Monday, December 8, 2008

SỰ ĐỜI - BÀI 21

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.


* KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU: HỒI 2
LÒNG THAM, ÔI! CÁI LÒNG THAM YÊU DẤU!

* DẪN NHẬP
Bần tăng có một đứa cháu gái vượt biên và định cư tại Cali. Trình độ đại học, có job tốt, nhập quốc tịch Mỹ từ lâu. Năm 2000, nó sang Paris chơi, ngụ nhà bần tăng. Thời điểm đó xảy ra vụ khủng hoảng internet. Báo chí Âu Châu loan báo là đệ nhứt cường quốc Mỹ có cơ suy thoái. Đứa cháu gái hỏi bần tăng: “Mỹ quốc cường thịnh và hùng mạnh như vậy, duyên cớ gì có thể làm Mỹ suy thoái được vậy chú?”
Bị chất vấn (chánh phủ) bất ngờ, bần tăng bèn động não tư zuy chớp nhoáng và nhắm mắt trả lời đại, không trúng thì thế nào… cũng trật, lo gì: “Cái gì làm cho Mỹ cường thịnh thì chính cái đó sẽ làm cho Mỹ suy đồi”. Vẫn chưa thỏa mãn, nó yêu cầu bần tăng giải thích rõ hơn ý mình. Bần tăng lại phát ngôn bừa bãi: “Tiền làm cho Mỹ mạnh thì chính tiền sẽ làm cho Mỹ sập tiệm”. Nó giương mắt Mỹ vàng ngó bần tăng lom lom, đầy ngờ vực.
Sở dĩ bần tăng trả lời như thế í là cũng chỉ đoán mò, dựa theo cái lẽ Trời mà xủ quẻ. Vậy thôi. Xuyên qua lịch sử, có lẽ ai ai cũng đã chiêm nghiệm và nhận ra điều đó. Chính cái phồn thịnh của Đế Quốc La Mã đã làm cho Đế Quốc La Mã suy đồi. Cái cường bạo đã đưa Tần Thủy Hoàng lên ngôi Hoàng Đế, thì chính cái cường bạo đó đã khiến cho giang san nhà Tần tan rã sau khi bạo chúa băng hà. Cái độc tài của đảng Cộng sản Nga đã cho phép Nga dựng nên Đế quốc, thì cũng chính cái độc tài đó đã khiến cho khối cộng sản Nga sập tiệm. Thì Mỹ cũng nằm trong cái định luật hay cái lẽ Trời đó mà thôi. Cổ nhân há đã chẳng từng dạy:
“Tham thì thâm”
“Sanh nghề, tử nghiệp”
“Chơi dao có ngày đứt tay,
chơi lửa có ngày phỏng mày”
Và cụ Nguyễn Du của ta cũng đã bàn về cái Sự Đời trong 2 câu lục bát:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Riêng mình, bần tăng gẫm ra rằng:
“Lỗ tiền liền với lỗ tai… một vần”
Vần đây là vần ép, dĩ nhiên!

Vào cái thời điểm đen tối ngày Thứ Hai 15 tháng Chín 2008, khi bộ ba ông Táo: Bush con, Ben Bernanke (xếp Fed) và Hank Paulson (xếp Ngân Khố) Mỹ lên TV tuyên bố “Nước Mỹ lâm nguy!” thì cả thế giới khám phá ra cái vụ “Khủng hoảng Toàn cầu”. Và bật ngửa. Lăn cù. Khóc thét! Bộ ba không những chỉ kêu gọi công dân Mỹ, mà còn kêu gọi luôn cả thế giới phải trút hồ bao ra mà “Cứu Mỹ cứu nước!”. Bởi lẽ nếu cứ bắt chước xứ Việt Nam Xã Hội oai hùng của ta mà diễn lại cái tuồng cũ rích “Chống Mỹ cứu nước!” của Cha Zà Rân Tộc thì sẽ… bỏ mẹ cả đám! Trước đó Mỹ đã tháo kho và vay thêm nợ thế giới đem về xúi giục dân Mỹ nhắm mắt mượn tiền để mua nhà – cái bizinết subprimes! Bi giờ dân Mỹ không trả nổi, nhà băng Mỹ liên tiếp vỡ nợ, toàn thể thế giới phải bắt đền! Bất luận Nữ Hoàng Già Anh, Con Bò Cười Pháp, bạo chúa Hitler, I Ta Lồ xơi Pizza…, Chệt ăn mì, Chà Và xực cà ri, Á Rập uống dầu cặn… mọi người đều phải bắt đền cho Mỹ tuốt tuột. Tất cả thiên hạ, bất luận màu da, đều phải cởi áo nai lưng và đổ tiền ra như nước để chữa đám cháy khủng khiếp ở Mỹ, bằng không nó sẽ cháy lan ra tùm lum, ráng chịu! Riêng xứ Á Nàm Dành ta nhờ có võ nghèo nên mới thoát hiểm. Chắc không? Chớ còn cái vạ lây lạm phát 30% thì ai chịu? Nếu không phải là Bác Ba, là Chú Hai, là Thiếm Bảy, là Dượng Tám thì ai vô đó mà chịu? Phi Luật Tân chăng? Hay Ma Rốc chăng? Còn khuya! Phải chờ tới “Tết Ma Rốc” may ra mới có cái chuyện “lọa” đó!
Vào thời điểm tháng 10/ 2008, một tháng sau cái ngày Bush con đăng đàng tuyên bố vụ nổ Xẹt Nô Bin ở Mỹ Quốc, bà con ta ít nhiều đều đã hiểu được phần nào duyên cớ và hậu quả của cuộc “Khủng hoảng Toàn cầu”. Bần tăng dù nghèo mạt rệp, nghèo rớt mồng tơi, nghèo sặc máu mũi, nghèo chảy máu cam tỏn tỏn, nhưng cũng lo sợ nhà băng tới tịch thâu cái dùi cui để tụng kinh và và cái áo cà sa mục nát của mình! Khi đó chắc chỉ còn nước “uổng trờ”, rồi hiên ngang trên răng dưới dế mà ra cắm trại mùa đông ở công viên rong rêu sỏi đá gần nhà mình (và biến thành con chim bói cá chỉ ăn toàn là thịt heo). Vì vậy mà bần tăng cũng theo dõi sát sạt diễn tiến của cái vụ khủng hoảng Xẹt Nô Bin đó qua báo chí, truyền thanh, truyền hình. Cần nhấn mạnh: bần tăng cũng đọc và hiểu được tiếng Phú Lang Sa và tiếng Mẽo xanh gum “nhẹo nhẹo, đeo theo, wê ri oeo”.
Bần tăng làm một màn đúc kết các điều nghe thấy lại và viết ra để cho bà con ta, hải ngoại lẫn trong nước, tiện bề theo dõi và tìm hiểu cái vụ khủng hoảng ngàn năm một thuở (… Phi Lạc sang Tàu!). Cũng may. Vì nếu cứ mỗi ngày một trận như vầy thì chỉ còn nước về chầu Diêm Vương gấp gấp… không kịp nhắm mắt tắt hơi. Và trên hết, cũng cần ghi chép lại kinh tế sử thế giới để dành cho con cháu sau này tham khảo. Vì sau cái vụ nổ Xẹt Nô Bin Mỹ này, chỉ cần vài tháng hay một năm sau thì mọi người sẽ quên tuốt tuột các sự kiện và dữ kiện chính xác. Lúc đó mọi người chỉ còn nước chịu trận hậu quả của cuộc khủng hoảng dài dài như bị… sida. Hoặc bị ếch nhái, bị aids, bị đais (die), hay bị đáis… ra cây hoặc đái ra củi bửa gì đó.
* PÁM PÁM PÁM PAM!
Khai mạc “Đại Hòa Tấu” Beethoven! Hoặc là “Tình khúc không tên”… mà còn độc hơn là thuốc chuột của Lục Chỉ Cầm Ma (té ra Cầm Đồ!).
Nền tài chánh nổi điên! Hoặc đúng hơn là cái nền tài chánh “khai phóng” (libéralisée), vốn vững tin rằng các ngân hàng và những nhà đầu tư đều là những người rất “biết điều”, hiểu rõ lẽ phải trái, không cần phải đặt luật để khép họ và nhứt là cách hành xử của họ vào khuôn khổ. Nhưng trên thực tế thì sao? Các yếu tố bắt nguồn của cuộc khủng hoảng subprimes, và sự sụp đổ liên tiếp của các định chế tài chánh uy tín nhứt, tất cả đều đã cho thấy rằng một nền kinh tế không thể nào lành mạnh được khi thị trường tài chánh phát triển hỗn loạn, không một ai kiểm soát. Làm ăn theo kiểu này chắc chắn sẽ đưa tới chuyện “trật đường rầy” và lật xe. Hậu quả tiếp đó là sự tăng trưởng kinh tế và tình trạng nhân dụng sẽ phải trả một giá vô cùng đắt đỏ. Thử phân tích cái cuộc khủng hoảng bất tận này và ước đoán các hệ quả có thể xảy ra của nó xem sao.
* NGUỒN CỘI CỦA TRẬN KINH HOÀNG
Từ hơn một năm nay, khắp nơi, từ Mỹ sang Anh, Pháp cho đến Đức, Nhựt…, các ngân hàng thế giới đều bị chấn động bởi một cơn khủng hoảng không dứt. Đó là sự dội ngược rất hợp lý, bởi lẽ chính các ngân hàng này là một trong số những định chế chịu trách nhiệm chính yếu. Nhắc lại bối cảnh: sự tăng vọt thặng dư thương mại của Trung Quốc và của các quốc gia dầu hỏa đã tung vào nền kinh tế thế giới những khối lượng tiền đồ sộ đang tìm cách đầu tư hoặc làm ăn bất cứ nơi nào. Chính vào thời điểm đó, xảy ra vụ nổ của “quả bóng internet”. Sau vụ nổ này, xếp cũ của Fed là Alan Greenspan đã chủ xướng một chính sách tiền tệ rất thuận lợi cho sự tăng trưởng, bằng cách giảm lãi suất xuống rất thấp. Tiền tràn ngập và cho vay lời nhẹ. Chỉ chờ có thế: tất cả các nhà đầu tư đều nắm lấy cơ hội ngàn năm này để ồ ạt vay tiền của Fed và sau đó đem tung vào canh bạc tài chánh thế giới. Chỉ cần lựa chọn sòng bạc. Và sòng bạc đó là “bất động sản”!
Theo nhà kinh tế Mỹ R.T. Shiller thì trị giá thực sự (ngoài lạm phát) của nhà cửa ở Mỹ đã gia tăng 85% trong khoảng thời gian từ năm 1997 cho tới mức cao nhứt của nó vào năm 2006. Một nhịp tăng trưởng chưa từng thấy trong lịch sử. Các tay môi giới bất động sản đãù săn lùng khách hàng khắp nơi, lùa họ tới ngân hàng và xúi giục họ vay tiền mua nhà. Ngân hàng cho cả những người có lợi tức thấp và không có một chút tài sản nào hết vay nợ. Ngân hàng ngon ngọt dụ dỗ cho họ vay tiền với lãi suất thấp, hoàn trả nhẹ (lúc đầu, để rồi tăng vọt thời gian ngắn sau đó), và cho họ thế chấp trên ước tính là giá cả nhà cửa của họ sẽ tăng lên hoài hoài… đến tít trời xanh!
* LÒNG THAM, LÒNG THAM VÀ… LÒNG THAM!
Thử đặt câu hỏi: Tại sao một vụ làm ăn bị sập tiệm, vốn chỉ là một cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ lại có thể biến thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng thế giới? Câu trả lời chỉ thu gọn vào một chữ: THAM!
Lòng tham của các ngân hàng thương mại:
Biết chắc rằng các món nợ địa ốc này rất là phiêu lưu (nhiều rủi ro) nên các ngân hàng sở hữu đã dùng thủ đoạn “chứng khoán hóa” (titrisation): Nghĩa là biến bất cứ tích sản nào, chẳng hạn như tín dụng địa ốc, thành chứng khoán tài chánh (vốn là thuốc độc), xong đem bán nó cho những ngân hàng khác, sau khi lượm hoa hồng bỏ túi. Hơn nữa, vì biết rằng luật lệ quốc tế nhằm phòng vệ rủi ro sẽ bắt buộc họ phải dự trữ một khối tư bản tương đương hầu bảo đảm cho các tín dụng nhiều rủi ro như thế đó, và điều này sẽ rất tốn kém. Vì thế, nhờ thủ đoạn “chứng khoán hóa”, họ có thể làm bizinết nhiều hơn thập bội, bằng cách tránh né luật lệ phòng nguy của ngân hàng.
Lòng tham của các ngân hàng nghiệp vụ (banques d’affaires):
Các ngân hàng Lehman Brother, Merrill Lynch và các UBS Thụy Sĩ đã tung tiền mua các chứng khoán (titres) địa ốc này. Để có thể kiếm lời tối đa, họ nghĩ ra phương cách độc đáo là đưa nó vào những cái SPV (Special Purpose Vehicle), những công ty ad hoc không lương tâm, không luật lệ, sẵn sàng làm đủ mọi trò ma giáo. Các công ty này dụ bán lại cho các nhà đầu tư địa ốc những trái phiếu (obligations) mà sự hoàn trả được bảo đảm bởi các tín dụng địa ốc, có khi là một sự trộn lẫn với các tín dụng chứng khoán khác (tín dụng sinh viên, tín dụng tiêu thụ…). Do đó mà các ngân hàng nghiệp vụ đã tạo ra một hệ thống hết sức “mù mờ” (opaque) nhằm phân phối các rủi ro vào toàn thể nền tài chánh thế giới: nghĩa là phân phối “thuốc độc” đến cho tất cả mọi người! Ai mua và ai giữ những rủi ro nào, vào giai đoạn cuối? Hơn một năm sau, cũng chẳng một ai hiểu được một chút gì hết ráo!
Lòng tham của các công ty bảo hiểm:
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy các sản phẩm tài chánh mình mua, mà trị giá của nó dựa trên các tín dụng địa ốc rất là phiêu lưu, không được “minh bạch” (nets) gì cho lắm. Bèn mua bảo hiểm để phòng hờ con nợ không hoàn trả nổi. Trong số các nhà đầu tư này, có cả những ngân hàng Âu Châu. Đám này ước mơ phát triển lối làm ăn theo kiểu cờ bạc đó của các ngân hàng Mỹ, bèn mua các sản phẩm tài chánh phiêu lưu, đồng thời đóng bảo hiểm. Mắt rực sáng bởi khối lượng tiền đóng bảo hiểm khổng lồ, các công ty bảo hiểm như AIG (xếp hàng nhì thế giới), đứng ra thầu bán các bảo hiểm loạn đả, ai mua cũng bán, mặc dù biết trước rằng nó vô cùng phiêu lưu trong trường hợp thị trường địa ốc trở chứng. Quả thật vậy! Tới lúc đụng trận thiệt tình, các công ty này không đủ sức đền trả tiền cho các nạn nhân. Vì vậy, chính phủ Mỹ đã đứng ra quốc hữu hóa, rồi xẻ thịt và bán ra từng mảnh cho tư nhân. Bên Âu Châu cũng vậy thôi. Xêm xêm!
* MẠI VÔ! MẠI VÔ! RẺ RỒI! RẺ RỒI!
Cuộc khủng hoảng subprimes bùng nổ vào tháng Tám 2007. Khi đó, tất cả các tác nhân tài chánh nói trên mới nhận thức ra rằng họ dính chùm với nhau trong một nùi nhợ rối beng không thể nào tháo gỡ nổi. Họ bắt đầu bấn xúc xích và giựt gân dữ tợn. Các ngân hàng, vì không biết rõ tình trạng của nhau, nên không còn hồ hởi cho nhau vay tiền nữa. Quỹ Fed đứng ra can thiệp bằng cách tung tiền mặt vào đám cháy để trấn an họ. Một số ngân hàng không còn được tin tưởng nữa, chẳng hạn như Bear Stearns, và thời giá chứng khoán của nó liền tuột dốc vèo vèo. Các “quỹ chủ quyền” (fonds souverains, quỹ do quốc gia điều hành như của Trung Quốc, Hồng Kông, Singapour, Á Rập…) bèn nhào vô cứu bồ một vài ngân hàng lâm nguy, cứ tưởng bở là phen này trúng mánh: chen chưn vô được tư bản của các ngân hàng cấp bực thế giới với giá rẻ mạt! Nhưng rồi sau đó, khi va chạm thực tế với cuộc khủng hoảng lê thê và sự tuột dốc dài dài của các ngân hàng mà mình vừa mới chen vô cách đó chưa đầy một năm, họ bèn hoảng hốt rút về thế phòng thủ: “Không có nghề võ, chết mẹ!”. Khi hai định chế then chốt bảo đảm các tín dụng địa ốc của Mỹ, Fannie Mac và Freddie Mac đe dọa sụp đổ, Fed vẫn lại và vẫn luôn luôn can thiệp. Mỗi lần như vậy, với sự hỗ trợ hùng hậu của Bộ Tài Chánh Mỹ, Fed đã thành công trong việc lấy quyết định nhanh chóng nhằm lấy lại niềm tin cho thị trường.
Nhưng rồi việc gì đến, phải đến: tuần lễ 15 tháng Chín năm 2008!
* DIỄN TIẾN CỦA TUẦN LỄ ĐEN TỐI
Thiệt ra thì câu chuyện bắt đầu kể từ ngày Thứ Sáu tuần trước. Niềm tin mà các nhà đầu tư đặt vào khả năng trường tồn của các ngân hàng nghiệp vụ giảm sút. Bởi lẽ các ngân hàng này sa lầy sâu đậm trong cuộc đánh cá trên chứng khoán tài chánh liên quan tới các tín dụng địa ốc phiêu lưu, vì thế các viễn ảnh thu lời xem ra thấp hơn rất nhiều so với phần thua lỗ do chứng khoán sụt giá. Và cũng bởi không còn một ai muốn bỏ tiền thêm, vì vậy tương lai của các ngân hàng này vô cùng đen tối.
Trong hai ngày cuối tuần 13 và 14 tháng Chín, Hank Paulson và Ben Bernanke tiếp đón giới thượng lưu tài chánh của thành phố New York và đi tới quyết định: bán Merrill Lynch cho Bank Of America nhưng bỏ rơi Lehman Brothers. Mở đầu tuần, thị trường chứng khoán rớt xuống vèo vèo, can không nổi. Hãng đã đứng ra bảo hiểm rủi ro vì sự sụt giá của các chứng khoán địa ốc cho tất cả những nhà băng này như AIG, trở thành một cái bia mới. Paulson phản ứng thần tốc (như tay súng đệ nhứt Western, bắn phát thứ hai khi phát thứ nhứt chưa kịp nổ!): quốc hữu hóa AIG! Trong hai ngày Thứ Tư và Thứ Năm, sự kinh hoàng tràn ngập khắp nơi, thời giá chứng khoán của các nhà băng nghiệp vụ sụp đổ. Thị trường cho thấy rằng các xí nghiệp vốn có mặt từ nhiều thế kỷ nay, và khét tiếng là biết cách “làm việc”, giờ đây không còn đáng giá một xu! Hoàn toàn phi lý! Nhưng chính điều này cho thấy rõ rệt là các thị trường đang bị động kinh chí tử.
* SẬP TIỆM DÀI DÀI
Sau Merrill Lynch và Lehman Brothers, hai ngân hàng nghiệp vụ độc lập, nghĩa là không được ngân hàng thương mại yểm trợ, Morgan Stanley và Goldman Sachs bị tấn công và thời giá chứng khoán tuột dốc thê thảm. Mọi người đều tin rằng, sau khi hai ngân hàng nghiệp vụ này bị tiêu tùng, sẽ tới phiên các ngân hàng thương mại trở thành nạn nhân. Và nếu hệ thống ngân hàng Mỹ bùng nổ thì các ngân hàng khác trên khắp thế giới cũng sẽ sập tiệm theo. Một khi các thị trường tài chánh nổi điên và các nhà băng bùng nổ thì tất cả các động cơ tài trợ cho kinh tế sẽ bị liệt máy. Và nếu điều đó thực sự xảy ra thì sự tăng trưởng của toàn thể thế giới sẽ sụp đổ. So với tình trạng vô cùng bi thảm (Đông Dương!) này thì cuộc khủng hoảng năm 1929 và những năm kế tiếp chỉ là chuyện ruồi bu: nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ!
Chính quyền Mỹ bắt buộc phải xông ra trận tiền và ba mặt giáp công cùng một lúc. Trước hết, phải ngăn chặn việc tung bán ồ ạt các chứng khoán ngân hàng. Các chính quyền tiền tệ tại Mỹ và Anh, hai trung tâm tài chánh lớn nhứt thế giới, nhận thấy rằng một số tay đầu cơ mua các chứng khoán và đem bán lại trước khi nhận được chúng. Trong khi một số khác không cần phải mua vào mà đã bán ra, với hy vọng thu hồi lại chúng vào phút chót với giá thiệt thấp, khi các chứng khoán này được giao cho người mua! Ngày Thứ Sáu, chính quyền Mỹ và Anh ra lịnh cấm cả hai thể thức mua bán kỳ quặc này. Một sự ngăn cấm chuyển nhượng trở thành sự đóng cửa lại phần nào thị trường chứng khoán.
* ZORRO ĐÃ TỚI!
Trong lúc đó, vì tình trạng kinh hoàng vẫn kéo dài, các ngân hàng không còn muốn cho nhau vay những lượng tiền cần thiết để duy trì hoạt động cho hệ thống tài chánh nữa. Cũng như mọi lần trước, khi cơn khủng hoảng bắt đầu, Fed và các ngân hàng trung ương khác tuyên bố sẽ tung ra thị trường nhiều trăm tỉ đô để giúp đỡ các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tài trợ cho mình. Do đó, hệ thống ngân hàng Mỹ bắt đầu hoạt động bằng tiền của chính phủ – tức là tiền của dân chúng!
Sau hết, đối diện với tầm mức nghiêm trọng của sự kinh hoàng, Paulson đã lấy một quyết định triệt để: một kế hoạch thu mua lại hầu hết các chứng khoán tài chánh liên quan tới các tín dụng địa ốc “hư thúi” (tín dụng thuốc độc! Lấy tiền dân mua đồ thúi! Mua thuốc độc!), tức là chính phủ Mỹ sẽ tung 700 tỉ đô vào sòng bạc. Các tích sản “hư thúi” sẽ được mua với giá hạ, và sau đó đem ra bán lại lần hồi, khi các thị trường chứng khoán đã lắng dịu xuống. Khối tiền kếch xù 700 tỉ đô sẽ được tài trợ bởi những trái phiếu do Ngân Khố Mỹ phát hành và bán phần lớn cho các nước ngoài đang dự trữ tiền đô như Trung Quốc, Á Châu, Trung Đông... Vì vậy sẽ làm tăng thêm một khối lượng nợ công cộng tương đương cho nước Mỹ.
Các thị trường chứng khoán phản ứng tốt đẹp trước các biện pháp đó. Ngay ngày Thứ Sáu, thời giá tại các thị trường nầy tăng lên từ 8% đến 9%. Tối Chúa Nhật 21 tháng Chín, được biết hai xí nghiệp Morgan Stanley và Goldman Sachs từ bỏ thể chế ngân hàng nghiệp vụ của mình để trở thành ngân hàng thương mại thông thường: tức là giảm bớt đi trò chơi “cờ bạc” trên các thị trường và gia tăng hoạt động ngân hàng cổ điển của mình (nhận tiền gởi và cung cấp tín dụng), với những luật lệ ràng buộc khắt khe hơn liên quan tới thể chế mới. Cao điểm nóng của cơn khủng hoảng có vẻ đã qua rồi. Nhưng các thị trường vẫn hãy còn ốm yếu và lên cơn từng chập vào tuần lễ kế tiếp.

* NHƯNG 700 TỈ ĐÔ LÀ BAO NHIÊU?
Thiệt là khó mà tưởng tượng ra trong cái đầu trọc của mình cái khối lượng tiền khổng lồ đó. Bởi lẽ, bần tăng đi tụng mướn cả ngày, một đám ma được 1 đô, một đám giỗ được 1,5 đô, một đám cưới, sáng giá nhứt, được 2 đô. Tính nhẩm ra, tụng 24 giờ trên 24 giờ, tụng hết cả đời mình, rồi đầu thai tụng tiếp, hết kiếp này sang kiếp nọ (mệt không được nghỉ!) cho tới lúc thành chánh quả cũng chẳng thấm tháp gì tới con số 700 tỉ đô. Bần tăng bèn lấy bút mực ra tính rợ, dựa trên những giá trị khác, và đạt được những thành quả mỹ mãn như sau:
Với 700 tỉ đô, ta có thể:
· Đài thọ viện trợ nhân đạo cho tất cả thế giới trong vòng 10 năm, theo nhịp độ hiện nay (năm 2008).
· Bảo hiểm xã hội cho tất cả công dân Mỹ (khoảng 305 triệu) trong vòng 40 năm.
· Đài thọ 2 buổi trị liệu tâm lý mỗi tuần (với giá 100 đô một buổi) cho mỗi công dân Mỹ trong vòng một năm (Bush con và thần dân Mẽo còn chờ gì nữa mà không nổi điên?).
· Hoặc là trang bị một khẩu AK kalacknikov cho tất cả dân số địa cầu (6,5 tỉ), kể cả quý vị con nít để… đập lộn nhau cho u cái “đỉnh cao trí tuệ” (vì đã hết tiền mua đạn để bắn).
· Hoặc là lãng mạn hơn, cho xe limousine giao biếu tận nhà 5 đóa hồng đẹp nhứt thế giới cho tất cả đàn bà (bất luận trẻ già, đẹp xấu, mập ốm, lùn lé, vú lớn vú nhỏ) và tất cả đàn ông (kể cả những người mù, những đứa nghẹt mũi kinh niên, những thằng hăng đi cáp nặng trong đó có Bush con), trên khắp cái hành tinh xanh yêu dấu của chúng ta.
Le lói chưa? Nhưng nói chơi chớ không phải nói giỡn, cái “đỉnh trọc trí tuệ” của bần tăng sức mấy mà “tư zuy Mác Lê” ra được những ước tính ly kỳ như vậy. Đó là những ước lượng do tạp chí Vanity Fair ở bên Mẽo đưa ra. Rất đáng tin cậy… là cái chắc! Bây giờ bà con ta đã hình dung ra được trong cái “đỉnh cao của mình”, khối tiền 700 tỉ đô là cái gì chưa?

* RỒI SAO NỮA BẠN?
Trên đây là diễn tiến sự bùng nổ và khởi đầu của cuộc “Khủng hoảng Toàn cầu”. Nhưng vì lý do gì mà các tay đầu sỏ xí nghiệp tài chánh và các tên “hiệp sĩ chứng khoán” (traders, một loại “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”) chuyên đánh thuê chém mướn đã hành động hết sức phiêu lưu như vậy? Bọn đó đã tung vào sòng bạc tài chánh hàng chục triệu, hàng trăm tỉ đô với tiền của ai? Được thì chia chác ra sao? Những bonus , những primes hàng trăm triệu, hàng chục tỉ đô, ai hưởng? Nếu thua lỗ hay cụt vốn thì ai chịu? Những “chiếc dù mạ vàng, những golden parachutes là gì? Dành cho ai? Bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỉ đô? Ai đứng ra trả? Có đòi lại được không? Cuối cùng, những ai là thủ phạm gây ra cuộc Khủng hoảng Toàn cầu nầy?Bọn ma đầu đó có bị trừng trị không? Hay là sẽ được chánh phủ tặng thêm mỗi tên vài chục tỉ đô? Với tiền của ai? “Tiền của dân chúng, dĩ nhiên”, còn phải hỏi! “700 tỉ đô! Mại vô! Mại vô! Rẻ rồi! Rẻ rồi!”.
Sự Đời những bài kế tiếp sẽ đề cập các câu hỏi vừa nêu trên. “Muốn biết chuyện sau thế nào xin bà con đón xem hồi sau sẽ rõ!

No comments: