"...một lòng yêu người nồng nhiệt, và một sự can đảm lớn lao[1]..."
"...là một tình nhân trước khi là một người cầm bút [2]"
"...như ở trần mà như chơi vơi trong sương khói [3](!)…"
" thứ tình yêu... (...) pha trộn giữa yêu thương, đam mê, ham muốn và che chở "
"...;viết về những người đàn bà với một tấm lòng, một đam mê, và đằng sau đó là chiêm ngưỡng, là trân quý[4]"
"...ngùn ngụt dục tình[5]"...v....v..
Ðó là một phần những nhận xét của các nhà phê bình danh tiếng khi nói về một Kiệt Tấn văn xuôi, có người còn gọi anh là "hiện tượng văn học" . Vì Kiệt Tấn đã dám sống hết mình "dám viết tường tận và đẩy ngòi bút (...) vào những vùng cấm kị"[6] .
Bởi vì trong một số không nhỏ các truyện ngắn, anh nói về những cuộc (& làm) tình thời trai trẻ với cách diễn tả linh động, tỉ mỉ, giọng văn say đắm, nhắc nhở, kể lại những cảm giác những rung cảm tâm hồn và thể xác từ ...mưỡu đầu cho đến thực, rồi kết, thông qua tột đỉnh khoái lạc. Vẫn từng ấy say mê, ngần ấy động tác nhưng các... tứ tuyệt cũng như bát cổ của Kiệt Tấn với mỗi người tình đều tuyệt vời mới mẻ, khiến người đọc theo dõi đến cùng.
Các nhà phê bình cũng nhắc đến các khía cạnh tài ba khác trong văn xuôi Kiệt Tấn : giọng văn dí dỏm, cái "điên" Kiệt Tấn, tấm lòng yêu quê hương Kiệt Tấn, yêu mẹ, yêu phụ nữ ... Ða số độc giả, phê bình gia biết rằng Kiệt Tấn làm thơ trước khi viết văn, và tuy "văn ông đầy chất thơ"[7], nhưng hình như ít ai "xem" thơ Kiệt Tấn[8].
Kiệt Tấn cho biết "thèm" làm thơ như thèm viết văn xuôi, như thèm "yêu" và khai rằng Nguyễn Bính, Eluard, Prévert "là sư phụ". Cho nên, tôi đi tìm đọc thơ xem coi Kiệt Tấn cũng "có hết mình" với thơ không, đến mức nào. Và những bài thơ này cho chúng ta biết thêm gì về người văn xuôi ấy.
Hai tập thơ Kiệt Tấn: Ðiệp khúc tình yêu và trái phá[9] và Việt Nam Thương Khúc, ra đời cách nhau hơn ba mươi năm ở hai nơi khác nhau: 1966 tại Sài Gòn và 1999 tại Paris. (Và khoảng giữa là nhiều tập truyện ngắn, dài xuất bản ở Mỹ).
Tập thơ thứ nhất, Ðiệp khúc tình yêu và trái phá, gồm hai điệp khúc (andante cantabile và allegro con fuoco!) với hơn bốn mươi lăm bài thơ làm từ những năm 1961, 62 với phong cách hiện đại siêu thực thời bấy giờ: hầu hết đều không vần.
một bận hư vô có chửa hoang
sinh đôi một con thú hai chân và một con thú vô hình
Có bài thơ tự sự, có câu thơ văn xuôi, có câu vắt dòng, rất Tây phương và... tân hình thức bây giờ. Ðêm tối và mùa mưa là hai bối cảnh thường gặp.
Một đêm vũ trường buồn hiu hay "đêm đêm nằm tủi hổ một mình anh", một ngày nắng quạnh quẽ nơi bãi bể, một "hoàng hôn chở bóng tối về chật hồn anh" hay "nỗi buồn dài hơn sải tay":
(...)
một hoàng hôn đảo lẻ
một cửa sổ mở toang
một đám mây cúi đầu
Nhắc nhở gọi kêu thống thiết (những) người tình : Diane, L(ouise ?)
Diane và Diane bis!:
Diane
Diane diane diane
Tên em viết bằng năm chữ cái trên năm đầu ngón tay anh
(...)
Diane oi diane ơi !
Chúng mình xuyên qua đời nhau bằng mắt
Nhìn có ngấn lệ đoanh tròng...
(...)
anh gọi thầm L. ơi ! L. ơi ! anh thua buồn bỏ đi
(...)
ái ân bằng bàn tay trong ngực
nhóm lửa bằng anh trong em
...
Những bài thơ chứa nhiều bực bội, hoang mang, thụ động. Như lời buồn thánh của một thi nhân ướt mi khác lúc bấy giờ, Trịnh Công Sơn, trước khi lẫy lừng khắp nơi đôi năm sau với tiếng hát về số phận Việt Nam, một "người (thường) ngồi đó, như tượng đá "nghe mưa và nghe ngóng tâm trạng thê thiết của mình[10].”
Sài Gòn đem mưa và cô đơn cho Kiệt Tấn làm thơ :
(...)
vì tối nay trời mưa trời mưa rất lớn mưa
ướt cả phố phường mưa ướt cả bãi cỏ mưa
ướt cả sân mưa dột xuống nỗi lẻ loi của anh
(...)
anh gia nhập một đoàn hát vĩ đại
anh đóng vai trong một tấn tuồng vĩ đại mà
đoạn kết chưa viết xong.
Những bài thơ không vần, khô khan, rất ít vui tươi, màu sắc và động từ. Là những nghi vấn, bứt rứt, tâm sự giận dữ, một tâm hồn quẩn quanh cam chịu, nhưng ngôn từ siêu thực rất thời thượng, đó là những năm bắt đầu của (viết là đâm nổ mặt trời !) triết hiện sinh và thiền Sài Gòn (rất hậu Tây phương mà ngay bây giờ 2006, người ta đọc được đó đây ít nhiều bài thơ trẻ có cùng âm hưởng ấy, ở Việt Nam).
(...)
cầm vô vọng anh ném về vô vọng
(...)
anh thua buồn trên sợi chỉ thời gian
trên dây hiện tại anh là phường hát xiếc
(...)
phải rồi hãy nói đi em hãy nói những gì em
vừa nghĩ đến trong một thoáng hiện tại dù
sau đấy hiện tại biến đi nhanh hơn ánh sáng
(...)
....anh đánh cắp mặt trời trốn lên những vùng băng giá
mặt trời ru anh ngủ những mùa đông dài mississipi
mặt trời trụy thai mặt trời chết
Quả thật, những vần thơ không có gì phải ngại ngùng khi đứng bên cạnh các cô Ly Hoàng Ly hay Phan Huyền Thư vân vân...bây giờ!
...
Phía trước mặt là đêm
Không muốn đêm cũng thấy đêm
Không muốn đêm cũng có đêm
...
Tập thơ ra mắt năm 1966, khoảng ba năm sau khi tổng thống đệ nhất cộng hoà Ngô Ðình Diệm và em Ngô Ðình Nhu bị đảo chánh. Lòng xốn xang khi thấy bức ảnh trên báo (nhớ rằng mình đã hơn một lần hát chào cờ theo bạn rất láo lếu tô hủ tíu, tô hủ tíu muôn năm... và toàn dân VN nhớ ơn tô hủ tíu!) : hai người tay bị trói ra sau lưng, nằm chết cong queo trong một chiếc xe tăng. Người nhận và thi hành lệnh lịnh bắn là đại úy Nhung, về sau ông này cũng bị bắn chết. Những bài báo giật gân thật giả về cuộc đời bà Nhu trên báo, kéo dài khá lâu. Rồi lại đảo chánh, chỉnh lí, Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Plastic nổ giữa thành phố. Mô, hầm chông. Pháo kích, oanh kích. Bom B52. Napalm. Tổng công kích. Tổng động viên.
Ðó là những hình ảnh mơ hồ còn lại của khoảng thời gian thanh bình từ 1954 đến 1964-1965 trong trí nhớ trẻ thơ tôi dạo ấy. Khi nghe ông bà ngoại, cha mẹ kể chuyện "chạy giặc" (Pháp) quả tình là nghe chuyện cổ tích! Khoảng thời gian chuyển tiếp từ thanh bình qua chiến tranh (với Mĩ và miền Bắc) quá ngắn ngủi đối với tôi, cho nên lập tức từ sau năm 1967 là hãi hùng sấm chớp bàng hoàng đột ngột.
Thời đi học, bọn chúng tôi trai/gái học riêng (đệ tử trường mè dzỏng lô, nam nữ thọ thọ bất thân !), mỗi thứ hai trang nghiêm xếp hàng với cả trường chào quốc kì cờ vàng ba sọc đỏ, hát thiệt này công dân ơi đứng lên đáp lời... rồi ai bao năm vì đất nước quên thân mình... [11] ... là những ngày đẹp đẽ tuổi học trò tiểu học, vài năm đầu trung học, với những ngày hè nhẹ nhàng, vườn tược, vùng thơ ấu êm ấm và bạn bè với vô tư (thứ thiệt - chưa có thầy cô nào giải nghĩa hay tuyên truyền về "Ngô chí sĩ anh minh"!), thương ơi là thương, sung sướng ơi là sung sướng. Cả đám, cho đến năm đệ ngũ đệ tứ chỉ biết đi học và đi chơi! Rồi đến một hôm ...chấm dứt chương trình của ...: không còn thong thả đi học chẳng còn được long nhong tự do năm sáu đứa đi xi nê, leo xe đò đi chơi xa một chút. Ði học bây giờ bữa có bữa không, đi học nhờ trường khác, hết dám đi chơi loanh quanh đường phố Sài Gòn, hết dám lên Thủ Ðức hết dám về Lái Thiêu, hết dám qua Long Hải... Ðường đi nhiều chướng ngại và những trái tim bỗng ngơ ngác chết lặng.
Ðây là thời kì Phạm Duy với Kỉ vật cho em, và những bài tâm ca. Phong trào Du ca bắt đầu, với Nguyễn Ðức Quang, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phạm Quốc Bảo...
Kiệt Tấn cũng nổi giận với chiến tranh. Và bên cạnh (ngôn ngữ đầy ắp) chiến tranh là tư tưởng rất thiền rất ngộ đạo (Phật) :
và điệu twist bắt đầu trỗi dậy với ban thủy
quân lục chiến đệm nhạc khi tiểu liên trung liên đại liên các bin
(...)
Bàn tiệc của chúng ta
việt cộng xào mã tấu
plastic nhân thịt hoa kỳ
(...)
đêm rất đen
từng khẩu đại liên từng ổ trọng pháo
nã đạn như điên
chúng ta được gì
với thành phố này và quả lựu đạn nổ tung trong nhà hát đó
chúng ta được gì
(...)
chúng ta được gì
với thành phố này và con vật gì sì sụp trên lề đường đó
....với thành phố này và những gương mặt bự mỡ trong phòng lạnh đó
chúng ta được gì
với nền độc tài này và cuộc cách mạng đó
chúng ta được gì
với xác chết vận quần đùi đen này và thây ma mặc treillis đó
chúng ta được gì
với thành phố này
chúng ta được gì
với thành phố này
chúng ta được gì
với tiếng thở than nặn thành tai cho anh làm quen với tiếng gào xé ruột
với hai viên đạn đồng lấp vào lỗ mắt để anh chỉ nhìn thấy tử huyệt của con người
...
hãy lấy giây xích chiến xa này vận chuyển bộ máy nghĩ suy trong đầu óc anh rỉ sét
với quả lựu đạn này làm tim cho anh được
nổ tung nát bét khi nào anh đánh rớt quả tim anh
...
cho anh và em khỏi tạo thêm những đứa
con mệt mỏi trong cuộc chiến tranh nhàm chán hôm nay
(...)
khi cây cổ thụ chợt nhớ mình rong biển
khi con chim hải âu chợt hỏi bến bờ sắp tới
khi cơn sóng chợt hỏi trùng dương xao động làm chi
khi uống nước là cá
khi ăn quả là chim
khi nằm xuống là cây
khi vào cây là côn trùng
(...)
từ nguyên tử phân thân
chúng ta đều là nạn nhân
từ anh là anh
từ tôi là tôi
chúng ta đều là nạn nhân
Và những bài thơ kế tiếp, vô cùng văn xuôi và tự sự, rất Kiệt Tấn :
..."anh thèm chép cho em thơ nguyễn bính hay thơ thanh tâm tuyền để em đọc cho đỡ nhớ vào những giờ thành phố giới nghiêm và cũng có thể để mai kia mốt nọ em dỗ em quên đi động vật trong vòng tay em ôm ấp một ngày một tháng một năm hay khi mùa mưa ...",
với thành phố này và tổ chim mắc trên dây điện cao thế đó
(...)
Về hai thi nhân được Kiệt Tấn nhắc đến, khi đó, một người qua đời đã hơn 5 năm và người thứ hai sẽ bị tù đầy hàng chục năm khi Việt Nam thống nhất.
Nguyễn Bính làm thơ tại Hà Nội :
...Quê tôi đó, bạn ơi, là thế đó
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao, bỗng một ngày có đảng
Có bác Hồ làm sống lại quê hương!
Và Thanh Tâm Tuyền đôi năm sau, viết ở Sài Gòn :
...Hơn lúc nào, ta mong ta rớt xuống, rớt thẳng cẳng, rớt sung sướng mãn nguyện. Ta ngán trò đu quá trời. Bạn ta hiểu chứ? Ðêm nay ta muốn viết cho bạn về những sự tầm thường. Sự đến chán ngoét của mỗi ngày bâu bám như bụi trên đồ vật không khi nào lau chùi hết...(...) Bạn cứ tiếp tục thiền. Cơn say của ta đang tan. Ta có thể viết cho bạn bình tĩnh hơn một câu đại loại như sau: Ðã có một thời của hiện sinh do mấy anh du học Pháp, Bỉ về khua chiêng gióng trống thì nay đến một thời của Thiền do mấy anh du học Mỹ, Nhật về gióng trống khua chiêng. Nhưng cũng chẳng sao...(...) Ta bóc dần ta từng lớp vỏ (...) Ta bóc đến cùng kiệt, kiệt cùng. (...) Ðến đây ta tự nhận ta không còn làm trò hề (...) Biết đâu là kiệt cùng?
Thơ văn thành thị miền Nam lúc bấy giờ nói chung đã xa không khí âm hưởng thời tiền chiến (chiến với Pháp), tuy Mê Hồn Ca[12] là thi phẩm đầu tiên do nhà Khai Trí Sài Gòn in lại năm 1970, tuy Ðường Vào Tình Sử đã ra đời năm 1961 với nét vẽ của chính Ðinh Hùng, rất hiện đại ấn tượng và dã thú, siêu thực Pháp, nghĩa là một phong trào đã qua và bị bỏ quên, dù không ít người trước đó vô cùng rung động với những câu thơ hoang mang, kì hoặc[13] :
(...)
Mơ Hoàng thành dựng lại bản thanh âm
Mười ngón tay nhung
Mở cửa đế cầm
Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí!
(...)
Trên đường ta đi
Những đoá hoa nở mặt trời xích đạo
Những làn hương mang giông tố bình sa
(...)
Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những thuở xa xôi
Ta về đây lạ hết các ngươi rồi
Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống
Ðinh Hùng
Bốn câu cuối này vẫn làm tôi bâng khuâng, thấy chúng ít mơ hồ kì quặc hơn những bài thơ khác của Ðinh Hùng. Lí do khiến kẻ phàm phu bỏ trần tục theo khói thuốc phiện về cảnh tiên? hay tiếng thi nhân thảng thốt lúc bạn đồng hành lộ mặt stalinien?
Chúng ta đi vào lá hoa, tình sử
Hơi thở em hoà sương khói Ðường thi,
Anh đọc cho em những dòng cổ tự
Ai cập và Cổ La Hi
Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ
(...)
Thôi rồi, Sài Gòn đã qua mùa lãng mạn. Năm sau, Ðinh Hùng mất. Mang theo những tinh vân, khúc nhạc hồn Do Thái, nhân ngư, nhiệt đới, lác đác trong mê rụng tiếng đàn, hồn ai khóc rợn bốn dây oan. Bây giờ là tiếng thơ Kiệt Tấn lùng bùng trong lối cụt:
là mê cung trong suốt
là cơn lốc bất động
(...)
là chúng ta phủ nhận chúng ta
mọi lời nói chỉ có tác dụng làm tối nghĩa
và nỗi bất lực từ đó
đến heo chó gà vịt côn trùng cũng chết
trong trận giặc của chúng ta
Ở giữa vài bài thơ bình thường của con người bình thường đang hoang mang chìm trong tiếng chiến tranh và bài thơ trí thức với chữ nghĩa thời thượng, còn có những lời lẽ giản dị, gần gũi với Kiệt Tấn bây giờ. Và đôi câu tuy hiếm hoi đã hé mở một khôi hài Kiệt Tấn, cho dù là/nhất là trong thảm kịch:
và chiều chiều anh vác chày đá đến đập cửa động em
kêu đầy thung lũng
bớ em bớ em
hãy ra đây cùng anh tình tự
Hai bài trong số này được Kiệt Tấn chọn in lại trong Tuyển tập Kiệt Tấn do nhà Văn Mới xuất bản ở Mĩ vào năm 2004. Chắc hẳn đây là hai bài ông rất yêu hoặc ông nghĩ là tiêu biểu một thời thơ Kiệt Tấn.
Bài thứ nhất rất dài, một (bức) thư/thơ gởi bạn, giọng luyến tiếc, thiết tha, mang tựa Dòng sông và con thuyền hai mươi tuổi. Bức thư cũng là một truyện kể, nhắc nhở những mắt thấy tai nghe thời thơ ấu của đôi bạn nhỏ:
còn nhớ không Gia,
trong những đêm đen nào
lũ chó mực cất cổ tru thảm thiết bên những căn nhà trụi nóc
(...)
với chiếc cày lửa và mầm đạn đồng
gieo mạ xuống vườn tược chúng ta
(...)
những tầm vông vạt nhọn
(...)
còn nhớ không Gia?
tụi mình quá nhỏ để hiểu được cách mạng
bầu cử Việt Minh Quốc Dân đảng...
chỉ biết rằng cơm bắt đầu khô
nước mắm hẹp hòi và những khoanh thịt
bắt đầu thưa thớt trong bữa ăn
nhưng tụi mình thích thú vì không phải đi học
đó là thời kì cha anh chúng ta thì thầm
rất khuya bên ngọn đèn dầu
(...)
còn nhớ gì không Gia
những người mất đầu vì một quyển văn phạm ngoại ngữ
những người bị mổ bụng vì mặt biên áo trong có in ba mầu
(...)
còn nhớ gì không Gia?
những mảnh gỗ vụn được ghép thành ghe
...
những con tàu Noé hớt hải trên khắp các ngả sông
...
nhớ gì không Gia?
những lời nguyền thiêu trong lửa
những phản phúc mặc áo bưng biền
những Nguyễn Bình[14] những Tạ Thu Thâu[15] những Hoàng Thọ[16]
những người bị thủ tiêu trong rừng vắng
những người bị phục kích trên đường về
những người bị đánh cướp công lao
những người chết không bao giờ nhắm mắt
...
....
họ không có thì giờ để cắt cổ từng người
...
họ không có thì giờ đào những lỗ huyệt tập thể
những người bị bắt quỳ bên bờ sông
lưỡi phảng phạt xuống trúng tai trúng cổ trúng vai trúng lưng mặc kệ
phát chày vồ xáng lên đầu tức thì và chưn đạp tiễn họ xuống sông những đầu người còn trồi lên:
"Ð.m tụi bây, giết tao sao không giết cho thiệt chết?"
...
lũ tôm chực sẵn bên bờ sông
lũ tôm ăn thịt người
lũ người ăn thịt tôm-ăn-thịt-người
lũ người-ăn-thịt-người-ăn-thịt-tôm-ăn-thịt-người [17]
(...)
còn nhớ không Gia
(...)
mày nhớ gì không
(...)
mày còn nhớ gì nhớ gì
(...)
Gia ơi mày làm sao nhớ gì với viên đạn đồng ngủ quên trong tim ngực
(...)
mày kể lại cho giun dế nghe
(...)
chuyện con thuyền đứt neo
dật dờ trên dòng sông hai mươi tuổi
(...)
Ðây là lời nhắc nhở thiết tha (mà đôi lúc lạnh lùng kiểm điểm) từ/về những cái chết thời Pháp và thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) cũng nhiều oan khiên tức tửi, những cái chết sơ sinh, bào thai chưa ra đời, cái chết tóc xanh, đầu bạc, của con tin, gián điệp, kẻ phản bội, đệ tứ, đệ tam, kẻ nam, người nữ... Những người chết và những cách chết, kiểu chết, bị đập bằng chày vồ, bị mổ bụng, bị chặt đầu, bị giết bằng súng đạn, bằng bom, bằng mìn, chông, bằng dao cùn làm cá, bằng lưỡi phảng... trên sông, trong rừng vắng, dưới gầm cầu, nơi bờ mương... Cho đến cái chết (đột ngột) của người bạn tên Gia, trên dưới hai mươi năm sau. (Tên này sẽ là tên bạn của một nhân vật trong tập thơ sau.)
Những bi thương nhớ lại để chỉ kể cùng với cỏ cây câm nín và bưng tối đìu hiu của đêm hè
Không biết người Việt (và lớp trẻ sinh sau 1975) tưởng tượng ra sao và có (nhớ? tưởng tượng?) cảm nghĩ gì khi đọc bài này, riêng đối với tôi, những hình ảnh chiến tranh quá khứ hiện ra sấm chớp, nhắc nhở. Như thấy lại tất cả những chuỗi ngày xưa cũ, một thứ phim sống cô đọng và mộng mị hãi hùng. Như mộng mị vì biết rõ ràng rằng chuyện đã qua từ lâu lắm và nó chẳng còn có thể sờ chạm đến mình, dù những dư âm ghê sợ đớn đau vẫn còn sắc cạnh. Ai có nhớ gì không? Tôi nhớ đến một người bạn Pháp biết rõ lịch sử cận đại Việt Nam, một hôm, như nhà văn Ðài Loan Bá Dương đã phán ra một nhận xét nửa đùa, nửa nghiêm chỉnh: "dân Việt Nam chúng mày rất ác với nhau!" Biết rồi... khổ lắm... Ác với nhau vì giận dữ hận thù nhau? Tàn nhẫn vì quá (hành hạ nhau) đớn đau?
Nhà thơ Kiệt Tấn ngày ấy đã đau đớn, giận dữ ra sao? Chắc chắn Kiệt Tấn đã cảm, đã thấy được cái ác, cái tàn nhẫn đó! Không phải ác hay tàn nhẫn thì gọi là gì? Không ác sao lại tận tình giết nhau (bằng đủ cách, đủ cớ) như thế? Nhân loại, dân chúng trong cùng một đất nước ngoài Việt Nam có giết nhau tận tình và dài lâu như vậy không?
Bài thơ thứ hai tái bản năm 1994 là bài Biết bao giờ, mùa hè về, Kiệt Tấn trốn cô đơn và đau khổ, ray rức bằng những kỉ niệm thần tiên, những kỉ niệm ở bên kia địa ngục :
hãy nằm im
và đừng hỏi
tại sao
đừng hỏi tại sao
những con ruồi say nắng
rụng cánh
nằm chết
trên bàn tay ấm áp
của mùa hè
Tôi thấy lại giọng kể lể tự sự, tự nhiên nơi Dòng sông và con thuyền hai mươi tuổi trong tập thơ thứ hai, dưới góc nhìn khác, bình tĩnh hơn, toàn diện hơn, có lẽ vì Kiệt Tấn có khoảng cách xa hơn với lịch sử.
Khoảng cách cho thấy Kiệt Tấn chín mùi, đầy đủ, tự do (về tình cảm, chữ nghĩa, và về dục tình) ở các tập truyện ngắn và tròn trịa cổ điển, gần gũi với chính mình hơn ở tập thơ sau này. Thật vậy trong tập đầu, Kiệt Tấn trang nghiêm, đau khổ, phẫn uất như mọi thanh niên đau khổ vì chiến tranh lôi kéo ức hiếp vào thời ấy. Chắc chắn là họ đau khổ, dù những cách thức dấn (dâng[18]) mình vào cuộc (chiến) sống khác nhau. Ði Ðêm Màu Hồng hay Ngã Ba Chú Iá, lả lướt Tango hay cưỡi (đĩ) ngựa... đều khổ cả, chỉ cần đọc thơ Kiệt Tấn. Chỉ cần đọc lại sách, báo, văn chương thời ấy.
Chỉ cần đọc lại Nguyễn Thị Hoàng, Bóng người thiên thu, Tình yêu, địa ngục…
Xin đưa thí dụ một truyện ngắn[19] của bà mà phần mở đầu khiến độc giả (tôi) hơi bực mình vì một nhân vật nữ (yểu điệu, quý phái, cô nương công chúa Tàu v...v...đến sốt cả ruột!) đang bâng khuâng ngắm nghía kiểm điểm bàn tiệc trải khăn trắng muốt sang trọng (!?), rượu (chờ), li pha lê (đợi), đường sỏi & hoa cỏ rực rỡ (mong), người đẹp đẽ (đã sẵn sàng dâng hiến) thế mà chàng không chịu đến, nàng phải... kêu tài xế (xe hơi nhà, dĩ nhiên) chở vào trại (cấm) binh đòi (hỏi) sếp chàng thả chàng về; sếp ok chiều cô em họ, bẻ gãy lệnh cấm thế mà chàng (hào hùng, tiếp tục hát bài) không chịu! Nàng trở về mình ên, bực tức, đau khổ, giải thích vì sao nàng đi tìm chàng. Trên đường về, nườm nượp những đoàn xe đưa người ra nghĩa trang quân đội. Như chứng tỏ rằng nàng có lí khi dẹp tự ái qua một bên, đi tìm đến người yêu. Thì ra chiến tranh, chết chóc, lảng vảng, ám ảnh mọi ý nghĩ, đầu óc, chiếm ngự cả không gian, đời sống, thiên đường người đẹp quý phái này. Ðây là một truyện ngắn cảm động về chiến tranh. (Yểu điệu) thục nữ mà quân (nhân) tử chẳng hảo cầu, tự ái bị tổn thương quá sức nhưng chiến tranh và hậu quả kinh hoàng trước mắt, cho nên, dù nàng điệu đến chót đỉnh Hi Mã Lạp Sơn, cho nên dù nàng đi tìm chàng bằng trực thăng hay xe tăng chắc tôi cũng sẵn sàng cảm thông buông bỏ bực bội.
Trong một truyện ngắn khác cùng tác giả, tương tự, nhân vật nữ (lúc nào cũng) quý phái, trí thức (xuống máy bay, tay xách chai rượu, bỏ lại sau lưng "tiếng tốt" và "những chứng chỉ" (đại học - có lẽ vậy - chứ không phải chứng chỉ miễn dịch!) đi tìm người xưa, và cũng trên đường đi, gặp "những xe nhà binh" chở "những tràng hoa cườm và những quan tài đen đỏ". Chiến tranh vây quanh. Chiến tranh bao trùm, lấn lướt. Những chinh phụ chưa bao giờ được cưới cũng đáng thương như mọi người đàn bà trông chờ một người nơi mặt trận.
Chỉ cần xem Thơ say Vũ Hoàng Chương hay nghe ông chỉ nhìn mình nhân một chuyến đau ở Sài Gòn Sơ thu Tân Hợi:
Hàn phong mỗi thớ thịt vây quanh
Lửa bốc như thiêu bảy cửa thành
Mặt trái Thời gian hồn đảo ngược
Mơ hồ nghe tiếng liễu trong oanh
(...)
Mai Thảo ung dung Ðể tưởng nhớ mùi hương, Sống chỉ một lần, Hạnh phúc đến về đêm
Trùng Dương với Bầy kên kên
Ðúng rồi, mỗi người một cách, một phong cách, một phương cách để tự vệ, tự tồn trong hoàn cảnh nghiệt ngã.
Chỉ cần xem Lệ Hằng tuyệt vời với truyện ngắn Valentino
Và Nhã Ca với:
Tôi lớn lên bên này sông Hương
Con sông chẻ ra những vùng thương nhớ
Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
Mặt nước xanh, trong suốt tuổi thơ hồng
Chỉ cần xem Duyên Anh với Áo tiểu thư, Thằng Côn, Viên Linh với Cuối trời hôn mê, Nguyễn Ðình Toàn trong Áo mơ phai hay Giờ ra chơi
Tuý Hồng trong Mối thù rực rỡ . Nguyễn Xuân Hoàng trong Khu rừng hực lửa
Ðó là (nhiều) những ngoại lệ xác định thông lệ!
Nghĩa là phải đọc Nguyễn Bắc Sơn, Y Uyên và Tô Thuỳ Yên, ở một nơi chốn khác xa với thiếu phụ não nùng khăn trắng, li pha lê, xe hơi có tài xế nói trên:
... Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh
(...)
Và xem lại thời khoá biểu rất dễ thương của Ðức Phổ :
... anh chờ lại Sài Gòn
với bạn bè, thơ văn, sách báo
với những ngày lang thang
cơm bình dân, mì, bò kho, đầu đường xó chợ
rồi chui vào rạp Rex ngủ trưa
đợi chiều đi dạy giết thì giờ
...;bây giờ xem báo
anh lật trang chót trước
...
em yêu ơi!
Anh sẽ về dù gió, mưa, bão đạn
Dù hết tiền xe, dù nhảy rào, dù bị cạo trọc đầu
...
cho những cuộc hẹn hò còn tiếp nối
để dựng lại đời trong đổ vỡ chông chênh
và nguyện sẽ chẳng bao giờ xa Sài Gòn
như chẳng bao giờ anh xa em
Trong lúc đó: Hoàng Phủ Ngọc Tường chuẩn bị đi thẳng vào đường Trường Sơn (và thỉnh thoảng cho) Trịnh Công Sơn nghe "từng lời nói" của người về "từ bên kia núi" và thi sĩ Ngô Kha hoạt động nội thành bị (mật vụ, an ninh quốc gia?) giết, vất xác bên bờ ruộng!
Nhớ Hoàng Ngọc Hiển với Quê hương lưu đày. Nhớ Nhã Ca khẽ bước tới người thương
Như Nguyễn Bắc Sơn từ mặt trận về "chia sẻ mối sầu cùng gái điếm" như Ngô Thế Vinh là y sĩ trong/ngoài Vòng đai xanh.
Ðọc "tâm tình của một thanh niên hai mươi bốn tuổi" năm 1963 trước khi trở thành nhà văn Dương Kiền, luật sư biện hộ cho Nhất Linh. (Sau này, Dương Kiền nổi tiếng hơn nữa, với vở kịch Sân Khấu đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc 1968) với tình yêu, tình bạn và phản bội ; đảng (Cộng Sản đảng, Quốc Dân đảng) và kháng chiến, trong bối cảnh Hà Nội năm 1953...
Ngậm ngùi đọc lại những cố gắng của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu[20], khi họ nhắc đến kỉ niệm tản cư 1954, về thành, đến "anh em Ðệ Tam, Ðệ Tứ" trong những tác phẩm mới nhất lúc đó và Doãn Quốc Sỹ với Cò Ðùm như những linh cảm, cố gắng thành tâm trước cơn nguy sẽ tới. Nhưng chẳng có (mấy ai?) nhiều người nghe thấy và hiểu được những kinh nghiệm (chính trị?) của họ.
Ðể sau cùng trở lại đọc (kĩ) Kiệt Tấn với Ðiệp khúc tình yêu và trái phá ! Kiệt Tấn 26 tuổi.
Cái khổ của Kiệt Tấn bị che khuất trong giận dữ[21] và trong tuổi trẻ thiếu... kinh nghiệm về đau khổ (để được cảm thông?). Cho nên dù là thơ được đọc 40 năm về sau! Ðúng ra, độc giả có thể có cảm thông mà khó biểu đồng tình được, vì những chọn lựa dễ dãi của tác giả cho dù đọc/đặt thơ lại trong bối cảnh lịch sử ngày đó, năm 1966. Chính vì những chọn lựa dễ dãi này, về sau những người như Kiệt Tấn, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng... sẽ dễ bị chỉ trích bởi đôi bên kẻ thua cũng như người thắng. Nhưng ai là người đã chọn đúng con đường? Ai dám tự cho mình là đã hành động đúng nhất? Lựa chọn nào cũng chỉ dễ dàng một cách tương đối khi các yếu tố bên ngoài (như hoàn cảnh, sự tình cờ, may rủi...) đã góp phần quyết định không nhỏ? Phê phán, xét nét chuyện đã qua dễ ợt như trở bàn tay. Trong những người trực tiếp tạo nên thời cuộc - một cuộc biển dâu thê thảm (kinh thiên động địa!) - như thời vừa qua, nếu có ai dám quả quyết rằng đã biết trước kết cục (đời mình và đời bạn đồng hành sẽ đi về đâu), chắc chắn họ sẽ trở thành tỉ phú nếu mở tiệm coi bói vận mạng tương lai!
Thật tình mà nói, trong cuộc bể dâu ấy, tình hình tuy bắt đầu sôi động từ 1965, nhưng (người thành thị) cũng phải chờ đến hai năm sau chiến tranh mới leo đến cao điểm kinh hoàng là Tết Mậu Thân 1968. Với cường độ lên xuống ít nhiều (hội đàm, hiệp định Paris, ngưng bắn) để lần lượt leo đến những cao điểm khác, và theo đó bập bềnh đời sống và bấp bênh vận mệnh con người.
Bọn con nít chúng tôi, sinh trước hiệp định Genève đôi ba năm thì như nói ở trên, "tiu nghỉu, thất vọng" vì hết được "tung tăng" nhưng thế hệ lớn hơn tôi thuộc lứa tuổi biết "kháng chiến 9 năm là gì" trở lên - ít ra là một số ở thành phố, trong đó có Kiệt Tấn - là những thế hệ thanh niên có học thức, đang phơi phới bước vào đời sống và xã hội; sau một thời kì tương đối thờ ơ, không chú ý đến chính trị, họ dần dà mất đi hi vọng và lạc quan, dần dà có những suy tư xao xuyến vì họ nhìn thấy rõ ràng từng bước leo thang của tử thần và cỗ xe thảm kịch trầm trọng liên quan thiết thân đến họ, tuy chậm mà chắc, đang lừng lững tiến đến nuốt chửng họ. Mỗi người phản ứng hay thích ứng một cách. Và không thể nào có nhiều cách hơn.
Bạn trong lớp có một đứa mất tích (sau này mới biết nó là Việt Cộng nằm vùng, bị "Mĩ Thiệu" bắt giam ở Thủ Ðức)...
Tôi còn nhớ sau Tết Mậu Thân, bị nghỉ học vì trường bị trưng dụng chứa đồng bào tị nạn chiến tranh, bạn bè đến rủ tôi ghi tên cùng đi cứu trợ đồng bào, dọn dẹp nhà cửa bị cháy ở Chợ Lớn v...v...Ðó là lũ nhóc trung học chúng tôi. Còn các phong trào sinh viên, có rất nhiều sinh hoạt: ca đoàn, du ca, dân ca, thanh niên phụng sự xã hội, Phật tử, công giáo vân vân...
Nhưng rõ ràng là trước đó, hãy còn ít nhiều dư âm của gần 10 năm thanh bình kể từ sau hiệp định Genève.
Theo Ðặng Phong, trong "Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kì 1955-1975", NXB Khoa Học Xã Hội, khi so sánh hai miền Nam Bắc trong thời kì từ 1955 đến 1960, cho biết về kinh tế, nông nghiệp và công nghiệp, miền Nam phát triển rõ rệt trong thời kì này, và so sánh với vài nước trong vùng, có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đôi khi còn vượt hơn nữa "nhưng trong lĩnh vực văn hoá và y tế (...) miền Nam có một sự trì trệ và một khoảng cách khá xa so với miền Bắc. Thí dụ năm 1955, trong tổng số 1.288.000 người đi học ở miền Bắc mới có 1200 người học đại học. Ðến năm 1960, con số này đã là 16.700 trong tổng số 4.537.000 người đi học. Còn ở miền Nam, năm 1955, số người học đại học gấp đôi ở miền Bắc (2.400) tuy số người đi học ít hơn nhiều (714.000 người). Số người này càng ngày càng giảm , đến năm 1960 thì chỉ còn 576.000 được đi học, trong đó có 900 người học đại học…" Xa hơn một chút, Ðặng Phong viết "quân đội 223.000 năm 1960, 571.200 vào năm 1965" (Còn những con số về kinh tế, quân sự miền Bắc? Dù sao, với chính sách, cách tổ chức rập khuôn Tàu, nặng về tuyên truyền và giấu diếm, ngụy trang, có lẽ chúng ta khó thể tin được!?)
Ở miền Nam, theo các số liệu trên, hơn ba trăm ngàn thanh niên (bỏ học?) đi lính và không thêm ai thi đậu tú tài để vào đại học, kể cả đám con gái không bị bắt lính vào năm 1960!) đó là trì trệ và khoảng cách về văn hoá?
Tôi nghĩ có lẽ tác giả Ðặng Phong muốn nói: trì trệ văn hoá, và khoảng cách dài thêm giữa đôi bên chính là ở chỗ miền Nam không có chương trình giáo dục tuyên truyền và kích thích tinh thần chiến đấu và lòng căm thù đối phương, không có một cái gì "nhất trí", không có cái gì với một lãnh tụ, một đường lối duy nhất? Chẳng chịu học căm thù "thằng" địch?
Thật vậy, thuở đó, tôi còn nhớ, vào năm học lớp đệ thất, 1962, rồi đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ: ngoài màn buổi sáng (toàn trường) chào cờ (và một lớp) hát quốc ca như đã nhắc ở trên, khiến chúng tôi mất hai mươi phút, nửa giờ tối đa, toàn bộ thời gian chương trình học còn lại dành cho những môn toán, lí hoá, vạn vật, sử địa, công dân giáo dục (học những thứ vớ vẩn chẳng ích chi cho cuộc chiến tương lai: giữ vệ sinh - vệ sinh thân thể và nhà cửa, đường phố - tôn trọng luật đi đường, học nữ công gia chánh, thể dục, bổn phận công dân: tuân theo luật pháp, quyền bầu cử, phân chia tam quyền, tư pháp, lập pháp, hành pháp vân vân, những bài học rất sơ lược nhưng khá rõ ràng và còn để lại chút gì trong đầu tôi bây giờ), còn về chương trình Việt văn, thầy cô dạy chúng tôi và cũng như dạy tất cả trai gái cùng tuổi tác và thế hệ có đi học (trường Việt)[22] gồm có: văn chương bình dân, truyền khẩu, vua Lê Thánh Tôn và Hội Tao đàn, chữ quốc ngữ với giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Năm sau: Lý Bạch, Tô Ðông Pha..., thơ văn Lý Trần, Nguyễn Trãi với Bình Ngô Ðại Cáo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Kim Vân Kiều với Nguyễn Du, Bích Câu Kỳ Ngộ, Lục Vân Tiên và Nguyễn Ðình Chiểu. Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh..và Tự Lực Văn Ðoàn...
Chắc chắn các đàn anh trước đó niên khoá 1956 trở đi cho đến lớp đàn em tận tháng tư 1975, cũng đều học như thế ở bậc trung học chương trình Việt. Chúng tôi không hề biết một cách rõ ràng, khúc chiết lịch sử những nguyên nhân, hệ quả đã đưa đến cuộc chiến. Trong chương trình học đường tôi nhớ cũng không hề có giáo dục bắt buộc hay tuyên truyền tốt lành gì cho (phe ...ta trong) cuộc chiến tranh đang diễn ra[23].
Thì thử hỏi, khi chạm mặt với cái chết, với súng đạn, mô mìn, bom pháo, và... Việt cộng. Bối rối, lạc lõng, kinh hoàng, tuyệt vọng đến là chừng nào! Và xin nhắc lại: mỗi người phản ứng hay thích ứng một cách. Bản năng sinh tồn khiến mỗi người tự vệ một cách. Hoặc vô tình hay cố tình không nhìn thấy chiến tranh. Thích ứng ít nhiều với chiến tranh vì cuộc sống, vì tuổi thanh niên. Bất bình, phẫn nộ, nhưng có thể chối từ dấn thân vào bên này hoặc bên kia. Hoặc dấn thân kịch liệt hoặc cực chẳng đã bên này hoặc bên kia. Sau 1968 và 1973 là xen kẽ những khoảng thời gian vui mừng tin tưởng ở hoà bình hay chiến thắng sẽ đến.
Kiệt Tấn không thoát ra được vòng hệ luỵ ấy: được hoãn dịch hay động viên tại chỗ, Kiệt Tấn phải sống và tiếp tục cuộc hành trình: tốt nghiệp ngành kinh tế, làm chuyên viên rồi công chức khá cao cấp về kinh tế.
Trong cuộc sống, với nỗi bất lực của sinh vật bé con trước bộ máy chiến tranh khổng lồ, như bao nhiêu người nghệ sĩ khác, cái tình cảm bao la và lòng mẫn cảm to lớn trong con người Kiệt Tấn khiến ông nhanh chóng tìm quên trong rượu chè, bạn bè, chơi bời.
Những bài thơ hãy còn nét vụng về và tình cảm thời thượng. Có thể sẽ khó gây được cảm tình và thông cảm nơi những người dấn thân hơn và dĩ nhiên, càng khó hơn nơi kẻ chiến thắng!
Nhưng những tư tưởng, tâm sự phôi thai hoặc chỉ được nhắc sơ sài trong những bài thơ này sẽ lộ rõ, được anh phân tích, tỉ mỉ nhắc nhở mấy mươi năm về sau trong những tập truyện ngắn dài sau này.
Vài năm sau Ðiệp khúc tình yêu và trái phá, Kiệt Tấn sang Pháp, theo một chương trình tu nghiệp, và kẹt lại sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tác giả đành phải bỏ lại sau lưng tất cả những hình ảnh khốc liệt ấy. Khi đó, kí ức của chàng thanh niên ba mươi mấy tuổi chắc chắn còn đầy ắp những ngày tháng tuyệt vọng, bực bội và thành phố Sài Gòn với những bài hát Trịnh Công Sơn và tràn ngập thêm những lo âu, hoang mang mới: gia đình xa cách, cuộc mưu sinh nơi đất lạ. Tất cả đã nung nấu nuôi dưỡng mầm mống cho những tập truyện ngắn dài ra đời ở Pháp và Mỹ trong thập niên 80, và tập thơ thứ hai.
***
Kiệt Tấn bắt đầu sáng tác trường thi Việt Nam Thương Khúc - gồm 3100 câu - năm 1984, trong vòng ba tháng, ông viết được khoảng hơn hai ngàn bảy trăm câu rồi bỏ dở vì chán ngán, cho đến 1986 mới có hứng tiếp tục và chấm dứt 300 câu thơ cuối chỉ trong một đêm! Trong bài giới thiệu, nhà văn Nguyễn Văn Sâm không tiếc lời khen ngợi Việt Nam Thương Khúc.
Tập thơ vần điệu vô cùng này – và với vần điệu cổ điển thuần tuý Việt Nam nhất! - nối tiếp một truyền thống tưởng chừng như đã mất dấu hồi đầu thế kỉ 20. Tưởng chừng như nhà thơ, sau cơn giận dữ, sau cuộc bể dâu, sau những ngày ngao du sơn thuỷ, bỗng quyết định trở về mái nhà xưa, nhìn lại chốn cũ xác xơ bằng đôi mắt đã khô lệ, bằng tâm hồn chảy máu, sôi sục thương hờn nhưng bình tĩnh, kiểm điểm lại những mất còn, tan vỡ và từ tốn thay chiếc áo "bành tô" giang hồ bằng chiếc áo dài the thâm/bà ba vải ta thô mềm, ngồi xuống trước bàn hương án của cụ ngoại, viết lại những vui buồn đau thương thù hận tang tóc diễn tiến nơi quê hương trong gần một thế kỉ, một cách nói lên "nhịp đập hồn nhiên của con tim trong mỗi người Việt chúng ta" và cái "rung cảm phù sa" trong mạch máu của chính mình. Nối lại một thân tình nào đó, tưởng đã bị thời gian và lịch sử bôi xoá. Dù chủ ý tác giả chỉ là "cống hiến mấy vần thơ".[24]
Thật vậy sau Ðoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Lục Vân Tiên, chưa có một trường thi nào với độ dài đáng kể và với đề tài chiến tranh như thế.
Những người cuối cùng sử dụng lối lục bát cổ điển và nhất là song thất lục bát trong các công trình thật dài hơi[25] đã qua đời cách đây hơn 50, 60 năm, trong đó phải kể đến Phan Bội Châu Phan Chu Trinh, với những lời lẽ thiết tha hùng hồn trong Hải ngoại huyết thư nhắn nhủ đồng bào quốc dân, vực dậy cả một thế hệ thanh niên.
Lời huyết lệ gửi về trong nước
(...)
Nhác trông phong cảnh năm châu
Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ
(...)
Ðem nhời này khuyên nhủ cùng nhau
Nước ta mất bởi vì đâu?
Tôi xin kể hết mấy điều tệ nhân:
Một là vua sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai
(...)
Vì đâu dân nước khốn cùng
Hỏi ai sướng miệng cam lòng hay chưa?
...
Phan Châu Trinh trong Tịnh quốc hồn ca:
Ngồi mà nghĩ con Hồng cháu Lạc
Trước vẻ vang rân rác là bao
Nam lấy Chiêm, Bắc cự Tàu
Cao Miên, Làốt thâu vào một tay
Nguyễn Thượng Hiền trong Hợp quần doanh sinh thuyết:
Nước Nam ta nào có kém ai
Bốn nghìn dặm đất giăng dài
Kiệt Tấn không tỏ giải cùng người quốc dân hay Ðem nhời này khuyên nhủ cùng nhau mà chỉ nhỏ nhẹ cho biết hoàn cảnh, thời gian, cõi viết
Thân đất khách một mình xui nhớ
Hương đêm dần dần nở khúc thương
(...)
Ba sông một mẹ đau thương ngút trời
(...)
Ba đời gươm súng thê lương
Việt Nam Thương Khúc bắt đầu từ năm 1920 lúc nước ta hãy còn bị Pháp đô hộ cho đến cuộc chia cắt Bắc Nam, rồi chiến tranh Nam-Bắc-Mĩ qua đến chiến thắng của miền Bắc với cuộc thống nhất gây ra đợt di cư thứ hai, trong những hoàn cảnh đau thương và kết thúc vào 1985/1986, lúc những cuộc vượt biển trở nên hiếm hoi vì thế giới không còn muốn cứu vớt thuyền nhân nước Việt.
Trong bối cảnh lịch sử đó, Kiệt Tấn kể lại một cuộc đời nông dân miền Nam rất tiêu biểu và vô cùng thăng trầm theo vận nước từ đầu thế kỉ 20: hai vợ chồng tá điền trẻ vùng quê Bạc Liêu (độc giả có thể thay Bạc Liêu bằng Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Ðéc vân vân) bỏ quê cha mồ mả tổ tiên, bỏ ruộng thuê, bỏ công việc cày cấy khổ nhọc, ra thành phố sinh sống với hi vọng đời con mình sẽ khá hơn.
Ra ngoài thành thị, người nông dân trẻ được giúp đỡ tá túc, sau đó học nghề trở thành thợ mộc. Cuộc sống nhờ ý chí tự lập và "nhất nghệ tinh" ấy, vừa trở nên khả quan hơn thì xảy ra chiến tranh khắp nơi (đệ nhị thế chiến / chống Pháp). Thế chiến chấm dứt, đem cơ hội giành độc lập cho Việt Nam và bắt đầu nội chiến.
Ðộc lập không đúng nghĩa vì kèm theo cuộc phân chia Nam Bắc và chiến tranh tiếp tục dữ dội tàn nhẫn ít lâu sau đó, kéo dài thêm đủ một thế hệ thanh niên hai mươi năm. Thế nhưng thanh bình tới, cũng tàn nhẫn, gây chia lìa tang tóc không kém. Tất cả phần tử trong gia đình người nông dân ấy, dĩ nhiên cũng sống được những khoảnh khắc hạnh phúc khi mới biết yêu hay buồn bã thất tình qua bi kịch riêng tư, nhưng phần lớn cuộc đời bị cuốn vào cơn giông lịch sử, gia đình tan rồi họp, họp rồi tan, có kẻ bị hãm hiếp, chết trong cuộc kháng chiến, có người tàn tật qua cuộc nội chiến, và khi đất nước thống nhất, con cháu họ bị cướp nhà, bị tù tội, phải vượt biên, tha phương để lại khiến gia đình một lần nữa khóc cảnh chết chóc, chia lìa.
Nhiều người "chánh gốc Nam Kì quốc" thường thường bậc trung có thể nhận ra bóng hình mẹ cha, ông bà mình hay bà con thân cận trong gia đình "bác Tám thợ mộc" này.
Sau đây là những câu thơ trích, ghi lại những biến cố chính xảy ra trong mấy mươi năm dâu biển :
Vừa sinh con đầu lòng, người đàn ông trẻ quyết định bỏ ruộng (thuê) trốn ra chợ, mong con mình có một tương lai đẹp đẽ và sung sướng hơn
Lớn lên cố gắng con ơi
Ðừng như ba má mõn đời cấy công
(...)
Chí đã quyết bôn đào điền chủ
Lời giải phân khuyến dụ thê nhi
Nửa đêm xuồng nhỏ ra đi
Lìa nơi cắt rún phân li xé lòng
(...)
Cho đến khi "đã lâu nương náu luỵ phiền
giờ đây đủ cánh thân liền tự bay"
..."thôi thì lạy thánh Lỗ Bang
Vái rồi xin Tổ lên đàng lập thân"
Một cuộc đời rất tiêu biểu cho một số đông dân thành phố miền Nam gốc vườn. Nơi đất lành chim đậu ấy :
Áo Hậu Giang rạt rào lúa sữa
Bụng phù sa đầy bữa cơm no
(...)
Câu vọng cổ đêm tàn ray rức
Ðiệu xàng xê thao thức chờ mong
Trăng chinh phụ nhớ thương chồng
Vàng con nguyệt cũ sương hồng giấc xưa
(...)
Lời cục mịch tiếng cười chân thật
Láng giềng gần cô bác gạ quen
(...)
nhưng khung cảnh thanh bình này không đáng kể bởi vì "Ðời Pháp thuộc trăm phần áp bức":
(...)
Rợ Tây, lính kín cặp rằng
Súng đe roi đánh vết hằn dân đen
Hình ảnh ước lệ và bình dân, đơn giản hoá: người dân phải chịu sưu thuế, làm việc cực khổ mà hễ rục rịch chống đối là:
(...)
Hé răng Bà Rá lao tù
Côn Nôn Phú Quốc ôm thù rục xương
Nhưng khắp nơi đều có chống đối khiến thực dân bố ráp đêm ngày, nhất là sau khi Việt Nam Quốc Dân Ðảng khởi nghĩa và Nguyễn Thái Học bị Pháp xử tử.
Xảy thế giới trùng trùng dậy lửa
Khắp địa cầu chìm giữa máu tanh
Mỹ Nga Ðức Nhựt Ý Anh
Phân làm hai khối chiến tranh rợp trời
(...)
Cuộc "thổ" dậy: người Cao Miên đánh giết người Việt:
Cáp duồn hô cổ Việt chém phăng
Khờ Me trở mặt hung hăng
Trà Vinh thây rụng Sóc Trăng rơi đầu
Khi Nhật đảo chính Pháp tại Ðông Dương, các đảng phái mới cũ thừa cơ vùng dậy: Việt Minh, Quốc Dân Ðại Việt v..v.. cuộc kháng chiến chống Pháp mở đầu:
Nào những lúc ngăn dòng nước địch
Rơm tẩm xăng xạ kích tàu Tây
Dừa leo khư súng một tay
Bắn lui thuyền chiến xua loài nhiễu nhương
Người con lớn tên Quang lên đường... vô bưng kháng chiến và gặp gỡ người yêu. Sau đó đôi nhân tình Quang – Lan lạc nhau.
Men tình ái luyến chàng trai trẻ
Bận đầu tiên lòng khẽ hỏi lòng
Phải chăng tình núi duyên sông
Thì thanh bình lại tin hồng gửi nhau
Về sau, tình cờ Quang gặp Dung, một cô bạn từng đi chung kháng chiến với Quang và Lan. Dung còn giữ kỉ vật của Lan: lọn tóc gửi Quang và... một đứa con gái lai Pháp. Thì ra Lan sau khi chia tay Quang, lưu lạc, lấy chồng Pháp, bị kháng chiến (Dung!) trừng phạt tội phản bội này. Dung sau này mới thú thật là thi hành lệnh đảng, giết bạn và nuôi con bạn! Một số phận thê thảm khác dành cho cô gái đẹp đẽ em Quang: Duyên, bị một tên lính kín vu oan bắt nhốt và đem dâng cho Tây. Bị hãm hiếp, Duyên bỏ gia đình trốn đi và ít lâu sau đó trở lại ôm lựu đạn xông đến giết kẻ đã hại mình đồng thời tự sát luôn. Ðây là (một phần) tâm sự Quang khi mất dấu người yêu:
(...)
Khi trở lại biết là gặp lại
Hay còn chăng quan tái sâm thương
Gan sắt đá dạ can cường
Mà sao lòng luống đoạn trường đòi cơn
(...)
Khi trận chiến chưa tàn
Gào cơm trẻ khóc thiết tha (?!)
Em trễ hẹn ta trông mút mắt
Một ngày không thấy mặt ngẩn ngơ
Hỏi Cầu Lộ đường tình ta tiễn
Hỏi Ngã Ba én liệng phố cao
Hỏi Thiềng Ðức hỏi Cầu Tàu
Hỏi đêm Cái Cá đêm nào dấu em
Vào thời loạn, chia tay nhau một lần đôi khi cũng là vĩnh biệt.
Hỏi phượng vĩ trưa rèm bông đỏ
Hỏi cau khuya bóng nhỏ đường trăng
(...)
Quên chăng mắt ngọt môi mời
Quên rồi dạ lý đêm ngời tóc thơm
Quên rồi chắc mùi thơm vườn cũ
Quên ruộng dưa quyến rũ dưa leo
Quên chăng cầu nhỏ ao bèo
Quên trăng chênh khuyết áo nhèo giọt thu
Hai người em kế Quang cũng bị cuốn vào cơn lốc thời cuộc.
Kiệt Tấn vẽ lại thật rõ ràng không khí lãng mạn thời gian đầu kháng chiến với những bài hát quen thuộc với nhiều người nói chung, những tác phẩm còn lưu truyền cho đến 60 năm sau của Văn Cao, Ðặng Thế Phong, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước... thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm... thời bấy giờ khiến nức lòng thanh niên cho dù gặp những khó khăn nguy hiểm.
Và khi đó tình hình thay đổi rất nhanh chóng: Ngoài Bắc, quân Pháp - Việt đánh nhau ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Ðau thương thành phố: Nhật bắt trồng đay thay vì lúa, gây ra trận đói kinh hoàng năm 1945:
Triệu dân chết da xanh bụng rỗng
Ðịa sông Hồng bãi rộng tha ma
Trong Nam, Hoà Hảo, Cao Ðài, đội quân Năm Lửa, Ba Cụt, Bảy Viễn, yêng hùng nhiều cõi, loạn lạc khắp nơi. Một trong những lí do khiến người kháng chiến bỏ về thành phố là cái chết Nguyễn Bình. Người chỉ huy Quanng tuyên bố tan hàng, cho quân kháng chiến tự lựa chọn đường đi. Quang bỏ kháng chiến về thành.
Sau khi bại trận ở Ðiện Biên Phủ, Pháp phải rút quân, rồi chia cắt nước Việt Bắc Nam nơi vĩ tuyến 17. Dân chúng, cán bộ, quân kháng chiến... tập kết ra Bắc, tản cư vào Nam. Bắc trở thành nước cộng sản dân chủ cộng hoà. Nam, "thành trì" tư bản cộng hoà!
Ðệ nhất cộng hoà tổng thống Ngô đình Diệm tảo trừ phiến loạn Bình Xuyên, Rừng Sác. Nước được thanh bình khoảng 9, 10 năm. Ðó là khoảng thời gian của Chuyến đò vĩ tuyến, Khúc nhạc đồng quê, Duyên thề, Mùa thu quyến rũ, Dư âm, Suối mơ, Sơn nữ ca, Buồn tàn thu... được phổ biến rộng rãi, những bài hát cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn còn hát và còn nghe ở hải ngoại! Như những mảnh đời, những kỉ niệm khó quên của nhiều người.
Trở lại các nhân vật Thương khúc, số mệnh họ gắn liền với miền Nam:
Linh em trai Quang, có người yêu Liên quê Sa Ðéc. Một hôm Linh tiễn nàng về quê ăn Tết và không bao giờ gặp lại, thì ra nàng phải... sang ngang.
Bỗng ân ái mặn mà đứt phựt
Bỗng non tình sa vực sẩy hang
(...)
Hận ai kia bóp chết tình nhau
Hận ai bến mới duyên vào
Hận ai ôm ấp mận đào giờ đây
(...)
Nửa phù dung nửa sớm nửa trưa
Nửa tim nhói nửa hơi thừa
Nửa đời ta đó em bừa xéo đi
Thất tình, đau khổ, Linh tình nguyện vào trường Võ bị Ðà Lạt. Và tại thành phố
Xứ hoa ngàn tía rộn ràng
Kim hương đua cúc mai lan chen hồng
này chàng gặp duyên mới: Tuyết, một cô gái gốc Hà Nội, mẹ mất vì buồn con trai cả tử trận, rồi cha bị đấu tố chết lúc cộng sản tiếp thu Hà Nội. Tuyết vào Nam với dì, lạc dấu người em trai tên Trung. Thế là cuộc tình nẩy nở, lần này Linh cưới được người mình yêu. Ðể rồi kẻ phải ra trận, người về hậu phương sinh sống. Lúc bấy giờ Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời "Trận bày trận thiệt Mặt làm bình phong"
Xua binh giáp tấn công Trảng Sụp
Ấp Bắc kia phô sức điều binh
Chung quy chỉ tội dân tình
Ngày Quốc đêm Cộng thân hình xẻ đôi
Ấp Bắc, Trảng Sụp: địa danh những trận đánh lớn đầu tiên ở các tỉnh lớn lân cận. Nơi thủ đô Sài Gòn bây giờ tình hình chính trị sôi động, gia đình ông Diệm làm mất lòng dân vì chính sách đàn áp Phật giáo (cấm treo cờ, cấm biểu tình...).
Sau khi đảo chánh, các tướng lãnh liên miên tranh quyền, lật đổ nhau... cho đến khi hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lên nắm chính quyền:
Thời cơ chớp tức thì quân cộng
Vết dầu loang mở rộng chiến khu
Ðồng Xoài Bình Giã âm u
Mùa mưa chiến dịch mịt mù máu xương
Thế là quân Mĩ đổ bộ vào. Có quân sư Mĩ tin tưởng rằng chỉ vài tháng là bình định được nhưng chiến trận càng lúc càng quyết liệt, người Mĩ phải kêu gọi đồng minh "thế giới tự do" giúp sức. Tân Tây Lan, Nam Hàn, Úc, Thái... đổ người đổ quân vào. Như thêm dầu vào lửa.
Mĩ phải dội bom miền Bắc. Tất cả vẫn lại là chế thêm xăng vào lửa. Thế giới yêu hoà bình kêu gọi ngưng chiến. Bắt đầu có những khoảnh khắc ngưng chiến... có tính cách chiến lược, chiến thuật. Năm 1968, Mặt Trận tuyên bố "hưu chiến cho đồng bào ăn Tết" nhưng đúng đêm giao thừa và mồng 1, quân lính MT và quân Hà Nội mở cuộc tổng tấn công khắp mọi thành phố lớn và Sài Gòn. Họ chiếm được vài nơi quan trọng hoặc có tính cách tiêu biểu, cố thủ vài ngày rồi bị đánh bật ra. Ở Huế[26], họ chiếm được lâu nhất (26 ngày) nên xảy ra nhiều vụ thanh trừng đẫm máu: hơn hai ngàn người gồm thường dân, công chức cao cấp, trí thức, sĩ quan... bị "cách mạng và nhân dân" xử tử tàn nhẫn, chôn chung trong nhiều hố hầm đào vội[27].
Xuân lửa máu mịt mù đất nước
Tết Mậu Thân ai được ai thua
Dân Nam ngọn cỏ gió đùa
Chết bao nhiêu chết cho vừa chiến tranh
Nhưng cuộc sống bao giờ cũng lấn lướt đau thương chết chóc, chỉ ít lâu sau:
Nền kia lại đắp lại đào
Nhà kia lại cất xây cầu nối sông
(...)
Sài Gòn lại Sài Gòn như trước
Hè Tự Do rộn bước giai nhân
(...)
Khánh Hội cũng chen phần góp tiếng
Nọ Tư Sanh nhiều miếng ăn ngon
Lươn um đùi ếch chiên dòn
Lòng xào khoái khẩu lưỡi mòn cá chưng
(...)
Hè Lê Lợi treo đầy vải vóc
Sách bán sôn bày dọc lề đi
Viễn Ðông nước mía nhâm nhi
Thanh Xuân hủ tiếu ganh mì Gia Long
Chợ Vườn Chuối hẻm đông bánh cuốn
(...)
Chiến trận cũng không ngừng leo thang cho đến lúc... Mĩ thấm mệt, vì dân Mĩ đòi con về nhà, vì phong trào đòi hoà bình lúc càng lớn mạnh ở tại Mĩ và tại thế giới... Cuộc thương thuyết bắt đầu: hội đàm Paris kí kết đầu năm 1973. Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Linh, một hôm nhận được tin nhà và tin buồn một người bạn chết trận, ra quán rượu tìm quên:
Này ly đời rụng A Sao
Này ly cạn giọt máu đào Gia ơi
Này ly rơi hỏa châu đèo Mụ
Này ly soi phi vụ Tây Nguyên
Này ly đêm hét quân truyền
Này ly cạn chén tình Liên rót đầy
Diễn tiến tình hình các mặt trận theo thời gian
Bảy Hai ba tuyến Cộng đe
Tây Nguyên Thiên Trị Cục Rờ Bình Long
Sư đoàn Năm Suối Thôn Xa Cát
Biệt Ðộng Quân Bàu Mét cầm chân
Giải áp lực Sư Ðoàn Hai Mốt
Lữ Ðoàn Dù Bàu Hót thốc vô
Ngàn đạn pháo đêm từng đêm nã
An Lộc dân thịt tả xuơng tơi
Thiết Ðoàn Trinh Sát tiểu trừ Suối Tre
Ðiền Quản Lợi Lai Khê đóng chốt
Hè Xuân ba đợt tưng bừng
Bình Long tử thủ Nhựt Hưng gan lì
Chiến xa Mê Thuột tấn công
Thiệu ra lệnh rút trú phòng Pleiku
Không đầy tháng miền Trung mất trọn
Mới xua quân nuốt gọn Tây Nguyên
Thời cơ Trà Dũng chớp liền
Tấn công năm mặt đội truyền xấn Nam
Tướng Minh Ðảo chận ngang Xuân Lộc
Quân tướng Khôi dàn dọc Tây Ninh
Vẫy vùng một trận hồn kinh
Cuối đường tuyệt vọng xả mình đột xông
Thời lai đổ điếu thành công dị
Vấn khứ anh hùng ẩm hận đa!
Hỡi ơi một cõi sơn hà
Lọt tay cộng sản hận lòa sử xanh
Chí Minh giải phóng đường mòn
Dép râu nón cối Sài Gòn từ đây
Nhắc lại lịch sử bộ đội vào Hà Nội năm 1954, tác giả viết:
Tay trong tay bộ đội vô thành
Sao vàng cờ đỏ phục xanh
Dép râu nón cối Hà Thành từ đây
Thanh bình thống nhất năm 1975, kẻ chiến thắng lo thu góp chiến lợi phẩm và trả thù người thua trận. Ðể có danh chính ngôn thuận cho chuyện độc quyền lãnh đạo đất nước, chuyện cướp của, lấy nhà, hành hạ và bạc đãi con em nguỵ quân nguỵ quyền, họ kể lể công trạng suốt ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm nọ, bắt dân miền Nam học tập lịch sử... Chưa kể đến những chuyện quan trọng hơn: dẹp bỏ Mặt Trận giải phóng, loại trừ những thành phần tỏ ý độc lập hoặc chống đối để đảng tiếp tục lãnh đạo vận mệnh đất nước và con người Việt Nam:
Vừa chiếm đất cộng bày quản lý
Mọi thành phần đăng ký tỉnh quê
Nhân dân tài sản kiểm kê
Lăm le tính cách toan bề tịch thu
Bao năm rút chiến khu nhồi sọ
Rằng dân Nam đói khó gạo khan
Tỉnh ra bộ đội hoang mang
Miền Nam sung túc ngỡ ngàng cán quân
Bọn đầu sỏ tưng bừng giành giựt
Dinh thự cao rõ mực nguy nga
nhạc vàng gái đẹp Hông-đa
(...)
Dưới trên quỷ kế mưu tà cướp dân
Gỡ máy móc chở phăng về Bắc
Bọn cán già lộ mặt xuẩn ngu
Vùng kinh-tế-mới lập khu
Ðày dân chỗ chết hả thù dạ tham
Kết tội ngụy bắt giam tẩy não
Trại giết người cải tạo danh xưng
(...)
Thọ Phát Bình nghỉ mát bộ tam
Thủ tiêu Mặt Trận Miền Nam
Hết xôi rồi việc mặt nhàm rã tan
Óc lạc hậu tập đoàn ma giáo
Ách ngu dân lãnh đạo già nua
Vành ngoài sản xuất thi đua
Vành trong vơ vét không chừa món chi
Ðốt sách vở hủy di sản cũ
Hốt văn nhân tống rũ đề lao
(...)
Chương trình đốt sách, giam sĩ quan, trí thức tăng nhân của người chiến thắng sau 30 tháng tư 1975 được tác giả ghi lại qua so sánh với hành động Tần Thuỷ Hoàng thời cổ xưa:
Rập khuôn bạo chúa thuở nào
Thủy Hoàng thiêu tự sĩ hào chôn tươi
Cán bộ Bắc nhổm người háo hức
Vọng miền Nam hậm hực tranh nhau
(...)
Câu đầu lưỡi huyên thiên Bác Ðảng
Những nhân dân cách mạng ơn cao
Ðánh cho Mỹ cút Ngụy nhào
Tự-Do-Ðộc-Lập chi nào quý hơn
(...)
Biến đất Việt nhà tù vĩ đại
Khắp nơi nơi dựng trại tập trung
Học tập cải tạo tàn hung
Quân nhân công chức trị trừng tội xưa
(...)
Tham nhũng gấp muôn ngàn hơn trước
Cán tống tiền kẻ vượt biên cương
(...)
Xưa nay sử Việt chưa từng
Nạn dân bỏ nước ùn ùn ra đi
(...)
Ngày đêm bắt tường trình tự thú
Tội bà con bác chú kê khai
Vạch ba đời chẳng sót ai
(...)
Tinh thần khủng bố đọa đày xác thân
(...)
Cộng quản lý tiêu điều kinh tế
Dân miền Nam sưu thuế oằn vai
Tiểu thương vội trả môn bài
Ép vô tổ hợp mệt nhoài đói meo
(...)
Dân tập kếp sững sờ sáng mắt
Bắc Cộng tham quá quắt xuẩn ngu
Cán Nam bất mãn thâm thù
Cự đương xô xát đi tù thì đi
Mặt nạ rớt hay gì cõng rắn
Sài Gòn nay trĩu nặng danh Hồ
Bao năm Hà Nội xác xơ
Kéo lùi lạc hậu bây giờ toàn dân
Cuộc chiến với Kampuchia và Trung Hoa lục địa, hai anh em cùng màu cờ đỏ xhcn, bằng hữu tay chân răng môi khắng khít từ trước đến nay: bỗng một ngày răng cắn môi cắn lưỡi, tay chặt tay chặt chân: thêm hàng trăm ngàn người chết. Với Tàu hơn một tỉ dân thì hàng trăm nghìn người chết chả thấm thía vào đâu... Bây giờ họ sinh sôi và xây dựng hàng trăm lần hơn ta!
Cộng Hoa Cộng Việt trận dàn biên cương
Việt Nam lại thê lương lửa khói
(...)
Ngạc nhiên nhất là những đoạn thơ kinh sau đây, Kiệt Tấn ngâm tụng nhuần nhuyễn và với lòng thành:
Nam mô Sư Bổn Mâu Ni
Nam mô Phật bảo tì thi xá phù
Nguyện tinh tiến tiêu trừ ác nghiệp
Niệm Di Ðà dẫn tiếp chúng sanh
Nam mô Vô Lượng âm thanh
Nam mô đẳng Phật thượng hành hạ phương
Thụ trì giới che thân ba áo
Dứt muội mê điên đảo sát na
Nam mô ư bát la hoa
Nam mô tịnh độ Di Ðà Thế Tôn
Phát nguyện cửa thiền môn sám hối
Chánh quả xua ác tội dứt duyên
Nam mô tôn giả Mục Liên
Nam mô hải đức bạc chiên hương đàn
Vầng minh nguyệt đánh tan sương móc
Ðại từ bi vung gốc thiện căn
Nam mô nhất kiến danh vang
Nam mô biệt Phật vô phân đàn trầm
Bồ Ðề niệm Thế Âm Bồ Tát
Chính kiến sinh cực lạc mười phương
Nam mô hải tuệ thông vương
Nam mô phổ tán Kim Cương tạng từ
Văn Thù Sư Lợi ý kinh Phật truyền
Dòng Bồ Tát định thiền bát nhã
Nghiệp chướng sanh thọ giả phàm phu
Nam mô Bồ Tát Văn Thù
Khắc hàng lục tặc giải trừ nghiệp căn
(...)
Thương Khúc chấm dứt như sau:
Ðảo điên sông núi ba miền
Việt Nam Thương Khúc sử truyền thiên thu
3100 câu thơ cho hơn bốn mươi năm đời người qua ba thế hệ "bầm dập" trôi nổi qua mấy cuộc chiến tranh tàn khốc. Trong lịch sử hậu chiến tranh (Việt Nam / Việt Nam) trước đây (Trịnh Nguyễn) kể chứng cớ xã hội có Nguyễn Du với Kiều, Văn tế Thập loại chúng sinh. Có Nguyễn Ðình Chiểu (Việt Nam/Pháp) với Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, có Bình Nguyên Lộc với tập thơ Ba Mén. (Và Phạm Thiên Thư với Ðoạn trường Vô thanh, Ðộng Hoa Vàng: nhưng hai tập thơ quá đẹp đẽ này không có tính cách "thời sự và lịch sử").
Có lẽ phải nói Kiệt Tấn là người Việt duy nhất thực hiện một công trình dài hơi theo thơ lối cổ điển cuối thế kỉ 20 ở hải ngoại.
Trong nước, Nguyễn Bính để lại tập thơ trên 2000 câu làm theo thể song thất lục bát tựa là Truyện Thơ xong năm 1957. Ngoài ra Nguyễn Bính còn những bài thơ ngắn, đại khái như bài sau đây làm ở Nam Ðịnh, mùa xuân 1965, ra trước tập Ðiệp khúc tình yêu và trái phá:
Khi giặc Mĩ thua đau cút thẳng
Cả hai miền chiến thắng reo vui
Anh về đời lại thêm tươi
Nhà ta vui lại gấp mười ngày nay
...
Như vậy, ông Ðặng Phong sẽ lại có dịp so sánh (một kiểu) tâm tình (và con người-thi sĩ-) hai miền qua một chứng từ văn hoá độc đáo về/ trong khoảng thời gian (đánh nhau) chia cắt. Có lẽ khá tiêu biểu cho cho hai xã hội.
Ðọc xong hai tập thơ Kiệt Tấn, như hai đánh dấu cho hai thời kì trong cuộc đời (thanh niên trong nước và trung niên hải ngoại) rồi đọc lại những truyện ngắn, truyện dài ông viết cùng thời gian sáng tác sung mãn nhất, tôi thấy Kiệt Tấn rất phong phú dù trước sau như một!
Ðiệp khúc tình yêu và trái phá thời thượng bao nhiêu thì Thương khúc cổ điển bấy nhiêu, và chứa phần lớn (90 % ?!) Kiệt Tấn trong đó.
Một phần nhỏ cổ điển, rất cổ điển ước lệ, thậm chí ước lệ cả chữ nghĩa và tứ thơ (sâm thương, chinh phu, ê chề, bặt tin chim cá, liễu yếu, đào thơ, xiêm y, phòng the, quan ải, tử sĩ... vân vân, nhưng có lẽ sẽ rất mới cho những người trẻ (có cái vốn phong phú quá bình dân và nôm na bây giờ). Phần lớn chữ dùng rất giản dị, bình dân, rất Nam kì, nhưng nhịp điệu lôi cuốn, dồn dập, khiến người đọc không chán.
Kiệt Tấn đã giữ lời hứa khi ông giải thích lí do dùng thể song thất lục bát để "mô tả những tình tự khốc liệt" lúc "khổ đau cùng cực" hay "hân hoan quá đỗi" vì "rần rật phong ba, rộn ràng vó ngựa, lửa tuôn khói bốc" cũng như "đôi lúc ngậm ngùi muốn khóc".
Bằng chứng là những trích đoạn mô tả chiến sự sôi bỏng hay tình hình chính trị oan trái cùng cực (khi cộng sản chiếm được miền Nam) trên kia, hay trong những phút giây đau đớn trầm uất, tuyệt vọng:
Này ly rót những giờ tan tác
Này ly nâng tình nhạt son phai
Này ly máu đổ mệt nhoài
Này ly hâm nóng lạnh hoài tình em
Này ly uống say mèm đón Tết
Này ly say toan chết tình đầu
(...)
Ðâu bùi ngọt gối cùng tay ấp
Ðâu nguyện thề sửa trấp nâng khăn
Ðâu dây ràng buộc xích thằng
Ðâu lời đồng tịch đồng sàng lửa thiêu
...
Ðâu... thua gì Cung Oán :
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê
Ðâu thua gì Thúc Sinh tuy "con tằm đến thác cũng còn vương tơ" mà cắn răng khuyên người tình hãy ra đi trước khi vợ mình tới:
Liệu mà cao chạy xa bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi
Bây giờ kẻ ngược người xuôi
Biết bao giờ lại nối lời nước non?
Khi Tuyết trốn trong chùa Vĩnh Tràng và xin quy y, theo lời thầy, Tuyết tụng kinh niệm Phật, kinh sám hối diệt khổ và giải oan, biến cải nghiệp mình, trong suốt 4 trang thơ hơn 100 câu. Tưởng như chính tác giả đọc kinh giải oan, biến nghiệp, sám hối vân vân cho dân mình, cho tất cả những gia đình đã tả tơi mất mát thương tật trong suốt hơn 3000 câu thơ. Thêm phần trích ở trên và phần sau đây:
Nam mô tịnh độ Di Ðà Thế Tôn
Phát nguyện cửa thiền môn sám hối
Chánh quả xua ác tội dứt duyên
Nam mô tôn giả Mục Liên
Nam mô hải đức bạc chiên hương đàn
Vầng minh nguyệt đánh tan sương móc
Ðại từ bi vun gốc thiện căn
Nam mô nhất kiến danh vang
Nam mô biệt Phật vô phân đàn trầm
Bồ Ðề niệm Thế Âm Bồ Tát
Chín kiến sinh cực lạc mười phương
Nam mô hải tuệ thông vương
Nam mô phổ tán Kim Cương tạng từ
(...)
Dòng Bồ Tát định thiền bát nhã
Nghiệp chướng sanh thọ giả phàm phu
Nam mô Bồ Tát Văn Thù
Khắc hàng lục tặc giải trừ nghiệp căn
Nghe chừng như Kiệt Tấn đối đáp phụ hoạ (và một cách tích cực hơn) với tác giả Cung Oán ngâm khúc:
...Thảo nào khi mới chôn nhao
Ðã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thủa bạc đầu ...
Dĩ nhiên, trong suốt 2 tập thơ, Kiệt Tấn trang nghiêm quá, khiến chúng ta hơi bỡ ngỡ, nhất là những ai thích cái kiểu cà giỡn - nhây/Nam kì - (đêm thu sương mù, em ru anh ngủ, anh ủ rủ, anh nhớ hai trái... mù u, đọc ai cũng được, đọc tui tui cám ơn, có xao nói dzậy người ơi, vân vân ) nhưng phải nghiêm như vậy ông mới "làm" một hơi mấy ngàn câu trơn tru trầm bổng nhịp nhàng theo vận nước thê lương và phận người bọt bèo đớn đau thuở ấy. Có lẽ Kiệt Tấn KHÔNG SAO GIỄU ÐƯỢC.
Dĩ nhiên, bây giờ Kiệt Tấn có thể cười được về chiến tranh, vì nó đã qua, nhưng có lẽ ông đã nói xong điều muốn nói. Như Begnini tài ba với La Vie est belle, và phải ở cách xa hơn nửa thế kỉ cuộc chiến tranh diệt chủng Do Thái của bọn Ðức Quốc Xã, mới có thể làm được một phim về thời đau thương ấy mà chọc cười được thiên hạ và nhận được giải thưởng điện ảnh Cannes!
Thì ra, theo thói thường người hay cười hay đùa, thường... thường là những người hay "khóc lẻ loi một mình"! "Khóc cười theo vận nước nổi trôi".
Tập thơ này là món quà vô giá Kiệt Tấn "cống hiến cho bạn đọc" và cũng là món quà dâng lên đất nước. Tổ quốc mà nếu cứ phải nghe lịch sử đời mình lúc nào cũng đi lên độc một điệu trống kèn hùng dũng kinh thiên động địa thì dù không (thể) ăn năn (!) được chắc cũng ngấy đến óc. Có mấy ai tặng được cho quê hương mình một món quà như vậy? Vừa tặng quà cho người, người sống và người chết, người đồng thời, người tương lai, vừa là món thuốc linh nghiệm để giải trừ thương tích ngày xưa.
Ước mong rằng tác giả không còn nghe "vang rền đại pháo", và "xích sắt chiến xa" không bao giờ còn "nghiến nát mộng mị của tôi"...
Cuối tháng 6-2006
Phan Thị Trọng Tuyến
[1] Nguyễn Mộng Giác
[2] Nguyễn Hưng Quốc
[3] Nguyễn Hưng Quốc
[4] Thụy Khuê
[5] Ðoàn Nhã Văn
[6] Ðoàn Nhã Văn trong Ðọc Kiệt Tấn và những đam mê đời thường
[7] Ðoàn Nhã Văn
[8] "Đọc Kiệt Tấn, chúng ta "enjoy" bằng tiếng cười trong văn, và bằng tiếng khóc, trong thơ"
[9] Ðiệp khúc tình yêu và trái phá, Sáng Tạo xuất bản 1966, bìa maquette : Ngọc Dũng, phụ bản Trịnh Cung và Ngọc Dũng, 500 bản, tại nhà in Trần Thanh Hiệp.
[10] "mưa vẫn mưa bay..." "tình yêu như trái phá, con tim mù loà" "Hỡi người yêu da vàng của tôi hãy duỗi tay thật dài về phía hố thẳm vốc lấy những hạt đất mềm mỏng đó mà hôn. Tôi sẽ làm người tiều phu đi nhặt từng cánh tay, bàn chân, từng đốt xương, sọ người vung vãi khắp nơi về làm củi đốt sáng cho đêm tìm lại dấu vết của một hành tinh Việt Nam da vàng bặt tăm..."
[11] Và một thứ
[12] Ấn bản đầu tiên tại Hà Nội do Hồ Dzếnh thực hiện.
[13] Sau này, tôi mới biết chính Ðinh Hùng là tác giả của giọng nói sang sảng, nghiêm trang giới thiệu "đây, Tao Ðàn, tiếng nói của Thi Văn miền Tự Do"! Khi đó còn nhỏ, "bị" nghe nhiều hơn là thích nghe, vì chương trình ngâm thơ này có mặt đến 3 lần trong tuần, thế mà sau đó đi du học được vài tháng, cho đỡ nhớ nhà, tôi muốn gia đình thu thanh và gửi sang cho tôi chương trình này và chương trình đọc truyện của Nguyễn Ðình Toàn!
[14] Nguyễn Bình, theo lời đồn, được anh em văn nghệ sĩ bưng biền thời chống Pháp rất yêu mến. Nhiều nghi vấn đặt ra khi máy bay Pháp bắn chết ông trên đường rút quân. Chỉ vì vào thời kì này, Việt Minh vừa trực tiếp vừa gián tiếp giết hại những người tỏ ý không thần phục đảng Cộng Sản Ðông Dương hoặc thuộc các đảng phái khác. Kiệt Tấn sẽ còn nhắc đến Nguyễn Bình trong tập thơ thứ hai Việt Nam thương khúc.
[15] Năm 1930, Tạ Thu Thâu, thủ lãnh Ðệ Tứ Việt Nam, tổ chức biểu tình trước dinh tổng thống Pháp ở Paris, phản đối việc Pháp xử tử Nguyễn Thái Học và những người anh hùng Quốc Dân Ðảng Việt Nam. Ông và 18 người bạn sinh viên Việt bị Pháp trục xuất về Sài Gòn. Sau này, trên đường công tác từ Bắc về Nam, ông bị Việt Minh bắt và xử tử tại Quảng Ngãi.
[16] ?
[17] Dòng sông và con thuyền hai mươi tuổi
[18] Những người thanh niên này thì hơi khác: thời này họ có khổ cực (vật chất) chứ không có đau khổ ( tinh thần) vì tin tưởng ở chính nghĩa của mình và một ngày mai chiến thắng huy hoàng. Dĩ nhiên, thời bây giờ họ hết khổ cực thì tôi chẳng thể biết họ có được nhàn nhã tinh thần hay không.
[19] Vết sương trên ghế đá hồng
[20] Kẻ sống đã chết
[21] Xin xem bài Phỏng vấn Kiệt Tấn
[22] Những người bạn học chương trình Pháp (Marie Curie, Jean-Jacques Rousseau) sau này cho biết trong phần Việt văn, họ cũng được học một tác phẩm văn chương cổ điển là Kim Vân Kiều
[23] Nhưng cãi ông Ðặng Phong cho vui thôi chứ thật ra những khác biệt đôi bên không nằm trong chương trình giáo dục (Một khác biệt chắc chắn có: ở nội dung và độ dài): Trong tác phẩm viết năm 1993, 1994 Khoa cử & Giáo Dục Việt Nam, nxb TH tp HCM, tái bản lần thứ tư năm 2004, giáo sư Nguyễn Q. Thắng cho biết, rằng con dân cả hai miền Nam Bắc đều học theo chương trình gốc do giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt ra, khi giáo sư làm Bộ Trưởng Giáo Dục – Mĩ Thuật cho chính phủ đầu tiên Trần Trọng Kim do vua Bảo Ðại thành lập. Một chương trình do các học giả có tiếng (và là thầy dạy nhiều thế hệ thanh niên hai miền sau này) soạn ra trong một thời gian ngắn kỉ lục mà giá trị dài lâu. Khác biệt văn hoá là do... tuyên truyền và nhồi sọ. Dạy căm thù bao giờ cũng dễ hơn dạy thương yêu.
[24] Thư ngỏ, VN thương khúc, trang XV-XIX.
[25] Phạm Thiên Thư có lục bát Ðoạn Trường Vô Thanh, Nguyễn Bính có Truyện thơ song thất lục bát, dài trên 2000 câu hoàn tất năm 1957?
[26] Một trong các tướng lãnh chỉ huy các mặt trận tại Huế là Lê Minh có nhắc lại việc chém giết này trong bài viết kỉ niệm Mậu Thân vài mươi năm sau, đại ý cho rằng đa số nạn nhân chết vì "đạn lạc" do máy bay bắn và những vụ trả thù cá nhân!
[27] Xem Viet Nam infos, số 34, 15 tháng 1 2006 www.vninfos.com và tài liệu về tổng công kích Tết Mậu Thân
Monday, June 16, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment