Tuesday, July 15, 2008

Những Đóa Hạnh Phúc Không Ngờ

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chị ơi em cưới mùa xuân nhé
Đốt pháo cho thơm với rượu hồng.
Nguyễn Bính


Khi đó nàng đứng dậy và cất tiếng hát. Và rồi một nửa nắng Tết của đất trời chợt phừng xuống đốt rụi cả tim tôi.

Về đây nhìn non nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ
Mong tìm mái tranh chờ
Mong tìm thấy người xưa...
Tiếng ca thánh thót của nàng thắp sáng lòng tôi chóa lòa mà thôi cũng vô cùng nóng rát. Cái nóng rát phừng phực mà câm nín, rộn ràng mà ẩn mật trong con tim xanh hồi hộp mười hai tuổi của đứa học trò mới lên lớp đệ lục. Nàng học lớp đệ tứ, đoán chừng tuổi nàng mười sáu hay mười bảy gì đó. Tôi lén lên ngồi ở bàn chót lớp học nàng để hồi hộp lén nghe nàng ca hát.
Không còn dằn nổi cơn xúc động đang hoành hành trong lòng mình, tôi vụt đứng dậy xô dạt hết mọi người xung quanh chạy tới nắm lấy tay nàng dục dặc bày tỏ lòng mình hết sức quê mùa ngơ ngáo: “Xin nàng hãy thương tôi! Tôi si tình nàng xiết bao! Xin nàng cho tôi một chút thương yêu vì lẽ lòng tôi vô cùng thành thật.” Mọi người giựt mình ngó tôi rộ cười diễu cợt. Gả con trai đang đệm đàn cho nàng hát túm lấy cổ áo rứt tôi ra khỏi người nàng và la lớn: “Thằng nhỏ nầy bộ mầy điên rồi hả?” Mọi người dồn mắt nhìn trân trối vào bộ mặt sượng sùng đỏ ké của tôi, như thể bất chợt nhìn thấy một con quái vật đại cù lần đột ngột trồi lên từ một khe nứt dưới đáy biển thời tiến cam. Như vậy vừa lòng mầy chưa? Được chăng? Nhắm như vậy coi được chăng? Tôi thở dài ngồi xuống trở lại ngay chỗ cũ bất động, trong lòng vô cùng hồi hộp, vô cùng bối rối, vô cùng bấn loạn.
Nàng tiếp tục hát. Cơn bấn loạn trong lòng tôi không ăn nhập gì tới giọng hát của nàng hết. Tiếng ca từng giọt thánh thót vỗ cánh thiên thần bay vút lên vòm lá phượng vĩ điểm chấm bông đỏ chi chít mọc giữa sân trường. Tay tôi lạnh ngắt, còn chưn thì run rẩy cũng như tim tôi. Tôi ngồi co ro ở bàn chót mà vẫn thấy mình bị để ý dù chẳng một ai ngó ngàng gì tới tôi hết. Tôi dợm bỏ chạy ra khỏi lớp học. Không dám chạy lên nắm lấy tay nàng dục dặc thì chỉ còn nước chạy trốn dung nhan và giọng ca của nàng đang bốc cháy trong tim can mình. Phải chọn một trong hai lẽ, lẹ lên! Do dự. Phập phồng. Nhấp nhỏm. Ngập ngừng. Rồi vẫn ngồi yên lại chỗ cũ như trước mà chịu trận.
“Cúc! Cúc! Cúc ơi Cúc!” Tôi thầm gọi tên nàng giữa đôi môi mình lặng câm. Nàng không nghe thấy tiếng tôi gọi, cũng như nào đâu hay biết tôi có mặt trong lớp học của nàng, và lại càng không ngờ tự dưng có thằng lỏi ấm ớ chợt si tình nàng ngang xương như vậy. Tôi vụt phát ghen với gả con trai đang đệm đàn cho nàng hát. Sao hắn dám cả gan đứng sát nàng khít rịt? Có lẽ hắn đang hít trọn hương vị thơm tho bí mật của mái tóc nàng yêu kiều xõa mướt. Nhưng tôi có ghen hay không ghen, nàng vẫn tiếp tục say sưa buông ra từng giọt từng giọt thuốc mê, từng lời bùa chú, từng giọt thánh thót, từng giọt từng giọt. Nàng tiếp tục hát say sưa mà vui thích. Còn tôi, tôi tiếp tục nghe nàng hát say sưa mà ngầy ngật lờ đờ.
... Nơi xưa ôi giờ đây nát tan
Đò vắng không người sang
Thôn xóm trông điêu tàn
Xa xa nghe tiếng chim kêu đàn
Nghe suối reo bên ngàn
Dường như oán như than.
Lời ca não nuột trong bản “Trở Về” của Châu Kỳ phát ra từ hai cánh môi xinh xắn của nàng khiến cho tôi muốn bỏ xứ ra đi. Tôi muốn bỏ trốn với đóa si mê của tôi vừa tình cờ hái trộm được trên hương sắc của nàng rợp ngời nắng Tết. Một đóa hạnh phúc dính liền với những cánh hoa đau khổ. Đau khổ vì bởi giờ đây tôi đã trót lỡ biết si tình. Si tình một bóng hồng đột ngột đã khiến cho trái tim mình bỗng nhiên không còn giữ được nhịp hai bình thường như trước nữa. Tôi si tình Cúc, nụ hoa mỹ miều kết tụ tinh anh của đất trời đang xòe cánh trắng nhỏ chi chít lóng lánh tích đọng những giọt sương buổi ban mai. Cúc, Cúc! Cúc ơi Cúc! Trúc xinh trúc mọc đầu đình, Cúc xinh Cúc đứng một mình cũng xinh.
Còn tôi? Kiệt? Đối với nàng cái tên Kiệt có một âm hưởng gì khác thường chăng? Hay Kiệt cũng là một cái tên tuy gọi lên đó mà cũng gần như vô danh tiểu tốt đối với nàng, như biết bao cái tên cù lần khác? Ngay lúc này nếu có ai đó trong một giây phút ơ hờ nhắc tới cái tên Kiệt với nàng, chắc chắn nàng sẽ phân vân chi xiết: “Kiệt? Kiệt nào? Là ai vậy?” Tôi ao ước đừng một ai đó, dù vô tình hay cố ý, trỏ ngón tay về phía tôi đang ngồi co ro ở bàn chót và làm tài khôn dẫn giải cùng nàng: “Đó! Kiệt là thằng lỏi đó!” Tôi không biết đằng vân, tôi không biết độn thổ, chắc chỉ còn nước chui dưới gầm bàn học mà lủi trốn. Nhược bằng trốn không được chắc tôi sẽ đứng im mặt mũi xanh dờn mà ngã ra chết tốt.
Gã đánh đàn sẽ thừa cơ nắm lấy tay tôi kéo ra khỏi gầm bàn đẩy lên bục cao của giáo sư cho mọi người cùng chiêm ngưỡng dung nhan của thằng tiểu quỉ si tình. , rồi mỗi người chêm vào một câu, sau mỗi câu là một tràng cười diễu cợt trong đó giọng của Cúc trong trẻo là nổi bậc lên hết thảy. Từ màu xanh dờn mặt tôi chuyển qua màu tím ngắt. Có lẽ tôi chỉ còn một cách chọn lựa duy nhứt là bỏ xứ ra đi. Ra đi thiệt sự. Tôi sẽ cuốn gói âm thầm trốn theo gánh hát cải lương đang lưu diễn ở rạp hát cách nhà tôi độ trăm thước. Nhện sa xuống nước nổi phình, kiếu huynh kiếu đệ kiếu người tình tôi lui.
Cúc đẹp đậm đà. Làn da trữ tình ngòn ngọt mật ong phơn phớt. Lông mày lá liễu rõ nét mảnh mai, hàng mi cong cong chơm chớp rù quến gọi tình. Mái tóc xõa dài những sợi tóc tiên mượt nhỏ đen tuyền. Nhưng đặc biệt nhứt là nụ cười tươi tắn chói rọi nắng xuân, và lụy anh hùng là ở hai khóe nhỏ cuối đường môi đóng ngoặc cho nụ cười lăng lẳng. và tôi đã lụy, dù mình chẳng phải anh hùng. Cúc mặc áo xanh rêu, dáng nàng gầy liễu yếu. Nghe đồn nàng mắc bệnh lao, nhưng tôi không tin. Tôi chắc chắc rằng vi trùng lao không thể nào đột nhập được một nhan sắc tốt tươi đã khiến cho tôi nao nức si tình lờ đờ lẫn đẫn.
Những ngày cận bãi trường, ngày nào tôi cũng nặng gói hành trang lên nằm vùng ở bàn chót lớp đệ tứ để nghe các anh các chị dợt hát để trình diễn cho cả trường họp mặt chung vui trước khi chia tay nhau về nhà ăn Tết. Đối với nhà phê bình nghệ thuật sành điệu lớp đệ lục, Cúc là đệ nhứt giai nhân, Cúc là đệ nhứt ca sĩ. Tôi khờ khạo ôm lấy nhan sắc, và tiếng ca của nàng mà tưởng chừng mình không ngờ ôm được hạnh phúc, giống như con bọ ngựa trời ôm lấy hòn than lửa hừng hực với hy vọng tha được nó về trời để thắp sáng cho những vì tinh tú đêm giao thừa. Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi! Nghe chăng pháo Tết đang gõ cửa trái tim mình?
Và Tết năm đó, tôi âu sầu...nhớ cọp! Giống như chú tiểu sa-di nhớ cọp ngày xưa. Buổi nọ tiểu sa-di theo thầy xuống núi hành đạo. Khi đi vào phố thị, thầy chỉ một người đàn bà đẹp và nói rằng đó là con cọp hay ăn thịt người. Thầy căn dặn chú tiểu chớ khá lại gần mà rước họa vào thân. Sau khi trở về chùa, thấy mặt chú tiểu buồn xo, thầy gạn hỏi duyên cớ, tiểu đáp: “Dạ bạch thầy tại vì con nhớ cọp.”
Ba ngày Tết năm đó, dù không là thi sĩ tài danh với con tim rướm máu, tôi cũng cùng một tâm sự như Nguyễn Bính xuân năm nào khi gió xuân vừa lao xao vừa thổi tới.
Huyền Trân ơi! Huyền Trân ơi!
Mùa xuân mùa xuân mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Duy có tình ta khép lại thôi...
Hôm nay là xuân mai còn xuân
Xuân đã sang đò nhớ cố nhân
Đã có yêu nhau là đến thế
Đừng về Chiêm quốc nhé Huyền Trân!
Xuân nối xuân. Tết này qua Tết khác. Rồi lại Tết nữa.
Tết năm đó tôi và Nhựt học trò ở Sài Gòn cùng về quê ở Vĩnh Long ăn Tết. Hai đứa đều đã trở thành cậu Tú, tôi ban toán, Nhựt ban triết. Từ thuở còn chung học ở trường Cao Tiểu Vĩnh Long, tôi và Nhựt rất khắng khít nhau và thường làm thơ làm thẩn khoe cho nhau coi. Có bài tôi viết một đoạn, bên tung bên hứng rất đúng luật thơ nhà nghề và các vần các vế đối nhau chan chát, rùm rụp.
Tôi và Nhựt thường xuống la cà ở quán chị Tư Tùng ngoài chợ Vĩnh Long, gần mé Tiền Giang trăng thanh gió mát. Sở dĩ hai đứa ưa rà rà ở đây là vì thời gian đó tôi cặp với em Tuyết, Nhựt cặp với em Sáu. Hai đứa mua vải có chấm vuông lục sậm đặt may hai cái áo mới giống hịch nhau để mặc Tết. Tròng hai cái áo le lói đó lên người và xỏ hai cái quần jeans, Nhựt đèo tôi cỡi chiếc Lambretta bình bịch đổ bộ xuống quán ong bướm với nhị Kiều. Thấy hai đấng cao bồi hương thôn cỡi ngựa sắt xuất hiện, Tuyết và Sáu hớn hở ra mặt. Lăng xăng tíu tít ra mặt.
Tiết xuân mát mẻ, giai nhân mơn mởn, hai đứa bèn nổi hứng kêu rượu Bisquit pha sô đa rót vào mạch máu cho Xuân thêm nồng. Hai Kiều mắn mó áo mới của hai đứa tôi và khen đẹp. Noi gương Lý Bạch và Tản Đà, rượu ngấm độ nửa tuần tôi và Nhựt kêu hai em đem bút mực và giấy trắng cho hai thi bá đề thơ “Áo Mới.” Thơ rằng:
Hôm nay mình mặc áo mới
Áo xanh nắng vàng phơi phới
Ô hay! lòng bỗng rộn ràng
Mới hay tiết xuân vừa tới.
Ai mà dám xâm mình chê bốn câu mở đầu tuyệt vời trên đây ắt là phải bước qua xác chết của hai đứa tôi. Nhựt một đoạn, tôi một đoạn, theo đà đó mà bài thơ song tấu cứ dài ra ngoằn ngoằn. Thỉnh thoảng em Tuyết và em Sáu ghé mắt “coi cọp” và rú lên cười rúc rích. Quả thiệt, thơ xuất thần tới mức đó thì hai Kiều chỉ còn nước e lệ mà nép vào dưới hoa là cái chắc. Tôi hỏi Tuyết chớ thiệt tình thấy hai anh làm thơ có thớ không? Em bé chuyên môn xay rau má và chặt dừa tươi hoảng quá buột miệng khen túi bụi: “Hay lắm! Anh với anh Nhựt làm thơ hay lắm!”
Tôi nổi máu cỡi bò hương thôn muốn tặng cho em nhỏ ngưỡng thơ sành điệu một món quà ăn Tết sẽ còn mãi mãi sâu đậm suốt cả đời em. Tôi dắt Tuyết ra chợ nhà lồng cho người em quán nhỏ tha hồ chọn lựa. Nàng dạo tới dạo lui, liếc qua liếc lại, thỉnh thoảng ngó tôi rồi dừng bước lại trước một sạp bán guốc. nàng ướm thử nhiều đôi guốc mộc rồi cuối cùng chọn một đôi guốc sơn xanh láng bóng đóng hai quai trắng. Tuyết ôm tro tro đôi guốc mới tinh khôi trên ngực, nói để dành mùng một Tết mới đem ra mang. Tôi không chịu, bắt nàng phải đem guốc ra mang liền tức thì. Tuyết mang guốc mới đi tới đi lui, gót mộc vang khua lốc cốc dội dội trên mặt sông nước Tiền Giang mà đối với hai thi bá nghe ra tuồng như đã vang lừng giai điệu. Hai mầm non văn nghệ bèn nương theo đà khởi hứng mà tiếp tục tung ra những khúc tao đàn lâm ly dìu dặt cho bài thơ “con cóc” của mình hầu vạch một bước thang mây để đi vào văn học sử một cách trọng thể như những bậc tiền bối:
Em đi guốc mới xinh xinh
Anh mặc áo mới tình tình
Hạnh phúc mai cành một đóa
Ngát hương xuân mới đôi mình.
Và tôi đã thò tay với hái đóa mai hạnh phúc không ngờ đó đem về chưng diện cho cái tuổi vừa chớm say mê tình dục nao nức của mình trong ba bữa Tết ngợp trời hương sắc. Thò tay mà ngắt ngọn ngò, thương em đứt ruột giả đò làm lơ.
Tết nối Tết. Rồi lại Tết nữa.
“Năm nay em đã lớn khôn rồi, em không còn lêu lổng chơi bời như những khi còn bé nữa.” Lớn thì quả có lớn lên thiệt, mà khôn thì chưa chắc đã khôn hơn trước. Lêu lổng thì chưa bỏ được, còn chơi bời thì thôi nói tới làm gì!
Sau Tết Mậu Thân, thời buổi giặc giã chinh chiến không ngừng. Khi lớn lên, những lúc gần cuối năm, tôi bắt đầu ăn Tết lai rai, và ba ngày Tết thiệt sự chỉ là một cái cớ cho tuổi trẻ ham vui dợt trước dài dài. Những ngày cận Tết, thỉnh thoảng chiến trường lắng đọng, thiếu tá Thứ từ Lai Khê vọt về kéo Danh , Lộc và tôi đi “hát dạo”, la cà tửu quán trà đình. Rồi một chiều nắng đẹp nọ sau khi thu dọn chiến trường đớp hít ở Chợ Cũ, trên đường về Lai Khê, Danh kéo cả bọn tấp vào một cái quán tre không tên ở miệt Bình Dương. Nói là quán chớ thiệt sự đó là một căn nhà lá hiền hậu như thường thấy ở miệt quê miền Nam. Sau nhà là một khu đất trống khá rộng bày biện vài bàn gỗ thấp xung quanh lác đác ba bốn cái ghế cóc đã cưa cẳng thấp bớt cho vừa tầm. Điểm đặc biệt là trong vườn um tùm những khóm tre gió đưa kẽo kẹt lay lắc những bóng lá thanh thoát gầy nhọn la đà. Nhờ có Danh là thổ địa nên mới biết được những giao thông hào và sào huyệt kỳ lạ như vầy.
Hầu rượu chúng tôi là hai em “bia ôm” có vẻ bụi đời, một em son phấn màu sắc chói nghịch phì phà, một em nhuộm tóc màu hoe nâu bất định, cánh tay để trần có cái thẹo lớn và trên vai có xâm hình xanh đỏ. Danh nháy mắt đánh mật hiệu cho thiếu tá. Còn tôi thì chẳng tha thiết gì, lòng cảm thấy lâng lâng êm ả dưới bóng tre tinh khiết đang đùa cợt cùng nắng quái chiều tà, tâm hồn lan man hạnh phúc vẩn vơ như chợt sống lại một thuở thanh bình yên vui bây giờ đã mất. Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi... Ngó Thứ đang mân mê vết thẹo lớn trên vai em bé xâm mình. Vọng xa xa nhiều tiếng nổ rền rền văng vẳng, nhắc nhở thời buổi chó má nầy còn lâu mới hết được. Trên xứ sở tang thương mịt mù có ngày nào mà không nghe tiếng thét gầm của đại pháo? Thứ cầm ly cối đưa lên miệng nốc một hơi cạn, mặt đỏ rần. Tiếng đại pháo vang dội gần hơn trong bóng chiều xế ngã... Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi. Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
Bỗng từ sau nhà bước ra một tiểu Kiều tay cầm một xô nhôm nước đá bước về phía chúng tôi tiếp tế. Tôi dụi mắt. Dáng dấp quen quá. Tiểu Kiều tới gần, mi mắt trên bụp nhẹ, đôi môi hình trái tim, tóc uốn dợn mơ hồ. Trời ơi Hoa! Hoa Bến Đò, Hoa người yêu mười sáu tuổi tôi ôm hôn lần đầu tiên trong đời bên dòng sông Định Tường. Tiểu Kiều gấp nước đá cục bỏ vào ly chúng tôi, vách ly va chạm nước đá long cong. Đúng là Hoa, một nhan sắc hơn mười mấy năm qua không hề suy xuyển. Quả thiệt nhiệm mầu! Tiếp tế xong tiểu Kiều đặt xô nhôm lên bàn và trở gót. Tôi gọi nhỏ “Hoa! Hoa!”, tiểu Kiều tiếp tục bước đi, tuồng như không nghe. Tôi đứng dậy chạy theo. Tiểu Kiều bước vào nhà sau, tôi bước theo rồi ngừng lại ở ngạch cửa gọi lớn “Hoa!”. Tiểu Kiều giựt mình ngó lên, mặt nàng có vết lọ nghẹ như cô Bé Lọ Lem. Nàng đang chụm lửa vào một thùng phuy lớn kê trên ba tảng đá xanh đặt ngay trên mặt đất, đoán chừng là nồi cháo heo. Tôi gọi “Hoa!”. Nàng ngơ ngác ngó quanh ngó tôi rồi nói, “em đâu phải tên Hoa.” Tôi thừa biết như vậy rồi, nhưng nhứt quyết: “Bữa nay đối với anh, em tên là Hoa, quê quán ở Định Tường.” Tiểu Kiều nói “anh nầy kỳ cục quê em ở Trảng Bom, dưới đó giặc giã quá nên em phải lánh nạn với dì em ở đây, em phải phụ với dì lo chuyện lặt vặt trong nhà.”
Hình ảnh Hoa vo gạo, tắm em và giặt giụa bên sàn nước hiện lên ràng ràng trong trí tôi, những lúc tôi ôm ruột xe bơm cứng hơi thả nổi phình theo dòng sông Định Tường để được nhìn tận mặt nàng, hồi thuở tôi còn đi học trọ ở Bến Đò. Tiểu Kiều lính quýnh giục tôi trở lại bàn ngoài sân ngồi chơi với mấy anh bạn và mấy cô kia đi, không có dì em lại la em bây giờ. Đột nhiên tôi tự động móc bóp mình ở túi sau lôi ra tất cả số tiền mặt còn lại trong bóp đưa hết cho tiểu Kiều. Nàng chưng hửng ngó tôi lấm lét. Tôi nói em cầm đi, anh lì xì cho em ăn Tết đó. Tiểu Kiều dụ dự chưa biết tính sao. Tôi nắm tay nàng mở ra và xả láng món lì xì giữa các ngón tay mềm mại đã có vài vết chai cứng. Nàng chới với cúi đầu. Hồi lâu tiểu Kiều ngửng gương mặt lọ lem lên buông tiếng ngập ngừng: “Rồi anh... rồi anh có đòi hỏi gì em không?” Câu hỏi hết sức tự nhiên lại khiến cho tôi bực mình, bởi lẽ lòng tôi lúc đó vô cùng thành thật, không hề tiềm ẩn một chút hậu ý gì. Nhưng cũng liền tức thì tôi nhận thức mình sao lại quá cố chấp. Thời buổi giặc giã, ai biết? Phải hiểu.
Tôi mỉm cười lắc đầu: “Không! Anh không đòi hỏi gì em hết! Anh chỉ muốn lì xì cho em ăn Tết, vậy thôi.” Tiểu Kiều vẫn chưa hết cơn bối rối: “Thiệt hả anh?...Thiệt hả?”, nàng ngó tôi ngơ ngác. Tôi gật đầu: “Ừ! Anh không đòi hỏi gì em hết.”
Gương mặt lọ lem hớn hở của tiểu Kiều còn chập chờn dưới ánh lửa lắc rắc tỏa ra từ bên dưới thùng phuy lớn, mắt ngó long lanh, tôi bồi hồi lui gót. Trở lại dưới vòm tre đang giỡn đùa cùng nắng quái, tôi tự chuốc rượu lấy một mình và dần dần chếnh choáng. Biết bao lần tôi tự níu lấy mình lại để khỏi phát điên chạy vô nhà sau ôm lấy tiểu Kiều và cạ môi tôi lên môi nàng, như lần đầu tiên tôi hái nụ hôn đầu đời trên môi Hoa trước cửa hàng ba nhà nàng, để rồi khi trở về nhà trọ hễ nhắm mắt là tôi lại thấy mình bay bổng lên khỏi sàn gác trọ và chóng mặt rên ư ử. Tôi vẫn còn ngồi sờ sờ ở vườn tre khua lá xào xạc mà tâm trí đã thả trôi về dòng sông Định Tường tự bao giờ. Chẻ tre bện sáo cho đầy, ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp anh. Bóng dáng hạnh phúc lâng lâng ngập ngừng giấu mặt. Có gì đâu? Một tiểu Kiều tình cờ xuất hiện, một cái Tết giặc giã cận kề, những chùm hoa nắng hực hở, những bóng lá tre thoát tục, và rồi tấm lòng tôi một thuở yêu Hoa nguyên hiện trong lành giờ đã từ từ ố hoen say khước.
Thứ nắm vai tôi lắc lắc. Danh đưa ly cối lên la lớn: “Ê! vô mầy!”, đoạn ngó qua Thứ: “Mẹ rượt! Bữa trước mất tin mầy hồi xảy ra trận An Lộc thằng Kiệt nói ngồi trong quán ở Chợ Cũ khóc ròng. Nó tưởng mầy chết rồi chớ. Ai dè mầy còn sống nhăn. Ha! Ha!... Đ.m. mấy thằng Việt Cộng!...Thôi vô chớ!”. Tôi cầm ly lên đưa cao cụng lốp cốp bên nầy một cái bên kia một cái. Ngó Thứ ôm em bé xâm mình, miệng cười rộng trên cổ áo màu ô liu trộn lẫn mầu đất, coi bộ Thứ vui thiệt tình trong giờ phút nầy đây dưới vòm lá tre xuân. Tưởng chừng như Lai Khê là địa danh xa lạ của một hành tinh nào khác. Và chiến tranh tự thuở Kinh Kha đi thuyền nhỏ qua sông Dịch, tự thuở Khắc Chung tuốt gươm tràn qua hai châu Ô Lý để cướp Huyền Trân ở xứ Hời... có cảm tưởng chiến tranh tự thuở nào đối với loài người vẫn tuồng như là một nhu cầu tất yếu, không phải tất yếu cho lịch sử mà là tất yếu (hay đúng hơn là một hệ lụy) của cái biến dịch của trời đất, không có gì phải sợ hãi, không có gì đáng quan ngại. Dương Tử giang đầu, dương liễu xuân, Dương hoa sầu sát độ giang nhân. Sổ thanh phong địch ly đình vãn...
Rồi bằng cách nào tôi đã trở về được thủ đô tôi cũng không rõ. Tôi có giả biệt tiểu Kiều hay không tôi cũng không nhớ. Sực tỉnh thấy mình đang đứng ở vỉa hè Sài Gòn hoa lệ, gần sạp nước mía Viễn Đông. Tôi vốn uống nhiều hơn ăn nên bây giờ cảm thấy bụng đói cồn cào khi cuộc hoan vui chấm dứt. Tôi xáp vô ngồi ở một tiệm mì có đặt bàn ghế lộ thiên gần sạp nước mía Viễn Đông. Tôi gọi một tô mì lớn có hoành thánh trộn lẫn. Tôi ăn ngấu nghiến. Trong bụng còn tần ngần nhớ bóng lá tre thiền vị, nhớ trận chiến An Lộc kinh hồn đã đốt Thứ cháy lột da lưng, nhớ Danh, nhớ Lộc, nhớ Nhựt, nhớ tiểu Kiều, nhớ Hoa. Bằng những nghiệp chướng riêng biệt của mình. Biết tới bao giờ mới lại được hội ngộ tình cờ ở quán tre như chiều hôm nay một lần nữa? Và khi đó, biết sẽ ai còn ai mất? Cuộc binh đao biết bao giờ mới dứt, em bây giờ xiêu lạc hà phương, còn chàng thì đã xanh rì cổ mộ.. Dương hoa sầu sát độ giang nhân. Sổ thanh phong địch ly đình vãn, quân hướng Tiêu tương, ngã hướng Tần... Trong thoáng chớp tôi vụt sống lại những cảm giác nguyên thủy cuộc tình của mình cái thuở ban đầu mới lớn. Và không khỏi thầm lo ngại cho tiểu Kiều. Một xứ sở bầm giập, những miền quê ngụt cháy, những địa pháo Lai Khê, những Trảng Bom nát bấy, những ruộng vườn trụi lá, những mìn đạn bờ đê, những đồi cao ngút trời lửa sắt...
Mai mốt em tôi về xứ Bắc
Cách bao đồi núi cách bao sông
Tôi nằm mộng thấy em cười khóc
Lo ngại đời hoa nhạt má hồng.
Đóa hạnh phúc nào tôi đã từng hái được trên môi Hoa một buổi tờ mờ sáng bên dòng sông Định Tường giờ chợt bừng nở lại trong khu vườn mát rượi bóng tre xuân ở Bình Dương lúc chiều tà. Tôi bồi hồi thấp thỏm như mới hò hẹn lần đầu tiên với người yêu thứ nhứt bên kia chùa Vĩnh Tràng. Thời gian bất lực trước trí nhớ, hay trí nhớ bất lực trước thời gian, tôi không rõ. Chỉ biết buổi chiều cận Tết hôm nay tôi đã bất ngờ hái tặng và chia sẻ cùng tiểu Kiều một đóa hạnh phúc. Một đóa hạnh phúc rất vô thường, cũng như kiếp người, cũng như vế chim bay, cũng như nhan sắc, cũng như tình yêu, cũng như khổ đau, cũng như nay chính bông hoa hoài niệm yêu kiều tôi vừa hái được còn rung động phập phồng trên tay mình vậy đó.
Và khi đứng dậy trả tiền tô hoành thánh, tôi mới sực nhớ ra trong túi mình không còn một cắc!
Rồi Tết lại nối Tết. Tết đến, Tết qua, rồi tết lại trở về. Nhưng có những dư vị mùa Xuân không bao giờ trở lại nữa. Không bao giờ. Mà nghĩ ra nào có hiếm hoi gì đâu! Cái đóa hạnh phúc tôi đã tình cờ hái được hết sức giản dị. Vô cùng giản dị. Đóa hoa đó nằm trong tầm tay của tất cả mọi người.
Tết năm đó ở Bạc Liêu tôi vừa được đâu năm tuổi. Như mọi đứa nhỏ khác, tôi nao nức đợi chờ sáng mùng một để mặc đồ mới le lói với mấy thằng lỏi cùng xóm. Tôi thức rất sớm, má tôi thay cho tôi bộ đồ kẻng láng cón. Tôi ra ngồi ở đống cây thợ mộc của ba tôi trước nhà để chờ Tết. ngoài đường chưa thấy bóng ai xuất hành. Ngang nhà tôi là tiệm cầm đồ, một loại nhà cao cẳng có vách sơn vôi trắng cao ngất mới tinh. Đối với tuổi tôi thuở đó, ngôi nhà ngang mặt là lớn nhứt thế giới. Một bận anh tôi đi Sài Gòn về khoe với bà con là thành phố Sài Gòn lớn minh mông thiên địa. Tôi nổi máu địa phương “quê tôi đẹp lắm người ơi!” hỏi vặn lại anh tôi chớ liệu Sài Gòn có lớn bằng cái tiệm cầm đồ ngang nhà của tôi hay không?
Ngồi ở đống cây ngó qua tiệm cầm đồ tôi chứng kiến nắng Tết từ từ mọc lên trên vách tường vôi, và ngấn nắng từ từ bò lên cho tới lúc cả bức tường vôi ngập nắng chan hòa. Chỉ có vậy thôi. Nhưng lòng tôi chao ôi hạnh phúc không sao tả xiết! Tôi bị thôi miên bởi vách nắng, mắt không rời một giây vũng sáng rực rỡ. Thỉnh thoảng có bóng chim bồ câu bay trờ vô in hình trên vách sáng, xập xòe lướt ngang rồi từ từ thoát ra khỏi vũng mặt trời. Tôi đê mê lặng ngó tường nắng. Cho tới lúc bóng cây dừa rẻ quạt mình lên tường nắng nghỉ ngơi, rồi tới tàng bóng me hiền hậu e dè đưa từng chùm ngón tay sờ soạng thăm dò vách nắng. Lòng tôi sung sướng quá đổi. Không sao giải thích được. Mọi sự mô tả đều thất bại. Ngòi bút tôi sẽ không đời nào đủ mức tài tình để truyền đạt cái cảm giác hạnh phúc vô biên và tinh khiết của thời khắc đó. Ngó nắng, và rồi hạnh phúc. Vậy thôi. Giải thích? Biết sao mà giải thích bây giờ? Vì nắng đẹp? Vì bóng câu sập xòe? Vì tôi còn nhỏ? Vì Tết đến? Vì bóng lá dật giờ? Vì lòng tôi trinh bạch? Hay là vì tất cả những thứ đó hiệp lại cùng lúc mà phát sinh mầu nhiệm?
Một đóa hoa hạnh phúc dị thường nương theo cánh nắng đã bất thần mọc lên trong lòng đứa nhỏ năm tuổi ngồi đợi Tết ở đống cây trước cửa nhà mình. Cùng lắm tôi cũng chỉ có thể mô tả hay nói lên được có bao nhiêu đó mà thôi. Một chút nắng. Một chút nắng vàng thắp trên vách tường cao trắng. Một chút vách nắng mọc lên bất ngờ mà rồi trong lòng đứa nhỏ bỗng dưng ngạt ngào sung sướng? Vàng Xuân áo rũ phơi tường, hiền câu rượi mát thiên đường tuổi thơ...
Rồi Tết lại nối Tết. Xuân hạ thu đông. Mùa lại nối mùa. Mai sen đào cúc ra đi. Rồi Cúc đào sen mai lại trở về. “Trở về” như bài ca Cúc đã có lần cất tiếng hát lên Tết năm nào. Cúc! đóa hoa vô thường đã bất ngờ đơm bông hạnh phúc trong lòng đứa con trai còn ngồi lớp đệ lục mùa Xuân năm đó. Những tai hoa cúc trắng, những phiến nắng rộ vàng, những chấm phượng rực đỏ giữa tàng lá mông mênh. Cột nhà hàng xóm lên câu đối, em đọc tương tư giữa giấy hồng, thiên hạ đua nhau mà sắm Tết, một mình vẫn cứ tay không. Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống, nhớ chi làm sao nhớ lạ lùng!
Tôi mỗi ngày một thêm tương tư, mỗi ngày thêm mất hồn, mỗi ngày một thêm lãng mạn. Chiều tất niên năm đó tôi càng thêm rụng rời khi nhìn Cúc đứng dậy và cất tiếng hát giữa sân trường:
Về đây buồn trông cánh chim bay
Về đây buồn nghe gió heo may
Về đây đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thấm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây...
Giọng nàng trong trẻo ngân nga như hồi chuông thanh thoát đang giục gọi hồn tôi. Tôi chết mất. Áo nàng vàng tôi về yêu hoa Cúc, áo nàng xanh tôi mến lá sân trường. Nhưng dù cho áo nàng có xanh rêu tôi vẫn cứ thủy chung hằng thường yêu hoa cúc. Khi buổi họp mặt tất niên chấm dứt, đời tôi tự dưng trống trải vô bờ. Tôi bàng hoàng kinh sợ. Tôi kéo Tấn, thằng bạn cùng lớp với tôi, đi rà rà vòng quanh chợ Tết giải khuây. Thấy tôi có vẻ thẫn thờ ấm ớ, nó hỏi tôi có chuyện gì mà bữa nay sao tao thấy mầy bí xị kỳ cục vậy. Tôi nói lại tôi... thèm ăn dưa hấu. Nó tưởng thiệt nên cũng chiều ý lựa mua một trái dưa hấu khá bự, biểu tôi theo nó về nhà xẻ ăn. Tôi không chịu. Tôi đòi lên Cầu Bắc Mỹ Thuận rong chơi. Nó cũng chiều ý bỏ tôi ngồi trên đòn dông xe đạp tay ôm kè kè trái dưa hấu, nó đạp ì ạch cả năm sáu cây số lên tới Cầu Bắc. Nó biểu tôi xuống bong tàu xẻ trái dưa hấu ăn cho hết rồi đi về. Tôi không chịu. Tôi lại đày nó đạp thêm năm sáu cây số nữa trở lộn về Vĩnh Long. Trời đã bắt đầu sụp tối.
Khi sắp vô châu thành, tôi biểu nó quẹo ở ngã ba Cần Thơ, không biết chi vậy nữa. Đạp thét một hồi mỏi cẳng nó đòi về. Thấy mình cũng có mòi quá lố, tôi thuận ý. Tôi biểu nó quành qua con đường chạy ngang trước cửa nhà Cúc. Không thấy nàng đâu. Tôi bỏ cuộc để mặc cho Tấn muốn chở tôi đi đâu thì chở. Nó kè tôi xuống Cầu Tàu, ngó qua bên kia cù lao An Thành. trời đã tối mịt. Đêm cuối năm không trăng, chỉ có vài ánh thuyền chài lấp ló bên kia cù lao. Tôi theo Tấn từ trên cầu tàu nhảy xuống chiếc sà lang bằng sắt neo sát đó, tay vẫn còn ôm kè kè trái dưa hấu. Không có dao, thằng Tấn dơ cao trái dưa hấu lên đập xuống lòng sắt xà lang. Trái dưa bể tét, tôi và nó vừa cạp dưa hấu vừa nói chuyện bá vơ. Cắn miếng dưa hấu ngọt xớt, trên sông lại có gió xuân hây hây thổi từng đợt sóng nhỏ đập nhẹ lách tách làm lắc lư chiếc xà lang, tôi cảm thấy lòng mình vừa dịu dịu hiu buồn vừa nao nao hạnh phúc. Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, giang phong ngư hỏa đối sầu miên... tôi đoán chừng xưa kia Trương Kế chắc cũng ngồi xuồng nhỏ, nhìn trăng xế, ngóng quạ kêu và... cạp dưa hấu, thi sĩ bèn cảm hứng đề bốn câu thơ lưu danh hậu thế...Cô Tô thành ngoại hàn sơn tự, dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...Có cảm tưởng mình đang thực sự ăn Tết đây rồi chớ không cần gì phải đợi cho tới qua ngày mùng một. Hai đứa ăn một mách láng te trái dưa hấu, bụng căng phình phát ách như cái trống chầu. Tôi ợ một hơi dài rồi rủ Tấn cởi hết quần áo xuống sông trầm nghịch. Nó la lên: “Cái thằng nầy! Bộ mầy khùng tới nơi rồi hả?”
Mà có lẽ tôi khùng thiệt chớ không phải chơi. Ba ngày Tết qua rồi, tôi không còn được dịp nghe nàng ca hát. Tôi phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến mùa hè, cho tới ngày bãi trường lớn. Có lẽ trong dịp đó Cúc sẽ xuất hiện trên sân khấu để ru hồn mọi người và bỏ bùa mê thuốc lú vào tim tôi lần nữa. Tôi lại nghe đồn phong thanh có người muốn dạm đi hỏi nàng về làm vợ, tôi càng thêm bấn loạn lính quýnh. Ba ngày Tết vừa nhẹ nhàng lướt qua, bước chân vẫn hãy còn hăng mùi thuốc pháo rộn rã tưng bừng!
Hôm nay là Xuân mai còn Xuân, pháo đỏ đầy thềm nhớ cố nhân... Mùa Xuân vẫn hãy còn nguyên vẹn đó, mùa xuân chỉ mới vừa khởi sự thôi Cúc, và tiết xuân vẫn hãy còn bàng bạc lâng lâng... Hôm nay là Xuân mai còn Xuân, phơi phới mưa sa nhớ cố nhân, cung nữ môi tôi rần rật điệu, ai về Chiêm quốc hộ Huyền Trân.” Tôi không phải là Khắc Chung mà trong bụng mình thôi cũng ngổn ngang trăm mối. Hỡi châu Ô Lý bao nhiêu đất? Mà vỡ trong ta một cõi lòng!
Tôi biết đánh đờn măng-đô-lin và ngón trê-ma-lô nghe ra cũng khá giòn –- tôi sực nhớ ra. Sao mình thiệt ngu quá! Thỉnh thoảng tôi giữ một tay đờn cho ban nhạc trường trung học Nguyễn Thông do thầy Tư Hón làm ông bầu. Sao tôi không thử đề nghị với Thầy cho tôi hát thử một bản, biết đâu nhờ dịp đó mà tôi ngửi được hương tóc bí mật của nàng. Dụ dự mãi tôi mới dám đề nghị với thầy, và may phước thay! Thầy nhận lời. Không phải nhận cho tôi lên sân khấu trổ tài mà là nhận cho tôi hát lót đường trong đêm đốt lửa trại ngoài sân vận động Vĩnh Long trước khi bãi trường thiệt sự. Thôi như vậy cũng được vì đêm đó Cúc cũng sẽ góp tiếng, vẫn bản ruột Trở Về của Châu Kỳ.
Còn tôi? Tôi không dám đề nghị với thầy Tư Hón cho tôi hát những bản tân nhạc lãng mạn mút mùa đang thịnh hành thời đó như Dư Âm, Trở Về Bến Mơ, Lời Hẹn Xưa, Lá Đổ Muôn Chiều, Ai Về Sông Tương, Chờ Một Kiếp Mai... hay bản vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu với giọng ca Út Trà Ôn mùi mẫn. Thầy đồng ý cho tôi hát bài Sau Lũy Tre Xanh dìu đặt với lời ca mộc mạc chân tình của miệt đồng quê thôn dã: Sau lũy tre xanh xưa làng cũ, tiếng gió đưa êm đềm một chiều thu. Bao ngày thắm khi ta còn thơ, người ơi sao vẫn thờ ơ!... “Người ơi! Sao vẫn thờ ơ?” Lời ca thiệt chí tình, vẫn còn có một chút hy vọng mong manh biết đâu nàng sẽ nghe thấu được thông điệp của mình mà bồi hồi đoái tưởng. Càng cận ngày đốt lửa trại tôi càng dợt riết tới và cũng càng khớp riết tới, càng lính quýnh riết tới.
Rồi giờ trọng đại đã điểm!
Ban nhạc và ca sĩ ngồi trên hai bệ vuông ghép đôi cho có đủ diện tích đặt giữa sân vận động, xung quanh có ánh lửa trại đốt lên bập bùng. Rừng thiêng nghe bao sức sống... ú u! ú u!... Với bài hợp ca mở đầu man dại đó, mọi người dần dần qui tụ đông đủ. Đông đủ, ngoại trừ người ngọc mà vì nàng, chỉ một mình nàng, tôi sẽ cất tiếng hát lên đêm nay. Chờ hồi lâu. Rồi một hồi lâu nữa. Ban nhạc đã chơi dứt ba bốn bản hùng ca mà vẫn không thấy người ngọc của tôi xuất hiện. Tôi làm gan hỏi gã đệm đàn chớ duyên cớ gì khác thường mà Cúc đâu sao bây giờ vẫn chưa thấy tới? Hắn nói gia đình đã vội vã đưa nàng lên Sài Gòn hồi sáng nầy để chữa bịnh. Bịnh gì, tôi không dám hỏi tới. Tôi bủn rủn! Hết còn tha thiết đàn địch ca hát gì nữa. Nàng mang trọng bịnh ngặt nghèo của nàng. Tôi mang trọng bịnh chí tử của tôi: bịnh tương tư!
Gần tới phiên tôi ra hát. Tôi tằng hắng và lẩm nhẩm một mình để thử giọng. Không một âm thanh nào thoát ra khỏi cổ họng tôi hết. Tôi bàng hoàng. Tôi tưởng tại vì mình hát nhỏ quá nên không nghe được, tôi cố hát lớn hơn. Từ môi tôi chỉ phát ra vài tiếng láp kháp không hồn. Tôi hoảng hốt. Thanh âm dại khờ trong cổ họng tôi đã theo tà áo Cúc mà bay đi mất rồi! Tôi khều gã đánh đàn và ra dấu cho hắn hiểu là tôi đã tắt tiếng. Thừa lúc ban nhạc bận rộn lăng xăng, tôi lén rút lui một mình êm thắm. Không biết có ai lăng xăng lít xít đi tìm kiếm nhà tiểu nghệ sĩ đa tình hay không nữa.
Ra tới ngoài đường lớn ngoái nhìn lại sân vận động dưới ánh lửa bập bùng, tôi có cảm tưởng mảnh tình si của tôi đang bốc lên cao theo tàng đóm đỏ rực chi chít để rồi thất lạc giữa không trung tối đen mà bay đi mất hút. Tôi biết. Tôi hằng dư biết. Tôi đã dư biết từ lâu. Nhưng không rõ nàng có biết. Nàng có biết chăng trong dịp Tết vừa qua, khi nàng đứng dậy và bắt đầu cất giọng thủy tinh ru hồn thơ dại của tôi:
... Chiều nay buồn trông cánh chim bay
Chiều nay buồn nghe gió heo may
Chiều nay đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thấm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây.
Nàng có biết đâu khi nàng vừa dứt câu hát cuối cùng của bài ca đó thì nguyên vẹn tuổi xanh tôi đã vỗ cánh nương theo tiếng hát thiên thần của nàng mà vút bay về một thiên đường lãng mạn khù khờ xa tít. Và sẽ không đời nào trở lại nguyên vẹn như thuở tôi vừa ngờ nghệch chớm si tình nàng một lần nữa bao giờ, mặc cho mùa Xuân có theo tiết điệu tự nhiên của trời đất mà tuần hoàn trở lại. Dù không chắc đã có thề nguyện gì nhau từ những kiếp nào xa lắc, trong giờ phút hiện tại nầy đây, vẫn có cảm tưởng vô tình nàng đã để cho hững hờ trôi mất trăm năm nguyền ước hẹn thề...
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi! chị một em em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Chén rượu tha hương trời! đắng lắm...


Kiệt Tấn

No comments: