 là): 94.444 đô, lương phút là 1,574 đô, lương giây (một cái tích tắc) là 26 đô/giây. Lần sau, nếu được mời cộng tác lần nữa, xin thầm kín gợi ý với Ngư Phủ là nên thương lượng để được tăng lương công nhựt lên chẵn chòi là 1 triệu đô/ ngày cho nó… dễ làm kế toán.
Và cuối cùng!
“Music, please!”: PÁM PÁM PÁM PAM!
- Lão Bần Tăng “Thích Đàn Bà” (Vô gia cư): Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra, Lão Ác Tăng bị vợ quăng ra khỏi chiếc Boeing 747 không người lái đang bốc cháy rần rần. Vốn đã có phòng xa từ khuya, Lão ta bèn lật đật bấm nút “chiếc dù vàng” cho nó bung ra, và từ từ đáp xuống an toàn. Trong chiếc dù vàng vĩ đại, có bọc theo 23.596.482 gói mì chay thứ thiệt có kèm thêm 269 cà ram xá xíu loại hảo hạng mỗi gói.
Ăn mệt nghỉ!

Trong loạt bài Sự Đời, đã nhiều lần bần tăng nói về cái hiện tượng gần như trở thành định luật: “Trong một sòng bạc, khi có đứa nào bắt đầu đánh lận thì những đứa khác cũng bắt buộc phải đánh lận theo, nếu không muốn ở truồng đứng dậy ra về”. Như đã trình bày và phân tích trong các bài SĐ vừa qua, đặc biệt viết về cuộc Khủng hoảng Toàn cầu, hệ thống tài chánh hiện nay, với những luật lệ thả lỏng, là một sòng bạc mà trong đó các cấp điều hành, các cấp chỉ huy và các tác nhân chính yếu đều đánh lận. Và chính quyền thì đồng lõa, khoanh tay đứng ngó, đôi lúc còn đưa tiền thêm cho các tay chơi. Và những kẻ bị lột sạch là những công dân thường, những người đóng thuế lương thiện, những người tiết kiệm nho nhỏ đã tin tưởng ở nhàbăng và gởi tiền cho nhà băng giữ dùm. Chẳng những vậy, khi nhà băng sập tiệm, họ còn phải nai lưng ra đóng góp thêm để cứu vãn! Một thế giới kỳ quặc tới mức siêu thực! Không tưởng nổi: “Tiền lời thì tư hữu hóa, là của riêng. Tiền lỗ thì quốc hữu hóa, là của chung”.
Sự Đời bài 23 sẽ trở về cội gốc để tìm hiểu cái chủ nghĩa kinh tế néolibéralisme (kinh tế tự do mới) gọi thông thường là “Kinh tế Thị trường” vốn chủ trương giảm thiểu luật lệ kiểm soát, để mặc cho “Bàn tay vô hình” của thị trường vận hành và thu xếp các hoạt động kinh tế tài chánh, và tin chắc rằng mọi người sẽ được hưởng lợi như nhau. Sau khi tác oai tác quái suốt 30 chục năm vừa qua, kết quả như thế nào thiên hạ đều đã rõ. Có cần phải chứng minh gì thêm chăng?
Toàn thể thế giới đều mong đợi một cuộc đổi thay luật chơi toàn cầu. Vẫn biết rằng đây là cuộc “đẻ khó”, vì có nhiều lực chống đối, nhứt là từ phía Mỹ mặc dù chính Mỹ đã châm ngòi cho cuộc Khủng hoảng Toàn cầu. Liệu liên khối Âu châu, Á châu và Nam Mỹ có làm áp lực được Mỹ chăng? Về phía Mỹ, ngay ngày hôm nay (28.10.2008), nước Mỹ sắp bầu lên một Tổng thống mới. Khi bà con ta đọc bài Sự Đời này, có lẽ đã biết được vị đó là ai.
Một điều không biết nên lấy làm hỗ thẹn hay là hiu hiu tự đắc: Trong hai lần bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đa số tuyệt đối dân Mỹ gốc Á Nàm Dành ta đã dồn phiếu cho… Bush Con! Thêm một chi tiết nhỏ: trong lần điện thoại viễn liên ngày hôm qua, đứa em bà con của bà xã bần tăng ở Chicago vẫn tiếp tục hết lời khen ngợi và tin tưởng ở… Bush Con!
“Trời hỡi! Crazy! Fou la tête!”

SỰ ĐỜI - BÀI 21

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.


* KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU: HỒI 2
LÒNG THAM, ÔI! CÁI LÒNG THAM YÊU DẤU!

* DẪN NHẬP
Bần tăng có một đứa cháu gái vượt biên và định cư tại Cali. Trình độ đại học, có job tốt, nhập quốc tịch Mỹ từ lâu. Năm 2000, nó sang Paris chơi, ngụ nhà bần tăng. Thời điểm đó xảy ra vụ khủng hoảng internet. Báo chí Âu Châu loan báo là đệ nhứt cường quốc Mỹ có cơ suy thoái. Đứa cháu gái hỏi bần tăng: “Mỹ quốc cường thịnh và hùng mạnh như vậy, duyên cớ gì có thể làm Mỹ suy thoái được vậy chú?”
Bị chất vấn (chánh phủ) bất ngờ, bần tăng bèn động não tư zuy chớp nhoáng và nhắm mắt trả lời đại, không trúng thì thế nào… cũng trật, lo gì: “Cái gì làm cho Mỹ cường thịnh thì chính cái đó sẽ làm cho Mỹ suy đồi”. Vẫn chưa thỏa mãn, nó yêu cầu bần tăng giải thích rõ hơn ý mình. Bần tăng lại phát ngôn bừa bãi: “Tiền làm cho Mỹ mạnh thì chính tiền sẽ làm cho Mỹ sập tiệm”. Nó giương mắt Mỹ vàng ngó bần tăng lom lom, đầy ngờ vực.
Sở dĩ bần tăng trả lời như thế í là cũng chỉ đoán mò, dựa theo cái lẽ Trời mà xủ quẻ. Vậy thôi. Xuyên qua lịch sử, có lẽ ai ai cũng đã chiêm nghiệm và nhận ra điều đó. Chính cái phồn thịnh của Đế Quốc La Mã đã làm cho Đế Quốc La Mã suy đồi. Cái cường bạo đã đưa Tần Thủy Hoàng lên ngôi Hoàng Đế, thì chính cái cường bạo đó đã khiến cho giang san nhà Tần tan rã sau khi bạo chúa băng hà. Cái độc tài của đảng Cộng sản Nga đã cho phép Nga dựng nên Đế quốc, thì cũng chính cái độc tài đó đã khiến cho khối cộng sản Nga sập tiệm. Thì Mỹ cũng nằm trong cái định luật hay cái lẽ Trời đó mà thôi. Cổ nhân há đã chẳng từng dạy:
“Tham thì thâm”
“Sanh nghề, tử nghiệp”
“Chơi dao có ngày đứt tay,
chơi lửa có ngày phỏng mày”
Và cụ Nguyễn Du của ta cũng đã bàn về cái Sự Đời trong 2 câu lục bát:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Riêng mình, bần tăng gẫm ra rằng:
“Lỗ tiền liền với lỗ tai… một vần”
Vần đây là vần ép, dĩ nhiên!

Vào cái thời điểm đen tối ngày Thứ Hai 15 tháng Chín 2008, khi bộ ba ông Táo: Bush con, Ben Bernanke (xếp Fed) và Hank Paulson (xếp Ngân Khố) Mỹ lên TV tuyên bố “Nước Mỹ lâm nguy!” thì cả thế giới khám phá ra cái vụ “Khủng hoảng Toàn cầu”. Và bật ngửa. Lăn cù. Khóc thét! Bộ ba không những chỉ kêu gọi công dân Mỹ, mà còn kêu gọi luôn cả thế giới phải trút hồ bao ra mà “Cứu Mỹ cứu nước!”. Bởi lẽ nếu cứ bắt chước xứ Việt Nam Xã Hội oai hùng của ta mà diễn lại cái tuồng cũ rích “Chống Mỹ cứu nước!” của Cha Zà Rân Tộc thì sẽ… bỏ mẹ cả đám! Trước đó Mỹ đã tháo kho và vay thêm nợ thế giới đem về xúi giục dân Mỹ nhắm mắt mượn tiền để mua nhà – cái bizinết subprimes! Bi giờ dân Mỹ không trả nổi, nhà băng Mỹ liên tiếp vỡ nợ, toàn thể thế giới phải bắt đền! Bất luận Nữ Hoàng Già Anh, Con Bò Cười Pháp, bạo chúa Hitler, I Ta Lồ xơi Pizza…, Chệt ăn mì, Chà Và xực cà ri, Á Rập uống dầu cặn… mọi người đều phải bắt đền cho Mỹ tuốt tuột. Tất cả thiên hạ, bất luận màu da, đều phải cởi áo nai lưng và đổ tiền ra như nước để chữa đám cháy khủng khiếp ở Mỹ, bằng không nó sẽ cháy lan ra tùm lum, ráng chịu! Riêng xứ Á Nàm Dành ta nhờ có võ nghèo nên mới thoát hiểm. Chắc không? Chớ còn cái vạ lây lạm phát 30% thì ai chịu? Nếu không phải là Bác Ba, là Chú Hai, là Thiếm Bảy, là Dượng Tám thì ai vô đó mà chịu? Phi Luật Tân chăng? Hay Ma Rốc chăng? Còn khuya! Phải chờ tới “Tết Ma Rốc” may ra mới có cái chuyện “lọa” đó!
Vào thời điểm tháng 10/ 2008, một tháng sau cái ngày Bush con đăng đàng tuyên bố vụ nổ Xẹt Nô Bin ở Mỹ Quốc, bà con ta ít nhiều đều đã hiểu được phần nào duyên cớ và hậu quả của cuộc “Khủng hoảng Toàn cầu”. Bần tăng dù nghèo mạt rệp, nghèo rớt mồng tơi, nghèo sặc máu mũi, nghèo chảy máu cam tỏn tỏn, nhưng cũng lo sợ nhà băng tới tịch thâu cái dùi cui để tụng kinh và và cái áo cà sa mục nát của mình! Khi đó chắc chỉ còn nước “uổng trờ”, rồi hiên ngang trên răng dưới dế mà ra cắm trại mùa đông ở công viên rong rêu sỏi đá gần nhà mình (và biến thành con chim bói cá chỉ ăn toàn là thịt heo). Vì vậy mà bần tăng cũng theo dõi sát sạt diễn tiến của cái vụ khủng hoảng Xẹt Nô Bin đó qua báo chí, truyền thanh, truyền hình. Cần nhấn mạnh: bần tăng cũng đọc và hiểu được tiếng Phú Lang Sa và tiếng Mẽo xanh gum “nhẹo nhẹo, đeo theo, wê ri oeo”.
Bần tăng làm một màn đúc kết các điều nghe thấy lại và viết ra để cho bà con ta, hải ngoại lẫn trong nước, tiện bề theo dõi và tìm hiểu cái vụ khủng hoảng ngàn năm một thuở (… Phi Lạc sang Tàu!). Cũng may. Vì nếu cứ mỗi ngày một trận như vầy thì chỉ còn nước về chầu Diêm Vương gấp gấp… không kịp nhắm mắt tắt hơi. Và trên hết, cũng cần ghi chép lại kinh tế sử thế giới để dành cho con cháu sau này tham khảo. Vì sau cái vụ nổ Xẹt Nô Bin Mỹ này, chỉ cần vài tháng hay một năm sau thì mọi người sẽ quên tuốt tuột các sự kiện và dữ kiện chính xác. Lúc đó mọi người chỉ còn nước chịu trận hậu quả của cuộc khủng hoảng dài dài như bị… sida. Hoặc bị ếch nhái, bị aids, bị đais (die), hay bị đáis… ra cây hoặc đái ra củi bửa gì đó.
* PÁM PÁM PÁM PAM!
Khai mạc “Đại Hòa Tấu” Beethoven! Hoặc là “Tình khúc không tên”… mà còn độc hơn là thuốc chuột của Lục Chỉ Cầm Ma (té ra Cầm Đồ!).
Nền tài chánh nổi điên! Hoặc đúng hơn là cái nền tài chánh “khai phóng” (libéralisée), vốn vững tin rằng các ngân hàng và những nhà đầu tư đều là những người rất “biết điều”, hiểu rõ lẽ phải trái, không cần phải đặt luật để khép họ và nhứt là cách hành xử của họ vào khuôn khổ. Nhưng trên thực tế thì sao? Các yếu tố bắt nguồn của cuộc khủng hoảng subprimes, và sự sụp đổ liên tiếp của các định chế tài chánh uy tín nhứt, tất cả đều đã cho thấy rằng một nền kinh tế không thể nào lành mạnh được khi thị trường tài chánh phát triển hỗn loạn, không một ai kiểm soát. Làm ăn theo kiểu này chắc chắn sẽ đưa tới chuyện “trật đường rầy” và lật xe. Hậu quả tiếp đó là sự tăng trưởng kinh tế và tình trạng nhân dụng sẽ phải trả một giá vô cùng đắt đỏ. Thử phân tích cái cuộc khủng hoảng bất tận này và ước đoán các hệ quả có thể xảy ra của nó xem sao.
* NGUỒN CỘI CỦA TRẬN KINH HOÀNG
Từ hơn một năm nay, khắp nơi, từ Mỹ sang Anh, Pháp cho đến Đức, Nhựt…, các ngân hàng thế giới đều bị chấn động bởi một cơn khủng hoảng không dứt. Đó là sự dội ngược rất hợp lý, bởi lẽ chính các ngân hàng này là một trong số những định chế chịu trách nhiệm chính yếu. Nhắc lại bối cảnh: sự tăng vọt thặng dư thương mại của Trung Quốc và của các quốc gia dầu hỏa đã tung vào nền kinh tế thế giới những khối lượng tiền đồ sộ đang tìm cách đầu tư hoặc làm ăn bất cứ nơi nào. Chính vào thời điểm đó, xảy ra vụ nổ của “quả bóng internet”. Sau vụ nổ này, xếp cũ của Fed là Alan Greenspan đã chủ xướng một chính sách tiền tệ rất thuận lợi cho sự tăng trưởng, bằng cách giảm lãi suất xuống rất thấp. Tiền tràn ngập và cho vay lời nhẹ. Chỉ chờ có thế: tất cả các nhà đầu tư đều nắm lấy cơ hội ngàn năm này để ồ ạt vay tiền của Fed và sau đó đem tung vào canh bạc tài chánh thế giới. Chỉ cần lựa chọn sòng bạc. Và sòng bạc đó là “bất động sản”!
Theo nhà kinh tế Mỹ R.T. Shiller thì trị giá thực sự (ngoài lạm phát) của nhà cửa ở Mỹ đã gia tăng 85% trong khoảng thời gian từ năm 1997 cho tới mức cao nhứt của nó vào năm 2006. Một nhịp tăng trưởng chưa từng thấy trong lịch sử. Các tay môi giới bất động sản đãù săn lùng khách hàng khắp nơi, lùa họ tới ngân hàng và xúi giục họ vay tiền mua nhà. Ngân hàng cho cả những người có lợi tức thấp và không có một chút tài sản nào hết vay nợ. Ngân hàng ngon ngọt dụ dỗ cho họ vay tiền với lãi suất thấp, hoàn trả nhẹ (lúc đầu, để rồi tăng vọt thời gian ngắn sau đó), và cho họ thế chấp trên ước tính là giá cả nhà cửa của họ sẽ tăng lên hoài hoài… đến tít trời xanh!
* LÒNG THAM, LÒNG THAM VÀ… LÒNG THAM!
Thử đặt câu hỏi: Tại sao một vụ làm ăn bị sập tiệm, vốn chỉ là một cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ lại có thể biến thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng thế giới? Câu trả lời chỉ thu gọn vào một chữ: THAM!
Lòng tham của các ngân hàng thương mại:
Biết chắc rằng các món nợ địa ốc này rất là phiêu lưu (nhiều rủi ro) nên các ngân hàng sở hữu đã dùng thủ đoạn “chứng khoán hóa” (titrisation): Nghĩa là biến bất cứ tích sản nào, chẳng hạn như tín dụng địa ốc, thành chứng khoán tài chánh (vốn là thuốc độc), xong đem bán nó cho những ngân hàng khác, sau khi lượm hoa hồng bỏ túi. Hơn nữa, vì biết rằng luật lệ quốc tế nhằm phòng vệ rủi ro sẽ bắt buộc họ phải dự trữ một khối tư bản tương đương hầu bảo đảm cho các tín dụng nhiều rủi ro như thế đó, và điều này sẽ rất tốn kém. Vì thế, nhờ thủ đoạn “chứng khoán hóa”, họ có thể làm bizinết nhiều hơn thập bội, bằng cách tránh né luật lệ phòng nguy của ngân hàng.
Lòng tham của các ngân hàng nghiệp vụ (banques d’affaires):
Các ngân hàng Lehman Brother, Merrill Lynch và các UBS Thụy Sĩ đã tung tiền mua các chứng khoán (titres) địa ốc này. Để có thể kiếm lời tối đa, họ nghĩ ra phương cách độc đáo là đưa nó vào những cái SPV (Special Purpose Vehicle), những công ty ad hoc không lương tâm, không luật lệ, sẵn sàng làm đủ mọi trò ma giáo. Các công ty này dụ bán lại cho các nhà đầu tư địa ốc những trái phiếu (obligations) mà sự hoàn trả được bảo đảm bởi các tín dụng địa ốc, có khi là một sự trộn lẫn với các tín dụng chứng khoán khác (tín dụng sinh viên, tín dụng tiêu thụ…). Do đó mà các ngân hàng nghiệp vụ đã tạo ra một hệ thống hết sức “mù mờ” (opaque) nhằm phân phối các rủi ro vào toàn thể nền tài chánh thế giới: nghĩa là phân phối “thuốc độc” đến cho tất cả mọi người! Ai mua và ai giữ những rủi ro nào, vào giai đoạn cuối? Hơn một năm sau, cũng chẳng một ai hiểu được một chút gì hết ráo!
Lòng tham của các công ty bảo hiểm:
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy các sản phẩm tài chánh mình mua, mà trị giá của nó dựa trên các tín dụng địa ốc rất là phiêu lưu, không được “minh bạch” (nets) gì cho lắm. Bèn mua bảo hiểm để phòng hờ con nợ không hoàn trả nổi. Trong số các nhà đầu tư này, có cả những ngân hàng Âu Châu. Đám này ước mơ phát triển lối làm ăn theo kiểu cờ bạc đó của các ngân hàng Mỹ, bèn mua các sản phẩm tài chánh phiêu lưu, đồng thời đóng bảo hiểm. Mắt rực sáng bởi khối lượng tiền đóng bảo hiểm khổng lồ, các công ty bảo hiểm như AIG (xếp hàng nhì thế giới), đứng ra thầu bán các bảo hiểm loạn đả, ai mua cũng bán, mặc dù biết trước rằng nó vô cùng phiêu lưu trong trường hợp thị trường địa ốc trở chứng. Quả thật vậy! Tới lúc đụng trận thiệt tình, các công ty này không đủ sức đền trả tiền cho các nạn nhân. Vì vậy, chính phủ Mỹ đã đứng ra quốc hữu hóa, rồi xẻ thịt và bán ra từng mảnh cho tư nhân. Bên Âu Châu cũng vậy thôi. Xêm xêm!
* MẠI VÔ! MẠI VÔ! RẺ RỒI! RẺ RỒI!
Cuộc khủng hoảng subprimes bùng nổ vào tháng Tám 2007. Khi đó, tất cả các tác nhân tài chánh nói trên mới nhận thức ra rằng họ dính chùm với nhau trong một nùi nhợ rối beng không thể nào tháo gỡ nổi. Họ bắt đầu bấn xúc xích và giựt gân dữ tợn. Các ngân hàng, vì không biết rõ tình trạng của nhau, nên không còn hồ hởi cho nhau vay tiền nữa. Quỹ Fed đứng ra can thiệp bằng cách tung tiền mặt vào đám cháy để trấn an họ. Một số ngân hàng không còn được tin tưởng nữa, chẳng hạn như Bear Stearns, và thời giá chứng khoán của nó liền tuột dốc vèo vèo. Các “quỹ chủ quyền” (fonds souverains, quỹ do quốc gia điều hành như của Trung Quốc, Hồng Kông, Singapour, Á Rập…) bèn nhào vô cứu bồ một vài ngân hàng lâm nguy, cứ tưởng bở là phen này trúng mánh: chen chưn vô được tư bản của các ngân hàng cấp bực thế giới với giá rẻ mạt! Nhưng rồi sau đó, khi va chạm thực tế với cuộc khủng hoảng lê thê và sự tuột dốc dài dài của các ngân hàng mà mình vừa mới chen vô cách đó chưa đầy một năm, họ bèn hoảng hốt rút về thế phòng thủ: “Không có nghề võ, chết mẹ!”. Khi hai định chế then chốt bảo đảm các tín dụng địa ốc của Mỹ, Fannie Mac và Freddie Mac đe dọa sụp đổ, Fed vẫn lại và vẫn luôn luôn can thiệp. Mỗi lần như vậy, với sự hỗ trợ hùng hậu của Bộ Tài Chánh Mỹ, Fed đã thành công trong việc lấy quyết định nhanh chóng nhằm lấy lại niềm tin cho thị trường.
Nhưng rồi việc gì đến, phải đến: tuần lễ 15 tháng Chín năm 2008!
* DIỄN TIẾN CỦA TUẦN LỄ ĐEN TỐI
Thiệt ra thì câu chuyện bắt đầu kể từ ngày Thứ Sáu tuần trước. Niềm tin mà các nhà đầu tư đặt vào khả năng trường tồn của các ngân hàng nghiệp vụ giảm sút. Bởi lẽ các ngân hàng này sa lầy sâu đậm trong cuộc đánh cá trên chứng khoán tài chánh liên quan tới các tín dụng địa ốc phiêu lưu, vì thế các viễn ảnh thu lời xem ra thấp hơn rất nhiều so với phần thua lỗ do chứng khoán sụt giá. Và cũng bởi không còn một ai muốn bỏ tiền thêm, vì vậy tương lai của các ngân hàng này vô cùng đen tối.
Trong hai ngày cuối tuần 13 và 14 tháng Chín, Hank Paulson và Ben Bernanke tiếp đón giới thượng lưu tài chánh của thành phố New York và đi tới quyết định: bán Merrill Lynch cho Bank Of America nhưng bỏ rơi Lehman Brothers. Mở đầu tuần, thị trường chứng khoán rớt xuống vèo vèo, can không nổi. Hãng đã đứng ra bảo hiểm rủi ro vì sự sụt giá của các chứng khoán địa ốc cho tất cả những nhà băng này như AIG, trở thành một cái bia mới. Paulson phản ứng thần tốc (như tay súng đệ nhứt Western, bắn phát thứ hai khi phát thứ nhứt chưa kịp nổ!): quốc hữu hóa AIG! Trong hai ngày Thứ Tư và Thứ Năm, sự kinh hoàng tràn ngập khắp nơi, thời giá chứng khoán của các nhà băng nghiệp vụ sụp đổ. Thị trường cho thấy rằng các xí nghiệp vốn có mặt từ nhiều thế kỷ nay, và khét tiếng là biết cách “làm việc”, giờ đây không còn đáng giá một xu! Hoàn toàn phi lý! Nhưng chính điều này cho thấy rõ rệt là các thị trường đang bị động kinh chí tử.
* SẬP TIỆM DÀI DÀI
Sau Merrill Lynch và Lehman Brothers, hai ngân hàng nghiệp vụ độc lập, nghĩa là không được ngân hàng thương mại yểm trợ, Morgan Stanley và Goldman Sachs bị tấn công và thời giá chứng khoán tuột dốc thê thảm. Mọi người đều tin rằng, sau khi hai ngân hàng nghiệp vụ này bị tiêu tùng, sẽ tới phiên các ngân hàng thương mại trở thành nạn nhân. Và nếu hệ thống ngân hàng Mỹ bùng nổ thì các ngân hàng khác trên khắp thế giới cũng sẽ sập tiệm theo. Một khi các thị trường tài chánh nổi điên và các nhà băng bùng nổ thì tất cả các động cơ tài trợ cho kinh tế sẽ bị liệt máy. Và nếu điều đó thực sự xảy ra thì sự tăng trưởng của toàn thể thế giới sẽ sụp đổ. So với tình trạng vô cùng bi thảm (Đông Dương!) này thì cuộc khủng hoảng năm 1929 và những năm kế tiếp chỉ là chuyện ruồi bu: nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!
Chính quyền Mỹ bắt buộc phải xông ra trận tiền và ba mặt giáp công cùng một lúc. Trước hết, phải ngăn chặn việc tung bán ồ ạt các chứng khoán ngân hàng. Các chính quyền tiền tệ tại Mỹ và Anh, hai trung tâm tài chánh lớn nhứt thế giới, nhận thấy rằng một số tay đầu cơ mua các chứng khoán và đem bán lại trước khi nhận được chúng. Trong khi một số khác không cần phải mua vào mà đã bán ra, với hy vọng thu hồi lại chúng vào phút chót với giá thiệt thấp, khi các chứng khoán này được giao cho người mua! Ngày Thứ Sáu, chính quyền Mỹ và Anh ra lịnh cấm cả hai thể thức mua bán kỳ quặc này. Một sự ngăn cấm chuyển nhượng trở thành sự đóng cửa lại phần nào thị trường chứng khoán.
* ZORRO ĐÃ TỚI!
Trong lúc đó, vì tình trạng kinh hoàng vẫn kéo dài, các ngân hàng không còn muốn cho nhau vay những lượng tiền cần thiết để duy trì hoạt động cho hệ thống tài chánh nữa. Cũng như mọi lần trước, khi cơn khủng hoảng bắt đầu, Fed và các ngân hàng trung ương khác tuyên bố sẽ tung ra thị trường nhiều trăm tỉ đô để giúp đỡ các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tài trợ cho mình. Do đó, hệ thống ngân hàng Mỹ bắt đầu hoạt động bằng tiền của chính phủ – tức là tiền của dân chúng!
Sau hết, đối diện với tầm mức nghiêm trọng của sự kinh hoàng, Paulson đã lấy một quyết định triệt để: một kế hoạch thu mua lại hầu hết các chứng khoán tài chánh liên quan tới các tín dụng địa ốc “hư thúi” (tín dụng thuốc độc! Lấy tiền dân mua đồ thúi! Mua thuốc độc!), tức là chính phủ Mỹ sẽ tung 700 tỉ đô vào sòng bạc. Các tích sản “hư thúi” sẽ được mua với giá hạ, và sau đó đem ra bán lại lần hồi, khi các thị trường chứng khoán đã lắng dịu xuống. Khối tiền kếch xù 700 tỉ đô sẽ được tài trợ bởi những trái phiếu do Ngân Khố Mỹ phát hành và bán phần lớn cho các nước ngoài đang dự trữ tiền đô như Trung Quốc, Á Châu, Trung Đông... Vì vậy sẽ làm tăng thêm một khối lượng nợ công cộng tương đương cho nước Mỹ.
Các thị trường chứng khoán phản ứng tốt đẹp trước các biện pháp đó. Ngay ngày Thứ Sáu, thời giá tại các thị trường nầy tăng lên từ 8% đến 9%. Tối Chúa Nhật 21 tháng Chín, được biết hai xí nghiệp Morgan Stanley và Goldman Sachs từ bỏ thể chế ngân hàng nghiệp vụ của mình để trở thành ngân hàng thương mại thông thường: tức là giảm bớt đi trò chơi “cờ bạc” trên các thị trường và gia tăng hoạt động ngân hàng cổ điển của mình (nhận tiền gởi và cung cấp tín dụng), với những luật lệ ràng buộc khắt khe hơn liên quan tới thể chế mới. Cao điểm nóng của cơn khủng hoảng có vẻ đã qua rồi. Nhưng các thị trường vẫn hãy còn ốm yếu và lên cơn từng chập vào tuần lễ kế tiếp.

* NHƯNG 700 TỈ ĐÔ LÀ BAO NHIÊU?
Thiệt là khó mà tưởng tượng ra trong cái đầu trọc của mình cái khối lượng tiền khổng lồ đó. Bởi lẽ, bần tăng đi tụng mướn cả ngày, một đám ma được 1 đô, một đám giỗ được 1,5 đô, một đám cưới, sáng giá nhứt, được 2 đô. Tính nhẩm ra, tụng 24 giờ trên 24 giờ, tụng hết cả đời mình, rồi đầu thai tụng tiếp, hết kiếp này sang kiếp nọ (mệt không được nghỉ!) cho tới lúc thành chánh quả cũng chẳng thấm tháp gì tới con số 700 tỉ đô. Bần tăng bèn lấy bút mực ra tính rợ, dựa trên những giá trị khác, và đạt được những thành quả mỹ mãn như sau:
Với 700 tỉ đô, ta có thể:
· Đài thọ viện trợ nhân đạo cho tất cả thế giới trong vòng 10 năm, theo nhịp độ hiện nay (năm 2008).
· Bảo hiểm xã hội cho tất cả công dân Mỹ (khoảng 305 triệu) trong vòng 40 năm.
· Đài thọ 2 buổi trị liệu tâm lý mỗi tuần (với giá 100 đô một buổi) cho mỗi công dân Mỹ trong vòng một năm (Bush con và thần dân Mẽo còn chờ gì nữa mà không nổi điên?).
· Hoặc là trang bị một khẩu AK kalacknikov cho tất cả dân số địa cầu (6,5 tỉ), kể cả quý vị con nít để… đập lộn nhau cho u cái “đỉnh cao trí tuệ” (vì đã hết tiền mua đạn để bắn).
· Hoặc là lãng mạn hơn, cho xe limousine giao biếu tận nhà 5 đóa hồng đẹp nhứt thế giới cho tất cả đàn bà (bất luận trẻ già, đẹp xấu, mập ốm, lùn lé, vú lớn vú nhỏ) và tất cả đàn ông (kể cả những người mù, những đứa nghẹt mũi kinh niên, những thằng hăng đi cáp nặng trong đó có Bush con), trên khắp cái hành tinh xanh yêu dấu của chúng ta.
Le lói chưa? Nhưng nói chơi chớ không phải nói giỡn, cái “đỉnh trọc trí tuệ” của bần tăng sức mấy mà “tư zuy Mác Lê” ra được những ước tính ly kỳ như vậy. Đó là những ước lượng do tạp chí Vanity Fair ở bên Mẽo đưa ra. Rất đáng tin cậy… là cái chắc! Bây giờ bà con ta đã hình dung ra được trong cái “đỉnh cao của mình”, khối tiền 700 tỉ đô là cái gì chưa?

* RỒI SAO NỮA BẠN?
Trên đây là diễn tiến sự bùng nổ và khởi đầu của cuộc “Khủng hoảng Toàn cầu”. Nhưng vì lý do gì mà các tay đầu sỏ xí nghiệp tài chánh và các tên “hiệp sĩ chứng khoán” (traders, một loại “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”) chuyên đánh thuê chém mướn đã hành động hết sức phiêu lưu như vậy? Bọn đó đã tung vào sòng bạc tài chánh hàng chục triệu, hàng trăm tỉ đô với tiền của ai? Được thì chia chác ra sao? Những bonus , những primes hàng trăm triệu, hàng chục tỉ đô, ai hưởng? Nếu thua lỗ hay cụt vốn thì ai chịu? Những “chiếc dù mạ vàng, những golden parachutes là gì? Dành cho ai? Bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỉ đô? Ai đứng ra trả? Có đòi lại được không? Cuối cùng, những ai là thủ phạm gây ra cuộc Khủng hoảng Toàn cầu nầy?Bọn ma đầu đó có bị trừng trị không? Hay là sẽ được chánh phủ tặng thêm mỗi tên vài chục tỉ đô? Với tiền của ai? “Tiền của dân chúng, dĩ nhiên”, còn phải hỏi! “700 tỉ đô! Mại vô! Mại vô! Rẻ rồi! Rẻ rồi!”.
Sự Đời những bài kế tiếp sẽ đề cập các câu hỏi vừa nêu trên. “Muốn biết chuyện sau thế nào xin bà con đón xem hồi sau sẽ rõ!

SỰ ĐỜI BÀI 20

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chĩ, chém cha sự đời!


CHUYỆN CỦA JOHN,
MỘT NGƯỜI MỸ BỰC TRUNG

Trong quyển “La Crise Globale” (Khủng Hoảng Tồn Cầu), ký giả J.M. Quatrepoint đã giải thích bằng cách nào nền tư bản tài chánh đã làm sạt nghiệp giai cấp trung lưu của Mỹ để làm giàu cho một thiểu số hạn hẹp. Quyển sách này bắt đầu bằng một chuyện ngụ ngơn thê thảm. Trích đoạn:
“Đây là câu chuyện của John Smith, một cơng dân Mỹ thuộc hàng middle class (cấp trung lưu), một người thuộc đội ngũ blue- collars mà chủ nghĩa fordisme (Ford, vua ơ tơ) đã đào tạo ra hàng chục triệu tại Mỹ. Một người thợ giỏi, nghiêm chỉnh, gia nhập nghiệp đồn, làm việc trong một xí nghiệp chuyên sản xuất bộ phận rời cho kỹ nghệ ơ tơ huy hồng của nước Mỹ. Lương khá (khoảng 30 ngàn đơ một năm), cĩ bảo hiểm xã hội và một quỹ hưu trí đúng mức do xí nghiệp tài trợ để bảo đảm lợi tức hưu trí cho mình. Cũng như mọi cơng dân Mỹ khác, John Smith tậu cho mình một ngơi nhà cĩ đủ tiện nghi gần Cleveland, thuộc tiểu bang Ohio. Vào tuổi 50, anh ta nghĩ rằng phần đời vất vả nhứt của mình đã qua […].
Một ngày đẹp trời năm 1998, thình lình trời sập trên đầu John. Một phần hoạt động của xí nghiệp, sau khi đổi chủ hai lần trong vịng 3 năm, sắp sửa biến mất. Hoặc đúng hơn, kể từ nay cơng việc sản xuất sẽ được thực hiện ở một quốc gia mà lương giờ rẻ hơn mỹ gấp 10 lần, và nhứt là khơng phải đĩng chi phí bảo hiểm xã hội. Một quốc gia mà các nghiệp đồn và chủ nghĩa xã hội đã khơng làm băng hoại tinh thần của giai cấp lao động. Một quốc gia mà tư bản hồn tồn gắn bĩ với chính quyền, bởi lẽ cả hai đều nằm trong tay một đảng phái độc nhứt: Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Các xí nghiệp già nua thuộc nhà máy của John cũng đã vớt vát được những mĩn tiền đền bù nghỉ việc dành cho cơng nhân: vài chục ngàn đơ mỗi người, vừa đủ để cầm cự. Xí nghiệp giải thích, mĩn tiền này sẽ sinh sơi nảy nở: “Xem kià! Chỉ số Dow Jones và Wall Street khơng ngừng tăng vọt. Hãy đầu tư tiền của mình vào các giá trị Internet! Hãy luân chuyển đều đều túi tiền của mình để rút ra thặng giá (plus-values), như vậy sẽ bù đắp được sự giảm sút mãi lực!” John tính sơ sơ: anh ta được đề nghị một chưn đứng bán pizza ở gần nhà. Dĩ nhiên lương chỉ bằng một nửa khi trước, và bảo hiểm xã hội cũng giảm thiểu. Nhưng John đã trả hết tiền mua nhà và các đứa con của mình cũng đều đã lớn hết rồi. Cho dù phải đĩng học phí đại học cho đứa thứ hai, nhưng với các thặng giá chứng khốn, anh ta sẽ khơng thiếu hụt vào những lúc cuối tháng. Ngồi ra, tiết mục “tiêu xài” cũng sẽ giảm bớt đi. Giá cả hàng hĩa tiêu thụ thơng thường đang sụt xuống tại các cửa hàng Wal-Mart và drugstore lân cận. Chính điểm này, John được giải thích là các điều hay ho mà cơng cuộc tồn cầu hĩa và chuyển dời xí nghiệp đã đem tới: giá cả khơng tăng lên nữa, trái lại cịn sụt xuống nhờ mức lương thấp của cơng nhân Ba Tàu. Một điều lợi khác nữa: Lợi nhuận của các cơng ty đa quốc gia đăng ký ở Wall Street mà John cĩ mua cổ phần đã tăng vọt nhờ chuyển dời xí nghiệp.
Giá trị cổ phần bay bổng sinh ra thặng giá tương đương cho John. Kết cuộc, mọi chuyện đều tốt đẹp trong một thế giới tốt đẹp nhứt trên đời. Nhân loại ăn mừng năm 2000, mở cửa cho thế kỷ 21. Mọi người đều hỉ hả: nếu khơng phải là sự chấm dứt của lịch sử đi chăng nữa thì ít ra nĩ cũng là sự lên ngơi của thế giới của những người hạnh phúc […]
Đầu năm 2001, nhiều xí nghiệp của nền “kinh tế mới” bị phá sản, báo hiệu cho một cuộc sập tiệm (krach) tài chánh sắp tới, tiếp theo đĩ lại được khuếch đại thêm bởi sự sụp đổ của hai cái tháp tiêu biểu cho Word Trade Center. Chẳng những các thặng giá bị chấm dứt mà trị giá các cổ phần của John cũng bị sứt mẻ nặng nề. Phải cắt giảm mạnh mẽ các tiết mục tiêu xài, vì tiền lương bán pizza của John dậm chưn tại chỗ dài dài (…) Năm 2003, cuộc khủng hoảng các “giá trị kỹ thuật” cuối cùng đã chấm dứt, và đài CNN loan báo: kinh tế vọt tiến trở lại. Hơn nữa John vừa tiếp đĩn một chuyên viên thuộc ngành mới của ngân hàng mình. Anh khơng hiểu hết những giải thích của vị chuyên viên này, tuy nhiên cũng cịn nhớ được một điều hay: căn nhà của mình trước đây tốn kém tổng cộng là 100.000 đơ, bây giờ trị giá của nĩ tăng lên gần 200.000 đơ! Nhà băng do đĩ đã đề nghị cho John vay 100.000 đơ, đủ để thay chiếc xe cà tàng hiện nay của mình, để làm đẹp ngơi nhà mình ở, để thay đổi các máy mĩc gia dụng trong nhà và để cĩ thêm thẻ tín dụng của một số cửa hàng mới […]
Chắc chắn một điều là trị giá căn nhà của mình sẽ tiếp tục gia tăng, John khỏi phải lo. Thặng giá bất động sản của anh sẽ tài trợ phần nào mức sống của mình. Và như thế đĩ, John rất là hồ hởi!(…) Tuy nhiên, từ hai năm nay, một vài sự kiện khiến cho John âu lo. Dù ít đọc báo nhưng anh cũng thấy rõ ràng là các sự thâm thủng của Mỹ càng ngày càng sâu đậm, trong khi những khối nợ cơng và tư tăng vọt đều đều, và trước tiên là mĩn nợ của chính mình. Các sản phẩm tiêu dùng càng lúc càng ít được sản xuất tại Mỹ […]
Và bây giờ, kể từ cái mùa hè bi thảm năm 2007, John rất là lo lắng: anh ta sợ rằng gia đình mình sẽ bị tống cổ ra đường. Lúc đầu, John khơng để ý tới cái chuyện mà giới truyền thơng quen gọi là khủng hoảng subprimes. Và rồi thình lình, nhà băng thơng báo cho John biết là bắt buộc (very sorry, rất lấy làm tiếc, of course!) phải cúp tín dụng. Anh ta được khuyên là nên bắt đầu hồn trả mĩn nợ 100.000 đơ. Và đây rồi! Bây giờ John mới hiểu ra rằng subprimes chính là… mình! Làm cách nào đây để trả mĩn nợ to lớn 100.000 đơ mà anh đã vay mượn để tiêu xài hằng ngày? Bán căn nhà mình ở? Kể như là khơng thể nào bán được: khơng một ma nào chịu mua, vì tất cả hàng xĩm đều rơi vào cùng một tình trạng như anh. Nỗi ám ảnh ghê sợ nhứt của anh là một buổi sáng đẹp trời nào đĩ, gia đình anh sẽ mất nhà ở, sau khi bị nhà băng tịch thâu. John khơng phải là một kinh tế gia lỗi lạc. Anh hằng luơn luơn tin tưởng vào các đức hạnh của nền tư bản và các nguyên tắc dân chủ. John đã làm việc vất vả cả đời mình. Anh là một cơng dân Mỹ tốt, a good American! Anh yêu nước mình. Bây giờ đây, anh khơng hiểu nổi cái cơng cuộc tồn cầu hĩa mà thiên hạ khơng tiếc lời ca tụng, đối với anh lại hĩa ra là một sự bần cùng hĩa. Trên thực tế, anh khơng cịn sở hữu đơi ba cái tài sản mọn của mình nữa. Anh mắc nợ cho tới suốt đời. Số tiền hưu trí khiêm nhượng của anh sẽ khơng đời nào hồn trả nổi mĩn nợ to tát đĩ. Mọi tín dụng kể từ đây đều vượt khỏi tầm tay của John […]
Khủng hoảng subprimes? Đĩ là lỗi của các nhà băng, và luơn cả của các chĩp bu những ngân hàng trung ương. Cái bong bĩng internet? Đĩ là lỗi của đầu cơ, lỗi của các thị trường chứng khốn. Nhà máy đĩng cửa hoặc dời đi, đĩ là quy luật kinh tế (…) Đối với mỗi hiện tượng, người ta đều tìm ra được một giải thích kỹ thuật, nhứt là chỉ giải thích được một phần nào đĩ thơi. Và gần như là luơn luơn giải thích sau đĩ, a posteriori! Nhưng khơng bao giờ (một cái “khơng bao giờ” vĩ đại!) người ta tìm cách nối liền các vấn đề lại với nhau. Trong một xã hội bị chế ngự bởi “tồn cầu hĩa”, chớ nên bao giờ… tồn cầu hĩa các vấn đề. Vì làm như vậy là mặc nhiên nhìn nhận rằng cuộc khủng hoảng tồn thế giới hiện nay và cơng cuộc bần cùng hĩa đang tiến hành trên các giai cấp trung lưu khơng phải đột nhiên từ trên trời rớt xuống, và cũng khơng phải do bởi ngẫu nhiên mà phát sinh ra. Đĩ là các hậu quả, đĩ là những lầm lạc của một tiến trình bắt đầu từ gần 30 năm nay, kể từ khi nền tư bản anglo-saxon phát xuất từ Anh quốc quyết định trở về nguồn cội của chủ nghĩa tự do kinh doanh (libéralisme). Theo chủ nghĩa này, càng khơng đặt luật kiểm sốt thị trường càng tốt. Càng dẹp bớt luật lệ ràng buộc hiện cĩ càng tốt. Một mục đích duy nhứt, gần như là cứu cánh của libéralisme: kiếm lợi nhanh nhứt và nhiều nhứt. Cho ai? Cho cá nhân? (Hỏi gì lãng nhách!). Vì sao? Vì chỉ cĩ Ta lo cho Ta là kỹ hơn hết. Cứ làm giàu tối đa cho cá nhân đi! Rồi mọi người sẽ được hưởng lây (nhờ ăn mĩt của rơi!). Và nhờ ở “bàn tay vơ hình” mầu nhiệm của Thị Trường sắp xếp. Sau 30 năm tác quái, chủ nghĩa libéralisme đã đưa tới thành tích vẻ vang năm 2008: “Bàn tay vơ hình”? Khơng thấy (tại vì nĩ vơ hình?) Làm giàu? Một thiểu số rất thiểu số: giàu nứt tường đổ vách. Lợi chung: Sạt nghiệp. Khủng hoảng tồn cầu. “Bravo! Xin ngả nĩn chào Người” Chào cái “Đỉnh (cứt) cao trí tuệ” đã ỉa ra một bãi lý thuyết kinh tế thơm lừng.
Hết sức nhanh chĩng, hết sức vũ bão, hết sức đột ngột, cơng cuộc tồn cầu hĩa đã xơ thế giới vào một cơn xốy địa ngục, một cuộc chạy trốn về phía trước của các quốc gia tây phương, đưa tới một nền kinh tế nợ nần vơ cùng nguy hiểm, vơ cùng độc đáo và vơ cùng quái gỡ. Nền kinh tế này đã dìm thế giới vào một cuộc khủng hoảng vơ tiền khống hậu: Khủng Hoảng Tồn Cầu!


Chuyện của John, một câu chuyện buồn. Vừa tầm thường vừa buồn. Tầm thường vì đĩ là chuyện của hàng chục triệu dân Mỹ tầm thường khác cũng bị sạt ngiệp trong cuộc khủng hoảng subprimes. Buồn là tại vì… nĩ buồn thiệt tình! Nĩi tồn cầu vì bởi cái bizinết subprimes sập tiệm ở bên Mẽo mà hết cả thế giới từ Tây trắng, Tây đen cho tới Tây vàng, Tây đỏ hầm bà lằng, tất cả mọi người đều bị khủng hoảng theo. Ngay cả bần tăng nghèo (gần) rớt mồng tơi đây và khơng mắc mớ gì hết mà khơng chừng cũng phải bán chùa để gĩp tiền cứu nguy cho… nhà băng. Trời hỡi! Phật hỡi! Chúa hỡi! Allah hỡi! Từ xưa tới nay nhà băng cúng chùa cho nhà chùa. Mà bây giờ nhà chùa cúng chùa cho nhà băng! Cịn biết thờ Phật ở đâu bây giờ? Hổng lẽ đem hết tượng Thích Ca, tượng Di Lặc, tượng Quán Thế Âm, tượng Đạt Ma Sư Tổ… vơ nhà băng, bỏ nằm lăn lĩc cạnh Ơng Thần Tài le lĩi mà lạy như tế sao. Lạy cho sĩi trán (mà trán ta thì đã sĩi sẵn rồi!). Hay là lạy cho… u đầu? Cho gãy răng? Cho trẹo bảng họng?
Và chuyện của John cũng khơng chấm dứt ở đây. Nĩ cịn kéo dài loằn ngoằn như chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ. Chấm dứt là vì sợ hết mực. Chớ cịn các khĩ khăn của John, của hàng chục triệu dân Mỹ, của tồn thể nước Mỹ, và nĩi rộng ra là của hết cả thế giới, nĩ cịn lê thê… mút mùa lệ thủy. As usual of course! Hàng ngàn tỉ đĩ được tuơn ra khắp nơi trên thế giới là chỉ để chữa cháy tài chánh, là chỉ để cứu cho hệ thống tài chánh Mỹ và thế giới khỏi phải sập tiệm. Nhưng cịn cái đám cháy vĩ đại của nền “kinh tế thực sự”, cĩ làm ăn thực sự, cĩ đổ mồ hơi thực sự, cĩ sản xuất thực sự chỉ mới bộc phát và bảo đảm là sẽ cháy dữ, cháy dai, cháy bền, cháy lâu, cháy dài dài… Cho tới bao giờ, ai biết? Trước mặt: rất nhiều xí nghiệp sẽ đĩng cửa, thất nghiệp tăng vọt, bất ổn xã hội và tội ác tràn lan hết thuốc chữa.
Đây cũng khơng phải là lần đầu tiên mà bần tăng bàn xăm về cái chuyện khủng hoảng. Trong Bài 19 (viết hồi tháng sáu 2008), bần tăng cũng đã mỏi tay khỏ mõ dọng chuơng ầm ĩ để báo động là “nền kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ!”. Cĩ ai nghe lọt lỗ tai chăng? (Nghe rõ trả lời!) Ngay từ hồi đầu năm 2008, qua các Bài 14/17/18 bần tăng cũng cĩ đem cái bizinết subprimes ra mổ xẻ và chỉ cho thấy vì sao mà nĩ sẽ lơi kéo tồn thể thế giới vào trong cái “mê hồn trận” của mình. Bởi lẽ hệ thống ngân hàng Mỹ đã biến chế các tín dụng (của nợ!) subprimes Mỹ thành thuốc độc (sản phẩm tài chánh) và tung bán ra trên khắp các thị trường chứng khốn thế giới, từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ. “Đứa nào nuốt vơ chết liền!”. Quả nhiên! Giống y chang như cái loại thuốc ngủ nhét đít thần diệu: Người nhét chưa kịp rút ngĩn tay ra là đã lăn đùng xuống đất mà ngáy như sấm!
Trong những Bài tới, bần tăng sẽ tĩm lược diễn tiến của cuộc Khủng Hoảng Tồn Cầu, kể từ cái ngày Thứ Hai định mệnh 15 tháng 9, 2008, khi bộ ba ơng Táo: Bush con, Ben Bernanke (xếp Fed) và Paulson (xếp Ngân Khố)Mỹ đứng ra cơng bố và nhìn nhận trước quốc dân cuộc khủng hoảng. Đồng thời kêu gọi mọi cơng dân Mỹ, giàu nghèo bất kể, phải đĩng thêm 2000 đơ thuế mỗi người, tính chung là 700 tỉ đơ, để cứu mạng cho Wall Street và các nhà băng Mỹ, vốn là bọn ăn cướp đã làm cho nước Mỹ sập tiệm, và cả thế giới bị liên lụy! Khơng đĩng thêm thuế thì sẽ chết cả đám (Mà tung ra 700 tỉ đơ chưa chắc đã cứu được cái gì). Trước mặt: đĩng thêm 2000 đơ tiền thuế mỗi đầu người (mỗi nạn nhân trong đĩ cĩ John Smith!). “Khơng đĩng chết liền!” Cả dân Mỹ đã bị bọn đầu sỏ bắt làm con tin để tống tiền. Và Mẽo cịn đe dọa cả thế giới: “Ơng mà chết thì tụi bây cũng sẽ tắt thở luơn đĩ nghe các con! Liệu hồn”. Hệ thống tài chánh Mỹ đã vay nợ thế giới đem về tung ra và xúi giục dân Mỹ vay tiền để tiêu xài. Cĩ 1 đơ vay thêm 3 đơ. “Mại vơ! Mại vơ! Rẻ rồi! Rẻ rồi!” Bây giờ trả nợ khơng nổi bèn kéo tồn thể nhân loại vơ trả tiếp. “Hãy chứng tỏ lịng yêu nước!” Nước gì? Nước Mẽo! Cịn phải hỏi. Kéo hết. Kể cả cái vị bần tăng khả kính này vốn chỉ cĩ vỏn vẹn một cái dùi cui để tụng kinh, và chỉ cĩ độc một chiếc áo cà sa mục nát made in China, từ thuở Tần Thủy Hồng cịn hàn vi ở truồng tắm sơng, mua xeo ở Wal-Mart cả chục năm về trước! Phen này ắt là phải đổ máu… mũi trước cửa chùa. Nĩi nơm na: “sặc máu”!
Đã đành ai ai cũng đã cĩ đầy đủ tin tức về cuộc đại khủng hoảng này qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, anh tẹt nết… Nhưng bần tăng cũng sẽ ghi lại, như đã từng chép kinh và viết thư tình, để mơi mốt giở ra coi. Bởi lẽ chỉ vài tháng sau, một năm sau, khi hỏi lại thì mọi người đã quên hết các biến cố, quên hết các sự kiện cụ thể của vụ khủng hoảng. Chỉ cịn nhớ mang máng. Như một tình khúc khơng tên (và cũng khơng tuổi). Quên hết. “Bỏ hết! Làm lại từ đầu!” Cuộc đại khủng hoảng này khơng phải là cuộc khủng hoảng đầu tiên. Và cũng khơng phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng. “Phàm đã là con người thì vốn nĩ… như vậy!” Biết sao bây giờ?
Nhưng truyền thơng chỉ nĩi tới Wall Street tuột dốc thê thảm, chỉ nĩi tới các nhà băng lớn sập tiệm rầm trời, chỉ nhắc tới tên của những tay đầu sỏ đã từng lãnh bonus hàng chục triệu, hàng trăm tỉ thưởng cho cái cơng cướp của (thiên hạ) và cướp nhà (nhà băng!). Chỉ đưa ra những con số hàng chục triệu đơ, hàng trăm tỉ đơ. Khơng mấy ai nhắc tới những con số lẻ tẻ 10.000 đơ, 50.000 đơ, 100.000 đơ (bỏ đi Tám!) như trong chuyện buồn của John và của hàng trăm triệu người Mỹ lương thiện khác. Nĩ nhàm chán quá chăng? Hơi sức đâu mà… Đâu cĩ hưỡn để… Đợi khi khác đã… “Đi chỗ khác chơi!” “Hãy xê ra cho người ta cứu Wall Street!” “Hãy xê ra cho người ta đốt nhà… băng!” “Hãy xê ra cho người ta uýnh Irắc!” “Hãy xê ra…” vân vân, vân vân…
Nhưng bàn là bàn chơi vậy thơi. Liệu đã làm được một cái gì cụ thể? Sức mấy? Cùng lắm là hộc máu cĩ chậu như Châu Du rồi té nhào xuống ngựa cho lịi bảng họng. Chẳng lẽ cứ vị đầu bứt tĩc trên cái đầu trọc? Cũng phải chờ cho nĩ lú ra cái đã! Chớ cĩ vội nĩng! “Ta thà sống thanh bần chớ khơng thèm chết mạt rệp!” “Ta thà sống ở trần chớ khơng thèm chết ở truồng!”. Hiên ngang Người Ruồi! Tuy nhiên, khi nghĩ kỹ lại thì cũng chẳng cĩ một ai thực sự là vơ tội. Vơ tình hay cố ý, mọi người đều đồng lõa. Cĩ ai dám vỗ ngực (hiên ngang khơng sợ chết) thề bán mạng là “Ta khơng cĩ một chút lịng tham”? Vơ tình hay cố ý, mọi người đã tiếp tay quay mịng mịng cái guồng máy “tồn cầu hĩa”, tiếp tay lăn ì ạch cái bánh xe “tư bản tài chánh”. Để rồi bây giờ nĩ cán mình ra dẹp lép! Rồi hả miệng ra mà kêu trời như bộng!
Guồng máy nhân loại vốn được vận hành bằng loại nhiên liệu gây ơ nhiễm bực nhứt: “Lịng Tham”. Trên mặt đất này, cĩ một loại vũ khí tiêu diệt tập thể tàn độc nhứt: “Đỉnh Cứt Cao Trí Tuệ”!
Bà con nào đồng ý, xin đưa tay lên! Bà con nào khơng đồng ý, cũng xin đừng... rút tay xuống! Bần tăng xin đa tạ hết mọi người.

Lục Bát Điên

Mở lời :
Lục Bát Điên là một nỗ lực nhằm đưa lục bát trở về với đời thường, nơi nó xuất phát. Đồng thời, cũng là một nỗ lực khai phóng. Lâu nay, ngoài Bùi Giáng và một ít bài lục bát hiếm hoi của những người làm thơ khác, lục bát đang rơi vào ngõ cụt, dẫm chưn tại chỗ với những đề tài cũ, những rung động cũ, những hình ảnh cũ, những ngôn từ cũ. Thơ đọc nghe được được, mà không có hồn. Đọc xong đó, quên liền đó. Nói tóm, nước đọng ao tù.
Lục Bát Điên, viết về bất cứ đề tài nào, viết tùy hứng và buông thả cho vần điệu lôi cuốn. Nhưng trước hết và trên hết, Lục Bát Điên nhằm thỏa mãn một sự thèm muốn: thèm làm thơ. Bất cưỡng như thèm đàn bà.
Thì cứ viết chơi cho đã thèm. Hạ hồi phân giải. Nói như Bùi Giáng: “Cho vui vậy mà!”
Trăm năm trong cõi người ta
Thịt cầy rượu đế khéo là khoái nhau

tháng mười, 2008
kiệt tấn

* Khúc 1
bỗng dưng biển động non đoài
khiến dòng lục bát chảy hoài không ngưng
bỗng dưng chớp động lưng chừng
khiến dòng lục bát trong rừng cháy ra
bỗng dưng là bỗng dưng là
điên khùng lục bát ta bà đảo điên
bỗng dưng lục bát triền miên
ầm ầm lục bát khắp miền núi sông
triền miên lục bát tuôn dòng
mưa xuống sa mạc ngàn bông dị kỳ

* Khúc 7
bây giờ tỏ rạng nguồn cơn
cồn xanh lý bạch ngồi đờn dưới trăng
quí phi lụa múa cung hằng
để rơi chéo áo xích thằng đường vương
nửa đi nửa ở trăm đường
dùng dằng núi biếc ngập ngừng mây xanh
con chim nó đậu trên cành
hót lên một tiếng ngọn ngành chẻ hai
phi phi thiết chu chu hoài
bì khu phi thiết phượng đài nhiên nhiên
lục bát điên lục bát điên
điên khùng lục bát khùng điên điên khùng

* Khúc 16
phượng xưa có một con ve
cất cao tiếng hát re re học trò
văn vỹ kéo cái đờn cò
ú liêu xang xự cống hò ú liêu
“chiều chiều chim vịt kêu chiều
bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau”
bây giờ cho đến ngàn sau
tiếng ve xang xự âm hao quang thiều
mưa sa tỉnh nhỏ tịch liêu
gót son còn có mỹ miều tắm mưa
từng giọt từng giọt lưa thưa
“anh đi nằm bãi sao chưa thấy về”
cây dừa lả ngọn ủ ê
“cầm dao lá liễu dựa kề tóc mai”

* Khúc 25
em đem áo mỏng thêu thùa
hồng lên mắt ngọc bốn mùa ngát hương
lắt lay chiều đóa thiên hường
guốc khua lốc cốc rộn đường em đi
hây hây lụa má xuân thì
khiến con bướm trắng bỏ đi không đành
tóc hiền ngát nụ hoa chanh
tờ thơ một lá góc thành đợi em
gió đưa loáng thoáng sau rèm
đông tàn nụ hạ bên thềm giọt thu
tay mềm lả ngọn u du
vạt tà áo mỏng điệu ru xuân thì
tỳ bà nguyệt lạnh trúc ti
sen hồ thủy tạ tu di non vàng
man man chiều lên man man
man man hiu quạnh man man giấc nồng

* Khúc 30
bước ai nhè nhẹ bên thềm
tưởng tây thi đứng sau rèm bước ra
hay là phách lạc hồn ma
liêu trai dẫn bước thanh xà về chơi
dế mèn lặng tiếng im hơi
sao mai khuất nẻo đổi dời sao hôm
phất phơ mờ lũ cô hồn
trường thành vạn lý lũy đồn tần vương
thân em làm đĩ đoạn trường
khiến cho tóc rối phai hường gót son
canh khuya bấc lụn hao mòn
cảo thơm lần giởû đã tròn mấy thu
giơ tay cao hốt sương mù
sương mù lọt kẽ bay vù tuổi xuân
sóng xô bầm vập trầm luân
lạc bầy chim nhạn chín tầng mây trôi

* Khúc 33
gập ghềnh lũ thác tuôn mau
khiến cho sắc bất ba đào nịch nhân
bốn bề rừng núi phân vân
nửa đi nửa ở trăm phần ngẩn ngơ
phương xa biết có ai chờ
bây giờ cho tới bao giờ gặp nhau
triều dương mở cửa âm vào
dậm trường xuyên tuyết bạc màu mây xanh
con chim kêu buốt ngọn ngành
nai rừng sực tỉnh trên thành cờ bay
trống khua dồn dập đêm ngày
chư hầu náo động ải ngoài họp quân
cát bay đá chạy tưng bừng
ngựa leo sườn núi ngập ngừng vó câu
quan công trảm thủ bay đầu
triệu vân múa kích đâm nhầu đương dương
tam anh lữ bố đường đường
châu du hộc máu thọ thương mạng cùng

* Khúc 40
sông mờ lấm tấm râm mưa
lục bình lững thững đợi trưa nước ròng
thòi lòi hấp háy ven sông
sáng ngời vảy bạc lòng tong lượn lờ
võng đưa kẽo kẹt ầu ơ
nghe trong hơi thở hững hờ thời gian
thoảng bay vù giấc mộng tàn
ái ân để lại hai hàng lụa thơm
bờ xa đom đóm chập chờn
áo xanh giờ đã rách sờn hai vai
hạc vàng vút cánh thiên nhai
rớt thơm một đóa bông lài sương đêm
chiều êm êm tối êm êm
êm ru một cánh dơi mềm khỏa sương

* Khúc 47
nửa khuya trời đất lặng im
một vì sao rụng khuất chìm núi xa
thênh thang mờ giải ngân hà
ngân hà thấy đó biết là nằm đâu
triệu năm ánh sáng đi lâu
bây giờ sáng tới dãi dầu ảnh xưa
bến mê bát nhã đò đưa
kim cang triệt phá đại thừa vô ngôn
ba la yết đế thế tôn
trì tâm đợi lũ cô hồn mỏi mê
bờ kia biết có ai về
hỏi thăm cho biết đất tề có vui
càn khôn man mác đầy vơi
diệt sinh sinh diệt đổi dời dịch kinh
sắc không bất diệt bất sinh
giả danh không tướng không hình tánh không

* Khúc 52
nhớ ông bùi giáng lâm bồn
đẻ ra bao lá hoa cồn tốt tươi
ông cười cái nụ đười ươi
chuồn chuồn châu chấu cái đời lăng xăng
mê kim cương thẩm thúy hằng
miên trường thái thậm ai bằng được ông
khoái ma ri lỉn ngoáy mông
brigitte vú lớn cái vòng eo thon
đạm thanh diệp thúy sài gòn
ngàn thu rớt hột có còn hiển linh
“dấu bèo thông vận nín thinh
sóng phơi trường mộng bình minh vô thường”

* Khúc 56
chiều sương chênh chếch lưng đồi
nhớ em viễn xứ một thời dấu yêu
mắt xanh vàng tóc yêu kiều
da thơm má mịn mỹ miều ngực non
mềm môi từng nụ hôn ngon
lả lơi thân lẳng cuộn tròn vòng ôm
vai nghiêng bụng phẳng lừng thơm
ngoài kia bão tuyết từng cơn dập dồn
lênh đênh lụa bãi nhung cồn
ngất ngư núi lạ lạc hồn động hoang
“hôn em hôn mái tóc vàng
miệng thơm chợt nhớ đêm tàn ngày xưa”

* Khúc 60
café crème ghế hàng hàng
michel ngỡ dáng tóc vàng mắt nâu
gót cao lốc cốc về đâu
người em xóm học dãi dầu tìm anh
mỏi chân ngồi khóc âm thầm
sông seine nước chảy dưới gầm cầu nghiêng
mùa hè nắng nóng liên miên
một mùa yêu vội một miền đam mê
bãi thiên thần nước xanh ghê
cuối hè cánh rụng chết đê mê ruồi
ừ vui thì cũng là vui
chớ đem nước mắt ngậm ngùi tiễn nhau

* Khúc 63
lô nhô đất đỏ bụi đường
ghé qua quán nhỏ cô nường hỏi han
dựng chiếc xe đạp cà tàng
mái tranh quán chật ghế bàn vẹo xiêu
một dòng nước nhỏ cô liêu
quanh co dợn uốn ít nhiều tương tư
bướm xanh nghiêng đảo chần chừ
cô em đưa mắt chừng như gọi mời
đậu xuống đây bướm xanh ơi
đậu rồi ta sẽ có lời nhắn nhe
nhắn chàng ca sĩ ve ve
cô nường thao thức đợi nghe tiếng tình
ve ơi sao cứ im thinh
đã bao mùa hạ một mình quán xiêu
mái tranh chừng nhớ thương nhiều
sàn tre ọp ẹp quạnh hiu cô nường

* Khúc 64
một hình hài những da xương
bụi sao thân thể tóc vương mây hồng
xôn xao huyết quản cửu long
gân xanh danube một dòng luân lưu
sahara mắt biệt mù
hằng hà tải cát hoang vu lưng trần
cột đền ai cập hai chân
mây trung hải cũng tỏa gần mày xanh
vai nhấp nhô vạn lý thành
hồng hà đã đỏ ngọn ngành tóc may
dương tử giang ruột nối dài
lạp sơn hy mã non đoài sống lưng
bụng sôi núi lửa tưng bừng
hành sơn năm ngón vói lừng trời cao
rốn trung tâm nở bừng sao
đầu quan ải cuối cà mau chân trần


* Khúc 73
cồn xanh đất lở sông bù
tuôn ra biển rộng mịt mù nước mây
cá voi cực bắc họp bầy
lũ chim cánh cụt sum vầy tảng băng
trợt trên dốc đứng nhào lăn
một bầy hải cẩu lăng xăng rượt mồi
hải âu lượn mãi không thôi
cá nược lúc lặn lúc trồi giỡn chơi
gấu ta cũng thấy yêu đời
nằm lăn hoa dại gọi mời mây cao
cá hồi vượt thác ào ào
qui hồi cố quận xôn xao họp tình
từ sẩm tối tới bình minh
vui thay cái lũ chúng sinh luân hồi
từng đôi sáp lại từng đôi
trùng trùng duyên khởi sóng nhồi hằng sa

* Khúc 78
tiêu dao tháng lụn ngày dư
trúc vàng trước ngõ như như tịch hằng
buồn trông con nhện tơ giăng
mây bay gió cuốn mưa hằng hằng sa
em từ ngõ trúc về qua
gói trong tay nắng nụ hoa xuân thì
dịu dàng sen ngọc bước đi
nghe trong hương tóc chút gì tương tư
vạt bay áo mỏng chần chừ
trong tim bịn rịn đỏ lừ tình anh
thì thôi thì cũng thôi đành
tương tư thì cũng ngọn ngành riêng ta

* Khúc 82
về đây chiều lắng buông rơi
về đây ngơ ngác chim trời khuất mây
về đây đâu phút sum vầy
về đây sông nhỏ ngất ngây lặng lờ
về đây bụi loãng bơ vơ
về đường đất bây giờ đá xanh
về đây chân bước không đành
về đây hiền hậu một vành trăng xưa
về đây kẽo kẹt tre đưa
về đây rào khép ngọn dừa quạnh hiu
về đây dạ lý tiêu điều
về đây đâu nữa yêu kiều áo bay
về đây ta lại về đây
về đây mây trắng trôi hoài ngàn năm
về đây hoàng hạc mất tăm
về đây lặng đứng âm thầm chốn xưa

* Khúc 85
đốt thây đổ xuống sông hằng
níu con sông lại hỏi rằng về đâu
về đâu tro xám một mầu
vô thường thân xác ví dầu khói bay
chìm sông rộng bổng chân mây
cũng là tứ đại một ngày hợïp duyên
trôi sông chẳng hết não phiền
lên mây cũng vẫn đảo điên luân hồi
niết bàn liệu có thảnh thơi
phủi tay thiền định ngồi xơi nước trà
yết yết yết đế ba la
sang bờ bên ấy gọi là tới chưa
bát nhã ngóng đợi đò đưa
bờ này bờ nọ trời mưa xóa nhòa
như lai thiền trụ một tòa
ngó hào quang tỏa chóa lòa thấy chi
chấp tay mà niệm mâu ni
cái thân giả tướng có gì được chăng

* Khúc 87
dặm xa gậy trúc độc hành
từng cao dõi bóng theo vành trăng lu
bốn bên rừng núi mịt mù
lướt con chim cú lượn vù bóng sương
một chùm hoa lạ tỏa hương
sao hôm lấp lánh chỉ đường ta đi
chim trời một cánh thiên di
ruổi rong trường hải sá gì dặm xa
thì đi thì cũng gọi là
đi thì đi đó biết là về đâu
ngại ngùng chi chuyện vó câu
đi đâu thì cũng một mầu cõi ta
cái tìm đâu ở cõi xa
cái tìm là chính đường ta mút ngàn

* Khúc 103
củi khô ta chụm hỏa lò
cất men rượu đế một vò ngát thơm
ngã lưng phè cái đụn rơm
hơi men xuống cổ đã cơn rượu thèm
lận lưng ồ sót chiếc nem
nhớ ra mình đã gặp em chợ chiều
lá chùm ruột nem lái thiêu
tặng ta ta tưởng em yêu thằng khùng
làm thơ lục bát ngũ cung
đáp tình em đã thủy chung bất ngờ
ngó sen dài mút cọng tơ
giăng lên lục bát thành thơ ái tình
uống say ta uống một mình
trong tim chợt nở thình lình đóa sen
ngày mai ghé chợ biếu em
thương ta em hãy sen đem cúng chùa

* Khúc 107
nhấp nhô kìa nước sông đầy
chín con rồng lớn họp bầy cuối nam
thái bình dương chín cửa hàm
tuôn dòng nước lũ bãi vàm hợp hôn
phù sa đắp bãi xây cồn
một vùng châu thổ thịnh phồn phì nhiêu
tiều châu cá chốt bạc liêu
cà mau tràm mắm bấy nhiêu là rừng
đỉa dơi cọp sấu tràn bưng
chắc băng trèm trẹm nước dừng lắng nghe
ào ào rượt đuổi le le
năm căn hà bá xuôi bè đầm dơi
vĩnh châu biển nhãn ngút trời
đêm khuya mất ngủ ngợp hơi nhãn lừng
chín con rồng nước ăn mừng
cửu long châu thổ xanh bừng mạ lên

Monday, September 29, 2008

Lệ Dung Sang Tề

Hôm nay là Xuân mai còn Xuân
Pháo đỏ đầy thêm nhớ cố nhân
Cung nữ môi tô rầng rật điệu
Ai về Chiêm quốc hộ Huyền Trân

Nguyễn Bính
Lệ Dung em ơi! sao em nỡ đan tâm lòng quyết (yết) sang (ờ ờ) Tề...”
Tiếng ca rướn cao lên ở chữ quyết rồi dợn uốn ngân nga sang chữ Tề để xuống câu vọng cổ lâm ly mùi mẫn..
“...Em ra đi cho lỗi hẹn câu thề. Như ta đây đã từng là một dũng tướng dọc ngang ngang dọc mà giờ phút này con tim sắt đá thiên vạn đường dài cũng nhất phiến u hoài chỉ vị khanh (ơ ơ...).” Tiếng ca bứt rứt não nề buông lên lời trách móc, tự trách mình và trách người đẹp đã nhẫn tâm rứt tà áo lụa mà lên đường trắc trở xa xăm về xứ khác. “...Em ra đi đoạn đành giẫm nát tình anh, không một lời hỏi han giã từ dục bước lên kiệu hoa đem tấm thân ngọc ngà sang Tề quốc (ờ ơ ơ...).”
Giọng ca của anh Hai Te , người thợ mộc trẻ tuổi tài hoa của ba tôi, bữa nay nghe sao mà thống thiết não nuột hơn bao giờ hết. Trời vừa sụp tối. Tối nay, cũng như mọi tối, sau khi cơm nước xong, anh Hai Te ôm cây đờn lục huyền cầm ra ngồi ở đống cây trước trại mộc vừa khảy nhấn ngọt ngào vừa mùi mẫn hát theo vài khúc ca giải muộn. Bên lối xóm chắc cũng đã có cô gái lãng mạn nào đó si tình anh rồi không chừng. Mọi tối khi nghe anh hát bài Lệ Dung sang Tề tôi thưởng thức điệu nghệ tài hoa của anh và cảm thấy dễ chịu. Nhưng tối nay, cũng vẫn những câu hát đó mà lời ca bất chợt chuyên chở được mối tơ lòng ngổn ngang của mình, tôi cảm thấy ôi sao nó thoát trở nên vô cùng ngậm ngùi thấm thái! Trời hâm hấp nóng mà người tôi thấm lạnh nổi gai ốc ran ran. Tôi ngồi ở bực cửa sổ trên gác thả hồn mình dật dờ chóng mặt theo điệu ca nhấp nhô trầm bổng....
“Lệ Dung em ơi! sao em nỡ đan tâm lòng quyết sang Tề?” Nhưng Lệ Dung nào đâu đã sang Tề. Vậy mà đối với dũng tướng.... học trò lớp đệ ngũ như tôi, dù nàng hãy còn sờ sờ đó mà tưởng chừng như đã muôn trùng cách biệt, đôi tay vụng về của tôi sẽ không bao giờ vói tới. Tôi si tình. Tôi lại si tình. Tháng rồi. Năm ngoái. Lần nọ. Lần khác. Rồi lần nữa. Thêm một lần nữa tôi lại si tình! Bắt đầu từ lúc nào tôi biết si tình? Từ hồi mới vô đệ thất? Kim Sơn, Bê. Hay hồi bước lên đệ lục? Cúc, Thủy. Hoặc còn sớm hơn như vậy nữa, hồi còn là nhóc con ngồi ở lớp ba lớp tư hay lớp bét trường làng? Nữ, Nguyệt. Hay ngay từ lúc tôi chưa cắp sách tới trường? Lạc, Quý. Chính tôi cũng chưa chắc đã rõ được. Nhưng chắc một điều là những lúc gần đây tôi càng ngày càng tiến bộ. , càng ngày càng hăng hái si tình hơn trước. Lan, Hươnng, Lài, Ánh, Nho, Hiền, những đó hoa xinh xắn vừa hé nụ của trường Cao Tiểu Vĩnnh Long (sau này đổi tên Nguyễn Thông rồi Tống Phước Hiệp), những nàng kiều nữ con ông Bảy Hoàng, những cô gái mỹ miều của bà Vĩnh Phúc. Và còn biết bao nhiêu bông hồng khác nữa tôi đã từng theo đuổi... xa xa phía sau mà không hề biết tên biết tuổi. Tuy nhiên, cũng không phải nhờ vậy mà tôi khổ sở ít hơn. Khổ sở điêu đứng ngất ngư vì con tim quá sức nhạy cảm của mình. Nghĩ cho cùng, có lẽ tôi si tình kinh niên và người đẹp chỉ là một cái cớ. Vừa chợt ngó thấy kiều nữ nào xinh xinh mũm mĩm là con tim tôi đã cỡn lên đập loạn xạ, dù nàng có nhỏ tuổi, bằng tuổi hay lớn tuổi hơn tôi cũng không thành vấn đề. Đập loạn xạ để rồi đêm tối nằm một mình ôm con tim nhảy cỡn của mình mà hồi hộp nhớ thương mất ngủ. Những lúc đó nếu có bóng hồng nào chợt đoái tưởng tới tấm chân tình thiệt thà của tôi bèn nảy ra sáng kiến lấy mực tím đề cho tôi một bức thơ tình ngạt ngào trên giấy lụa chắc là tôi sẽ đứng tim mà ngã lăn ra chết tốt. Chết vì quá đỗi bồi hồi sung sướng. Đôi khi tôi oán trách trời già cay nghiệt mắc mớ gì khi không lại sinh ra một thằng con trai với trái tim rướm máu lạng quạng mút mùa như tôi làm chi vậy. Si tình lên. Si tình xuống. Lắc lư qua. Lắc lư lại. Ngất ngư.
Để rồi giờ đây, thêm một lần nữa, tôi lại si tình Lệ Dung. Anh với em má tựa vai kề, nay dù em có lạc Sở sang Tề, thì em cũng gởi thơ về cho anh hay. Mà nào tôi đâu đã được má tựa vai kề. Chỉ dám đứng xa xa mà ngó Lệ Dung và hồi hộp. Rồi tới lúc xáp lại gần mà chiêm ngưỡng, mái tóc xõa dài nhu mì thắt kẹp đồi mồi ngang lưng của nàng thầm kín tỏa ra hương thơm quấn quít của loại nước hoa kỳ bí, tôi càng thêm bấn loạn bủn rủn. Tôi lo sợ trong một phút hoang mang nào đó, cầm lòng không đặng, tôi sẽ buông ra một câu nói... lãng-nhách—để rồi tối đến nằm lẻ loi lăn trở, nhớ lại câu nói bốc đồng của mình mà ân hận thức trắng giờ con mắt. Còn Lệ Dung thì giận lẫy bỏ sang Tề.
Nhưng may mắn thay Lệ Dung chưa nỡ đan tâm bỏ sang Tề. Lệ Dung vẫn hãy còn đó. Không phải vì Lệ Dung quyến luyến dũng tướng học trò Lê Kiệt. Nàng đang dạo chơi và hứng mát ngoài cầu tàu Long Hồ ngó mặt qua cù lao AN Thành xanh dờn cây lá nhô lên giữa dòng Cổ Chiên cuồn cuộn nước xuống ngừ đục phù sa khi chiều tới. Chút nữa nàng sẽ trở về đây. Nàng sẽ trở về căn nhà trống trải nương tựa vách lá và vách ván của nhà hàng xóm hai bên mà vươn lên. Nàng sẽ bỏ guốc mộc và nhón gót chân son nhẹ nhàng bước trên những bực thang gỗ rón rén leo lên căn gác nhỏ này đây rồi bất chợt xuất hiện trong vòm hương tỏa thơm quấn quít. Và bắt gặp quả tang tôi đang ngồi ở bực cửa sổ mà mong ngóng nàng. Cũng như hôm qua, cũng như hôm kia. Không! Không được. Không lẽ tôi cứ ngồi im ở bực cửa sổ này đây chịu trận cho anh Hai Te hát những câu vọng cổ bứt rứt và yên lặng mong chờ nàng trở về mà trong bụng mình cứ sốt ruột cầm canh?
Tôi vội vàng bỏ chạy xuống gác nắm lấy cổ chiếc xe đạp cà tàng dắt ra ngoài đường lộ đá xanh loang lở. Tôi thót lên yên đạp đánh một vòng lớn ra phía cầu tàu với hy vọng... đừng gặp Lệ Dung. Vái trời cho tôi đừng bắt gặp nàng đang âu yếm cặp kè người yêu và ngoẻo mái tóc nhu mì lên vai của chàng mà du dương dạo mát. Chỉ tưởng tượng trong trí mình hình ảnh đó thôi, tôi đã bắt đầu lên cơn sốt. Đem bao hy vọng lúc ra đi, chuốc lấy buồn thương lúc trở về. Lòng mỗi lần đi lần bão táp, mỗi lần là một cuộc phân ly!
Vái trời....
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em em ở lại nhà...
Lần này, từ trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho trở về Vĩnh Long tị nạn, Lộc anh tôi mang về một món quà quý báu bất ngờ: “Lỡ Bước Sang Ngang”, tập thơ ngậm ngùi của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ chép tay trên tập vở học trò dầy hai trăm trang có gạch hàng vuông và kẻ lể đỏ. Trang đầu có vẽ bằng mực tàu đen mun một gương mặt đàn ông rầu rầu đau khổ và xa xa phía sau là hình bóng một cô lái đang cheooò đò dưới một tàng cây lãng mạn sà xuống mặt sông la đà. Tôi thức đêm đọc một lèo hết trọn tập thơ đó, vừa bùi ngùi vừa đê mê những vần thơ của Nguyễn Bính, có lẽ vì tôi khám phá ra ở chàng thi sĩ thất tình chuyên nghiệp này một tâm hồn đồng điệu. Đồng điệu ở chỗ anh chàng này cũng lẩm cẩm hết cỡ nói. Đã quyết không được một ngày, rôiì yêu mất cả buổi chiều nay. Chiều naay bướm trắng ra nhiều quá, không biết là mưa hay nắng đây? Chỉ có mưa với nắng thôi mà cha nội đã bắt đầu lẫm cẩm. Còn nói gì tới thương với nhớ. Lạ quá! Làm sao tôi cứ buồn, làm sao tôi cứ khổ luôn luôn, làm sao tôi cứ tương tư mãi người đã cùng tôi phụ rất tròn? Còn phải hỏi “lạ quá” với “làm sao”! Tại cha nội chẳng những lẩm cẩm số một mà lại còn si tình số một nữa. Y hịch như tôi vậy. Đã trót mang lấy nghiệp vào thân thì hãy cắn răng gồng mình mà chịu chớ hơi sức đâu ở đó mà vò đầu bức tóc tự hỏi vớ va vớ vẩn “nàm thao mí nị nạ quá!”
Nếu tôi lẩm cẩm và si tình số một thì trái lại Lộc anh tôi phiêu lưu văn nghệ và phiêu lưu chính trị số một. Hồi còn đang học ở trường Cao Tiểu Vĩnh Long, một đêm mưa gió bão bùng nọ tự nhiên anh chàng nổi dậy cơn bão lòng yêu nước bèn biệt kinh kỳ ôm gói vô bưng theo kháng chiến chống Tây cứu nước. “Tôi chẳng cần gì vợ đẹp xinh, tôi không lưu luyến mảnh hương tình, tôi không cần của không cần sắc, tôi quyết vì dân quyết đoạn tình”. Chàng đề thơ để lại lâm ly như vậy đó trước khi lên đường giết giặc. Lên voi túc một tiếng còi, thương con nhớ vợ lịnh đòi phải đi. ngon lành chưa?
Nhưng rồi ở bưng bị sốt rét rừng chịu đời không thấu chàng bèn xách trái lựu đạn liệng xuống sông giả biệt bưng biền phản hồi cố quận.... và bị đuổi học. Chàng chiến sĩ trái mùa bèn dời đô sang Định Tường theo học lớp đệ tam trường Nguyễn Đình Chiểu. Rồi xa quê hương nhớ mẹ hiền, nơi xứ lạ quê người, chàng phải lòng yêu Xuân Huê, để rồi sau đó gặp gỡ Lệ Dung từ Bến Tre sang Mỹ Tho học trọ, và đắm đuối hăng say đeo đuổi sứ mạng phiêu lưu tình ái mới mẻ của mình. Lụy vì tình tưởng đã yên lòng dũng sĩ , đâu dè chàng lại nghe lời sách động biểu tình ủng hộ trò Ơn tử vì nước. Chàng hiên ngang trương biểu ngữ giữa hàng hùng binh có ta đi hàng đầu kêu gọi học sinh bãi khóa. Bị lính kín truy lùng chàng chạy lộn trở về Vĩnh Long để xin tỵ nạn chính trị, một tay xách theo tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang chép tay của Nguyễn Bính. Còn tay kia thì không quên ẵm theo Lệ Dung rời bỏ nước Tề trên bước đường lưu vong mong giờ phục quốc—chàng đâu có dè làm như vậy là kẹt cứng thằng em thơ dại của mình. Lúc đó nhằm những ngày cuối năm, sắp bãi trường ăn Tết. Hôm nay là Xuân mai còn Xuân, phơi phới mưa sa nhớ cố nhân. Đã có yêu nhau là đến thế, đừng về Chiêm quốc nhé Huyền Trân!
Khi thấy chàng dũng sĩ hồi hương lại còn dắt theo một em bé vị thành niên, ba má tôi đều hoảng vía. Tôi mười ba tuổi, Lộc lớn hơn tôi năm tuổi, công nương Lệ Dung tuổi giữa lưng chừng. Hồi ở Bạc Liêu, anh Hai tôi sang Bến Tre học nghề thợ dệt cũng đã dắt về một em bé xứ dừa để trình diện cùng ba má. Nàng tên Lệ Hằng. Lúc đó tôi còn quá lỏi, chưa kịp si tình, chỉ nhớ man màn Lệ Hằng cũng là một trang mỹ nữ. Sợ ba má cô gái đâm đơn kiện con gái mình bị thảo khấu bắt cóc, má tôi thất kinh vội vàng dắt nàng ra xe đò chạy bằng củi than để tiễn nàng về cố quốc. Hết Lệ Hằng bây giờ tới phiên Lệ Dung, cũng là mỹ nữ miệt Bến Tre. Mới biết ngoài dừa tươi, Bến Tre còn sản xuất những ông già Ba Tri và những cô gái đẹp mỹ miều thaa thướt. Khi Lộc nắm tay Lệ Dung dắt lên gác giới thiệu nàng với thằng em yêu dấu của mình một cách bất thần không có viết thơ báo trước, tôi chới với, trái tim nhảy cỡn lên đập loạn xị xà nngầu. Giết nhau chẳng dụng lưu cầu, giết nhau bằng cái ưu sầu độc hơn. Anh em một nhà mà sao anh nỡ hại em?
“Chào Kiệt”. Lệ Dung buông tiếng chào tôi nhỏ xíu rồi e lệ cúi đầu, tóc mây lòa xòa trên trán ngọc. Gương mặt nàng bầu bĩnh tươi tắn, mắt nhìn thùy mị nhung êm. Đôi vai nàng nhỏ nhắn buông xuôi trên thân mình mũm ma mũm mĩm ở cái tuổi vừa mới lớn. Suối tóc nàng suông dài thả kẹp thấp ngang lưng tỏa ra hương thơm kỳ bí làm tôi chóng mặt. Mỗi lần nàng niễng đầu , suối tóc đen tuyền uốn éo dựa theo quấn siết lấy con tim của dũng tướng học trò mà bóp thắt. Tôi lí nhí chào nàng rồi cũng không biết nói gì hơn. May thay Lộc đã nắm tay dắt nàng tháo lui xuống nhà dưới. Tôi ngó theo suối tóc huyền mút mắt, trong lòng đã thấy bận bịu bồi hồi không yên. Ngồi lại một mình tôi gọi nhỏ: “Lệ Dung!” Giọt lệ sương mong manh trên cánh hoa phù dung vừa hé nụ lúc trời hừng sáng, hay ngấn lệ nõn nà đậu trên một dung nhan kiều diễm? Lệ Dung...!
Tôi ngó vào tập vở học trò chữ nghĩa chi chít của mình mà không còn bụng dạ nào học bài nữa. Có học cũng không vô. Tôi vói tay nắm lấy cây đàn măng-đô-lin trên bàn ôm vào lòng mình run lẳng tẳng một khúc Ai Về Sông Tương giải muộn: Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương? Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương, mơ hoài hình bóng em luôn...
Ngày hôm sau Lộc mượn được ở đâu về cây lục huyền cầm và hai anh em nhà họ Lê hòa tấu mấy khúc đặt diìu cho mỹ nhơn Bến Tre thưởng thức. Cao hứng Lộc hát tặng nàng bản Thu Quyến Rũ. Lộc hát rất hay—còn tôi thì hát dở ẹt. Lộc đã từng lên sân khấu những dịp bãi trường cất giọng thiết tha hái rụng trái tim của mấy em bé nữ sinh xinh xắn và ham mê văn nghệ. Chẳng những đàn hay hát hay hơn tôi mà Lộc còn trắng trẻo đẹp trai hơn tôi. Ganh đua với Lộc trên mặt trận tình ái là kể như chắc chắn nuốt hận đêm dài và lãnh chiến thương tình ái khó thể phai mờ. bao nhiêu hoa khôi ở Vĩnh Long như Liệt, Nhan, Đẹp, Xuân, Đào, đều rúng động con tim vì kép độc hết ráo. Chưa đủ bây giờ tới hoa hậu Bến Tre. Đi tới đâu chàng cũng mão sòng mỹ nữ hết trọi.
Tôi lén đọc nhựt ký của Lộc thấy chỗ nào chàng cũng “xin quỳ xuống và đặt trái tim dưới chân Hoàng Hậu” thì thử hỏi người đẹp nào mà cự tuyệt chàng cho nổi. Tuy nhiên tôi chỉ âm thầm đau khổ thôi chớ ganh ghét Lộc thì không hề có. Lộc được cái tánh rất thảo ăn. Khi nào có người yêu mới là chàng xách về khoe với em mình liền. Đưa ảnh người yêu cho chị xem, cả thư người ấy gửi cho em, y như anh chàng Nguyễn Bính lẫm cẩm.
Sau màn Thu Quyến Rũ, kép độc yêu cầu cô Ba Bến Tre hát tặng hai anh em nhà họ Lê một bản. Tôi trê-ma-lô ròn rã, Lộc đệm tây ban cầm sầm sập, Lệ Dung cất giọng trong trẻo: Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối, rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu... Trăng Mờ Bên Suối, ôi tình tứ xiết bao! Thỉnh thoảng khi dứt câu hát Lệ Dung còn đưa mắt long lanh liếc trộm người yêu khiến tôi bủn rủn trê-ma-lô cứ vấp tới vấp lui từng chập. Nhưng cũng phải ráng lết tới cùng cho đẹp lòng Lệ Dung. Dứt bản, tới phiên chàng và nàng yêu cầu tôi ca mới chết một cửa tứ. Là giết đời nhau đấy biết không? Dũng tướng học trò bèn cự tuyệt. Ai ép ta hát thì trước hết phải bước qua xác chết của ta đã! Tuy nhiên trước lời ỉ ôi ngọt ngào của người đẹp mà tôi thầm mơ ước, tôi đành nhượng bộ và đề nghị hợp ca bản Con Đường Vui, tôi xung phong xin hát bè hai. Dạo nhạc rùm rụp xong khúc mở đầu, ban hợp ca Thăng Long tỉnh lẻ hòa giọng nam nữ cất lên: Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió, hồn như đám mây trắng lững lờ, giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp bô-ê-miền...Khúc đâu Hán Sở chiến trường, nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu, nghe ra như oán như sầu phải chăng? Tôi xáp vô bè hai: Đoàn ta! Vui bước lên đường mưa gió về, còn nghe vang dư âm bao lời ca sông núi!...
Dứt bản ai nấy đều hả hê. Riêng tôi nhìn Lệ Dung đẹp dạ tôi cũng vui lây và thơ thới trong lòng. Lộc ban phát lời ngợi khen hết cả ban hợp ca, rồi lật tiếp tập nhạc lựa bài Dư Âm, Lộc tự đệm đàn và hát một mình. Lệ Dung nhoẻn miệng cười xinh xắn ngước mắt ngó lên nhìn anh tôi tình tứ. Tôi thở dài ôm lấy cây đờn măng-đô-lin siết chặt trong lòng mình đau điếng.... Đàn tôi đứt hết dây rồi, không ai nối hộ không người thay cho. Rì rào những buổi gieo mưa, lòng đơn ngỡ tiếng quay tơ đằm đằm. Ôi Lệ Dung ơi có thấu?
Tối đến má tôi đày anh tôi xuống ngủ ở nhà dưới, còn Lệ Dung thì được bà bắt cóc tấn ở ghế bố sát vách gỗ trên gác, bà bắc ghế bố khít rịt sát bên nàng để cản trở lưu thông. Chuột kêu chút chít trong rương, anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay. Tôi thầm cám ơn má tôi đã có sáng kiến tân kỳ. Tôi cũng ngủ trên gác, nằm ở đi-văng phía trước, cạnh bàn học. Kế đó là vách ván ngăn hai bày biện bàn thờ Phật, bàn thờ Quan Công và bàn thờ ông bà. Rồi phía đàng sau vách mới tới hậu liêu của má tôi và Lệ Dung. Nằm chèo queo một mình, tôi lăn trở thao thức. Tiếng người ho trong đêm, tiếng thằn lằn chắc lưỡi, tiếng chân ai rón rén lên xuống ở cầu thang tôi đều nghe hết thảy. Rồi nghĩ quẩn, rồi tưởng tượng, rồi đau khổ. Âm thầm đau khổ trong đêm tối. Ước gì mặt trời mọc lên ngay trong lúc đó. Ngọn đèn hột vịt chong trên bàn thờ hắt hiu leo lét. Cũng như ngọn lửa lòng của tôi. Canh khuya thắp chút dầu dư, tim can chóng lụn anh sầu tư một mình...
Những ngày kế tiếp, Lộc lại lên đường cứu nước, tiếp tục sứ mạng phiêu lưu chính trị cao cả của mình như Lộc đã từng thốt lên. “Đời tôi là cả một bài thơ, cả một bài thơ rũ bụi mờ, cả một bài thơ không đầy ý, là đời nghệ sĩ sống vì mơ.” Lộc đi gặp gỡ các dũng sĩ đồng chí hướng khác để in truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khóa. Bản truyền đơn được viết bằng loại mực tím đặc biệt trên nền giấy dầy có thể chuyền sang mặt bột ướt. Sau đó cứ lấy giấy trắng áp lên mặt bột mà vuốt là có được bản sao. Dễ ợt—mà nguy hiểm vì công an không ngớt rình rập.
Riêng tôi không bị thấm đòn sách động nên thừa lúc Lộc vắng nhà để chuyện vãn với Lệ Dung. Tôi phải căn dặn trước con tim mình đừng có nhảy cỡn loạn xị để tôi còn có đủ hơi sức mà ăn nói tỉnh táo với người dđẹp. Dặn là dặn chơi vậy thôi chớ tôi dư biết con tim mình vẫn cứ đập theo nhịp điệu tự nhiên trời đất sanh ra của nó, chẳng ăn nhậu gì với ý chí của tôi hết. Ở nhà một mình để giải khuây Lệ Dung mua một cái áo gối bằng vải trắng và nhờ tôi vẽ hai chữ gô-tích mỹ thuật L và D quấn tít vào nhau để nàng thêu tấm lòng của nàng lên mặt gối bằng chỉ hồng. Tôi cắn răngg cầm bút chì vẽ vời trên mặt gối vì Lộc đã trót khoe tôi vẽ vời rất có năng khiếu. Lệ Dung kiên nhẫn luồn kim thêu thùa để ngóng đợi chàng dũng sĩ trở về. Còn tôi, tôi kiên nhẫn ngồi cạnh bên ngó nàng âu yếm thêu áo gối tặng cho người yêu dấu. Con tim vốn đã rướm máu sẵn từ khuya giờ đây lại càng thêm bầm vập.
Chuyện vãn được biết nàng có một người chị và một đứa em cỡ tuổi tôi—thôi rồi dũng tướng đệ ngũ kể như tiêu tùng! Bắt qua văn nghệ, Lệ Dung nói nàng thích truyện Hồn Bướm Mơ Tiên, nàng ưa đọc Khái Hưng, Nhất Linh và yêu tùy bút của Thạch Lam. Trong lúc đó tôi vẫn hãy còn quanh quẩn với truyện Đồng Quê của Phi Vân và ba cái văn chương miệt vườn, Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh. Tuy nhiên tôi đột nhiên nhớ ra câu văn xuôi không biết của văn sĩ nào đó mà tôi rất ưa thích. Tôi đọc cho nàng nghe” Lệ Quyên một sớm sang Hồ Hán, một chiều trở lại Hồ Tây, ngược xuôi xuôi ngược, tuy chung nước đổ một dòng mà bèo bọt vẫn đi về muôn ngã.” Văn chương như vậy thiệt là mùi tận mạng. Tôi hỏi nàng có thích không? Nàng yêu cầu tôi đọc lại và nàng gật đầu tán thưởng. Rồi nàng cúi đầu xuống đưa răng ngọc cắn lên sợi chỉ hồng, suối tóc huyền uốn éo tỏa ra hương thơm ẩn mật. Tim tôi lại cỡn lên chấn động. Tất cả mùa Đông đaan áo len, cho người tất cả người quen. Còn tôi người lạ, có cũng nên mà không cũng nên! Tôi dợm đứng lên, nàng ngước mắt nhung hỏi tôi tính đii đâu vậy. Tôi nói tôi không tính đi đâu hết. Rồi thẫn thờ ngồi xuống trở lại bên cạnh nàng như trước. Chết bỏ!
Tối đêm đó tôi lại nằm chèo queo một mình và tưởng tượng. Tâm sự rối nùi. Tay chân lạnh ngắt, ruột tôi chơn quặn lên đau thắt dữ dội., mình vã mồ hôi, tưởng chừng bụng mình sắp nứt làm hai phơi hết tim gan mình ra cho mọi người ngó thấy. Tôi thường có những cơn đau đứt ruột khi lòng mình quá xúc động. Đau chết giấc. Hết thuốc chữa. Tôi chỉ còn nước ôm cứng giấy bụng mình mà cắn răng chịu trận, không dám rên rỉ. Tôi chỉ còn nước ôm cứng lấy bụng mình mà cắn răng chịu trận, không dám rên rỉ sợ gây huyên náo làm mất giấc ngủ mọi người và đánh thức Lệ Dung.
Chị cho em chị chiếc khăn thêu, ý chị thương em khóc đã nhiều. Khóc chị ngày xưa, giờ lại khóc cho mình khi tắt một tình yêu... Ờ nhỉ! Sao tôi không nhân dịp Lệ Dung thêu thùa mà nhờ nàng thêu cho mình một chiếc khăn tay bỏ túi làm kỷ niệm? Trong đêm tối đen mấy câu thơ của sư phụ chợt lóe lên trong trí tôi và gợi ý. Sáng hôm sau, chờ lúc anh tôi lên đường cứu nước, tôi ngỏ ý khăn thêu với Lệ Dung và được nàng ưng thuận. Nàng lấy một chiếc khăn tay trắng còn mới nguyên có thêu viền chỉ xanh lục xung quanh và biểu tôi vẽ một chữ K lớn ở góc trên. Tôi làm gan đề nghị nàng thêu chữ ký tên Lệ Dung ở góc đối diện cho người ta được biết tác giả. Và nàng cũng ưng thuận.
Nàng lại bắt đầu chăm chỉ thêu thùa chữ cái của tên tôi với chỉ thêu màu xanh lục—một cây xanh dờn cho mát lòng dũng tướng. Tôi lại ngồi bên cạnh nàng và mở tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang của sư phụ mình ra đọc trang từng trang một cho nàng nghe. Thỉnh thoảng nàng dừng thêu thở dài. Mắt quầng tóc rối tơ vương, em còn cho chị lược gương làm gì? Một lần này bước ra đi, là không hẹn một lần về nữa đâu! Có phải khi th dài sườn sượt như vậy Lệ Dung đã linh cảm mơ hồ điềm ly biệt? Sau này khi Lệ Dung khăn gói từ giã nhà họ Lê trở về Tề quốc rồi thì tôi không còn bao giờ được gặp lại mặt nàng một lần nào nữa hết. Cũng là thôi, cũng đã đành! Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao? Nàng để lại cho anh tôi một tấm ảnh trắng đen chụp nàng đứng cạnh bên nhà thủy tạ cất bằng gỗ xoải mình ra giữa hồ sen trong thành phố Bến Tre. Sau lưng nàng, hàng hàng lê liễu xõa tóc sương mai buông rũ xuống mặt hồ lăn tăn dợn sóng. Lưng ảnh Lệ Dung có đề mấy dòng chữ tạ từ viết tay bằng mực tím: Nàng liễu rũ vì cơn gió dập, hay vì hoa đã lỡ làng duyên?” Tuy không hiểu rõ nàng muốn nói gì, tôi cũng lén ăn cắp tấm ảnh đó của anh tôi và giấu kín kỷ niệm Lệ Dung còn phưởng phất dư hương quấn quít trong mái tóc nàng làm của riêng.
Bỗng Lệ Dung la “Ái!” lên một tiếng tiếp theo tiếng pháo lớn chợt nổ trước nhà. Nàng buông rơi chiếc khăn thêu luống cuống nắm lấy đầu ngón tay bị kim đâm vào rỉ tuôn máu đỏ lúc nàng giựt mình vì pháo nổ. Một cách máy móc tôi chụp đầu ngón tay nàng đút vào miệng mình như những lần tôi bị đứt tay chảy máu. Nàng cũng để yên không rút lại. Hương thơm bí mật của bàn tay nàng cận kề sát bên mũi tôi hơn bao giờ hết. Mắt nhung nàng ngó thẳng vào mắt tôi. Tôi chóng mặt, tim tôi đập mạnh bấn loạn không còn giữ được trật tự nhịp nhàng gì nữa. Hương thơm Lệ Dung mằn mặn ở đầu lưỡi... Trời ơi! Ngay lúc này giá mà tôi có thể ăn thịt được nàng! Cho dù sau đó có bị kết tù chung thân khổ sai và lưu đày biệt xứ tôi cũng cam chịu.
Tôi đứng dậy tìm băng keo rịt đầu ngón tay lại cho nàng. Cuộc thêu thùa đành ngưng lại lưng chừng, lỡ dở. Để dằn cơn xúc động, tôi bỏ xuống đường và đi lang thang trong thành phố buổi chiều chúa nhựt với dư vị da thịt nàng còn ám ảnh đuổi riết trên môi. Ôi! Lệ Dung....
Sau bữa cơm chiều, anh tôi lại đưa nàng đi dạo mát như thường lệ. Tôi thua buồn leo lên gác ra ngồi ở bực cửa sổ ôm cây đờn măng-đô-lin run khua lẳng tẳng. Dư hương Lệ Dung vẫn còn bồi hồi chưa dứt. Tôi bần thần chưa tỉnh, Trong bụng rưng rưng. Tôi đờn đi đờn lại những ca khúc lãng mạn. Rồi yên lặng ngó lên một vì sao đơn chiếc đang mọc cao trên nền trời thăm thẳm. Anh Hai Te đã về thăm nhà hồi sáng hôm nay. Tôi nhớ và thèm tiếng ca tài tử của anh. Anh cũng có dạy cho tôi hát và đờn thuộc lòng được câu đầu của bài vọng cổ . Tôi ướm thử giọng rồi cất tiếng ca lên một mình:
“Lệ Dung em ơi! Sao em nỡ đan tâm lòng quyết (yết) sang (ơ ơ) Tề...”
Chợt trong vùng ánh sáng bất định một hương thơm quen thuộc thoảng dậy lùa tới bên mũi tôi. Tôi giựt mình ngó lại. Trong vòm hương tỏa ngất ngây Lệ Dung đã xuất hiện đứng đó tự bao giờ. Nương theo một phép nhiệm màu, từ Suối Đào Nguyên nàng thình lình giáng thế. Tôi chới với thiếu chút nữa đã té ngửa qua mái ngói của nhà hàng xóm cạnh bên mà lăn lông lốc rơi tuốt luôn xuống đất. Tôi lặng thinh ngó nàng lung linh trong vùng ánh sáng mờ yếu của ngọn đèn dầu. Nàng bước tới gần cầm chiếc khăn tay đưa ra cho tôi nói hồi chiều nàng đã thêu xong. Tôi đưa tay cầm lấy rụng rời. Yên lặng nàng ngó tôi vài giây rồi chợt cất tiếng nhỏ nhẹ hỏi tôi sao ca bài đó làm chi cho thêm buồn bực? Tôi còn đang bối rối chưa biết trả lời cách nào thì nàng đã vội vàng quay gót son mềm chạy xuống cầu thang như vừa chợt hiểu. Một cơn gió Xuân mát lạnh từ bên ngoài cửa sổ thổi ùa tới làm tôi rùng mình.
Rồi một ngày qua hai ngày qua....
Và giờ phút biệt ly đã đến. Má tôi, Lộc và tôi đưa nàng ra tận bến xe đò để tiễn chân. Lệ Dung về Tề quốc. Tay nắm không buông. Mắt nhìn bịn rịn. Lời nói nghẹn ngào. Lệ tuôn lã chả. Ôi! cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy?
Tàu chạy hình như để chở buồn, chở người đi nhớ kẻ về thương, nâng bao nhiêu gót chân xinh đẹp. Tàu chạy đêm nay có lạc đường? Lệ Dung ngồi sát bên cửa xe thò mái tóc kẹp uốn éo buông lơi ra ngoài và nắm lấy tay má tôi mà khóc như mưa bấc. Lộc đứng khít bên má tôi. Còn tôi thì lùi ra xa trên bờ lề đứng dựa lưng vào một gốc cây me già mà ngó, sợ e đứng gần giai nhân cầm lòng không được tôi phát buông ra những lời nhảm nhí càng gây thêm bối rối cho tất cả mọi người. Hay lại phát thinh ré lên khóc càng thêm quê một cục. Nhìn Lệ Dung lã chã má tôi cũng rút khăn ăn trầu ra mà lau lệ không ngớt. Thế nào má tôi cũng chúc nàng thượng lộ bình an và hứa hẹn khi nào nàng học thành tài xong rồi thì má tôi sẽ cưới nàng về cho anh tôi để cho nàng trở thành một trang hiền phụ. “Em muốn vô làm con dâu thảo cho phụ mẫu mình. Trước coi gia cang bề thế sau nấu đôi bình nước khuya”. Má tôi vốn là người quê mùa nên vẫn hằng tin tưởng rằng yêu nhau là phải có thủy có chung.
Nhưng những giọt nước mắt cho dù có thổn thức ngậm ngùi cách mấy cũng không thể nào thay đổi được giờ giấc của những chuyến xe đò. Xe bắt đầu rồ máy xịt khói xanh um và dợm bánh lăn tới lăn lui. Rồi xe bắt đầu lăn bánh thiệt sự. Má tôi và Lộc đành phải buông tay nàng ra. Lệ Dung đưa tay lên cao vẫy chào biệt ly mọi người. Tôi cũng vội vàng đưa tay lên vẫy vẫy cho tới lúc nàng khuất bóng sau vòm khói xe tỏa xanh mù mịt. Lệ Dung! Lệ Dung! Thôi giã biệt! Cõi lòng của Lộc chưa chắc tan nát bằng cõi lòng của đứa em mình.
Lững thững tàu đi mất nữa rồi, sao không dừng lại ở ga tôi, lấy mươi lăm phút cho tôi gửi, chút ít xuân xanh trả lại trời? “Lệ Dung một sớm sang Hồ Hán, một chiều trở lại Hồ Tây, ngược xuôi xuôi ngược, tuy chung nước đổ một dòng mà bèo bọt vẫn đi về muôn ngã...”
Anh Hai Te đã trở lại trại mộc từ sáng hôm nay. Tối hôm nay, cũng như mọi tối, sau khi cơm nước xong, anh ôm cây đờn vọng cổ ra ngồi ở đống cây trước nhà ca vài khúc ca giải muộn.
Và tối hôm nay, cũng như mọi tối, tôi ra ngồi ở bực cửa sổ trên gác cao mong ngóng. Nhưng tối hôm nay, khác hơn mọi tối, tôi có thêm được chiếc khăn tay mà Lệ Dung đã nhỏ giọt máu đào thêu tặng cho tôi. Anh Hai Te bắt đầu dạo nhạc và nói lối. Áp chiếc khăn thêu nồng ấm lên mũi mình, dư hương kỳ bí của Lệ Dung vẫn còn ngạt ngào nguyên vẹn. Khi anh Hai Te dứt phần dạo nhạc và cất tiếng ca tài hoa xuống câu vọng cổ ngậm ngùi thì hai giọt nước mắt nóng hổi của tôi cũng bật trào theo lăn ròng ròng xuống má. Thôi rồi! Nương tử Lệ Dung đã đành bước lên kiệu hoa đem tấm thân ngọc ngà về xứ khác.
“Lệ Dung em ơi! Sao em nỡ đan tâm lòng quyết (yết) sang (ơ ơ) Tề...”