Tuesday, July 15, 2008

Những cuộc tình không tới

Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa...
Hồ Dzếnh

Tôi vừa thắng xe đạp rà rà vừa lẩm nhẩm một mình: “Em cứ hẹn nhưng em đùng đến nhé! Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân. Ngó trên tay thuốc lá cháy rụi dần…” Tôi nói khẽ: “Gớm, làm sao nhớ thế?”

Lẩm nhẩm cho le lói vậy thôi chớ đâu có em nào hẹn tôi ở đây để mà đến với lại không đến. Buồn tôi không buồn nhưng trong dạ bồn chồn. Tôi không lê gót dạo khắp trong sân, tôi xách xe đạp chạy vòng vòng như người ta đua mô tô bay. Trên tay tôi không có điếu thuốc lá cháy rụi dần. Trong ngực tôi chỉ có con tim học trò đệ ngũ trường Cao Tiểu Vĩnh Long đang nhảy thình thịch, thỉnh thoảng xanh-cốp một nhịp làm tôi lao chao muốn lủi vô bờ lề. Nhớ em quả tôi có nhớ nhưng tôi không có nói khe khẽ tiếng Bắc Kỳ “gớm” với lại “ghiết” gì cả. Tôi chỉ còn biết dậm cẳng kêu trời: “Trời hỡi! Sao mà nhớ em quá vầy nè trời!!”

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Thôi đừng có lẩm cẩm nữa ông tiểu tướng. Em không hẹn thì tôi tự cho hẹn lấy một mình vậy - chớ làm "cơ" biết chừng nào mới tới phiên mình. Vả lại đây cũng nào phải là lần đầu. Già cả rồi còn mắc cở gì nữa. Tôi dừng xe đạp bên ven sông Cổ Chiên, trước tòa tỉnh trưởng Vĩnh Long ngó qua cù lao An Thành xanh mát mắt. Tôi dựng xe dựa vào gốc còng, giả bộ đứng hứng gió mà mắt cứ liếc xéo về phía đầu Cầu Tàu, nơi em có thể bất thần xuất hiện với chiếc xe đạp bằng nhôm bóng loáng. Chiều nào em cũng có thói quen thay áo lụa, khi đỏ tươi, khi xanh da trời, đánh xe đạp một vòng Cổ Chiên hứng mát. Má nàng ở nhà phố ngói, có sạp vải hiệu Vĩnh Phúc! Má nàng cũng ác, sanh làm chi ba cô con gái tuổi xấp xỉ nhau và giống hệt nhau. Hai cô đầu sanh đôi không biết tên gi, còn cô Út thì tên Hạnh, sanh năm kế tiếp. Cô Út chỉ khác hai cô chị mình ở cái nút ruồi trên khóe môi - chắc là ăn hàng vặt và nói láo một cây! Nhưng nhằm nhò gi ba cái lẻ tẻ. Trời sanh nghĩ cũng bất công. Ba cái lẻ tẻ của các cô gái đẹp đều được phe đực rựa chấp nhận hết ráo. Mà ba cục cưng của bà Vĩnh Phúc thì ôi thôi cục nào cũng mủm mỉm như hồng vừa chớm nụ và thơm phức như bông công chúa. Bởi lẽ ấy, tôi đi lại mãi chốn này, sầu yêu nối nhịp với ngày tôi sang...

Nếu chiều chiều chim vịt kêu chiều, thì chiều chiều cô Út đánh xe dạo một vòng Cầu Tàu Vĩnh Long cho khoảng khoát. Khởi từ nhà phố, băng qua ngõ chợ, qua bung-ga-lô, rồi quẹo sang Cầu Tàu. Còn tôi thì tựa gốc còng ở cuối Cầu Tàu mong mong, ngóng ngóng, bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau. Thuở đó mắt tôi đã bắt đầu nhìn xa không rõ nên không làm sao mà nhận diện được cái nút ruồi cách xa ngót ba bốn trăm thước. Bởi vậy mà khi thấy bóng hồng xuất hiện, tôi hồi hộp như đánh cá ngựa. Khi tới mức ăn thua, nhiều phen tôi vỡ mộng. Lúc nào trời u ám tôi trông gà hóa quốc nên cũng có lúc thót lên xe đạp lẻo đẻo theo sau, tới phút chót mới biết mình đã trao duyên lầm nữ tặc. Nhưng tôi dám chắc không có nàng nào để ý sự nhầm lẫn lẩm cẩm đó của tôi. Vì vậy tôi đi đi mãi con đường ấy, qua lại hôm mai sáng lại chiều…

Cho tới một chiều, chiều đó cô Út từ từ dừng xe lại trước nhà rồi liếc xéo qua vai nàng đang lúc tôi trờ tới, ánh mắt xoe tròn. Tim tôi nhịp xanh-cốp liền hai cái, tôi lảo đảo thiếu chút nữa té nhào xuống mặt lộ. Tôi vội vàng nhấn bàn đạp cho xe vọt thẳng một hơi lên Cầu Lầu – Lê Thành Các đạp nước rút chưa chắc gì đã theo kịp tôi. Đêm đó, tôi nằm thao thức phân tích cái nhìn liếc xéo của cô Út, cái ánh mắt xanh loé lên, cái đuôi mày tròn trỉnh mà bén ngót của người em không bao giờ hẹn. Ý gì? Vô tình hay cảm mến? Chịu thua! Đàn bà là cả một thế giới bí mật. Con gái cũng vậy. Càng nhỏ tuổi càng bí mật. Nhưng khi lớn lên các nàng lại càng tăng thêm bí mật - một cách khác. Tôi những tưởng khi lớn lên tôi sẽ được soi sáng về các nàng. Ảo tưởng! Tôi rờ xung quanh mình chỉ thấy toàn là bóng đêm. Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ, chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không. Tôi thở dài mong cho trời mau sáng…

Chiều hôm sau tôi lại tái diễn cái màn chiều chiều chim vịt kêu chiều bên gốc còng lả ngọn trên dòng Cổ Chiên gờn gợn phù sa đục ngầu – ôi lãng mạn và trữ tình biết mấy! Em lại đạp xe lửng thửng qua chỗ tôi đồn quân, thơ ngây liếc xéo tôi một chưởng khiến tôi xây xẩm mặt mày muốn té lọt xuống sông mặc cho dòng đời phăng cuốn. Nhưng may thay tôi định thần lại được và leo lên xe đạp lẻo đẻo theo em, quẹo mặt thầm lặng đưa em về đến tận nhà rồi chạy thẳng.

Trò chơi quăng bắt những cái nhìn và liếc xéo kéo dài cho tới một đêm đẹp trời nọ…

Đêm đó tôi đang đứng xớ rớ trước rạp hát gần nhà thì từ đầu đường bà Vĩnh Phúc dắt cô con gái Út của bà tà tà đi tới. Tự nhiên tôi rút vào lề đứng lẫn lộn trong đám đông như thằng ăn trộm. Em ngoan ngoãn theo má ghé quầy mua vé, hai mẹ con vào rạp. Rạp đang cho trình diễn tuồng cải lương gì đó có Út Trà Ôn đóng, tôi không nhớ tựa. Tôi vội vã chạy về nhà mượn anh Hai Te hai chục đồng rồi vội vã chạy trở lại rạp hát mua cái vé hạng cá kèo. Vào rạp, việc đầu tiên của tôi là đảo mắt tìm em. Sau một hồi vận dụng thần nhãn, tôi khám phá ra em đang ngồi ở dãy ghế thượng hạng phía trước với bà má – dĩ nhiên. Tôi đứng hạng cá kèo bên cánh mặt. Giữa tôi và em là hàng rào dây lưng chừng bụng, có đóng đinh dầy đặc bên trên để ngăn cản bớt nạn leo trèo. Tôi chen lấn lại gần hàng rào cây. Không phải để coi hát mà là để theo dõi cô Út. Tôi rình rập từng phản ứng của em, lúc em cảm động tôi cũng cảm động lây, lúc em cười tôi cũng cười ké, lúc em vỗ tay tôi cũng vổ hùa theo.

Gần vãn hát, tôi len lén trèo qua rào và kín đáo tiến quân về phía em ngồi. Khi vãn hát tôi nương theo dòng người xô lấn rấn xát lên đứng khít rịt sau lưng áo lụa đỏ. Tim tôi bỗng trở thành nhà máy điện chạy bằng than đá, chập từng chập đập rộ lên, chập từng chập bánh trớn đứng sửng lại, tưởng chừng tắt nghỉ luôn. Tóc xoắn của em nhồn nhột ngay dưới mũi tôi. Tôi hít một hơi dài rồi nín thở. Tóc em có mùi bông công chúa trộn lẫn mùi nắng hanh ngưng đọng lại trong phổi tôi. Tôi choáng váng. Tôi không còn đánh hơi được mùi thuốc lá và mồ hôi người trong rạp. Khứu giác tôi chỉ còn nhạy cảm duy nhất với hương tóc em. Tôi nhắm mắt lờ đờ, tưởng tượng trong rạp hát chỉ còn lại có Hạnh và tôi, tôi gọi nhỏ “Em!” và cúi hôn trên mái tóc của người tôi mơ ước. Tuyệt diệu! Thiên đường! Ước gì con đường từ sân khấu ra tới cửa rạp dài hàng trăm cây số… Nếu bước chân ngà có mỏi, xin em tựa sát lòng anh. Ta đi vào tận rừng xanh, vớt cánh rong vàng bên…rạp hát.

Tối hôm đó, tôi áp gối ôm lên mũi mình. Tôi nặn phổi thở ra hương tóc của Hạnh để được hít trở lại mùi thơm của bông công chúa. Tôi chết mất! Giấc ngũ của tôi chập chờn trên từng đợt sóng tóc của em dợn uốn chập chùng… Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Em tôi ơi! Tình nghĩa có gì đâu? Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu? Thuở ân ái mong manh như nắng lụa…

****

Nhưng rồi tôi không có dịp nào tỏ tình với Hạnh. Nếu tôi tỏ tình và em chấp nhận tình tôi thì cuộc đời của tôi đã rẽ qua lối nào? Tôi không rõ. Khi đó Lệ Dung chợt xuất hiện và làm tôi bận tâm vô kể. Kết cuộc Lệ Dung đã giục bước lên kiệu hoa đem tấm thân ngọc ngà sang Tề Quốc. Bỏ lại hai anh em nhà họ Lê nhìn nhau ngơ ngẩn. Lệ Dung em ơi sao em nỡ đan tâm lòng quyết sang (ơ ơ) Tề…

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Nhưng lần này thì khác. Nàng không hẹn nhưng mà nàng vẫn cứ đến. Không phải đến với tôi mà là đến với lớp dạy cắt may gần nhà tôi. Nét đẹp Liêu Trai của nàng làm tôi choáng váng giựt mình ngay từ phút đầu. Dáng nàng ẻo lả, tóc xõa đen huyền bao lấy gương mặt trắng tinh – tôi chưa thấy cô gái nào trắng hơn vậy – môi nàng son hồng tự nhiên như đào chín. Ngày ngày nàng đi đi về về ngang nhà tôi. Ngày ngày nàng trẩy cho tôi biết bao là tương tư khoắc khoải.

Kịp đến một hôm tôi bắt gặp quả tang bạn tôi trước nhà dạy may. Tôi đùng đùng nổi ghen, sôi sục âm ỉ. Thằng này cả gan thiệt! Chờ cho nàng về xa khuất, tôi níu lưng thằng Rạng hỏi cho ra lẽ. Tôi hỏi nó bộ quen với nàng hả? Nó cười cười nói nàng là em bà con của nó, tên Huyền, muốn làm quen không nó giới thiệu cho. Được lời như cỡi tấm lòng, tôi hẹn với nó tới nhà nàng chơi ngay liền tối đêm đó.

Tối đó, hai thằng đèo nhau trên chiếc xe đạp đòn dong chạy quanh co vào xóm nghĩa địa, trước mặt trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long, đèn đóm le lói. Bên mồ chồn cáo đùn hang, chim kêu như lãnh tiếng nàng ngân nga. Quang cảnh ảm đạm xung quanh lại càng thích hợp với vẻ đẹp Liêu Trai của nàng. Phen này chắc là tôi chạm mặt với hồ ly. Gò chiều ùn bụi sương lên, hỏi ra mới biết nơi yên cành vàng… Trong đầu tôi lóe lên những cuộc tình ma quái trái ngang đầy nước mắt như Thanh Xà Bạch Xà. Kệ! Chết bỏ. Nàng có hút hết máu tôi tôi cũng không buông lời than tiếc.

Nhưng khi hai đứa bước vào căn nhà lá của nàng, Huyền không hề biểu lộ cử chỉ gì muốn hút máu tôi hết. Nàng ngồi ở bàn máy may ngước lên nhìn Rạng và tôi ngạc nhiên, đôi mi mắt nhung êm hiền hậu. Nàng vội vàng đứng lên chào khách. Rạng giới thiệu và bốc thơm là tôi học rất giỏi. Nàng khép nép nhìn tôi, đôi mắt ánh lên chút cảm tình. Bà dì nghe tiếng động bên buồng trong bước ra chào hai cháu rồi lui vào hậu liêu. Tôi cù lần quá không biết mở lời với Huyền ra làm sao nên để cho Rạng chuyện vãn với nàng. Mặc dù chúng tôi nói cùng một thứ tiếng nhưng khi có thông điệp gì cần chuyển đạt thì tôi và nàng đều nhờ Rạng làm thông dịch viên. Rạng thì cười nói tự nhiên, còn tôi thì hồi hộp cầm canh. Trong nhà thấp đèn dầu lờ mờ, ánh sáng lung linh dọi lên cây đàn măng-đô-lin treo trên vách. Tôi nhìn ra mả mộ chập chờn đèn ma trơi, trí tưởng tượng của thư sinh nối dài thêm những cuộc tình Liêu Trai… Em về rũ tóc mây xa, năm canh chuốc ngón tỳ bà khói sương. Rời tay nhịp phách đoạn trường, hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?

Kiệt à! Mầy biết đờn măng-đô-lin không Kiệt? Thằng Rạng thúc cùi chỏ và lập lại câu hỏi lần thứ hai tôi mới hoàn hồn. Măng-đô-lin là nghề của chàng. Trúng tủ rồi, còn chờ gì nữa? Tôi dạo nhạc, đoạn xáp vô đánh liền hai bản Đôi Mắt Huyền và Chờ Một Kiếp Mai. Hình như tiếng trê-ma-lô ròn rã của tôi cũng khiến cho Huyền khâm phục tài nghệ của gã thư sinh mặt trắng học giỏi phần nào. Đêm đã chớm muộn chúng tôi kiếu từ ra về. Huyền nhắn, hôm nào rảnh hai anh ghé chơi. Môi son nàng thấp thoáng ửng lộ trên gương mặt trong sáng kiều mị. Nàng đưa ngón tay mỹ miều vén làn tóc xõa trên gò má trắng tinh…

Ba hôm sau tôi lại đèo Rạng đi thăm Huyền, cũng buổi tối. Cũng sầu che nửa mặt chiêm bao, dòng mưa thu lệ chìm vào phấn son…Câu chuyện trao đổi lơ ngơ, không ẩn ý gì rõ rệt. Tới phiên tôi đàn và hát cùng Rạng. Rồi hai đứa ép nàng hát. Dùng dằn lắm Huyền mới cất lên được câu ca: “Khi ấy em còn thơ ngây, đôi mắt chưa vương lệ sầu…” Rồi tịt ngòi luôn vì nàng mắc cở quá. Nhưng tôi chia tay nàng ra về với niềm hi vọng tràn trề trong con tim mọc cánh.

Lần sau tôi lại rủ thằng Rạng tới nhà Huyền, nó không chịu đi. Nó nói tôi phải có gan tới đó một mình thì công việc mới tiến tới được. Tôi chần chờ bất quyết. Tôi lo sợ. Tôi lo sợ giữa tôi và Huyền có gì còn mong manh quá, nếu dồn dập e sẽ tan vỡ… Thuở ân ái mong manh như nắng lụa. Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa, hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi. Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi! Và tôi lần lữa, và tôi chờ đợi, và tôi chờ đợi ngày mai…

Cho đến lúc tôi được tin Huyền theo bà dì lên Sa Đéc mở tiệm may trên đó. Cái mộng “trên chàng đo cắt dưới nàng đơm khuy” đành vùi chôn bên nghĩa địa hoang tàn. Thôi thì em chẳng yêu tôi, leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng…

*****

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Đời con trai tôi lớn dần lên theo câu thơ lẩm cẩm đó lập đi lập lại trong nhiều dịp khác nữa, kể sao cho xiết. Hết đệ ngũ lên đệ tứ, hết đệ tứ lên đệ tam, tôi vẫn tiếp tục theo dõi bóng hồng, tiếp tục phòng không mông quạnh và tiếp tục thương xót ai trăng sầu bên mái lầu mà quên lửng rằng cơ thể mình đã tăng trưởng lần lữa dần theo năm tháng. Ngoài cái thú theo dõi các cô con gái thơ ngây, tôi giờ thêm một cái thú đau thương khác nữa là để ý tới những người đàn bà dày dạn.
Mà không để ý cũng không được; nhà tôi ở ngay giữa xóm chị em ta, trước mặt là động của chú Bảy Trào và sào huyệt của ba cô mỹ nữ bụi đời con gái ông Bảy Hoàng, sau lưng là xóm Lò Tương Vĩnh Long lác đác một vài kiều nương khác nữa, trong số đó có Hiền. Hiền còn trẻ, độ mười tám tuổi, nét mặt xinh xinh, nụ cười hiền hậu, thân thể nẩy nở vừa phải và mê vọng cổ. Vậy là trúng tủ anh Hai Te, người thợ mộc tài hoa của ba tôi. Hai người bèn bắt bồ, điều hết sức hợp lý. Tối tối Hiền qua ngồi ở đống cây trước nhà tôi cắn hột dưa lắc cắc và nghe anh Hai Te ca Sầu Vương Biên Ải: Nhìn trời hiu quạnh màn đêm sương gió lạnh, chốn quê nhà thêm chạnh nỗi niềm riêng… Tôi cũng xáp vô ngồi cạnh anh Hai Te để được nghe ca (phần phụ), được ngó lén Hiền và được ngửi lén hương nước hoa thoang thoảng của nàng!...Em ơi! chốn xa xăm xin em hãy giữ vẹn hương nguyền, để cho người cô lữ khỏi mang niềm tủi hận… Hiền ngưng cắn hột dưa để chờ anh Hai Te xuống câu vọng cổ cho ngọt… Thâu canh hồn ngơ ngẩn. Nhìn ánh trăng khuya soi lặng lẽ giữa (ữa) đêm (ơ ơ) trường… Mùi tận mạng. Hiền gật gù tán thưởng và tiếp tục cắn hột dưa lắc cắc. Môi nàng tô son, móng tay nàng sơn đỏ rất hấp dẫn. Chợt Hiền nắm tay tôi và bỏ vào đó một ít hột dưa: “Anh ăn cho vui”. Cử chỉ tầm thường đối với nàng, nhưng Hiền có biết đâu đó là lần đầu tiên tôi được một cô gái nắm lấy tay và kêu tôi bằng anh. Tôi bủn rủn, tay run khẽ, miệng lí nhí cám ơn.

Hiền và anh Hai Te thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau âu yếm. Tôi đâm ra ghen với anh Hai Te. Tôi đã biết quá rõ, hai người đâu phải dừng lại ở cái nhìn nhau đó. Đôi khi Hiền ở lại ngủ với anh luôn. Tôi trên gác nhìn ngay xuống mùng anh Hai Te giăng ngay ở cửa trại. Trong đêm có tiếng ván cựa mình và tiếng đàn bà cười rút rít. Tôi tưởng tượng. Đầu tôi muốn đổ lửa.
Từ đó thân thể nuột nà của đàn bà trở thành một ám ảnh thường trực của tôi.
Cho tới một hôm…

Một hôm cũng như mọi hôm khác, buổi chiều tôi tạt vào thăm Hai Võ, bạn thân, con ghẻ của ông chủ sở Bách Phần Vĩnh Long. Sở Bách Phần là một căn nhà gạch cao cẳng khá lớn gồm hai từng, từng dưới dùng làm trụ sở, từng trên dành cho sĩ quan Pháp cư ngụ. Hai đứa còn đứng ở sân ngoài nói chuyện nghí ngố thì bỗng Hai Võ đưa mắt làm hiệu cho tôi nhìn ra cổng. Từ ngoài cổng đi vào một trang mỹ nữ: đúng là Cô Ba, cô con gái bụi đời đẹp nhứt của ông Bảy Hoàng. Cô có vẻ đẹp đậm đà của tranh Lê Trung và thân hình nảy lửa của con gái vừa tròn đôi mươi. Cô mặc áo hường, quần sa ten trắng và guốc mộc đỏ, tay cầm điếu thuốc thơm. Cô không chú ý gì tới hai đứa tôi. Cô bước lên các nấc thang của trụ sở, đi thẳng lên lầu. Hai Võ kề tai tôi nói nhỏ: “Sắp có màn cụp lạc!”. Hắn nói tuần trước hắn leo lên cây dừa phía mặt tiền ngó qua cửa sổ lầu trên tình cờ hắn bắt gặp màn cụp lạc giữa cô Ba và tên sĩ quan Pháp. Hắn chỉ còn nước ôm cứng đọt dừa mà chịu trận, không dám nhúc nhích sợ để lộ tung tích. Hắn hỏi tôi có muốn ghé mắt dòm thử không? Tôi nói tôi leo dừa rất dở, rủi ro giữa chừng bủn rủn tay chưn té trẹo bảng họng chắc là chỉ có nước hui nhị tì.

Bàn đi tán lại, Hai Võ nói bên ngoài cửa sổ có cây đu đủ đực cao lớn, có thể leo tuốt lên ngọn rồi nhóng cổ vào ắt cũng có thể quan sát được mặt trận. Thấy tôi dụ dự, hắn chê tôi chết nhát. Nỗi ám ảnh về thân thể nõn nà của đàn bà - của Hiền - về đốt lửa trong trí tôi. Thì thôi, một liều năm bảy cũng liều, cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây. Nhưng tôi nói để tới tối hẳn hành hiệp cho nó kín đáo. Hai Võ nói nếu chờ tới tối sợ nàng đi về mất đất thì hỏng cẳng. Cực chẳng đã, trời vừa sâm sẩm chạng vạng, tôi làm gan bám cây đu đủ đực bò lên, ngực đánh trống chầu huyên thuyên, mắt hoa đom đóm. Lên tới trên ngọn cây tôi nhóng cổ lên nhìn qua cửa sổ chỉ thấy cây quạt máy đang quay tít trên trần - nực là cái chắc - kỳ dư không thấy bóng dáng ai hết. Thình lình một tên Tây ở trần trùng trục lông lá đầy ngực xuất hiện ra đúng bên cửa sổ. Hắn ngửng lên trời ngó dáo dác rồi ngó xuống thấp (bỏ mẹ!), chợt phát hiện tôi đang đeo tòn ten trên ngọn đu đủ như con cắc kè, hắn chỉ tay về phía tôi hét lớn một tiếng. Từ trên ngọn đu đủ tôi tuột cái rột xuống tới đất không đầy nửa giây, đu đủ mẹ đu đủ con, đu đủ đực đu đủ cái gì cũng rớt rụng tưới sượi trên mặt đất, còn hai quả mù u của tôi thì ê ẩm thấy ba mươi sáu ngọn đèn. Tôi chạy khập khiểng qua cổng rồi dông tuốt qua bên sân vận động nằm dưỡng thương.

Càng nghĩ tôi càng thấm thía câu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Bây giờ em có cho kẹo và hẹn tôi trở lại tôi cũng không dám vãng lai.

*****

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ. Nếu trót đi em hãy gắng quay về. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở… Ông thi sĩ này lý thuyết nghe thì mùi mẫn lắm, nhưng nếu đem ra áp dụng trong tình trường e mất vui thiệt tình và lỗ vốn thấy rõ. Em hẹn mà đến nhiều khi còn ba trật bốn vuột làm hư sự, còn nói gì tới em hẹn mà không đến thì anh ăn thịt thỏ và mút xương dài dài – trong khi đó em yêu anh bằng linh hồn còn xác thịt thì em để dành cho người khác! Sau nhiều kinh nghiệm xương máu và tức tối mù u của chiến trường, tôi bèn thay đổi chiến thuật: “Em có hẹn xin em dùm đến nhé!”

Chiến thuật này tôi phải chờ tới lúc lưu lạc sang Mỹ Tho, chờ tới lúc Bến Đò Trao Thơ năm học đệ nhị tôi mới đem ra áp dụng và thành công mỹ mãn. Hoa đã đúng hẹn và tôi đã hái trên môi nàng nụ hôn đầu đời. Để rồi về nằm trên gác trọ nhắm mắt lại cứ thấy mình bay bổng. Nếu tôi cưới Hoa làm vợ có thể bây giờ tôi là cai thầu bến đò Định Tường hay một giáo sư tỉnh lẻ, hay là gì gì nữa tôi làm sao biết được. Tôi thầm nhủ chắc tôi với Hoa có duyên mà không có nợ. Tuy nhiên trong lòng tôi cũng không khỏi cắn rứt.

Rời Định Tường tôi di cư lên Sài Gòn học tiếp lớp đệ nhất. Lẻ tẻ một vài cuộc tình không tới với Nguyệt, với Hồng. Kỳ dư tôi vùi đầu vào kinh sử và lần đầu tiên nếm mùi đàn bà thiệt sự ở Gò Vấp. Năm đó sau khi trở thành cậu Tú toàn phần, tôi bèn lui về quê cũ bên dòng Cổ Chiên nghỉ hè xả hơi. Tiếng là nghỉ hè, tôi lại mệt cầm canh. Hết vùi đầu vào kinh sử bây giờ tôi vùi đầu vào thân thể của Tuyết mà cắn xé nhục thể nàng đêm đêm. Tuyết phục vụ ở quán la de nước ngọt, nước dừa của chị Tư Tùng ở chợ cá Vĩnh Long. Đàn bà đối với tôi đã bớt bí mật – hay tôi tưởng vậy. Tuyết trân mình chịu trận tuổi dậy thì của tôi. Tôi trửng giỡn với ngực và mông nàng vô tội vạ. Nếu lúc đó Tuyết đẻ cho tôi một đứa con thì đời sẽ ra sao? Có thể bây giờ tôi đã có một tiệm nước khang trang, Tuyết trở thành chị Tư Tùng còn tôi thì trở thành tài lủ ngồi thâu tiền ở két. Hoặc giả, tôi một tay vừa bồng em một tay vừa bào nước đá, còn cái miệng thì hối Tuyết chặt nước dừa như giặc. Nhưng rồi Tuyết ngả lăn ra chết tức tưởi ngoài dự tưởng của tôi. Tôi có khóc đứt ruột cũng vô ích. Như một cuộc tình không tới, Tuyết đã gục chết nửa đường.
Tựu trường, tôi lên Sàigòn học năm thứ nhứt đại học khoa học, ở trọ tại khu Minh Mạng. Có lẽ sợ tôi “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, các yêu nữ xúm lại vây lấy tôi mà an ủi. Ở nhà trọ có Tuyết Mai chăm sóc tôi tận tình. Tuyết Mai lại lôi theo Cúc tới đấu láo. Cúc có làn da trắng trẻo, khi cười má lúm đồng tiền và mắt híp. Đến với gác trọ lại có thêm Vân và Lan mà Tuyết Mai và Cúc một mực đố kỵ. Khi Vân và Lan lên gác trọ chuyện vãn với tôi thì Tuyết Mai và Cúc giấu biệt guốc mộc của hai nàng. Trong bốn cô có lẽ Tuyết Mai là yêu tôi nhiều nhứt, còn ba cô kia thì cũng có cảm tình và đá bóng, nếu tiến tới chắc cũng sẽ được. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, tôi cứ lập lững con cá vàng – có lẽ tại vì tôi đang yêu Ánh chăng? Thế nhưng mèo mà chê mỡ, con hải cẩu mà chê gái thì cũng là điều lạ.

Ngày tôi lên đường du học có cả bốn nàng ra tiễn đưa tôi tận phi trường. Ngày tôi về có Cúc và Tuyết Mai ra đón. Tuyết Mai giờ đã lấy chồng và trở thành một người đàn bà cân đối. Gặp lại nhau mừng rỡ. Rồi đâu độ hai tháng sau tôi được tin Tuyết Mai tự tử chêt – hình như gia đình nàng lục đục sao đó. Lòng tôi hối hận vu vơ, như thể tôi cũng có trách nhiệm phần nào cái chết của nàng. Nếu mà tôi yêu và cưới Tuyết Mai thì có lẽ đời nàng đâu đến nỗi ấy. Cuối xuân ta lại tìm qua, tiểu thư chi mộ thềm hoa dại tàn. Chớm thu ta đánh đò sang, bên đường cổ mộ lại vàng cúc hoa…

*****

Trúc thưa cổng gió ơ hờ
Em ra tựa cửa nghĩ chưa lấy chồng

Em bây giờ là các em ở một lục địa khác, thời tôi du học ở Québec. Mùa hè nọ tôi lấy tàu thủy từ Canada sang Pháp để thực tập và để thăm Lộc, anh tôi ở Paris. Trên tầu chỉ có tôi duy nhứt là người da vàng. Có lẻ thấy của lạ, một cô người Thụy Sĩ tên Heidi tới làm quen với tôi. Lảm quen thì làm quen, sợ ai!

Ngày qua ngày sự làm quen đưa tới chỗ thân mật. Chúng tôi hôn nhau. Nhưng phàm đã là một con hải cẩu thì tôi đâu chịu dừng lại ở đó. Một đêm tôi lôi nàng ngồi ở một bực thang khuất vắng, tay kéo lưng váy nàng và đòi nằng nặc “please, let me have a look”. Sau nhiều lần cự tuyệt, cuối cùng nàng cũng đành nhượng bộ cho thằng bé xem tí – nhưng cuộc yêu đương vẫn hãy còn nằm trong vòng lễ giáo.

Sau sáu ngày sáu đêm lênh đênh trên Đại Tây Dương chúng tôi cập bến Le Havre rồi lấy xe lửa về Paris. Nơi đây chúng tôi chia tay. Tôi và nàng hẹn viết thư cho nhau. Tôi cảm hứng, trong đầu nẩy ra mấy câu thơ:

Heidi ơi Heidi!
Chia tay chiều Paris
Anh về qua ngõ lạ
Buồn rưng rưng kinh kỳ
Xa nhau rồi Heidi!

Nguồn thơ lai láng tới mức đó thì tịt ngòi. Tôi cũng không có viết thư cho Heidi. Tôi gặp Diane, Người Em Xóm Học, và xáp vô yêu nàng mê man. Nếu cuối mùa hè đó Diane đồng ý cho tôi bỏ học ở lại với nàng thì có lẽ bây giờ tôi đã mở đưọc một tiệm ăn nhỏ chuyên bán mì dơ ở Xóm Học, hoặc giả chúng tôi khai thác một tiệm cà phê con con, Diane ngồi giữ két, còn tôi thì chạy bàn. Nhưng cũng biết đâu chúng tôi đã ly dị nhau từ mấy kiếp. Hỡi em người Xóm Học! Sưong thấm hè phố đêm. Trên con đường anh đi, lệ em buồn vương vấn…

Hè năm sau tôi lại tái bản màn vượt Đại Tây Dương sang Pháp. Trên tàu có một cô Canadienne lai mọi da đỏ tên Gaby tới làm quen với tôi: “Anh có phải là Kiệt không?” Tôi giựt mình, tưởng đâu người ta đã họa đồ hình tôi, và dán khắp miền Viễn Tây với dòng chữ “Wanted”. Tôi lấy bình tĩnh hỏi lại: “Sao cô biết tên tôi là Kiệt?” “Tại tôi có con nhỏ bạn mô tả hình dạng anh y hịch, nhứt là mái tóc bờm xờm”. “Cô bạn nào vậy? Tôi có biết không?” “Nó là con Michèle tóc vàng đó. Nó mê anh lắm, chỉ chờ anh tỏ tình là nó chịu liền”. Câu nói của Gaby khiến tôi ngơ ngẩn một hồi và thấy mình ngu. Tôi cũng mê Michèle lắm. Hai đứa có dịp ăn cơm chung với nhau ở nhà bàn sinh viên và tán dóc, xem ra tâm đầu ý hiệp. Michèle đẹp hơ hớ. Dáng người vừa vặn, tóc vàng óng ánh, mắt nâu trữ tình, thân thể thanh thanh. Một bận Michèle ngồi phơi nắng trước cửa trường khoe đôi chân thanh tú, tôi đến gần định mở miệng rủ em đi xi-nê. Nhưng khi em ngửng lên nhìn tôi, tôi đâm bối rối và nói lảng sang một chuyện khác thiệt vô duyên. Bây giờ nghe Gaby nói Michèle cũng mê tôi, “chỉ chờ anh ừ một tiếng là em thuộc về anh liền!”, tôi tiếc hùi hụi và tự trách mình sao quá ngốc tử.

Nhưng hãy khoan, chuyện đâu còn có đó. Giờ này là giờ của Gaby thì tính theo Gaby. Không hiểu tôi tán tỉnh và vuốt ve ve vuốt Gaby thế nào mà cô nàng thuận làm tình với tôi – tôi cũng xâm mình, không sợ bị lột da đầu. Tôi thu xếp với một thằng bạn đang hưởng tuần trăng mật trên tàu với vợ mới cưới để mượn cái phòng đôi của hắn. Hắn tốt bụng. Tôi và Gaby đã được hưởng tuần trăng mật ké. Tới Paris tôi có dịp ngủ lại với Gaby thêm một bận ở khách sạn. Nàng đã rời Paris sang Madrid để học tiếng Tây Ban Nha. Nàng hứa sẽ về Paris thăm tôi. Tôi hứa sẽ viết thư cho nàng. Nhưng mà rồi cả hai đứa bặt tin nhau.

Trở về Québec tôi sa chân vào mối tình hàng hai rắc rối nhứt của cuộc đời tôi: một bên là Louise, Em Yêu Xứ Tuyết, một bên là Danyèle, Ma Nữ Tóc Vàng. Louise đã ân hạn cho tôi hai tuần để suy nghĩ và chọn lựa. Nếu sau thời hạn đó tôi chọn Danyèle thì cuộc đời tôi đã đổi khác. Thêm nữa nếu sau này Louise không bỏ đi lấy chồng và chọn sống với tôi thì cuộc đời tôi đã lại đổi khác. Tháng Sáu vừa qua, tôi hay tin Louise đã giã biệt cõi đời đúng vào ngày sinh nhật của nàng. Tôi không ăn năn tiếc hối. Nhưng tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi và hiu hiu buồn.

Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tưởng
Hay một vết chim bay?

*****

Sau khi tổng kết những cuộc tình không tới của mình tôi nhận thấy chỉ cần thay đổi một chi tiết, thay đổi một quyết định là cuộc đời tôi đã hoàn toàn đi vào một ngõ khác, hoàn toàn đi về một hướng khác. Sự thay đổi đó do tình cờ, do định mạng, do tôi, do nàng? Hay là do tất cả các cơ duyên đó hiệp lại? Tôi làm sao biết được. Nhưng tôi cũng không thể tác hợp với tất cả các nàng mà tôi đã gặp, đã si tình và đã yêu. Qua những cuộc tình đó tôi đã kinh nghiệm rất nhiều, hoan lạc rất nhiều mà khổ đau cũng dữ dội. Nhưng hiểu tình yêu thì chưa chắc gì tôi đã hiểu được chút gì. Quanh đi quẩn lại tôi nhận thấy ông thi sĩ lẩm cẩm vậy mà không phải không có lý:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! Tình nghĩa có gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa…

Nhưng liệu tôi đã viết hết ra được những cuộc tình không tới của mình chưa? Hay là tôi còn phải nối giấy, thêm mực và thức trắng thêm nhiều đêm nữa để viết tiếp. Thì thôi...

Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa…

Kiệt Tấn

No comments: