Kiệt Tấn chuyển ngữ
Dẫn nhập :
Tháng Ba 2005, bài viết Sục C… Trước Bàn Thờ của tôi xuất hiện trên diễn đàn Talawas đã gây ra những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề văn chương tính dục (1) và những hiểu lầm không tốt. May mắn thay, mới đây, nhân đọc tạp chí Le Point hors-série, số 9 tháng Bảy-Tám 2006, chủ đề Erotisme thấy có bài viết L'Erotisme, désirs partagés của Michela Marzano (nữ triết gia kiêm nghiên cứu) rất trùng hợp với quan niệm của mình về «văn chương tình dục» (1) nên hứng chí chuyển ngữ sang tiếng Việt để cống hiến bạn đọc bốn phương nhằm làm sáng tỏ thêm vấn đề này. Những mong các ngòi bút, nam cũng như nữ, muốn viết về tình dục (2) một cách nghệ thuật nên chịu khó đọc kỹ và suy gẫm các ý kiến trình bày trong bài viết sau đây. Mong lắm thay! Mong lắm thay!
*
Trong tác phẩm Mon coeur mis à nu (1862-1864), Charles Baudelaire đã ngạc nhiên khi gợi lại một bận nọ, trong dịp đi thăm viếng Louvre với một cô em giang hồ trẻ, ông thấy cô ta đỏ mặt và lấy tay che mặt mình trước các dãy tượng và các bức tranh gợi dục. Cô em đã kêu lên: «Làm sao mà người ta có thể phô bày công khai những trò vô luân như thế!» Cái phản ứng mắc cở quá trớn trước sự trần truồng này đặt thẳng vấn đề tính dục (3), cái định nghiã và các giới hạn của nó. Có thể đi xa tới mức nào trong cách phô diễn sự thân mật tình dục (2)? Làm sao nói về sự ham muốn, cái khoái cảm và những xao động nhục thể mà không bị rơi vào vòng thô bỉ và dâm tục (5)?
Cái khó khăn mà người ta đối đầu khi phải định nghiã sáng tác gợi dục phát xuất từ ý muốn kể lại và tìm hiểu những bí ẩn của cuộc gặp gỡ tình dục, cái nhu cầu vén màn để khám phá cái nhìn ngó và rờ rẫm kẻ khác mang ý nghiã như thế nào. Georges Bataille đã chỉ cho thấy rằng tính dục là cái làm nên đặc tính của con người. Và không chừng ông rất có lý. Bởi lẽ trong con người, tất cả đều bị tình dục chi phối: mối tương quan với thế giới bên ngoài, sự ràng buộc với kẻ khác
Vì vậy, tình dục vẫn luôn là trung tâm thắc mắc của con người, ngay từ buổi đầu - chỉ cần nghĩ tới các bức phác họa trong hang động tiền sử, cũng như một vài đoạn trong Cantique des cantiques hoặc Kâma Sûtra.
Nhưng có chăng các giới hạn cần phải gìn giữ trong cách phô diễn gợi dục (4)? «Các quyển sách tục tĩu (5) chỉ vô luân bởi lẽ chúng thiếu vắng sự thực», Gustave Flaubert đã viết như thế. Điều đó vốn không xảy ra «như vậy» trong đời sống. Nhưng mà «điều đó» xảy ra như thế nào trong đời sống? Trong Phénoménologie de la perception (1945), Merleau-Ponty đã giải thích rằng xuyên qua tình dục và ham muốn (8), mỗi cá nhân chúng ta phải đối đầu cùng lúc với cái kinh nghiệm lệ thuộc (ham muốn kẻ nào có nghiã là lệ thuộc vào kẻ đó và sự đáp ứng mà kẻ đó đề ra trước sự ham muốn của ta) và cái kinh nghiệm tự trị: đồng thời tùy thuộc vào kẻ khác, con người lại tìm cách chế ngự kẻ đó và biến kẻ đó thành một đối tượng (6). Trên quan điểm đó, các tác phẩm gợi dục chỉ làm công việc kể lại sự ham muốn tình dục (2) đã khiến cho mỗi người chúng ta đi tìm gặp kẻ khác; chúng chỉ nói về những thân thể đi tìm kiếm nhau hoặc chống đẩy nhau tùy theo những chuyển động bên trong của đam mê. Một mặt, chúng nói về một thèm khát. Mặt khác, chúng dàn dựng sự buông thả mình: chính trong động tác hành dục mà chủ thể khám phá ra sự hoan lạc trong tận cùng những gì thân mật nhứt và lạ lùng nhứt của nó, và chủ thể chạm tới chiều sâu thăm thẳm của ham muốn và hữu thể của mình.
*
Đối tượng, chủ thể và hoán-đảo (chủ thể / đối tượng)
Bởi lẽ đó, các sáng tác gợi dục không thể nào tự hài lòng khi chỉ nói phớt qua về những bí ẩn của tình dục. Đôi khi nó tiến rất xa trong công việc khơi gợi sự ham muốn. Tiến xa trong sống sượng của ngôn ngữ. Tiến xa tới mức đôi khi nó bị lên án là dâm tục (5). Đối với một người đàn ông, không có gì kém hiển nhiên cho bằng khi phải diễn tả cái việc sờ mó ngực trần của người đàn bà hoặc bộ phận sinh dục của nàng có nghiã như thế nào; và đối với một người đàn bà, cái việc nhìn ngó dục phận của đàn ông và ve vuốt nó. Để đạt được điều này, cần phải có đủ khả năng để dàn dựng lên những vùng tăm tối, trong đó con người có thể chìm đắm trong việc đi tìm khoái cảm. Thế nhưng - và đây là tính cách đặc trưng của sáng tác gợi dục - phần bí ẩn của người nam và người nữ vẫn giữ được sự thanh khiết của nó và không hề bị hạ thấp một cách thô bỉ bao giờ.
Khi ta ham muốn kẻ nào thì kẻ đó trở thành một «đối tượng» (6) của sự ham muốn: trong quan hệ tình dục, đối tượng nằm sờ sờ đó, trần truồng và mong manh, ta có thể vuốt ve âu yếm và đôi khi làm cho nó đau đớn… một đối tượng thuộc về ta… Nhưng nói rằng kẻ được ham muốn là một «đối tượng của ham muốn» không có nghiã là người đó bị giản lược thành một đồ vật (7). Bởi vì bất cứ đối tượng của ham muốn nào cũng là một chủ thể của ham muốn (8). Mối liên hệ được thiết lập bởi sự ham muốn không phải là một «liên hệ giữa đồ vật», nhưng nó là một liên hệ có thể gọi là «liên-chủ-thể». Điều này gây ra rất nhiều hiểu lầm bởi lẽ hành động đối tượng hoá mang nhiều hình thức khác nhau. Hành động này luôn luôn biến kẻ khác thành đối tượng. Nhưng nói rằng kẻ khác là một «đối tượng» không có nghiã là biến kẻ đó thành một «đồ vật» (7). Các từ ngữ đối tượng và đồ vật không đồng nghiã nhau. Từ ngữ đồ vật ám chỉ chung chung một thực thể vật chất, bất động và sẵn dụng. Một đối tượng, tự nó, thường ám chỉ một nhân vật mà tình cảm hướng tới. Khác với một đồ vật có thể bị điều dụng tùy thích, đối tượng là một hệ lụy của tình yêu và âu yếm.
Vậy thì mối tương quan với đối tượng trong động tác liên hệ tình dục là gì? Xuyên qua sự chiếm hữu thân thể kẻ khác, cá nhân cũng cùng lúc tiếp xúc với hiện hữu nhục thể của mình. Kẻ khác đồng thời là một con người và một đối tượng, một chủ thể và một thân thể. Khi ta ham muốn một người nào đó, ta không bao giờ vừa ham muốn vừa hoàn toàn đứng ngoài sự ham muốn của mình: sự ham muốn khiến ta liên lụy; mỗi chúng ta đồng lõa với sự ham muốn của mình, và xuyên qua sự ham muốn này, ta ý thức về chính cái hữu thể-thân thể của ta. Vì thế, đối tượng hóa kẻ khác có thể không phải là một hành vi công cụ hóa: ta có thể chiếm hữu kẻ khác mà không hề chối bỏ tính cách tương tác của sự chiếm hữu và tư cách chủ thể của kẻ mà ta chiếm hữu. Mỗi chúng ta đều ứng cảm dưới những vuốt ve của người đối tác. Luôn luôn có một sự buông mình vào người đối tác và một sự kiểm soát người đối tác. Chính tất cả những điều này mà văn chương và nghệ thuật tính dục chỉ cho ta thấy. Và ngược lại, cũng chính tất cả những điều này mà sáng tác dâm dật (9) bôi xóa.
D. H. Lawrence mất năm 1930, vì vậy ông không được chứng kiến hồi kết cuộc vào năm 1960 của vụ án cuối cùng nhìn nhận rằng tác phẩm L'Amant de Lady Chatterley (1928) không mang tính cách dâm tục. Tiểu thuyết gia đã dám đề cập lộ liễu vấn đề tình dục. Ông đã viết nên một tuyệt tác trong văn chương gợi dục. Nhưng tại sao vào thời đó ông lại bị liệt vào hàng viết dâm thư? Nơi mà sáng tác gợi dục là một sự phô diễn bằng chữ nghiã hoặc bằng hình ảnh của cuộc gặp gỡ tình dục và tất cả những gì mà hành động đó hàm chứa dưới dạng thức sợ hãi, ham muốn, bất thỏa, vân vân…, thì cũng ngay chính nơi đó, dâm thư (9) cho rằng mình đã vạch cho thấy cái động tác hành dục vốn nó là như vậy. Trong dâm thư, những đợi chờ, những rạn nứt, những hoang mang và những sợ hãi biến mất. «Tất cả» đều tự nó như thế đấy. Bởi lẽ kẻ khác chỉ là một đối tượng (ndt: hiểu theo nghiã «đồ vật») mà ta có thể đặt để tùy thích. Điều đáng kể chỉ độc nhứt là cái khoái cảm mà ta có thể bòn rút được từ cuộc gặp gỡ đó, bất chấp sự kiện là cuộc gặp gỡ không hề xảy ra và động tác được phô bày chỉ tóm lược bằng sự tiếp nối bời rời của các thân thể. Đó là trường hợp được thể hiện trong các tác phẩm của Sade. Trên quan điểm đó, những cuộc hành hạ, những cách thế chịu đời không thấu và vô cùng thô bỉ được áp đặt trên các nạn nhân trong tác phẩm Cent Vingt Journées de Sodome đã thiết lập một mối tương quan giữa con người dựa theo lề lối làm nhiều ăn nhiều. Sade hạ nhục thân thể: mỗi người bị cài ép vào chỗ của mình trong một dây chuyền ráp nối, mà nơi đó, bất cứ lúc nào, bộ phận không xài được nữa cũng có thể dễ dàng bị thay thế.
*
Sự chiếm hữu không thể được
Hésiode (thế kỷ VIII - VII trước T. C.) kể lại rằng Zeus, vị thần quang minh, muốn tác hợp với nàng Chthonia hắc ám, nữ thần của các sức mạnh âm địa. Thần dệt cho nàng một chiếc áo, trên đó có thêu hình vẽ các biển cả và hình thù các lục địa. Chiếc áo này khiến cho nàng hiển lộ, vì vậy, nếu không có nó thì cuộc tác hợp không thể nào xảy ra được. Chiếc áo đó phô bày nhiều hơn là che dấu. Bằng cách mặc áo cho bóng tối, thần Zeus đã cho thấy điều mà mắt nhìn không thể nào chịu đựng nổi: cái vô hình của kẻ khác. Và chính ngay chiếc áo này đã bị dâm thư xé nát. «Chúng ta cố tự thuyết phục mình rằng một thân thể có thể bị chiếm hữu, François Mauriac đã viết trong Le Fleuve de Feu (1923). Ta xâm nhập nó, ta uống cạn hơi thở nó, nhưng ta không chiếm hữu nó». Khác với dâm thư, đó chính là cái mà sáng tác gợi dục diễn đạt, cho thấy, kể lại và ngợi ca.
Nguồn : Tạp chí Văn số đặc biệt về Kiệt Tấn
CHÚ THÍCH:
(1) Littérature érotique: văn chương tính dục. Nói thường là «văn chương (viết về) tình dục»
(2) Sexualité, sexuel: tình dục. Cần nói rõ thêm: dục có nghiã là muốn, dâm mới đích thực ám chỉ những quan hệ thân xác, những trao đổi nhục thể giữa nam và nữ. Danh từ dâm dục có nghiã là ham muốn tình dục (désir sexuel). Trong dạng tĩnh từ, dâm dục lại có nghiã là ham mê nhục dục quá trớn.
(3) Erotisme: thiên về tình dục, hướng dục, tính dục (theo tự điển Petit Robert, Erotisme: penchant érotique, caractère érotique). Chung chung, có thể hiểu là các sáng tác gợi dục.
(4) Erotique: gợi dục (kích thích bản năng tình dục). Nói thường là kích dâm, khiêu dâm.
(5) Obscénité, obscène: dâm tục. Nói thường là tục tĩu.
(6) Objet: đối tượng. Femme-objet: «Đàn bà-đồ vật» (?), cái nón mà các bà nữ-quyền khoái chụp lên đầu bọn đực rựa
(7) Chose: đồ vật
(8) Désir: ham muốn, dục vọng
(9) Pornographie: sáng tác dâm dật nói chung, dâm thư nói riêng cho văn chương
(10) Pornographique: dâm dật, dâm ô
Saturday, July 19, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment